7 giờ sáng ở Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, những dãy hành lang phòng bệnh tất bật tiếng bước chân. Các điều dưỡng tận tình đánh thức từng phòng bệnh. Có người nhanh chóng bật dậy bước ra ngoài cửa cười lớn, chạy nhảy tưng bừng. Có người uể oải nán lại trên giường…
Chỉ khi nào BN uống xong phần thuốc của mình, xe thuốc mới được đẩy đi… |
Theo dấu người bệnh
Bài tập thể dục buổi sáng diễn ra tại khoảng sân rộng theo từng khoa riêng. Từ các phòng bệnh ra sân chỉ cách chừng chục bước chân nhưng để các bệnh nhân (BN) nghe lời là thấm cả bao nhiêu lời nói nhẹ nhàng, khuyên bảo của từng điều dưỡng. Những động tác thể dục đơn giản nhưng lại là liệu pháp rất quan trọng giúp BN lấy lại thăng bằng về thể chất và tinh thần.
Tan buổi tập, họ ngồi quây quần từng nhóm nhỏ với những trạng thái cảm xúc khác nhau. Nhóm này, tôi nghe được một câu chuyện đầy hoang tưởng của một BN tên Kiên quê ở Gia Lai: “Em được xuống đất sống thấy vui lắm, trên thiên đình toàn mây. Nhưng ở đây lạnh và khổ. Em thấy lạnh nên lấy giấy vàng giấy bạc trên bàn thờ nhà hàng xóm đốt cho ấm, tự nhiên họ nói em là điên. Rồi cha mẹ đưa em vào đây ở hơn 2 tháng rồi”. Các BN ngồi bệt xuống nghe chăm chú, đầy vẻ thích thú. Nhóm khác, tôi lại thấy họ chơi trò cõng nhau hay thi ca hát, bỗng chạnh lòng bệnh tình đã khiến họ hóa trẻ thơ…
Thời gian điều trị của một BN ít nhất phải 45 ngày, đối với những trường hợp mãn tính cần chế độ điều trị lâu dài. Nhiều gia đình có người bị bệnh thường xuyên phải chịu cảnh bị đập phá khi lên cơn. Họ đành gạt nước mắt khi nhìn người thân bị khóa chặt sau cánh cửa sắt bệnh viện để điều trị dài hạn. Chị Liên (ở Hòa Khánh) với dáng người nhỏ thó, khắc khổ, đôi mắt hằn sâu tâm sự. Chị lấy chồng sinh được 3 người con, đứa lớn đã đi làm còn hai đứa đang tuổi học. Người chồng có tiền sử bệnh thần kinh lại nghiện rượu nặng nên thường xuyên đánh đập mọi người trong gia đình. Chị đưa chồng vào điều trị, mong có chút thời gian mưu sinh. Chị cũng không nhớ chồng mình đã sống ở đây bao nhiêu năm nữa. “Không có bác sĩ và mọi người ở bệnh viện chăm giúp chồng, tui không biết sống sao để nuôi mấy con khôn lớn”, chị ứa nước mắt nói.
Hết lòng với bệnh nhân
Hiện bệnh viện có khoảng 200 BN đến từ nhiều tỉnh thành miền Trung. Đại đa số những gia đình có người bị bệnh đều thuộc diện gia đình khó khăn. Trong đó, có nhiều BN không thể nhớ được cuộc đời có bấy nhiêu ngày tháng xem nơi đây là nhà, như Hà Chí (ở Hòa Liên), Chu Quang Dũng, Nguyễn Ngọc Dũng ở Hòa Khương...
Chuyện BN cầm nguyên khay cơm hất vào mặt cấp dưỡng rồi đột nhiên cười lớn, chuyện BN sử dụng bạo lực, chuyện dỗ dành, đút cơm cho BN như chăm một đứa trẻ… là những chuyện thường ngày ở bệnh tâm thần này. Ngày nào cũng vậy, đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng…, những con người đã mở lòng xem BN như người nhà của mình, đã rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười khi BN lên cơn, tâm thần bất ổn, tính tình cộc cằn, hung hãn. “Thấy bệnh nhân mất kiểm soát nhiều khi cũng sợ lắm, nhưng quen rồi, cố gắng trấn tỉnh dùng liệu pháp tâm thần khuyên ngăn, can thiệp rồi nhanh chóng kiểm tra sức khỏe cho thuốc phù hợp”, điều dưỡng Hồ Thị Thuần chia sẻ. Điều dưỡng Lê Văn Tuấn thì nhớ như in những cú đấm như trời đánh của BN: “Tau không muốn uống thuốc, mày làm gì được”.
Có lẽ không một nơi nào lại có cách chăm sóc điều trị BN như ở nơi đây. Chỉ riêng chuyện uống thuốc thôi, chỉ lơ là một chút, thì xem như viên thuốc đã bay vọt ra ngoài. Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng khoa Tâm thần nam, với 30 năm gắn bó với BN, cho biết: Chúng tôi luôn xác định, không nơi đâu cần sự yêu thương, chia sẻ cùng BN như ở đây. Chỉ cần một cử chỉ của sự ruồng bỏ, hay đối xử không tốt, gây sức ép, đối kháng với người bệnh sẽ gây hậu quả khôn lường, đẩy BN vào con đường cụt của việc chữa trị.
Đêm mùa đông, tiết trời se se lạnh, không gian trở nên khá yên tĩnh. Chốc chốc lại có những tiếng than khóc, kêu la thất thanh rồi im phắc. Sau giờ uống thuốc là đến giờ BN đi ngủ. Các bác sĩ và điều dưỡng đi từng phòng bệnh khuyên người bệnh lên giường, nhắc hoặc tự tay mắc màn, thêm chăn chiếu để các BN có đủ ấm, tạo giấc ngủ sâu, là liệu pháp tốt trong chữa bệnh. “Ở nhà, trừ gia đình còn ai cũng nói em bị bệnh, ở đây, ai cũng thương em. Đến bữa có cơm ăn tối đến còn có người đắp chăn giúp, em thấy rất ấm”, một nữ BN tâm sự.
Khi BN đặt những bước chân loạng choạng vào đây, chưa xem bệnh viện như ngôi nhà thứ hai của mình, những người điều trị và chăm sóc họ đã xác định, xem BN như người nhà để ngoài sự vận dụng thuần thục kỹ năng tâm lí học, tâm thần học trong quá trình điều trị, còn là việc tôn trọng, yêu thương không có điểm dừng đối với các BN. Chỉ có vậy, con đường trở thành người có ích cho gia đình, xã hội mới thôi dài tít tắp.
Bước ra ngoài cánh cửa bệnh viện tâm thần là gặp ngay đường phố ồn ào náo nhiệt. Nhìn dòng người cuộn chảy, lại nhớ tới lời bác sĩ Minh khi nói về BN: Có hiểu được cái tâm của họ cũng như mình, nếu không bị bệnh thì đã không làm vậy, thì mới bỏ qua, để khuyên ngăn, để chữa trị…
NGUYỄN TIẾN