.

Màu xanh thanh niên

.

Vài năm trở lại đây, hàng chục ngàn cây xanh được đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thành phố vun trồng, chăm sóc trên các tuyến đường. Những thân cây giờ đã bén rễ, bám chắc vào mảnh đất quê hương tựa như sức trẻ thành phố đang dần lớn lên, tươi tốt từng ngày.

Anh Nguyễn Huy, Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn đang nẹp lại gốc cây.
Anh Nguyễn Huy, Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn đang nẹp lại gốc cây.

Bài học từ Bác

Tại buổi nói chuyện với thanh niên trong buổi trồng cây tại Vườn hoa Thanh niên vào ngày 5-2-1961, Bác Hồ nói: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng ba cây, chăm sóc cho thật tốt, thì tám triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây ba đồng thôi, sau 5 năm sức lao động của các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được tám nhà máy cơ khí loại khá...”. Năm 1969, năm cuối cùng trước lúc đi xa, Bác Hồ đề nghị ông Nguyễn Tạo (Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp) mời đồng chí Bí thư tỉnh Nghệ An cùng đến Phủ Chủ tịch để báo cáo thêm những vấn đề xung quanh về “Tết trồng cây”. Bác đã đột ngột hỏi đồng chí Bí thư tỉnh Nghệ An: Nghệ An trồng hàng triệu cây, vậy có bao nhiêu cây chết, chú có cho đếm được không? Đồng chí bí thư không trả lời được, Bác nói tiếp: ... Các chú chỉ nghĩ đến thành tích mà không nghĩ đến hậu quả, thế cũng là chưa thật thà với nhân dân. Trồng cây nào phải sống tốt cây ấy, không để lãng phí công sức và của cải vật chất(*).

Những câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị về công tác trồng và chăm sóc cây xanh. Bởi không phải cây nào khi trồng xuống cũng xanh tươi, bám chặt vào lòng đất nếu không được chăm sóc, tưới tiêu.

Tính đến thời điểm năm 2011, chỉ riêng tại Công viên Thanh niên, tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng đã trồng được 700 cây xanh các loại, đến nay có khoảng 100 cây bị chết, nhiều cây mọc khẳng khiu, xiêu vẹo. Bà Huỳnh Thị Phương Giang, Trưởng ban Thanh niên công nhân Thành Đoàn chia sẻ, cây xanh do Đoàn cơ sở đóng góp chưa đồng bộ về chủng loại, một số loài không phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nên không sống được. Ngoài ra, đất tại Công viên Thanh niên là đất chở từ đồi núi về san lấp mặt bằng nên có nhiều đá sỏi, cộng với quá trình tưới tiêu không bảo đảm khiến không ít cây đã chết ngay sau khi trồng. Mặc khác, hầu hết ĐVTN là sinh viên, cán bộ khó đảm đương việc tưới nước, chăm bón để cây phát triển.

Về việc cây xanh trồng bị chết, anh Nguyễn Văn Quyên, Phụ trách Văn phòng Đoàn, Huyện Đoàn Hòa Vang minh chứng, trước đây, thanh niên thành phố đã đưa về trồng ở xã Hòa Tiến hàng trăm cây sao đen, cau, bàng, tiêu tốn nhiều tiền bạc, công sức nhưng cuối cùng cây vẫn chết hàng loạt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều cây bị chết do quá thấp, dễ bị trâu bò ăn, dễ đổ ngã khi có mưa lớn hoặc không được tưới nước thường xuyên.

Để không lặp lại bài học từ quá khứ, thời gian gần đây, trước khi trồng, ĐVTN đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, cũng như phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương nhằm hỗ trợ việc chăm sóc cây xanh. Đơn cử, ngày 24-2 vừa qua, trong buổi ra quân Tết trồng cây hưởng ứng chủ trương thanh niên góp tay xây dựng nông thôn mới, 300 ĐVTN đã tham gia trồng 150 cây lim xẹt tại Hòa Nhơn. Sau khi trồng, Thành Đoàn Đà Nẵng đã giao cho Đoàn xã Hòa Nhơn nhiệm vụ chăm sóc, tưới tiêu. Đoàn xã nhanh chóng phân công chi đoàn từng thôn lấy nẹp tre rào gốc, hằng tuần cử 3 chi đoàn khoảng 20 người, múc nước từ ruộng, ao gần đó tưới cho cây.

Vượt lên tính “phong trào”

400 cây phượng và cây bơ đã được trồng tại Lễ ra quân “Tết trồng cây nhớ Bác” năm 2013 tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.
400 cây phượng và cây bơ đã được trồng tại Lễ ra quân “Tết trồng cây nhớ Bác” năm 2013 tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.

Thống kê từ Thành Đoàn Đà Nẵng, trong năm 2012, thanh niên thành phố đã tham gia trồng khoảng 3.000 cây xanh. Hiện nay, ĐVTN tham gia trồng cây xanh đã dần đi vào chiều sâu, có trọng tâm, không còn mang tính phong trào. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận. Bởi lẽ, với tính chất tình nguyện, rất khó để bắt buộc đoàn viên tham gia, chỉ có thể khuyến khích, động viên nhằm tạo nên sức mạnh đoàn kết trong thanh niên. Không chỉ ra quân toàn thành phố, một số chi đoàn cơ sở đã vận động sự đóng góp của đoàn viên, kết hợp kêu gọi tài trợ, tạo nguồn kinh phí mua cây giống.

Những năm qua, góp phần xây dựng Đề án “Đà Nẵng-thành phố môi trường”, Chi đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động đề xuất, đăng ký thực hiện các công trình, phần việc thanh niên. Mới đây, ngày 10-3-2013, 150 đoàn viên Chi đoàn đã tổ chức trồng cây xanh và phát quang cỏ dại tại thôn Phước Thái, xã Hòa Nhơn, trồng 100 cây xà cừ với chiều cao 3 mét, đường kính 3cm nhằm giúp xã này hoàn thành tỷ lệ cây xanh theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Chị Đặng Nguyễn Thục Anh, Phó Bí thư Chi đoàn cho rằng, khi trồng cây cần bảo đảm yếu tố cây phải sống và phát triển tốt, tạo cảnh quan đẹp. Tránh trường hợp cây do thanh niên trồng ra chết gần 50% như ở Khu Công nghiệp Hòa Khánh năm ngoái, gây lãng phí. Sau khi trồng, nên phân công từng chi đoàn, từng khu vực phụ trách việc chăm sóc, khảo sát cây sống, chết ra sao để có biện pháp khắc phục. Một yếu tố nữa, theo Thục Anh, có thể mua giống cây có giá cao hơn một chút nhưng bảo đảm cây sinh trưởng tốt chứ không nên ra quân rầm rộ rồi phó mặc cây xanh tự phát triển.

Tại thôn Phước Thái cùng anh Nguyễn Huy, Bí thư Đoàn xã Hòa Nhơn sau hơn 1 tháng mảnh đất này tiếp nhận 200 cây lim xẹt, xà cừ của ĐVTN, chúng tôi nhìn thấy những nẹp tre được rào quanh gốc, lá đã tươi xanh và đâm vài chồi biếc. Chỉ vào đám lá non vừa nhú lên từ một thân cây, anh Huy nói như reo: “Vậy là cây sống rồi, mươi hôm trước thấy nó rủ lá, héo hắt tưởng chết, anh em chi đoàn thay nhau tưới nước, bón phân những mong nó sống lại. Giờ nhìn thấy thế này mừng quá”. Cũng theo anh Huy, việc chăm sóc cây hiện nay chủ yếu là tưới nước, nẹp rào, còn khi nào nên tỉa cành, cắt lá, bón phân thì hầu như đoàn viên chưa có kinh nghiệm. Từ thực tế này, nên chăng, cần có sự phối hợp giữa Đoàn và Công ty Công viên cây xanh trong việc phổ biến kiến thức, phương pháp trồng và chăm sóc cây xanh đô thị để việc trồng cây được đồng bộ, đạt được kết quả tối ưu thời gian tới.

TIỂU YẾN


(*) Chuyện nhỏ về Bác Hồ với Tết trồng cây - Đà Nẵng cuối tuần ra ngày 22-2-2013.
 

;
.
.
.
.
.