.

Báo động về nguy cơ cháy nổ tàu cá

.

Đó là nhận xét của Thượng tá Lê Hồng Tư, Phó trưởng phòng Hướng dẫn về chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Đà Nẵng - PCCC), khi hiện nay Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc phòng này kiểm tra các tàu cá công suất 90 CV trở lên trên địa bàn quận Sơn Trà thì hầu hết các tàu đều thiếu hoặc không sử dụng được phương tiện chữa cháy, kiến thức về chữa cháy của thuyền viên rất yếu…

Một tàu cá chất đầy bình gas bên ngoài ca-bin tàu, phơi giữa nắng gắt, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh chụp trưa ngày 8-6-2013)
Một tàu cá chất đầy bình gas bên ngoài ca-bin tàu, phơi giữa nắng gắt, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang. (Ảnh chụp trưa ngày 8-6-2013)

Bỏ bê công tác phòng cháy

Từ cuối tháng 5 đến nay, Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ trên sông phối hợp với UBND quận Sơn Trà, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, đồn Biên phòng và Quận Đội Sơn Trà tiến hành kiểm tra công tác PCCC của các tàu cá có công suất 90 CV trở lên trên địa bàn quận Sơn Trà. Đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cụ thể phương tiện phòng và chữa cháy của các tàu cá. Nhưng, kiểm tra đâu sai đó, như nhận xét của các thành viên đoàn kiểm tra. Tính đến ngày 5-6, mới chỉ có 64 trong số 106 tàu thuyền đánh bắt xa bờ được kiểm tra nhưng 100% sai sót. “Hầu hết các tàu không trang bị bình chữa cháy, có 10/64 chiếc có trang bị trên tàu 1-2 bình chữa cháy nhưng hầu như các bình này đã bị rỉ sét, hết khí trong bình và không sử dụng được”, Thượng tá Lê Hồng Tư cho biết.

Trong khi đó, các tàu đánh bắt cá xa bờ thường đi dài ngày (từ 7 - 15 ngày trở lên) nên trữ một lượng lớn các chất dễ cháy trên tàu như dầu, bình gas, ngư lưới cụ, thùng xốp… Trong khoang chứa của các tàu đều chứa một lượng lớn dầu diezel (phụ thuộc công suất của tàu), 2 - 5 bình gas, máy phát điện, bình acquy, chưa kể mạng lưới điện được đấu nối chằng chịt trong diện tích khoang tàu từ 14 - 16m2 nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Thế nhưng khi trao đổi với ngư dân, hầu như bà con chú tâm nhiều vào chuyện chuyến đi biển ấy đánh bắt có nhiều không, giá cá về bến thế nào, thu nhập của anh em thuyền viên được chừng nào… hơn là chuyện an toàn khi lao động trên biển.

Trở về bến sau hơn nửa tháng đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa, ông Phan Văn Toàn ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê cho rằng khi mới đóng tàu và mua sắm ngư lưới cụ, vật dụng, tàu nào cũng trang bị đầy đủ áo phao, bình cứu hỏa, nhưng sau một thời gian không sử dụng, không lau chùi bảo dưỡng thì đồ vật gì cũng hư. “Thì tàu nào cũng biết là cần có bình chữa cháy, nhưng mua rồi không dùng đến nên bình bị rỉ, với lại cũng may là chưa có vụ cháy nổ nào xảy ra trên tàu, chứ có cũng chắc gì đã sử dụng được mấy cái bình khí đó”, ông Toàn phân trần. Theo ông, ngư dân chưa bao giờ được tập huấn về cách chữa cháy trên tàu khi đậu ở cảng cũng như khi đang làm việc trên biển, nên “kỹ năng” chữa cháy nhanh nhất có lẽ là múc nước biển lên để dập lửa nếu xảy ra cháy.  

Anh Lê Đình Hải, thuyền trưởng tàu QNg 97706 cho biết, với một chuyến biển kéo dài chừng 10-15 ngày, tàu của anh với công suất 250 CV phải trữ từ 8 đến 10 nghìn lít dầu mới đủ vì chỉ riêng việc đi đến vùng đánh bắt mất 1 ngày 1 đêm tàu đã tiêu tốn gần 1.000 lít dầu diezel. Trong khoang chứa ngoài máy phát điện chạy tàu, dầu dự trữ, còn có thêm 5 bình gas mua để sẵn, bình acquy… Tàu nào chật quá, người ta cho luôn bình gas lên boong, phơi giữa nắng. “Nói chung dùng gì thì cũng đều có nguy cơ nổ cả nếu bất cẩn gây cháy. Với lại các tàu đều lấy gas ở các đại lý nhỏ quanh chỗ neo tàu thuyền, chất lượng thế nào mình không biết nên chuyện cháy nổ đều là may rủi”, nhiều anh em thuyền viên cho biết.

Theo các thuyền viên, các tàu chỉ được tập huấn về trục vớt người khi làm việc trên biển, cứu hộ, cứu sinh (sơ cấp cứu), còn những kỹ năng khác như cách phòng và chữa cháy thì chưa có ai được chỉ dạy. Nếu xảy ra trường hợp cháy nổ, có lẽ các anh cũng sẽ hành động theo bản năng. “Bình chữa cháy không dùng thì để lâu cũng bị hư, rỉ sét, cất kỹ dưới hầm tàu thì có cháy cũng không kịp đưa lên, mà cũng chẳng thấy ai kiểm tra. Còn áo phao và phao cứu sinh thì Biên phòng cảng kiểm tra thường xuyên nên năm nào cũng phải mua mới, mua rồi để đó vì không dùng cũng hư”, anh Lê Đình Hải cho biết thêm.

Kiểm tra, chấn chỉnh, tuyên truyền về PCCC

Qua đợt kiểm tra về công tác PCCC trên các tàu cá, mới thấy bà con ngư dân còn thờ ơ với sinh mạng của chính mình, khi bỏ qua một biện pháp phòng tránh và xử lý khi có khả năng cháy xảy ra. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu các chủ tàu trang bị dụng cụ PCCC trên tàu theo đúng quy định; đồng thời nhắc nhở, chỉ rõ cho các chủ tàu thấy nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và hướng dẫn công tác PCCC như cách sử dụng bình khí CO2 khi xảy ra cháy trên tàu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các ngư dân, giúp ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.  

Theo Thượng tá Tư, nếu xảy ra cháy nổ trên tàu cá, thiệt hại về người và của là rất lớn; nhất là với hàng loạt tàu hiện đang neo đậu san sát trên sông Hàn. Sắp tới Phòng Hướng dẫn về chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng biên phòng, Ban Quản lý Âu thuyền Thọ Quang và lực lượng kiểm ngư để kiểm tra công tác PCCC tàu cá trên sông, trên biển; tuyên truyền, diễn tập các phương án PCCC cho ngư dân; cấp giấy phép bảo đảm kỹ năng và phương tiện PCCC trên các tàu thuyền, bảo đảm công tác PCCC ở mức cao nhất.

Tuy nhiên, mới qua kiểm tra tàu cá thuộc quận Sơn Trà, hầu hết đều không bảo đảm an toàn PCCC; nếu công việc kiểm tra này mở rộng cho tàu cá toàn thành phố thì ý thức chấp hành của chủ các tàu cá đến đâu vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Chưa kể đến hàng trăm tàu cá thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và nhiều tỉnh khác thường xuyên ra vào bến cá Thọ Quang, nhưng việc kiểm tra, chấn chỉnh còn chưa được thực hiện…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.