.

Chỗ dựa tin cậy của ngư dân

.

Với mong muốn kết nối sức mạnh, hỗ trợ lẫn nhau trong việc khai thác thủy sản trên biển, nhiều ngư dân Đà Nẵng háo hức tham gia nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC)… 

Điều ngư dân quan tâm là thông qua nghiệp đoàn, sẽ giúp ngư dân tiêu thụ hải sản mà không bị tư thương ép giá.
Điều ngư dân quan tâm là thông qua nghiệp đoàn, sẽ giúp ngư dân tiêu thụ hải sản mà không bị tư thương ép giá.

Kết nối sức mạnh để vươn khơi

Phường Nại Hiên Đông, địa phương đầu tiên tại Đà Nẵng vừa thành lập NĐNC với 100 đoàn viên, bước đầu đã có những công tác như tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến tận chủ tàu và người lao động. NĐNC sẽ là tổ chức gắn kết ngư dân đánh bắt hải sản, tạo nên sức mạnh tập thể, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đồng thời, nghiệp đoàn cũng đóng vai trò là tổ chức đại diện hợp pháp cho người lao động trên biển. Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình hoạt động đánh bắt; kịp thời hỗ trợ cho bà con ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển, ổn định nguồn nhân lực cho mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ...

Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch lâm thời NĐNC phường Nại Hiên Đông, cho biết ông và cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố phải mất hơn 3 tháng đi tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia vào nghiệp đoàn. Đến đâu, bà con cũng phân vân, vào nghiệp đoàn để làm gì? Họ đắn đo về quyền lợi và nghĩa vụ. Chưa kể, đời sống tinh thần và vật chất hiện nay của ngư dân vốn đã rất khó khăn, nếu vào nghiệp đoàn, tình hình ấy có được cải thiện? Bởi lẽ, sau ngày thống nhất đất nước, cả nước thành lập nhiều HTX ngư nghiệp nhưng làm ăn thua lỗ khiến ngư dân phải bán tàu trả nợ… Bài học từ quá khứ khiến họ e ngại trước quyết định nên hay không nên vào NĐNC.

Thế rồi, sau nhiều ngày kiên trì giải thích, vận động, nhiều ngư dân đã vỡ lẽ, tình nguyện viết đơn tham gia nghiệp đoàn. Gần 30 năm đi biển, ông Cao Văn Minh bộc bạch: “Tham gia vào NĐNC, anh em ra khơi vững lòng hơn rất nhiều, có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ, bảo vệ nhau khi gặp nạn trên biển. Chúng tôi hiểu rằng, khai thác cá trên biển giờ không chỉ là chuyện mưu sinh, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền, lãnh hải quốc gia. Nhất là trong giai đoạn tranh chấp vùng biển diễn ra căng thẳng như hiện nay”.

Trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có 1.319 tàu thuyền khai thác hải sản với 4.515 lao động, trong đó số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên 90CV là 129 chiếc, đặc biệt có 17 chiếc công suất từ 400CV trở lên. Với những lợi thế này, quận Sơn Trà là một trong hai địa phương đầu tiên (cùng với Thanh Khê) được chọn thực hiện thí điểm thành lập NĐNC tại thành phố Đà Nẵng. “NĐNC sẽ là nơi tập hợp các ngư dân làm việc trên tàu thành tổ chức công đoàn cơ sở, tạo nên sự gắn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp. Liên kết cùng đánh bắt, cùng phát triển, xây dựng tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ lẫn nhau khi khai thác hải sản trên biển”, bà Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, khẳng định.

Khơi sáng niềm hy vọng

Thông tin từ Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, từ khi NĐNC đầu tiên trên cả nước thành lập tại xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi tháng 9-2011, đến nay cả nước có 37 NĐNC ở 13 tỉnh, thành phố với hơn 6.000 đoàn viên làm việc tại gần 1.800 tàu cá các loại. Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các NĐNC đã tạo nên sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của đông đảo ngư dân đang ngày đêm đánh bắt trên biển.

Không chỉ đoàn kết trong mỗi chuyến ra khơi, NĐNC còn phát huy vai trò là “mái nhà chung” của ngư dân cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ngay trong ngày thành lập NĐNC đầu tiên tại Đà Nẵng, khi nhận được 100 chiếc áo phao, các phần quà tổng trị giá 8 triệu đồng, nhiều đoàn viên tỏ ra phấn khởi và cảm động trước sự quan tâm của chính quyền. Ngoài những hỗ trợ về mặt pháp lý, chia sẻ thông tin luồng cá, cứu giúp nhau khi bị nạn trên biển hoặc hỗ trợ nhau khi bị tàu lạ tấn công, điều ngư dân quan tâm là thông qua nghiệp đoàn, sẽ giúp ngư dân tiêu thụ hải sản mà không bị tư thương ép giá.

Tại Hội nghị sơ kết thí điểm thành lập NĐNC diễn ra ở thành phố Quảng Ngãi hai ngày 8 và 9 tháng 6 vừa qua, ông Vũ Xuân Thủy, Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT, cho biết bước đầu mô hình NĐNC được xây dựng dựa trên các tổ, đội sản xuất trước đó thành các tổ nghiệp đoàn. Hoạt động theo phương châm cùng tổ đội sản xuất; cùng ngành nghề sản xuất; cùng địa bàn sinh sống và ngư trường đánh bắt. Mô hình này sẽ phát huy tính tự chủ, tự quản lý và bảo vệ tài sản, quản lý lao động và tổ chức sản xuất trên biển; giữ liên lạc với tổ trưởng, tổ phó, với các tàu khác trong tổ và nghiệp đoàn bộ phận, từ đó cùng tìm kiếm ngư trường đánh bắt, tham gia giúp đỡ các tàu khác khi có sự cố xảy ra. Mô hình này đã giúp ngư dân có thêm niềm hy vọng để tự tin đánh bắt trên biển.

Là địa phương đi sau trong việc thành lập NĐNC, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có nhiều ưu điểm trong việc triển khai thực hiện, đưa nghiệp đoàn ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân. Tổ chức công đoàn cơ sở này sẽ quy tụ, gắn kết ngư dân, tạo nên sức mạnh đoàn kết, góp phần thúc đẩy quá trình hình thành, phát triển các đội tàu cá, tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ trong chiến lược phát triển kinh tế biển, đảo thời gian tới.

Thông tin từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi thành lập 37 NĐNC đến nay, Tổ chức Công đoàn các cấp, ngành, nhà tài trợ đã hỗ trợ ngư dân hơn 2 tỷ đồng, xây 16 căn nhà tình nghĩa, cấp 21 tủ thuốc, tổ chức khám chữa bệnh 2.178 người; hỗ trợ ngư dân nguồn vốn 31 tỷ đồng để đóng tàu thuyền và mua ngư cụ; trao 912 suất quà trị giá trên 500 triệu đồng; tổ chức 21 buổi tập huấn cho các nghiệp đoàn; trao 1.382 suất quà giúp đỡ cho con em ngư dân nghèo như sách vở, quần áo, đồ dùng học tập…

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.