Năm nay, Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm (KNNL-Sở NN&PTNT thành phố) có thêm một số hoạt động hỗ trợ cho ngư dân.
Tàu ĐNa 0444 còn kiêm nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ quanh bán đảo Sơn Trà. |
Câu cá ngừ đại dương và hầm bảo quản hải sản
Nghề câu cá ngừ đại dương phát triển mạnh ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, vì sao Đà Nẵng lại im hơi lặng tiếng? Trả lời câu hỏi này, ông Trương Duy Khôi, Phó trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm KNNL Đà Nẵng cho biết, đó là nghề truyền thống của các tỉnh bạn, còn nghề truyền thống của Đà Nẵng (và Quảng Nam) là lưới vây.
Đà Nẵng có tiềm năng về cá ngừ đại dương, kinh phí đầu tư cho nghề câu loại cá có giá trị kinh tế cao này lại không lớn, kỹ thuật đánh bắt cũng đơn giản, ngư trường lại gần. Thêm vào đó, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng (tại phường Thọ Quan, quận Sơn Trà) cũng đã có nhà máy chế biến các loại thủy sản. Vì thế, theo ông Khôi, để khuyến khích nghề mới này, Trung tâm đã chọn được 2 chủ tàu để hỗ trợ trang bị các ngư cụ.
Đó là ông Đặng Phi ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) chủ tàu ĐNa 90081TS và ông Lê Văn Minh ở phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) chủ tàu ĐNa 90169TS. Cả hai tàu đang làm nghề chụp mực này sẽ được hỗ trợ mỗi tàu trên 40 triệu đồng để mua sắm nguyên vật liệu làm vàng câu (thuật ngữ nghề biển, chỉ hệ thống ngư cụ gồm nhiều tấm lưới gộp lại) và lưỡi câu bằng i-nốc cho nghề câu cá ngừ đại dương.
Lâu nay hầm bảo quản hải sản trên tàu đánh bắt xa bờ được làm bằng xốp nên không giữ lạnh được lâu. Năm ngoái, Trung tâm đã hỗ trợ 3 tàu của các ông Lê Văn Sang ở Thuận Phước, Huỳnh Viết ở An Hải Tây, Bùi Văn Thành ở An Hải Bắc thay xốp hầm tàu bằng vật liệu PU (PolyUrethane), một loại nhựa tổng hợp dùng chế tạo sơn. Năm nay, Trung tâm sẽ hỗ trợ thêm 3 tàu nữa làm hầm tàu bằng vật liệu mới này với tổng kinh phí gần 186 triệu đồng.
Việc hoán cải hầm tàu xa bờ bằng vật liệu mới này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và bảo quản chất lượng sản phẩm sau khai thác và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, kéo dài thời gian bảo quản cho tàu khai thác đánh bắt trên biển. Quan trọng hơn, hải sản khi về bờ sẽ tươi hơn và có giá bán cao hơn so với hầm bảo quản kiểu cũ.
Chuyển đổi ngành nghề
Theo Chi cục Thủy sản, Đà Nẵng hiện có 126 tàu làm nghề giã kéo (54 tàu giã kéo đôi, 72 tàu giã kéo đơn) có công suất từ 20CV trở lên, đánh bắt ở vùng lộng (cách bờ 24 hải lý, tương đương khoảng 45km). Nghề giã kéo hiện không được khuyến khích phát triển vì làm hủy diệt tài nguyên hải sản. Năm nay, Trung tâm KNNL sẽ hỗ trợ một tàu chuyển từ giã kéo sang lưới cản với tổng số tiền là 69,1 triệu đồng để mua lưới, phao, dây giềng (để liên kết các phao, tấm lưới), dây nhợ… Lưới cản đánh bắt từ lộng đến khơi các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như cá thu, cá ngừ bò, các ngừ sọc dưa… nói chung là các loại cá nổi (cá tầng mặt) nặng cỡ 1-2kg/con.
Cũng trong kế hoạch hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề làm cạn kiệt tài nguyên này, năm ngoái đã có một tàu du lịch hạ thủy nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm.
Đó là du thuyền Sơn Trà 1 số hiệu ĐNa 0444, do ông Ngô Hội ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, đứng tên đại diện. Ông Nguyễn Dinh, một trong 5 người góp vốn mua du thuyền, cho biết, trước đây cả 5 anh em đều có tàu, thúng máy, ghe đánh bắt ven bờ nhưng không hiệu quả, thu nhập không ổn định vì chỉ làm mỗi năm 7 tháng, từ tháng Giêng đến tháng Bảy âm lịch. Cán bộ Sở NN&PTNT thành phố về gặp gỡ ngư dân, khuyến khích bà con làm nghề đánh bắt ven bờ chuyển đổi qua làm các nghề khác như dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt xa bờ,…
5 người chung vốn mua lại chiếc tàu đang làm nghề lưới vây cũng không hiệu quả của ông Huỳnh Văn Mao, người địa phương. Thấy ở Sơn Trà chưa ai làm dịch vụ du lịch nên chọn nghề này. Trung tâm đã hỗ trợ 110 triệu đồng để cải hoán tàu cá thành tàu du lịch. Tàu hạ thủy tháng 7-2012, mới trình làng nên khách chưa biết đến nhiều. Tuy 5 anh em vẫn phải làm thêm các nghề phụ để có thu nhập nhưng mọi người yên tâm vì không còn phải lo lắng rủi may trên biển.
Hiện Thọ Quang đã thành lập đội Bảo vệ nguồn lợi hải sản với 20 thành viên (trong đó có cả 5 anh em tàu ĐNa 0444) do ông Dinh làm tổ trưởng. Vì thế, du thuyền đầu tiên ở Sơn Trà này còn kiêm nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ quanh bán đảo Sơn Trà. Nếu phát hiện có tàu các nơi đến đánh lưới ở trong vùng thả phao ranh giới rạng san hô thì sẽ báo cho Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng.
Nói chuyện hỗ trợ ngư dân hoán cải tàu thuyền, ông Dinh tỏ ý chưa trọn niềm vui vì tàu ĐNa 0444 đã có giấy phép hoạt động, nhưng giấy phép kinh doanh thì vẫn đang “treo”. Theo quy định, để được cấp giấy phép kinh doanh thì nhân viên phục vụ trên tàu du lịch buộc phải có chứng chỉ bơi lội. Cả 5 thành viên trên tàu đều lớn lên từ biển, kỹ năng bơi lội không chê vào đâu được, nhưng khổ nỗi, chẳng ai có chứng chỉ. Các ông muốn đi học để có bằng, nhưng không biết học ở đâu?
VIÊN PHÚC QUÂN