.

Ngư dân - người bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tiếp sau việc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt hải sản trên Biển Đông từ 16-5 đến 1-8, Trung Quốc đang gia tăng hoạt động phi pháp tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đà Nẵng Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Bạch Quốc Khang, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam về vai trò của Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC) trong khuôn khổ Hội nghị Sơ kết thí điểm thành lập NĐNC diễn ra tại Quảng Ngãi từ ngày 8, 9 tháng 6 xoay quanh vấn đề này.

 * Thưa ông, tham gia nghiệp đoàn, ngư dân được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ gì, và làm thế nào để nâng cao nhận thức cho đoàn viên?

- Mong muốn của tổ chức Công đoàn Việt Nam khi thành lập các NĐNC là cả ngư dân - người làm thuê và ngư dân - chủ tàu đều được hưởng quyền lợi thiết thực và thực hiện nghĩa vụ tự nguyện. Ngư dân khi tham gia nghiệp đoàn có những quyền lợi cơ bản như nâng cao vị thế, nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Được tổ chức Công đoàn chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần, được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Được tham gia các hoạt động Công đoàn với tư cách là một đoàn viên Công đoàn, được tham gia đóng góp và hưởng lợi từ các hoạt động khác của Công đoàn.

Bên cạnh đó, ngư dân có nghĩa vụ nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các định hướng của Chiến lược Biển, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Tôn trọng và chấp hành thỏa thuận lao động đã thống nhất. Đoàn kết, tương trợ giúp đỡ đồng nghiệp, đoàn viên nghiệp đoàn; đóng đoàn phí theo quy định của nghiệp đoàn.  

Vai trò của ngư dân trong bảo vệ biển đảo là rất lớn. Với trên 130 nghìn tàu thuyền đánh cá, trên 1 triệu lao động biển, trong đó có khoảng 30 nghìn tàu đánh cá xa bờ công suất trên 90CV, ngư dân là người chủ thực sự của biển đảo, có tư duy đặc thù của lao động biển, hiểu biết rõ từng hòn đảo và các vùng biển của Tổ quốc. Nguồn lợi hải sản trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển nước ta có nguy cơ cạn kiệt vì ngư dân đang khai thác không đúng quy định do nhận thức kém và thiếu hiểu biết. Vì quyền lợi lâu dài của ngư dân, cần làm cho đội hình ngư dân ra biển mạnh mẽ hơn nhờ tính hiện đại hóa cao hơn, chất lượng con người lao động biển cao hơn và có tính liên kết cao hơn.

Tổ chức nâng cao nhận thức cho ngư dân cần được thực hiện một cách phù hợp, với nội dung thiết thực, linh hoạt, cụ thể, ở từng con tàu, đến từng gia đình thuyền viên, với những tài liệu “đút túi” đơn giản, hỏi đáp rõ ràng. Việc nâng cao nhận thức cho ngư dân cần tập trung để họ hiểu được quyền lợi luôn gắn với nghĩa vụ; lợi ích lâu dài của ngư dân không chỉ từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, từ sự hỗ trợ xã hội, mà từ chính nghiệp đoàn do họ chung tay đóng góp kinh phí, xây dựng lực lượng và duy trì hoạt động một cách có hiệu quả.

 * Hạn chế của nghiệp đoàn hiện nay là chưa có định hướng cụ thể trong việc bao tiêu sản phẩm, nguồn kinh phí hoạt động, chưa liên kết chặt chẽ giữa các nghiệp đoàn trong quá trình hoạt động đánh bắt trên biển… Vậy, những vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới?

- Trước hết về kinh phí hoạt động, chúng tôi chủ trương phải hình thành 3 nguồn. Thứ nhất là nguồn nội lực của nghiệp đoàn, do ngư dân và chủ tàu đóng góp. Thứ hai là nguồn hỗ trợ của tổ chức Công đoàn và xã hội. Thứ ba là nguồn ngân sách Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ cho nghề cá. Vấn đề liên kết giữa các nghiệp đoàn, trước hết phải có nhiều, có đủ số lượng nghiệp đoàn và lực lượng đoàn viên, tương ứng và xứng đáng là nòng cốt cho lực lượng tàu thuyền đông đảo hiện nay. Đồng thời “lượng đổi chất phải đổi”, nghĩa là chất lượng về tổ chức phải thay đổi. Tổng Liên đoàn LĐVN đã có chủ trương giao Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam thành lập NĐNC Việt Nam, là tổ chức nghiệp đoàn cả nước, bao gồm các NĐNC ở các địa phương. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, xuất phát từ đặc điểm của nghề cá trên biển.

Về bao tiêu sản phẩm, cũng như các liên kết cần thiết khác của nghề cá, nghiệp đoàn sẽ làm cầu nối giữa các chủ tàu thuyền để cung cấp thông tin thị trường, chủ động trong tiêu thụ, cùng nhau lựa chọn đối tác, tránh ép cấp ép giá, bảo vệ quyền lợi chung. Ngoài ra trong thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với tàu thuyền đánh bắt xa bờ, nghiệp đoàn có thể xác nhận, hỗ trợ tàu cá khai báo tọa độ; hỗ trợ nhau trong vay vốn nâng cấp tàu thuyền; liên hệ, thậm chí bảo lãnh giúp nhau với hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, đảo và trên bờ…

* Ở cấp tỉnh, thành phố, chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền và khuyến cáo ngư dân chấp hành nghiêm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Ngư dân  khó nhận được sự hỗ trợ từ địa phương khi bị tàu Trung Quốc uy hiếp, cản trở khi đang hành nghề trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, vai trò của Nghiệp đoàn nghề cá trong vấn đề này là gì, thưa ông?

- Khi đã thành lập được NĐNC Việt Nam (trực thuộc Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam), chúng ta sẽ có người đại diện với năng lực đầy đủ hơn, gồm tính liên kết, đoàn kết cao nhất giữa các nghiệp đoàn và ngư dân, có quan hệ hợp tác với các tổ chức Công đoàn nghề cá thế giới chặt chẽ hơn. Có danh nghĩa và nguồn nhân lực, tài chính tập trung để đứng ra đấu tranh, bảo vệ ngư dân theo Công ước quốc tế. Tuy nhiên, để từng NĐNC ở các địa phương, cũng như NĐNC Việt Nam của cả nước thực sự vững mạnh, xứng đáng là tổ chức Công đoàn của ngư dân rất cần đến sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cả hệ thống chính trị nước ta.

TIỂU YẾN (thực hiện)

;
.
.
.
.
.