Ngư dân Đà Nẵng đánh bắt xa bờ không chỉ được hỗ trợ về kinh tế khi đóng tàu mới mà còn được bảo đảm an toàn hơn khi vươn khơi.
Tàu đánh bắt xa bờ được xem là những “cột mốc sống” về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. |
Kinh tế và cơ chế
Anh Lê Văn Hùng ở phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, từng đóng mấy chiếc tàu làm nghề câu mực, giã cào, bị bão Chanchu năm 2006 làm tan hoang, không tìm được bạn đi tàu nên anh bán hai chiếc, còn một chiếc làm lưới cản cũng không hiệu quả, bán nốt. Năm ngoái anh chung vốn với anh Lê Hữu Thảo đóng tàu mới mang số hiệu ĐNa 90589TS, được thành phố hỗ trợ 500 triệu đồng theo quyết định về một số chính sách hỗ trợ ngư dân Đà Nẵng đóng mới tàu đánh bắt hải sản và tàu hậu cần nghề cá xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (trừ tàu làm nghề lưới kéo).
Năm nay anh quyết định ra riêng, đóng tàu mới công suất 650CV trị giá 2,6 tỷ đồng làm nghề lưới cản. Tàu anh trên 600CV sẽ được nhà nước hỗ trợ 600 triệu đồng, “coi như mình đóng cái vỏ tàu, còn Nhà nước cho mình cái máy trị giá gần 600 triệu đồng”, anh vui vẻ nói. Kinh nghiệm của anh cho thấy, nghề mành nhiều khi trúng lớn nhưng chỉ cần rủi ro một lần là có khi trắng tay. Nghề lưới cản chủ yếu đánh ngoài khơi, thu nhập tương đối ổn định nên không sợ lỗ. Ăn Tết xong ra khơi, chỉ cần trúng một chuyến là nắm trong tay 400 - 500 triệu đồng như chơi. Từ tháng 9 đến tháng 12 đánh trong vùng lộng thì thu nhập có kém hơn.
Anh Hùng là một trong 5 ngư dân Đà Nẵng đang đóng tàu mới và được Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) chấp thuận bằng văn bản sẽ hỗ trợ kinh phí theo chính sách của thành phố ngay trong năm nay khi tàu đóng xong và hoàn tất thủ tục.
Ông Lưu Quang Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, cho hay năm nay ngoài 5 tàu đang đóng nói trên, đơn vị đang hoàn thiện thủ tục để hỗ trợ 4 tàu đã đóng xong (quận Liên Chiểu 1 tàu, quận Sơn Trà 1 tàu và quận Thanh Khê 2 tàu) với tổng kinh phí hơn 2,838 tỷ đồng. Các tàu này có công suất từ 400CV trở lên, khai thác thủy hải sản xa bờ tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Cũng trong chương trình này, theo ông Khánh, năm ngoái đơn vị hỗ trợ 5 tàu với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng, đã giao một nửa, năm nay tiếp tục giao nửa còn lại. 4 trong 5 tàu này đang hoạt động rất hiệu quả: 2 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, 1 tàu lưới vây, 1 tàu lưới cản. Chỉ riêng tàu anh Trần Văn Mười ở Mân Thái, quận Sơn Trà, làm nghề câu mực, sản lượng thì đạt, nhưng giá mực rớt quá thấp nên kết cuộc lại không hiệu quả. Một ký mực, năm 2011 giá 130 - 140 nghìn đồng, năm ngoái xuống còn 70 nghìn. Tháng trước, anh vô một chuyến mực, giá rớt thê thảm xuống còn 56 nghìn, chỉ có lỗ!
Chi cục Thủy sản khuyến khích anh Mười, nếu có điều kiện thì chuyển sang lưới vây hoặc lưới cản để phù hợp với ngư trường và đầu ra sản phẩm. Anh thì bảo, chuyển từ câu mực sang lưới vây, lưới cản mất thêm trên dưới 1 tỷ đồng nữa. Thêm vào đó, tàu của anh quá lớn, nếu ra khơi không tìm thấy luồng cá là lỗ mỗi chuyến 500 triệu đồng, quá phiêu lưu, nên trước mắt cứ giữ nghề cũ. Ngư dân rất cần được hỗ trợ kinh tế khi đóng tàu mới, nhưng nếu được hỗ trợ một cơ chế, chính sách nào đó để ghìm giá mực lại không cho tư thương thao túng thì những người làm nghề câu mực sẽ yên tâm hơn, anh Mười mong ước.
Bạn với ngư dân trên biển khơi
Nhờ chính sách hỗ trợ nói trên, ngày càng có nhiều người đóng tàu đánh bắt xa bờ. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, ngư dân Đà Nẵng đã đóng mới 7 tàu cá lớn, bình quân 4 tỷ đồng/chiếc, nâng tổng số tàu cá có công suất từ 400CV trở lên đạt 55 tàu. Để theo dõi, bảo vệ các tàu xa bờ này, UBND thành phố đã ban hành quy chế quản lý thông tin liên lạc đối với tàu cá hoạt động trên biển của thành phố Đà Nẵng, trong đó Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố là cơ quan thường trực kết nối liên lạc với các tàu xa bờ hoạt động trên biển.
Đại tá Trịnh Ngọc Văn, Phó Chính ủy BĐBP thành phố cho biết, đơn vị đang xây dựng phần mềm quản lý tàu cá, kết hợp với khoảng 100 thiết bị định vị vệ tinh (GPS) trang bị trên các tàu cá của Đà Nẵng hoạt động ngoài khơi, nên bất kể tàu đang nằm ở đâu, BĐBP thành phố đều nắm được.
Theo Thiếu tá Nguyễn Tống Khương, Trợ lý Quản lý Biên giới (BĐBP thành phố), phần mềm quản lý tàu cá được UBND thành phố duyệt kinh phí 368 triệu đồng để lắp một máy chủ và một số máy con tại các đồn biên phòng. Cùng với đó, thành phố hỗ trợ lắp đặt một trạm bờ kết nối liên lạc với các tàu đánh bắt xa bờ. Qua hệ thống thông tin này, BĐBP thành phố đã cứu được nhiều trường hợp ngư dân bị nạn trên biển.
Theo thiếu tá Khương, từ đầu năm 2013 đến nay, các đài thông tin biển của BĐBP thành phố đã liên lạc được với 3.738 lượt tàu cá xa bờ. Qua đó ngư dân đã cung cấp hàng trăm nguồn tin có giá trị, phát hiện hơn 100 lượt tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam nhằm phục vụ kịp thời cho công tác bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển sản xuất, kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Trong điều kiện nền kinh tế cả nước đang gặp khó khăn, việc Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho ngư dân phát triển tàu công suất lớn đã thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong việc đầu tư phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ để phục vụ phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT Đà Nẵng Huỳnh Vạn Thắng |
VĂN THÀNH LÊ