Các mô hình như “Mái nhà xanh -2T”, “Đội Thiếu niên Tiền phong bảo vệ môi trường” hay phong trào thu gom, bán phế liệu ở một số tổ dân phố các phường Thuận Phước (quận Hải Châu), phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã trở thành những mô hình tiêu biểu vì số tiền thu được từ phế liệu đã trở nên hữu ích với người nghèo, với những em học sinh nghèo vượt khó… Và đặc biệt, những mô hình đó còn được nhân rộng ra nhiều địa phương khác.
Người dân phường Hòa Minh ra quân dọn dẹp những điểm tập trung nhiều rác, cây bụi trong ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp. |
Phong trào “Biến rác thành tiền”
Phong trào thu gom, bán phế liệu trong các gia đình tại khu dân cư được triển khai ở phường Thuận Phước từ năm 2008, có 9 khu dân cư tham gia. Nhưng mọi thành tích thực sự nổi bật kể từ khi 2 tổ dân phố 35 và 36 cùng đồng loạt hưởng ứng phong trào. Bà Trần Thị Khen, Trưởng ban Công tác mặt trận 35 đã cùng các chị trong chi hội phụ nữ, tổ dân phố đến từng nhà vận động bà con giữ lại đồ phế liệu để các chị gom góp quỹ. Vào ngày nghỉ, các chị đẩy xe đến từng nhà gom phế liệu hay chủ động nhặt rác là vỏ lon, chai nhựa…Ban đầu nhiều người dân còn thờ ơ, nhưng khi đã hiểu ra hành động của các chị, họ đã chủ động nhặt nhạnh những thứ rác thải hữu ích, có thể bán thành tiền để số tiền đó quay lại làm việc thiện. Và số tiền có được từ thu gom phế liệu chưa nhiều, chỉ mới hơn 13 triệu đồng (tính đến cuối năm 2012), nhưng hơn 12 triệu đồng trong đó đã được tổ chức trao học bổng, hỗ trợ các gia đình khó khăn tại khu dân cư.
Ông Phạm Công Lương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thuận Phước cho rằng việc tích cóp được đồng tiền vốn đã khó, nên việc chọn đối tượng để hỗ trợ từ nguồn quỹ này đã được bà con 2 tổ dân phố trên làm công khai, dân chủ, để người dân thấy đúng mới ủng hộ. Và món quà dành trao cho những em học sinh nghèo vượt khó mang nặng ân tình của tấm lòng bà con lối phố, bởi những tích góp, chắt chiu hằng ngày; khơi dậy tình cảm cao đẹp, tính nhân văn trong mỗi con người.
Cũng sơ khởi từ năm 2010, Ban Công tác mặt trận và Chi hội Phụ nữ, tổ dân phố 56 phường Hòa Minh đã phát động từng nhà phân loại rác thải, tận dụng vỏ lon và chai nhựa để thu gom hằng tuần. Năm 2010, số tiền thu được ban đầu gần 5 triệu đồng. Nhưng sang đến năm 2011 đã có 5 tổ dân phố và năm 2012 phát triển thành 9 tổ dân phố tham gia phong trào, thu được gần 55 triệu đồng. Bà Trịnh Thị Hồng, Trưởng ban Công tác mặt trận khu dân cư Hòa Phú 5 đã họp với tổ trưởng, hội phụ nữ các tổ để số tiền trên được sử dụng có ý nghĩa nhất. Và 39,6 triệu đồng trong số đó dành bổ sung vào quỹ khuyến học, trao học bổng khuyến học-khuyến tài cho những em học sinh tiêu biểu của các tổ, mua thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà gia đình chính sách; 7 triệu đồng hỗ trợ vốn cho các chị buôn bán nhỏ ở chợ…
Mô hình tận dụng phế liệu, biến rác thải thành tiền do bà Trịnh Thị Hồng triển khai được đánh giá là có chất lượng và hiệu quả khá tốt, nhận được lời khen ngợi của các đại biểu Cộng đồng nghèo các nước châu Á, khu vực ASEAN nhân hội nghị được tổ chức ở Quảng Nam và đại diện Hội LHPN thành phố đưa đoàn đến thăm. Mô hình này cũng được bà Hồng đích thân báo cáo điển hình tại diễn đàn Cộng đồng nghèo đô thị châu Á tổ chức tại Philippin tháng 3-2012. Ông Trương Quang Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hòa Minh cho biết, mô hình tận dụng rác thải đã được triển khai ở 64/96 tổ dân phố trong năm 2012 và năm nay dự kiến sẽ nhân rộng ra tại 199/274 tổ, trở thành phong trào rộng khắp trong tất cả các khu dân cư.
“Tổ dân phố không rác”: nơi làm tốt, nơi không
Sau một thời gian mô hình “Tổ dân phố không rác” triển khai ở một số tổ dân phố trên địa bàn quận Hải Châu, đến cuối năm 2012, bộ tiêu chuẩn “Tổ dân phố/thôn không rác” giai đoạn 2012-2015 đã được triển khai toàn thành phố. Những tuyến đường, từng khu dân cư không còn rác thải, giảm hẳn cảnh người dân vứt xác súc vật chết ra đường… dáng dấp một đô thị sạch, theo tiêu chuẩn thành phố môi trường ngày càng rõ nét.
Riêng phường Hòa Minh, 3 năm nay đã triển khai mô hình “Tổ dân phố tự quản bảo vệ môi trường” do Ủy ban Trung ương MTTQ phát động. Biển hiệu trên các tuyến đường được đặt là “Đoạn đường xanh-sạch-đẹp” kết hợp giữa môi trường, an toàn giao thông và nếp sống văn minh. Nay nếu theo mô hình “Tổ dân phố không rác”, những vùng ngoại thành như Liên Chiểu dễ “vấp” các tiêu chuẩn trong bộ tiêu chí, do ở Liên Chiểu 2-3 ngày xe rác của Công ty Môi trường đô thị mới đến một lần; hầu hết các tuyến đường không có công nhân quét rác, buộc người dân phải tự làm sạch đẹp khu dân cư của mình…
Chị Phạm Thị Như Hồng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Minh cho biết, từ năm 2012 phường thường xuyên triển khai mô hình “Ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp”, ra quân dọn dẹp vệ sinh ở các khu vực không có dân sống. Từ đầu năm đến nay, mô hình “Tổ dân phố tự quản bảo vệ môi trường” được nhân rộng ra 64 khu dân cư, yêu cầu từng hộ phải cam kết giữ gìn môi trường sống, nêu cao tinh thần tự giác của bà con. Nên tiêu chí “Tổ dân phố không rác” chưa phù hợp với thực tế, trong khi người dân phải “cất” rác trong nhà, chờ xe của công ty đô thị đến thu gom hay đổ vào các thùng rác công cộng, khiến rất nhiều điểm ở phường cũng như toàn quận có điểm tồn lưu rác thải, như thế là “mất điểm” so với bộ tiêu chí. Nhiều người dân cho rằng từ mô hình này chuyển sang mô hình kia cần có thời gian, những điều quan trọng là cái gì phù hợp với thực tế thì nên theo, bởi quy về một mối thì tất cả đều vì mục đích làm đẹp hơn, sạch hơn môi trường sống xung quanh.
HIỀN LƯƠNG