.

Những chuẩn mực vượt thời gian

.

Bất cứ không gian, thời gian nào, người thầy cũng mang theo mình hai túi hành trang nhân cách và tài năng để đi gieo những hạt giống tươi xanh làm nên mùa xuân cho cuộc đời.

1. Em là một học sinh cá biệt, suốt ngày lầm lì, bị mọi người “lên án”, từ bạn bè trong lớp đến các thầy, cô giáo đều cho em là phần tử quậy phá. Cô hiệu trưởng muốn gặp em để tìm hiểu những góc khuất trong tâm hồn em cũng khó. Bởi gọi một học sinh ngoan lên văn phòng là chuyện bình thường, nhưng gọi một học sinh như em thì em (và mọi người) sẽ nghĩ là có gì ghê gớm lắm đây…

Cô nghĩ mãi cách để tiếp cận được em. Biết em chơi facebook, cô bèn lên “phây” kết bạn và trò chuyện riêng tư với em. Không ngờ, một đứa trẻ suốt ngày không mở miệng lấy một tiếng ấy lại mở lòng ra với những tâm tình muốn rơi nước mắt. Ba mẹ em mỗi người rẽ một hướng cùng với một người khác. Em ở với anh ruột, luôn bị anh đánh đập, có lần nặng tay đến nỗi phải nhập viện. “Em không còn ai là người thân trên đời. Vậy thì em phải sống, phải đi học như thế nào đây hả cô?” – em bộc bạch.

Đó là một trong hàng chục học sinh chia sẻ cùng cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang trên facebook. Cô nghĩ, muốn dạy được trò thì phải hiểu được trò. Mỗi em một cảnh đời, cô hóa thân thành người bạn của các em và “gỡ rối tơ lòng” giúp các em vượt qua những khúc mắc trong cuộc sống và vững vàng hơn, tự tin hơn trong công việc hiện tại của các em là đi học.

Cũng vậy, nhà giáo Lê Thí, cựu giáo viên Trường THPT Trần Phú, cho rằng email, facebook... là những phương tiện hàng đầu để nắm thông tin, cập nhật kiến thức để người thầy “hiện đại hóa” mình, nhưng quan trọng hơn là để nắm bắt suy nghĩ, quan niệm của học trò từ đó có cách ứng xử, uốn nắn phù hợp.

Thầy Phạm Đình Được ở Trường THPT Ngũ Hành Sơn nói thêm: Ví như trò đang có mâu thuẫn với ai đó, qua facebook thầy sẽ biết được và sẽ giúp trò hóa giải mâu thuẫn, ngăn chặn được những vụ đánh nhau có thể xảy ra. Qua mạng xã hội này, thầy có thể giải đáp nhanh chóng, kịp thời những kiến thức học trò hỏi; uốn nắn lời ăn tiếng nói vì ở trên mạng các em hay có những phát ngôn phản cảm, gây sốc…

2.  Tương truyền, khi thầy Chu Văn An mở trường dạy học, có một trò không biết ở đâu mà sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy cho người dò la thì hay trò này cứ đến khu đầm giữa làng thì biến mất. Năm đó trời làm đại hạn, thầy hỏi các trò xem ai có tài thì làm mưa giúp dân. Cậu học-trò-ở-đầm trước còn ngần ngại, sau thưa với thầy: “Con vâng lời thầy là trái lệnh Thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân. Mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”.

"Đức là tấm gương sáng tuyệt đối của người thầy để không chỉ cho những người thân trong gia đình mình mà còn cả học sinh và (trong một chừng mực nào đó) đồng nghiệp của mình noi theo nữa. Thầy phải giỏi, nếu không giỏi sẽ không dạy được ai, không đào tạo được những thế hệ mai sau chẳng những bằng mình mà phải hơn mình”

Nhà giáo Nguyễn Hoàng Thọ, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi

Đoạn, trò này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi; vẩy hết mực, lại tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn. Đêm đó có tiếng sét lớn và đến sáng có thây thuồng luồng nổi lên ở đầm. Thầy hay tin, khóc thương luyến tiếc rồi sai học trò làm lễ an táng, người các làng bên cũng đến giúp sức, về sau lập đền thờ ghi nhớ công ơn, nay vẫn còn dấu vết.

Ngày trước làm gì có email, facebook, nhưng chính nhân cách sáng ngời và tài năng của những người thầy như Chu Văn An đã lan truyền với tốc độ không thua kém và cảm hóa được cả quỷ thần.

Có thể nói đức và tài là những chuẩn mực bất biến của người thầy dù ở không gian, thời gian nào. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả những người được hỏi đều khẳng định như thế.

Thầy Phạm Đình Được cho rằng phẩm chất đạo đức quyết định “chính danh” cho người thầy, dù thầy có giỏi chuyên môn đến mấy, thuyết giảng như một nhà hùng biện đại tài nhưng không có đạo đức thì học trò cũng không kính trọng.

Ngoài đức và tài, nhà giáo Lê Thí nêu thêm một chuẩn mực nữa là nghệ thuật. Dạy học là cả một nghệ thuật, người thầy phải có kỹ năng và nắm được công nghệ thời hiện đại. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở kỹ năng và công nghệ mà thiếu đạo đức thì chỉ mới là “người thợ dạy bậc cao” chứ chưa thực sự trở thành “người thầy”.

Khoảng cách giữa thầy và trò càng thu hẹp thì hiệu quả giảng dạy càng cao vì càng dễ hiểu nhau, dễ trao đổi. TRONG ẢNH: Thầy và trò Trường THPT Hòa Vang trong một trò chơi sinh hoạt cộng đồng. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Khoảng cách giữa thầy và trò càng thu hẹp thì hiệu quả giảng dạy càng cao vì càng dễ hiểu nhau, dễ trao đổi. TRONG ẢNH: Thầy và trò Trường THPT Hòa Vang trong một trò chơi sinh hoạt cộng đồng. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

3. Xưa, thầy đi xe đạp, mặc áo sờn vai miệt mài đứng lớp rất được học trò yêu quý. Nay, kinh tế xã hội phát triển, nếu thầy cũng đến trường, lên lớp trong hình ảnh như thế thì sẽ bị học trò thương hại, thậm chí bị coi thường. Thầy Được cho rằng, trong xã hội hiện đại, thầy không chỉ phải biết “lướt web”, mà còn phải ăn mặc đẹp đẽ, hợp thời trang... nghĩa là thầy phải “pro” thì sẽ có sự tương tác giáo dục cao hơn, tạo hình ảnh thân thiện hơn trong mắt học sinh và phụ huynh.

Thân thiện, gần gũi, nhưng cũng phải có một khoảng cách nhất định. Nhà giáo Lê Thí phân tích: “Xưa, thầy là tấm gương cho học trò soi, trò phải đứng cách gương một khoảng mới thấy được. Nay, cả thầy lẫn trò là hai tấm gương để soi trực diện vào nhau. Khoảng cách giữa thầy và trò càng thu hẹp thì hiệu quả giảng dạy càng cao vì càng dễ hiểu nhau, dễ trao đổi. Tuy nhiên, gần gũi không có nghĩa là trò dắt thầy đi nhậu cho say khướt rồi quàng vai bá cổ, chân nam đá chân chiêu…”.

Thầy xưa nghiêm quá, trò không dám cãi lại, không dám tham gia vào việc bàn bạc, thảo luận của thầy. Chừ thì khác, như nhận xét của nhà giáo Nguyễn Hoàng Thọ: “Thầy nay vừa là thầy, vừa là người bạn thân thiết, tình bạn trong tình thầy (chứ không phải nhậu nhẹt, cà-phê cà pháo suốt ngày với nhau). Có thế, trò mới dám trao đổi một cách thẳng thừng với thầy những vấn đề trò cảm thấy chưa thỏa”.

Bất cứ không gian, thời gian nào, người thầy cũng mang theo mình hai túi hành trang nhân cách và tài năng để đi gieo những hạt giống tươi xanh làm nên mùa xuân cho cuộc đời.

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.