.

Thầy Phan Khôi của chúng tôi

.

Nghiêm khắc, mẫu mực, hết lòng tận tụy vì học trò, với hình ảnh chiếc áo sơ-mi trắng ngắn tay, chiếc quần vải ka-ki màu vàng, màu xám, đôi sandal màu nâu, màu đen và chiếc xe đạp sườn ngang lớn vành, lăn trên quãng đường quê hương đất Quảng xuyên suốt hai thế kỷ qua. Đó là thầy Phan Khôi của chúng tôi. Hãy gọi như vậy, chứ không còn danh xưng nào khác, bởi ông là một trong những biểu tượng đẹp nhất của người thầy đất Quảng.

Thầy Phan Khôi (1923-2013)                                                                                 Ảnh: T.T.S
Thầy Phan Khôi (1923-2013) Ảnh: T.T.S

Bất cứ ai từng bước qua ngưỡng cửa Trường trung học Trần Quý Cáp – Hội An, ít nhất cũng phải có một kỷ niệm về thầy Phan Khôi. Đó là hằng tuần, vào buổi sáng chào cờ sẽ cùng cất tiếng ca hát bài Hành khúc của trường, do thầy viết lời ca: “Đồng lòng cùng đi nào đoàn ta hăng hái/ Đây thanh thiếu niên Trần Quý Cáp lên đường/ Non đèo rừng sâu nào đoàn ta cùng tiến/ Tô thêm sáng ngời trang sử Việt hùng anh…” (Hành khúc trường Trần Quý Cáp Hội An - Nhạc: Hoàng Sơn - Lời: Phan Khôi). Bài hát ấy, tuy ngắn, nhưng giai điệu hào hùng và nhất là lời ca tươi sáng, khêu gợi tình đoàn kết, cống hiến dựng xây Tổ quốc, suốt mấy chục năm qua, vẫn không ngừng ăn sâu vào lòng biết bao thế hệ học trò.

Một ấn tượng khác, đó là thầy Phan Khôi trùng họ, tên với nhà báo, nhà văn Phan Khôi (1887-1959) nổi tiếng, người khởi đầu trào lưu thơ mới qua bài thơ Tình già (1932). Mặc dù giữa hai người sinh ra ở hai thế hệ cách biệt, thầy Khôi lại không sáng tác thơ văn, thế nhưng sự liên tưởng này là không thể tránh khỏi. Bởi hai ông đều là người Quảng Nam. Và đặc biệt hơn cả, cái tính cách mạnh mẽ, cứng cỏi, khí phách ngang tàng tạo nên tượng đài nhà văn Phan Khôi, lại rất tình cờ thể hiện rất đậm nét ở thầy giáo Phan Khôi. Thậm chí, nhiều năm về sau, khi được đọc tác phẩm “Nhớ cha tôi Phan Khôi” của Phan Thị Mỹ Khanh, tôi vẫn luôn mường tượng, từ giọng nói sang sảng vang như chuông, đến từng cử chỉ dáng dấp vui buồn giận dữ của nhà văn qua hình ảnh của người thầy Phan Khôi.

Không chỉ để lại dấu ấn với học trò, mà với nhiều người dân Hội An, vào trận bão lụt năm Thìn (1964), vẫn không thể quên được hình ảnh thầy Khôi đã có mặt kịp thời, mọi lúc, mọi nơi, vận động phương tiện ghe, tàu, cả trực thăng vận chuyển thực phẩm, chăn mùng… để cứu trợ cho đồng bào bị nạn thiên tai. Anh Dư Mân (hiện là giáo viên Anh văn tại Hội An) kể lại rành rọt: “Lần đó, gia đình tôi cũng nằm trong vùng ngập lụt, được chuyển về ở tạm tại trường trung học Trần Quý Cáp. Những ngày ấy, tôi thấy thầy Khôi thường xuyên lui tới, chăm sóc, hỏi han từng gia đình. Có lần, do trở ngại điện nước sao đó, tôi thấy thầy Khôi lên văn phòng gọi điện yêu cầu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam can thiệp cho người dân”.

Thời gian dạy học tại Hội An, gia đình thầy Khôi sống tại một con hẻm nhỏ sau rạp hát Phi Anh. Hình ảnh dễ nhớ của thầy, mà sau này nhiều học trò thường nhắc lại, đó là: “Gương mặt chữ điền, miệng rộng, lông mày rậm dưới mái tóc cắt ngắn, làn da màu gạo tẻ. Phải chăng, chính cái hình dáng này nói lên cái rắn rỏi của hạt thời gian còn lại! Thầy Phan Khôi của tôi, thầy của chúng tôi. Thầy dạy Pháp văn, Anh văn, Toán học và nếu cần, dạy cả Công dân, Sử, Địa… Thầy gần gũi chúng tôi chẳng những trong các môn học mà còn cùng chúng tôi tập thể dục, chơi thể thao. Có lần thầy cùng chúng tôi chạy đua đến bãi biển Cửa Đại. Thầy và chúng tôi, già và trẻ đã tạo thành hàng dây dấu chấm cho biển đời. Bóng thầy còn đây, cái nhìn thẳng nung sôi nghĩa cảm, giọng nói sang sảng như hồi chuông ngắn gọn thúc mạnh vào không gian lắm nể nang e dè, cái nụ cười tròn môi khoan dung tựa trái cây chín sẫm, gần gũi làm sao!”. (Thầy tôi/Hạnh Thu Nhân/ đặc san Trần Quý Cáp Xuân Bính Tý 1996).

Sau năm 1975, thầy Phan Khôi cùng gia đình sinh sống tại Đà Nẵng. Cũng như phần lớn nhiều người khác trong những ngày đầu giải phóng, gia đình thầy Khôi phải trải chịu đồng cam cộng khổ trong hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, thầy vẫn sống tin tưởng, lạc quan, gắn bó với các hoạt động địa phương.Về sau, dù tuổi đã cao, thầy vẫn tiếp tục tham gia giảng dạy ở nhiều trường trung học tại Đà Nẵng, là thành viên sáng lập và đã hoạt động tích cực, có hiệu quả trong Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng như thành phố Đà Nẵng. Thầy cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, rồi thành phố Đà Nẵng.

Anh Phan Thế Tập, nguyên thành viên sáng lập Ban liên lạc Hội cựu học sinh Trần Quý Cáp Hội An tại Đà Nẵng cho biết: “Thời còn đi học, thế hệ chúng tôi luôn xem thầy Phan Khôi như thần tượng. Bởi ông không chỉ người thầy dạy hay mà còn có nhân cách cao quý, chăm lo học trò nghèo, hướng cái nhìn xa rộng đến tương lai đất nước. Từ ngày nghỉ hưu đến lúc qua đời, thầy vẫn dạy miễn phí cho hàng trăm học trò nghèo ôn thi đại học, thi vào lớp 10, thi vào các trường cao đẳng miễn phí. Những học sinh được thầy dạy dỗ đều thi đỗ. Có gia đình, cả 3 anh em đều theo học với thầy, đều đỗ đạt. Hoặc như em Nguyễn Thị Thùy Linh ở Cẩm Lệ, nay đã trưởng thành dạy học tại Trường Đại học công nghệ Đà Nẵng. Các em này rất nhớ ơn thầy và đã tận tình chăm sóc ông đến giây phút cuối cùng”.

Suốt nhiều năm qua, mỗi kỳ họp mặt Hội cựu học sinh - giáo viên Trần Quý Cáp-Hội An tại Đà Nẵng vào các dịp đầu xuân, chúng tôi vẫn thường gặp thầy Phan Khôi, cùng thầy về thăm trường cũ, viếng và thắp hương, tưởng niệm nhà yêu nước Trần Quý Cáp tại mộ chí ở Điện Bàn. Đáng nhớ nhất, những lần này, nhiều người học trò cũ trong và ngoài nước thành đạt như Trần Văn Thọ, Lê Công Cơ, Đông Trình, Huỳnh Văn Chính, Đỗ Hoàng Thiệu, Phan Thế Tập, Hoàng Hương Việt… đến những gương mặt trẻ trung mới bước vào đời đều say sưa lắng nghe những lời nhắc nhở, thậm chí cả những lời đóng góp, phê phán đầy tâm huyết của thầy.

Giờ đây, thầy Phan Khôi không còn nữa, vào những kỳ họp mặt Hội cựu học sinh - giáo viên các lần tới, hẳn rằng, mỗi lần nhớ đến thầy, chúng tôi không thể không nhớ đến những lời ca thúc giục: “Đồng tiến sơn hà chờ nơi tay ta/ Bền chí kiên cường vượt qua gian lao/ Nào tiến lên vì nước non nòi giống/ Đem sức tài xây nước Việt sánh cùng năm châu”.

Thầy Phan Khôi, sinh năm 1923 quê ở  Duy Châu, huyện Duy Xuyên,  Quảng Nam, lớn lên trong một gia đình đông anh em có truyền thống hiếu học. Cha thầy là một nhà nho, giỏi câu đối, rất ghét quan trường. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thầy Khôi tham gia Thanh niên tiền tuyến, rồi sung vào đội quân Nam tiến, từng là Đại đội trưởng một đơn vị giải phóng quân dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Bình. Trở về chiến trường Liên khu V quê hương, thầy Khôi là giáo viên Trường Thanh niên Quân chính, rồi Trường trung học Bình Dân. Có thời gian thầy Khôi còn tham gia công tác Mặt trận Liên Việt và công tác chính quyền ở xã Duy Khương và ở huyện Duy Xuyên. Sau Hiệp định Geneva 1954, thầy Khôi ở lại miền Nam, tham gia vào Hội đồng giáo dục của Trường trung học Trần Quý Cáp, đồng thời giảng dạy cả tiếng Anh và tiếng Pháp tại các trường Diên Hồng, Nữ trung học Hội An… Chính quyền Sài Gòn đã có lúc mời thầy Phan Khôi ra làm tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, nhằm thu hút nhân tâm, nhưng thầy một mực khước từ, chỉ lo miệt mài dạy học, an bần lạc đạo.

Thầy Phan Khôi qua đời vào đầu tháng 10-2013 vừa qua.

TRẦN TRUNG SÁNG
 

;
.
.
.
.
.