.

Lên cao ngắm phố

.

Trên cao, phố đêm Đà Nẵng hiện ra với những nét quyến rũ làm ngây ngất lòng người. Mỗi chiếc cầu khoác một chiếc áo ánh sáng, mỗi con đường mắc một chuỗi đèn lung linh.

Con đường từ cầu Mân Quang chạy lên cầu Thuận Phước trông như một đồ thị ánh sáng tăng trưởng theo chiều dương. Ảnh: V.T.L
Con đường từ cầu Mân Quang chạy lên cầu Thuận Phước trông như một đồ thị ánh sáng tăng trưởng theo chiều dương. Ảnh: V.T.L

Nhìn từ Danang View

Xẩm tối 29 tháng Chạp, chúng tôi làm cuộc “đăng sơn” lên lưng chừng đỉnh Sơn Trà, ở độ cao khoảng 250m so mực nước biển, nơi đóng chân của Đài Phát sóng DRT. Chập chờn trong ánh đèn xe máy, con đường ngoằn ngoèo hình chữ chi tịnh không một chú sóc, chú chồn nào phóng vút qua như những lần trước. Kỹ sư Trần Khánh Hoàng vồn vã đón chúng tôi bằng thiện cảm đồng nghiệp. Quê tít tắp ngoài Thanh Hóa, nhưng hiện anh đã “định cư” ở phường An Hải Bắc. 14 năm nay, từ khi có đài, anh phụ trách kỹ thuật, rất nhiều lần ở lại trực đêm, quây quần cùng anh em trong ngày Tết như một gia đình.

Theo hướng dẫn của Hoàng, chúng tôi leo thang gác lên tầng trên, nơi từng là quán cà-phê Danang View của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Dưới ánh đèn nê-ông duy nhất còn lại sau cơn bão số 11 hồi trung tuần tháng 10 năm ngoái, chúng tôi định vị chân máy 3 càng (tripod), bắt đầu “bày binh bố trận” để ghi lại cảnh đêm Đà Nẵng qua ống kính. Như tên gọi của quán cà-phê, đây đúng là một trong những nơi có cái nhìn toàn cảnh về thành phố tuyệt vời nhất.

Phan Nguyệt không lạ gì Danang View, nhưng đây là lần đầu tiên cô chạy xe máy lên đây vào đêm áp chót của năm cũ nên cảm thấy có gì đó khang khác. Trên đầu mình là trời - cô bảo, xa xa dưới chân mình là Đà Nẵng nhỏ xíu lấp lánh ánh đèn, đẹp như chuỗi vòng trang sức. Cô thích nhất hai đường cong hợp thành chữ X mềm mại được “vẽ” nên bởi ánh đèn vòng cung eo biển Thọ Quang - Non Nước và đường Ngô Quyền, “nhìn cứ như biểu tượng Chanel hoặc vòng eo thon thiếu nữ”. Tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố và khách sạn Novotel gần cảng Đà Nẵng, trong mắt cô, là hai cái ghế cho hai ông bà khổng lồ từ một nơi xa xăm nào đó ngồi ngắm cảnh đêm Đà Nẵng. Đám container nhiều màu trong cảng trông như những miếng lego trong trò chơi dành cho trẻ em.

Tay máy trẻ Kyu Kun, sinh viên năm thứ hai, lần đầu lên Sơn Trà nên có vẻ choáng ngợp trước cái panoramic view (thuật ngữ nhiếp ảnh, nghĩa là toàn cảnh) của thành phố về đêm. Trong rừng ánh sáng lấp lánh như sao đêm, anh dõi mắt đi tìm ngôi trường mình đang học, đoán chừng khu phố nơi nhà mình đang tất bật lo Tết và quán cà-phê nơi chúng bạn đang tán gẫu cuối năm.

Gió khuya trên độ cao 250m lành lạnh. Tôi đã từng nhiều lần lên cao hơn, trên 600m, nơi đặt Trạm Ra-đa 29-E290 canh giữ biển trời để ăn Tết sớm cùng cán bộ, chiến sĩ của trạm. Mỗi nơi có một tầm nhìn riêng. Ở lưng chừng núi này, có thể nhìn rõ hơn những con đường, những chiếc cầu, những tòa tháp… và cả những chiếc xe máy đỏ đèn hối hả chạy đua với Tết. Nơi vùng biển Sơn Trà có một chiếc tàu neo lại, ánh đèn điện hắt ra lấp lóa. Ước gì người khổng lồ của Phan Nguyệt đưa tay kéo con tàu lại gần bờ hơn chút để bức ảnh chụp vòng cung Thọ Quang - Non Nước có được điểm nhấn duyên dáng…

Nóc nhà thành phố và đỉnh đèo mây bay

Khi ta lên cao, đất trời rộng lớn hơn và ta chừng như bé nhỏ lại. Tôi mấy lần lên Bà Nà, ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển có cảm giác như đang chạm đến nóc nhà thành phố. Mải mê nhìn ngắm núi đồi, ruộng nương trải dài hút mắt đến tận phố thị rồi sông, rồi biển, chợt rùng mình khi nhẩm câu thơ của Đỗ Phủ hơn hai thế kỷ trước trong bài Đăng cao (Lên cao) qua bản dịch của Nam Trân: Rào rào lá trút rừng cây thẳm/ Cuồn cuộn sông về sóng nước tuôn.

Ở đó, nơi có thể nhìn ngắm rừng cây thẳm và sóng nước tuôn, tôi đã có những đêm đầy gió và lửa. Gió hoang dã tê người còn lửa thì hồng ửng những khuôn mặt, thỉnh thoảng bắn những chùm bông lửa tung tóe theo chiều gió. Rượu cần, điệu múa, lời ca... đêm bỗng dưng thênh thang hơn. Khi tàn ngọn lửa, trong ngất ngây tĩnh lặng của buổi khuya, quay nhìn về phía đằng đông để cảm nhận hết cái cao cả, cái đẹp của đất trời và sự sáng tạo, vẻ lãng mạn của con người. Toàn cảnh phố thị hiện ra như một nàng tiên cá bên bờ Biển Đông, gối đầu vào đỉnh núi Hải Vân với một trái tim nhấp nháy cùng ánh đèn đêm trải khắp thành phố. Không hẳn là cổ tích, bởi đưa tay ra là có thể chạm đến những hoa văn lân-tinh đính trên mình người đẹp trước lúc rạng đông.

Khác với Bà Nà, từ trên đỉnh Hải Vân có thể ôm gọn vào lòng núi-sông-biển-phố bằng một cái chớp mắt. Khi chưa có Hầm đường bộ Hải Vân, trên đỉnh đèo mây bay có thể nhìn những chiếc ô-tô đỗ đèo vẽ nên những vệt sáng thoắt ẩn thoắt hiện như đom đóm lập lòe quanh hòn non bộ. Từ vịnh Sứng dưới chân núi ra đến bán đảo Sơn Trà phía bên kia vịnh Đà Nẵng nhấp nháy những ngọn đèn chài của ngư phủ, lẻ loi, hiu quạnh so với “dải ngân hà thành phố” - cách gọi của Nhi Trần, sinh viên khoa du lịch, khi nói về đêm Đà Nẵng.

Nhắc đến Hải Vân, Phan Nguyệt nói cô từng lên đó ngắm trăng, ở một đoạn cua mà từ đó có thể thấy Hải Vân như một con rùa đang vươn ra biển. “Nơi đó trăng chiếu xuống biển lấp lánh rất đẹp, thi thoảng tiếng còi tàu lửa tu tu vọng lên, nó yên bình nhưng không buồn chán, không biết nói sao nữa, giống như mình về quê ngắm trăng, có thể ngồi một mình, nhưng vẫn cảm nhận được cuộc sống; mọi phiền muộn bực tức cứ từ từ tan, đến khi đứng dậy ra về là thấy mình nhẹ bẫng như được thanh lọc” - cô chia sẻ.

Bà Nà “đường lên tiên cảnh”, Hải Vân “nghìn năm mây bay”. Hèn gì, người ta thường lên đó để làm thơ, thưởng nguyệt.

Những điểm-ngắm-từ-xa

Lên Bà Nà, tôi từng bỏ hai nghìn tiền xu vào khe của chiếc kính viễn vọng đặt trên đồi Vọng Nguyệt để có thể nhìn ngắm toàn cảnh thành phố bên sông Hàn trong vòng 5 phút, dưới ánh nắng mặt trời lẫn buổi hoàng hôn, bình minh. Bên Đài Phát sóng DRT, bên Trạm Ra-đa 29-E290 trên bán đảo Sơn Trà, trên ngọn Thủy Sơn ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng đặt những chiếc “kính nhìn xa” để du khách có thể khám phá cận cảnh từng vẻ đẹp của Đà Nẵng. Nhưng rất tiếc, vì nhiều lý do, hiện kính viễn vọng trên đồi Vọng Nguyệt và bên Đài Phát sóng DRT đã bị tháo dỡ.

Ông Hoàng Xuân Tỵ, hướng dẫn viên du lịch cao niên nhất Bà Nà và là láng giềng của tôi, Tết rồi cho biết, khách cũ đến đồi Vọng Nguyệt cứ hỏi kính viễn vọng hoài. Bà Nà đã ngày một hấp dẫn hơn trong mắt du khách, nhưng xem ra vẫn còn thiếu những điểm-ngắm-từ-xa, nhất là ở những vị thế “đẹp” như đồi Vọng Nguyệt, khách sạn Debay, khách sạn Morin, đỉnh Núi Chúa.

Nói chi xa, trên tầng 20 của khách sạn Green Plaza trên đường Bạch Đằng cũng có một kính viễn vọng. Còn nhớ, tối 27-3-2009, trước giờ khai diễn Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần thứ hai, du khách đã chen nhau xem cận cảnh trong 3 phút mọi hoạt động đêm Đà Nẵng với một đồng tiền kẽm mệnh giá 5 nghìn đồng. Đứng một chỗ mà có thể “tham quan” mọi nơi, đó là tiện ích mà kính viễn vọng mang lại.

Trên cao, phố đêm Đà Nẵng hiện ra với những nét quyến rũ làm ngây ngất lòng người. Mỗi chiếc cầu khoác một chiếc áo ánh sáng, mỗi con đường mắc một chuỗi đèn lung linh. Đêm 29 tháng Chạp, trên độ cao 250m núi Sơn Trà, có thể nhìn bằng mắt thường dòng chữ điện tử “Chúc mừng năm mới 2014” chạy bên hông Khách sạn Novotel. Con đường từ cầu Mân Quang lên cầu Thuận Phước, trong góc nhìn của chúng tôi, trông như một đồ thị ánh sáng tăng trưởng theo chiều dương, chiều của hy vọng, thành đạt.

Kết thúc đêm “đăng cao”, Kyu Kun tranh thủ chụp cả nhóm một kiểu ảnh lưu niệm trên nền ánh sáng lung linh của phố đêm. Bức ảnh “để đời” đây - anh cười, lũ bạn thế nào rồi cũng “ganh tỵ” chuyện lên Sơn Trà mà không hú chúng nó. Chúng tôi biết ơn những người bạn đang công tác ở độ cao 250m này. Tạm biệt Sơn Trà. Dõi tìm Bà Nà, Hải Vân - xa tít tắp. Giá như có ai đó trên hai ngọn núi này đang dõi mắt về trung tâm thành phố cũng sẽ đồng cảm cùng chúng tôi một điều là: Đà Nẵng đêm quá tuyệt!...

Ký của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.