.

Đâu chỉ là trực Tết

.

Tết là khoảng thời gian để mọi người sum vầy cùng gia đình, người thân và bạn bè. Nhưng với cán bộ ngành y, chuyện ăn Tết trong bệnh viện không còn xa lạ mà rất đỗi bình thường, đặc biệt ở những khoa “nóng”.

Đến khoa Hồi sức cấp cứu những ngày Tết mới thấy hết sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ tại đây.  Ảnh: T.Y
Đến khoa Hồi sức cấp cứu những ngày Tết mới thấy hết sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ tại đây. Ảnh: T.Y

1. Đã hơn 1 năm kể từ khi tung ra đoạn clip quảng cáo dài 2 phút của Neptune, hình ảnh đối thoại “không lời” đầy ý nghĩa của người bố đang ở xa và cô con gái khiếm thính vẫn gây xúc động hàng triệu trái tim. Hình ảnh cô bé ngồi chờ chiếc điện thoại đổ chuông, cảm giác buồn bã khi biết ba vì công việc không thể về đón Tết cùng cả nhà. Cao trào đoạn clip là cuộc hội thoại qua màn hình máy tính giữa 2 bố con. Bằng ánh mắt và ngôn ngữ cử chỉ, cô bé cố gắng thuyết phục bố mình rằng: “Con để dành được rất nhiều tiền lì xì, bố đừng làm vất vả nữa. Bố về với con đi”. Người bố lắng nghe con với ánh mắt thật buồn, miệng ngập ngừng nói lời xin lỗi, tay run run chỉ vào trái tim với ánh mắt đầy day dứt. Và cuối cùng, clip kết thúc trong cảnh người cha bất ngờ trở về nhà trước giờ giao thừa với thông điệp “quà nào bằng gia đình sum họp, Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”.

Mỗi khi tivi phát lại đoạn clip đó, chị Nguyễn Thị Tâm (1967), nữ điều dưỡng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng không khỏi xúc động vì từ khi bước vào ngành Y đã 24 năm, chị chưa bao giờ có một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Đây cũng là cái Tết thứ 5 liên tiếp, chị Tâm đón giao thừa trong bệnh viện. Con gái chị, mỗi khi biết mẹ có kíp trực đúng đêm giao thừa, thường dỗi: “Con không thích mẹ ở lại bệnh viện đêm giao thừa vì nhà vắng vẻ lắm”. Tết cứ thế lần lượt trôi qua, chồng con chị cũng quen với việc vợ, mẹ vắng nhà những ngày Tết. Nếu chẳng may có khách đến nhà đúng ngày vợ trực, anh tự tay vào bếp, sắp xếp lại những món ăn vợ đã chuẩn bị sẵn để đãi khách.

Khoa Hồi sức cấp cứu có 12 bác sĩ và 27 điều dưỡng, kỹ thuật viên nhưng chưa ai có được cái Tết trọn vẹn cùng gia đình. Đặc biệt là những điều dưỡng như chị Tâm vì kíp trực 12 tiếng thì chị được nghỉ 24 tiếng, khoảng thời gian đó chỉ đủ để chị nghỉ ngơi, dọn dẹp nhà cửa, tranh thủ ghé thăm nhà người thân. Là tuyến cuối cùng về nội khoa ở Đà Nẵng nên khoa Hồi sức cấp cứu thường tiếp nhận bệnh nặng, giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Tết, số bệnh nhân nhập khoa luôn tăng cao. Giường 50 nhưng có ngày khoa đón gần 70 bệnh nhân cấp cứu. Công việc của đội ngũ y, bác sĩ tại đây vô cùng vất vả. Nhiều đêm giao thừa, họ làm một mạch, đến lúc nhìn lên đồng hồ đã thấy sang năm mới, không cả thời gian để chúc mừng nhau.

Bác sĩ Võ Duy Trinh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, cho biết cao điểm từ mồng 2 đến mồng 7, khoa thường xuyên tiếp nhận những ca nguy kịch về tiêu hóa, ung thư, bệnh nhân lớn tuổi… Do đó, một kíp trực chính (gồm 2 bác sĩ và 7 điều dưỡng) phải làm việc liên tục 24/24 giờ, luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Hơn 20 năm công tác tại bệnh viện, bác sĩ Võ Duy Trinh đã quen với cảnh trực Tết bệnh viện và căng óc giành lại sự sống cho bệnh nhân. Nếu chẳng may một bệnh nhân nào trút hơi thở trong ba ngày Tết, lòng ông và những đồng nghiệp tại khoa cũng nặng trĩu nỗi buồn.

2. Cực nhọc, nhưng nhiều niềm vui nhất trong những ngày Tết có lẽ là khoa Sản. Bởi bên cạnh sự tất bật trong công việc chuyên môn, niềm vui chào đón sinh linh nhỏ bé ra đời của mỗi gia đình cũng “lây” sang đội ngũ y, bác sĩ. Bác sĩ Lê Thị Mộng Tuyền, 17 năm công tác tại khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng nói, ngày Tết bệnh viện đón từ 50 đến 70 ca đẻ, mổ, trong khi ngày thường chỉ dao động trên dưới 40 ca. Lý do là vào dịp Tết, phòng khám tư, cơ sở y tế tuyến dưới đều đóng cửa nên mọi ca sinh nở, liên quan đến sản khoa đều tập trung về đây. Tết, mỗi kíp trực tại đây gồm 8 bác sĩ, 10 nữ hộ sinh nhưng công việc có khi làm không xuể. Chẳng may gặp ca khó như nhau bong non, cắt tử cung… thì ekip tập trung điều trị cho ca này có khi lên đến 8 người.

Những năm gần đây, người phụ nữ vì nhiều lý do thường chọn sinh mổ hơn đẻ thông thường khiến công việc của bác sĩ khoa sản cũng căng thẳng và áp lực hơn trước. Tết, bác sĩ sản khoa như chị Tuyền, không chỉ tất bật với công việc mà có hôm hơn 14 giờ mới ăn trưa. “Làm Tết cực nhưng vui. Nhất là khi cứu được sản phụ và em bé qua cơn nguy kịch, mang lại niềm vui cho gia đình họ. Điều đó phần nào giúp ca trực trong Tết của chúng tôi thêm nhiều ý nghĩa”,  chị Tuyền tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Xuân Anh (26 tuổi), nữ hộ sinh tại đây cũng có 3 cái Tết trực tại bệnh viện. Xuân Anh vừa mới lập gia đình mấy tháng nay. Trước khi cưới, cô không quên chia sẻ với chồng và ba mẹ chồng tương lai đặc thù công việc của mình để mong nhận được sự thông cảm trong Tết đầu về làm dâu. Xuân Anh bảo “Đi làm 3 năm là tôi có 3 năm trực Tết tại bệnh viện. Những chia sẻ, động viên của anh chị đi trước giúp tôi vững lòng hơn rất nhiều và luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình, nhất là trong dịp Tết”.

3. Ông bà ta thường nói “đi đâu cũng nhớ về đến nhà trước giờ cúng giao thừa” để gia đình quây quần bên mâm cỗ đón năm mới hoặc “làm gì cũng cố gắng ba ngày Tết phải về sum họp với gia đình”. Vì thế, khi tiếp xúc với đội ngũ y, bác sĩ ở một số bệnh viện tuyến cuối, chúng tôi không khỏi cảm phục tinh thần làm việc hết lòng vì bệnh nhân của họ. Có hôm vừa cùng nhau chia sẻ miếng bánh chưng lót dạ cũng phải bỏ giữa chừng khi nhận tin một ca bệnh nặng vừa nhập viện. Ngày không có lịch trực Tết cũng không dám uống nhiều hay đi khỏi thành phố, điện thoại luôn bật 24/24 giờ để khi bệnh viện cần là sẵn sàng có mặt.

Bác sĩ Lê Thanh Cẩm, công tác tại phòng Nhi, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, có thâm niên 17 năm trực Tết tại bệnh viện. Theo anh, ngày thường, bệnh nhi đến khám tầm 100 ca nhưng Tết tăng đột biến, có khi lên tới 200-300 ca nên áp lực ngày Tết vì thế tăng cao. Nói là trực Tết nhưng với y, bác sĩ, gọi là làm Tết thì đúng hơn. Thời điểm khác trong năm, đội ngũ y tế ngoài thăm khám sức khỏe, ít có cơ hội trò chuyện, hỏi thăm tình hình bệnh nhân thì mấy ngày Tết, họ có cơ hội gần nhau, cùng chia nhau đặc sản quê hương do người bệnh tỉnh xa mang tới. Nhiều bác sĩ còn dành thời gian chơi, chọc cười, tặng phong bao lì xì cho những em bé đang có những ngày dài chống chọi với bệnh tật tại đây.

Không chỉ chuẩn bị việc trực, cấp cứu, điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong Tết mà các bệnh viện còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà Tết, tăng chế độ ăn cho người bệnh đang điều trị, đảm bảo không khí đón Tết đối với bệnh nhân nghèo, tạo chút ấm cúng trong những ngày đầu năm.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.