.

Đầu bếp tại gia

.

Bạn tôi là một đầu bếp nổi tiếng tại một nhà hàng sang trọng trong thành phố, nhưng lúc nào anh cũng bảo với bạn bè rằng: Vợ anh mới là đầu bếp giỏi nhất...

Nhiều người bảo anh chỉ giỏi nịnh vợ, bởi chị nhà chưa bao giờ dự cuộc thi nấu ăn nào thuộc tầm cấp phường chứ nói gì đến cuộc thi tầm cỡ quốc gia như Masterchef Vietnam… Dù vậy, trong mắt bạn tôi, vợ luôn là một đầu bếp tài ba và nhiệt tình nhất trên đời. Một bếp trưởng nổi tiếng ngày ngày nấu món ngon cho thiên hạ thưởng thức là vậy nhưng lúc hết ca lại chạy vù về nhà ăn cơm vợ nấu.

Chấm điểm thực hành nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề quận Liên Chiểu. (Ảnh do trung tâm cung cấp)
Chấm điểm thực hành nấu ăn tại Trung tâm Dạy nghề quận Liên Chiểu. (Ảnh do trung tâm cung cấp)

Cái tố chất làm đầu bếp dường như được ông trời ban cho tất cả người phụ nữ trên thế gian này. Từ thời thơ dại, trong khi những đứa con trai chơi đánh trận để trở thành người anh hùng thì những bé gái say mê trò chơi đồ hàng như một mặc định về thiên chức giữ gìn tổ ấm gia đình. Lớn lên một chút, đi học về con gái biết phụ mẹ nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Để trở thành một đầu bếp trong tương lai, các cô con gái tuổi cập kê phải nằm lòng bài học cơm dẻo, canh ngọt… Giỗ chạp, Tết nhứt quanh năm suốt tháng trong các gia đình luôn là dịp để các cô con gái học các mẹ, các dì những món ăn cao cấp hơn cũng như những món bánh trái truyền thống.

Ngày trước, vào những dịp giỗ Tết, con gái các nhà trổ tài nấu nướng và làm bánh trái. Các bà mẹ được dịp nở mày nở mặt khi khách có lời khen về bánh ngon, mứt đẹp... Và đây cũng là điều kiện cần có để các bà ngấp nghé chọn nàng dâu cho con trai của mình. Trên hành trình đi tìm hạnh phúc của đời mình, người phụ nữ luôn phấn đấu trở thành một đầu bếp tài hoa để níu giữ bước chân của người thương.

Ngày nay, việc học nấu ăn không còn trong phạm vi gia đình mà còn mở rộng ở tầm xã hội. Nhiều cơ sở dạy nấu ăn ra đời như một sự hỗ trợ giúp phụ nữ nâng cao tay nghề làm bếp. Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm phụ nữ thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng, đối tượng tham gia học các lớp nấu ăn, pha chế đều tập trung ở độ tuổi từ 15 đến 30. Cá biệt có một số em đang học THCS nhưng tranh thủ thời gian nghỉ hè rảnh rỗi đăng ký học nấu ăn để sau này có thể vào bếp một cách tự tin khi xa nhà… 3 năm nay, chương trình “Học nấu ăn cùng Ajinomoto” do Trung tâm phối hợp với Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tạo cơ hội hữu ích, thiết thực, hiệu quả cho những ai muốn học nghề nấu ăn. Trung tâm Dạy nghề quận Liên Chiểu cũng đã tạo cơ hội cho các vị “nội tướng” nào muốn trang bị cho mình các kiến thức căn bản về bếp núc để có thể tự tay nấu bữa ăn ngon tại nhà, đôi lúc “biểu diễn” để bạn bè thưởng thức tài nghệ của mình và qua đó làm đẹp mặt chồng, con.

Những món ăn của các đầu bếp tại gia bao giờ cũng ngon hơn ở các quán ăn, nhà hàng bởi ngoài nguyên liệu tươi ngon họ còn nêm vào những gia vị yêu thương ngọt ngào. Đầu bếp tại gia không chuyên một món đặc sản vùng miền nào mà họ phải nấu được một lúc nhiều món cho các “thực khách tại gia” khác nhau. Này là cháo dinh dưỡng cho con, canh giải nhiệt cho bố mẹ chồng già khi trở trời nắng nóng, mấy món lai rai cho chồng và bạn bè, món ăn khuya cho con học thi... Đó là chưa kể khi giỗ, chạp hay khách ở quê ra chơi.

Nói như vậy sẽ có người bảo, thời buổi bây giờ cái gì cũng đi vào chuyên môn hóa. Cần gì cứ a-lô đến nhà hàng, vừa đỡ mất thời gian mà còn được phục vụ chu đáo. Nhưng, như thế thì còn đâu là gia đình, là tổ ấm! Thật ra hầu hết đàn ông khi lập gia đình đều mong ước một người vợ biết chu toàn, không chỉ khéo léo trong việc dạy dỗ con cái mà còn biết làm những bữa ăn ngon miệng. Nếu nói rằng, “con đường dẫn đến trái tim người đàn ông là đi qua dạ dày” là đúng nhưng chưa đủ. Bản tính đàn ông là thích được ăn cơm nhà nhưng cũng thích tụ tập bạn bè, thích được thể hiện. Họ không chỉ ăn bằng vị giác mà bằng cả tình cảm.

Người vợ hiểu chồng là người biết tạo được không khí để chồng thấy rằng không gì thay thế được bữa tối do bàn tay vợ nấu. Đó là bí quyết để lôi cuốn, giữ chân người đàn ông luôn nhớ tới tổ ấm gia đình, là mối liên hệ để người đàn ông thấy rằng bữa cơm gia đình không thể thiếu vắng họ.

Tâm sự về vấn đề này, cô Võ Thị Trâm, giáo viên dạy văn tại Trường THPT Phan Châu Trinh Đà Nẵng cho biết: Ngày mới lập gia đình, cô thật sự bỡ ngỡ với công việc bếp núc gia đình. Để chuẩn bị cho một bữa ăn hằng ngày cô đã tốn nhiều công sức. Đôi lúc cô cảm thấy nặng nề với chuyện cơm nước và ước ao được giải phóng khỏi gian bếp nhỏ hẹp… Nhưng rồi càng về sau, khi nhìn chồng ăn ngon, con cái lớn lên khỏe mạnh từ những món ăn do chính tay cô nấu, một niềm hạnh phúc lớn dần thành niềm tự hào của người làm mẹ, làm vợ.  

Khác với những đầu bếp chuyên nghiệp tại các nhà hàng, resort, những đầu bếp tại gia không bao giờ thay đổi nhiệm sở và họ sẽ không bao giờ muốn thay đổi. Với họ, thu nhập không phải là những giá trị vật chất có thể cân đong đo đếm bằng con số, mà là kỹ năng “giữ ấm bếp lửa gia đình” để mọi thành viên sum vầy trong một tình yêu thương đầm ấm.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.