.

Thêm sức hút du khách

.

Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn là một trong những dự án trọng điểm của thành phố Đà Nẵng trong những năm tới. Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc xây dựng hình ảnh và thương hiệu Đà Nẵng.

Nhiều nghệ nhân mong muốn Bảo tàng Đá được xây dựng tại Mộc Sơn, thay vì Thổ Sơn. TRONG ẢNH: Mộc Sơn (góc trái) nhìn từ Thủy Sơn. Ảnh: V.P.Q
Nhiều nghệ nhân mong muốn Bảo tàng Đá được xây dựng tại Mộc Sơn, thay vì Thổ Sơn. TRONG ẢNH: Mộc Sơn (góc trái) nhìn từ Thủy Sơn. Ảnh: V.P.Q

Đó là nhận định của KTS Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng. Ngũ Hành Sơn là huyền thoại, là thắng cảnh nổi tiếng, vì thế việc lập đồ án Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (Công viên) đã được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm. Đơn vị thiết kế, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm kiến trúc xây dựng - Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, đã đầu tư nhiều công sức để xây dựng đồ án với ý tưởng thể hiện những giá trị tâm linh đã thấm sâu vào tâm thức người Đà Nẵng.

Sản phẩm du lịch và sản phẩm làng nghề

Theo đồ án quy hoạch chi tiết Công viên đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt gần 4 năm trước, Khu trung tâm lễ hội là điểm nhấn, là lõi không gian có vai trò quy tụ của tổng thể kiến trúc, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, tinh thần đặc trưng của vùng thắng cảnh Non Nước - Ngũ Hành Sơn. Với trục lễ hội là không gian mở được cấu trúc từ đường Lê Văn Hiến kéo dài đến sông Cổ Cò gồm khu lễ đài chính và khu lễ hội, Khu trung tâm lễ hội sẽ giữ vai trò của một nhạc trưởng để quy tụ các thành tố còn lại trong một tổng thể hài hòa, cân xứng.

Tin vui sẽ có Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn đã làm nức lòng người dân Đà Nẵng nói chung, quận Ngũ Hành Sơn nói riêng. Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho rằng Công viên sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của vùng đất thấm đẫm văn hóa tâm linh này. Trong lúc chờ đợi hoàn thiện dự án, trong các năm qua, đơn vị đã tích cực đề xuất một số định hướng về phát triển du lịch phía Tây, nơi hằng năm diễn ra lễ hội Quán Thế Âm - một trong 15 lễ hội cấp quốc gia, đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Đà Nẵng.

Về phía Đông (Thủy Sơn), theo ông Tươi, đơn vị cũng đã nhiều lần đề xuất xây dựng đề án mở thêm lễ hội Vu Lan rằm tháng bảy tại động Âm Phủ. Tại đây, những phật tích đề cao chữ Hiếu đầy nhân văn sẽ là yếu tố làm nên một lễ hội thu hút mọi tầng lớp nhân dân, khách du lịch và thiện nam tín nữ, tạo nên điểm nhấn văn hóa song hành với lễ hội Quán Thế Âm tại phía Tây (Kim Sơn). Một khi Công viên hoàn thành, hai lễ hội này sẽ góp phần đa dạng hóa các hoạt động về văn hóa tâm linh, kích thích tăng trưởng nguồn thu du lịch cho Ngũ Hành Sơn.

Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (đang được quận Ngũ Hành Sơn lập phương án xây dựng tại tổ 17 khu vực Đông Trà, phường Hòa Hải, với quy mô 35,5ha), cũng sẽ ngày một phát triển hơn khi Bảo tàng Đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam được xây dựng cùng với các hạng mục khác liên quan đến đá trong công viên. Bảo tàng được xây dựng theo dạng hang động (ngầm dưới lòng đất) để tạo nên cảnh trí hấp dẫn, không chỉ trưng bày, triển lãm, chế tác, trao đổi mua bán sản phẩm mà còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa về đá mỹ nghệ trong và ngoài nước.

Theo đồ án thì bảo tàng đá được xây dựng ở Thổ Sơn, nhưng ông Huỳnh Chín, Trưởng ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã dẫn lời các nghệ nhân làng nghề mong muốn có sự thay đổi: “Nếu đưa bảo tàng về Mộc Sơn thì sẽ gắn kết với nhà thờ Thạch nghệ Tổ sư dưới chân núi và tạo ra một không gian văn hóa tâm linh liên hoàn. Mỗi khi tổ chức các lễ hội tôn vinh Tổ nghề đá sẽ thuận lợi và ý nghĩa hơn nhiều”.

Kinh tế, văn hóa và thương hiệu Đà Nẵng

Như thế, một khi Công viên hoàn thành sẽ tác động tích cực đến nguồn thu du lịch và cả nguồn thu sản phẩm làng đá mỹ nghệ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, đến nay công trình được mong đợi này vẫn chưa chính thức được khởi công.

Ông Huỳnh Cự, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết: “Tại Thông báo số 83/TB-UBND ngày 23-5-2012, UBND thành phố đã giao Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 phối hợp các đơn vị liên quan tập trung giải phóng mặt bằng khu vực được quy hoạch xây dựng Vườn tượng, đường Huyền Trân Công Chúa, đường Sư Vạn Hạnh nên mọi công tác giải phóng mặt bằng hiện chỉ tập trung tại các khu vực ưu tiên này”.

Theo số liệu của Văn phòng UBND quận, phía Bắc đường Huyền Trân Công Chúa có 90 hồ sơ, đến nay đã bàn giao mặt bằng 43 hồ sơ, 23 hộ đã cam kết bàn giao mặt bằng. Đường Sư Vạn Hạnh có 60 hồ sơ, đã bàn giao 18 hồ sơ. Số hồ sơ còn lại trên 2 tuyến đường này các cơ quan hữu quan đang tiếp tục vận động. “Việc các hộ chậm bàn giao mặt bằng một phần do thiếu nguồn vốn đền bù, một phần do chậm triển khai thi công. Như khoảng 31,5ha khu vực Thủy Sơn chẳng hạn, nếu khởi công xây dựng Công viên thì sẽ dễ dàng vận động bà con nơi đây bàn giao mặt bằng sớm hơn” - ông Cự giải thích.

Đại diện Sở Xây dựng, KTS Vũ Quang Hùng nói thêm về vấn đề này: “Việc triển khai dự án cần tập trung nguồn lực lớn về tài chính. Bên cạnh đó là vấn đề an sinh cho hàng nghìn hộ dân. Hiện nay, Sở, UBND quận Ngũ Hành Sơn và Viện Quy hoạch Xây dựng đang tích cực lên phương án giải tỏa và tái định cư, báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét, chỉ đạo những bước tiếp theo”.

Khi dự án Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được đưa vào hoạt động, chắc chắn sẽ đem lại những tác động lớn về kinh tế, văn hóa và thương hiệu Đà Nẵng - ông Hùng nhấn mạnh. Về kinh tế, trước hết dự án sẽ tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách đến Đà Nẵng. Bên cạnh đó là hiệu quả khai thác tại chỗ các nguồn thu từ các sản phẩm du lịch làm từ đá. Về văn hóa tinh thần, đây sẽ là một trong những địa điểm lý tưởng để đáp ứng ý nguyện tìm về văn hóa cội nguồn, là niềm tự hào của nhân dân Đà Nẵng về một thành phố tươi đẹp và đậm tính nhân văn.

 Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/200 đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt (nguồn: ytuong.danang.vn)
Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/200 đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt (nguồn: ytuong.danang.vn)
Với diện tích gần 139ha, Công viên Văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn được cấu trúc dựa theo ý tưởng hình thành “Con đường huyền thoại trở về với cội nguồn” kết nối 5 ngọn núi của Ngũ Hành (Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn) với sông Cổ Cò và Biển Đông. Bố cục đồ án là sự gắn kết của các thành tố như: Khu trung tâm lễ hội, Bảo tàng Đá, Chùa Quán Thế Âm, Làng hành hương, Khu vườn tượng, Phố mỹ nghệ, Khu danh thắng bảo tồn… Dự toán kinh phí xây dựng công trình là 2.000 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ có khả năng đón tiếp 3.000 khách/ngày (1 triệu khách/năm).

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.