Nếu không được Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu giới thiệu, thật khó mà tìm gặp những người lính thông tin và bộ đội xăng dầu từng tham gia Đoàn 559 hiện sống ở Đà Nẵng.
Anh Ngừng lúc ở chiến khu Ba Lòng, huyện A Lưới, A Sầu đường mòn Hồ Chí Minh nay là đường Trường Sơn, năm 1973. (Ảnh do nhân vật cung cấp). |
Tiếp xăng cho chiến trường
Tháng 8 năm 1974, chị Trương Thị Hương rời quê Nghệ An vào Cục xăng dầu - Đoàn 559 đóng ở Gio Linh, Quảng Trị, được phân công về đơn vị làm đường ống xăng dầu từ Cửa Việt lên đường 9. Cả tiểu đoàn chỉ có hai tiểu đội nữ, tuổi 18-19, sáng sáng vác cuốc xẻng vô rừng đặt đường ống. Bộ đội nữ thường thì đêm nằm hai người một võng, người này trở mình là người kia tỉnh giấc. Có khi làm lán trại che vải ni-lông, đập dập thân cây lồ ô làm sạp.
Đúng một năm trước đó, anh Vũ Xuân Ngừng nhập ngũ, chỉ sau 20 ngày tập đi đều bước là rời quê Thái Bình vào Quảng Bình, rồi Đông Hà, theo xe vào chợ Cùa Cam, Lộ (Quảng Trị), lội bộ lên đỉnh 365 đến chiến khu Ba Lòng, nơi đóng quân của Trung đoàn 671 thuộc Cục Xăng dầu - Đoàn 559.
Mỗi ống dẫn xăng đường kính khoảng 20cm, dài 6m; ống Liên Xô nặng chỉ 45kg, nhưng ống Trung Quốc nặng đến 60kg. Nam như anh Ngừng vác mỗi người một ống 60kg, nhưng chị Hương phải tìm thêm một bạn nữ nữa cùng khiêng một ống, vừa đi vừa khóc. Ống được đặt nổi trên mặt đất hoặc vắt qua sườn núi, cũng may là ống Trung Quốc chỉ đặt ở cự ly gần nên cũng đỡ vất vả bớt.
Chị Hương cuối năm 1974 đi suốt nửa tháng từ đường 9 vô Gia Lai để tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Lúc ở Đông Hà, có lần đơn vị chị đi đường ống qua một nơi đồng không mông quạnh, trời mưa như trút không một chỗ nấp, mấy chị em đành chui vô cái téc rỗng chưa đựng xăng. Qua Khe Sanh lại mưa, bùn ngập lên nửa ống quyển. Tối chưa biết nghỉ đâu thì gặp một xưởng cưa, gọi là xưởng nhưng chỉ có mấy tấm ván bìa. Đại đội trưởng cho trải ván ra làm giường nghỉ tạm. Không mắc mùng thì muỗi vo ve, mà mắc mùng thì chân giò đầy bùn làm bẩn. Đại đội trưởng nảy ra sáng kiến, bảo mọi người rửa chân bằng… mùn cưa. Cách rửa khô ngó vậy mà hiệu quả, ai nấy tinh tươm chân giò đánh một giấc tới sáng.
Hơn 40 năm rồi, có nhiều bài hát chị Thanh không nhớ hết, như bài này: Em là cô gái đường dây. Em đi muôn nẻo đó đây quê nhà... |
18 tuổi, anh Ngừng sức trai vác ống 60kg đi vèo vèo. Cứ mỗi cây số đường ống có một trạm đặt máy đẩy để bơm xăng lên Trường Sơn. Mỗi máy đẩy nặng trên nửa tạ, có 4 bánh xe, muốn vận chuyển phải nhờ xe đặc chủng kéo đi, thường chọn đường suối vì không phải mở đường, gặp đá to thì bộ đội xuống dọn dẹp. Từ dưới chân núi lên đỉnh 365 phải dùng 3 máy đẩy, được kéo lên bằng xe xích sắt. Tại đỉnh cao này, xăng chảy đến A Sầu, A Lưới tỉnh Bình Trị Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế) lên tận Khâm Đức, tỉnh Quảng Nam.
Vô quân ngũ, anh nghe những người đi trước kể rằng, thời chưa có đường ống, trong lúc bộ đội chính quy đánh nhau với địch thì thanh niên xung phong gùi từng bi-đông xăng ra chiến trường. Khi máy bay Mỹ đánh vỡ đường ống ở Quảng Bình, nhiều nơi bốc cháy dữ dội, những nơi không cháy thì cho xả xăng xuống hố bom. Nữ thanh niên xung phong mỗi người mang khoảng 20 lít xăng chuyển bộ vượt qua khe núi tiếp ứng cho chiến trường. Nắng nóng, thêm hơi xăng độc, nên ghẻ lở, hắc lào cứ từ đó mà ra. Có khi đang múc xăng thì bị máy bay Mỹ bắn rốc-két xuống hố, xăng phựt cháy, người cháy theo…
Ký ức đường huyền thoại
Năm 1972, tròn 17 tuổi, chị Đào Thị Thanh ở Yên Thành, Nghệ An, vào Trung đoàn 529 - Đoàn 559, giữ nhiệm vụ thông tin, vừa trực tổng đài vừa làm lễ tân. Lao động suốt 30/30 ngày nhưng ai nấy không biết mệt. Những người lính thông tin, với khẩu hiệu “Coi dây như ruột, coi cột như xương”, xây dựng 1.350km đường thông tin tải ba và hàng vạn ki-lô-mét dây thông tin các loại, bảo đảm thông tin tới các hướng chiến trường.
Một lần chị cùng một đồng đội nữ đi nối đường dây, bị lạc trong rừng Đakrông, Quảng Trị. Các chị lần theo đường dây (thả như dây dừng, không cọc) thì đến một chốt. Gần một ngày trời không ăn gì, đói sảng, nhưng các anh ở chốt mời ăn thì xấu hổ quá, chỉ ăn gọi là. Đến khi các anh đi ra rồi các chị mới xúc vội xúc vàng, thức ăn chỉ khế và trái vả mà ngon đến cực kỳ.
Chị đã đi qua các vùng đất đường 15A (qua Quảng Bình), Cha Lo, đường 9, A Sầu, A Lưới, A Pông… Nhắc tới A Pông, chị lấy giọng hát bài “Em đi qua A Pông” của nhạc sĩ Đào Hữu Thi sáng tác năm 1972: Khi đi qua A Pông em nhớ anh nhiều, người công binh mở đường nơi đây… Ngày đó chị tham gia đội thông tin tuyên truyền đi hát cho bộ đội nghe, gọi đùa là đội Hoa Lư nghĩa là… hư loa.
Tình yêu son sắt đã “dẫn đường” cho chị Hương và anh Bình (phải) thành đôi sau 8 năm quen nhau. Ảnh: V.T.L |
Có lẽ giọng hát chị không khác mấy so với ngày xưa, nhất là ở vẻ lạc quan yêu đời. Ngày ấy, ở Trường Sơn ai mà không một lần bị sốt rét, sên vắt, rắn rít cắn. Sợ nhất là ruồi vằn, bọ chó... Hỏi chị nhiều câu thì chị bảo: “Thôi đừng viết nữa anh ạ, bao nhiêu người đã bỏ mình giữa rừng sâu, nhiều chị về đành phải chấp nhận “3 không”: không chồng, không con, không nghề nghiệp. Mình cứu nước xong về cứu mình, có chồng, có con là may mắn quá rồi”.
Chị Hương và đồng đội nữ, sau năm 1975, được chỉ huy cho ra quân, về quê để lấy chồng. Hồi ở quê Nghệ An, năm 1972 chị quen anh Lê Hữu Bình, chồng chị hiện nay. Hai người đều đi bộ đội, anh vào Lộc Ninh, còn chị thì miệt mài trên đường Trường Sơn. Năm 1976 anh gửi thư về quê, nhờ địa phương chốt lại danh sách ai còn ai mất mới biết chị còn sống. Mãi đến 4 năm sau, năm 1980, cả hai mới thực sự được sống bên nhau. Anh chị giờ là hàng xóm của chị Thanh ở Hòa Mỹ 3, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.
Anh Ngừng và chị Hương đã cùng đồng đội nối dài 1.400km đường ống xăng dầu trên khắp Trường Sơn. Sau năm 1975 anh về nhận công tác ở kho xăng trên đèo Hải Vân, nay làm Trưởng phòng Tổ chức Sở Kế hoạch-Đầu tư Đà Nẵng. Đồng đội anh về quê xa Nghệ An, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định… từ bấy đến giờ không liên lạc được. Anh hy vọng qua những cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn sắp đến sẽ tìm gặp những đồng đội xưa. Dấu chân tuổi trẻ hẳn đã nhạt nhòa đâu đó giữa đường Trường Sơn thời hiện đại, nhưng ký ức một thời trên con đường huyền thoại này sẽ khó mà phôi phai trong trái tim con người…
VĂN THÀNH LÊ