.

Hội sách với văn hóa đọc

.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từng chia sẻ trước báo giới rằng “chúng ta đang đánh mất thói quen mua sách, đọc sách. Người ta sẵn sàng đi nhậu, làm đẹp hay đi mua sắm mà ít nghĩ đến việc mua cho mình một cuốn sách, dù cuốn sách đó có giá bán ít hơn rất nhiều so với giá họ phải trả cho những khoản trên. Hay trong những ngày hội sách diễn ra tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… tháng 4 vừa qua, người đi xem sách, chụp hình cùng sách đông hơn nhiều so với số lượng đầu sách được bán ra. Đó là thực tế đáng buồn”.

Ngày hội đọc sách Đà Nẵng năm 2013 tại Bảo tàng Chăm thu hút khá đông độc giả trẻ.	 Ảnh: T.Y
Ngày hội đọc sách Đà Nẵng năm 2013 tại Bảo tàng Chăm thu hút khá đông độc giả trẻ. Ảnh: T.Y

Thấy gì ở ngày hội dành cho sách

Năm 2014 là năm đánh dấu Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Ngày sách Việt Nam 21-4. Nhân sự kiện này, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hoạt động giới thiệu sách mới, sách hay đến tay độc giả. Trong không khí đó, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng và NXB Văn học (Văn phòng đại diện tại miền Trung-Tây nguyên) phối hợp tổ chức “Hội sách sông Hàn” với nhiều hoạt động xung quanh chủ đề về sách. Ngoài hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sách giá ưu đãi của nhà xuất bản, hội sách còn tổ chức các buổi trao đổi, trò chuyện với nhà thơ, nhà văn về tác phẩm, tình yêu, kinh nghiệm đọc sách…

Nhà thơ H.Man, Trưởng đại diện NXB Văn học, Văn phòng đại diện tại miền Trung-Tây Nguyên cho biết, mục đích cao nhất của “Hội sách sông Hàn” vẫn là trưng bày, giới thiệu sách nhằm khơi gợi tình yêu, thói quen đọc sách cho mọi người, đặc biệt là bạn đọc trẻ. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng, hội sách được tổ chức ở Đà Nẵng những năm qua còn nhiều hạn chế do số lượng NXB, nhà sách tham gia ít, kinh phí tổ chức thấp, số lượng sách trưng bày không nhiều, kém ấn tượng, chưa có không gian điểm sách để giới thiệu cho bạn đọc những cuốn sách có giá trị…

Trước đó, CLB Cán bộ trẻ Đà Nẵng cũng đã kết hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức “Ngày hội đọc sách Đà Nẵng năm 2013”. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng UBND thành phố, Chủ tịch CLB Cán bộ trẻ Đà Nẵng, cho biết: “Việc CLB đứng ra liên kết, mời gọi các NXB, nhà nghiên cứu tham gia ngày hội đọc sách là để góp phần nâng cao văn hóa đọc, khuyến khích mọi người, nhất là giới trẻ, dành nhiều thời gian cho sách, nâng cao ý thức của người dân về giá trị, tầm quan trọng của việc đọc sách với giáo dục và hình thành nhân cách con người”. Dù được trưng bày ở vị trí khá đẹp, thu hút sự chú ý của mọi người nhưng theo ghi nhận của nhiều phóng viên, số lượng người lui tới hội sách chủ yếu vẫn là sinh viên, học sinh có nhu cầu tìm hiểu hoặc mua sách giảm giá phục vụ việc học tập tại trường.

Cũng theo nhà thơ H.Man, người từng tham gia Hội sách ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh có lợi thế là các công ty sách hàng đầu như Fahasa, Phương Nam, Kim Đồng… đều đóng trên địa bàn, nên việc tổ chức ngày hội sách diễn ra thuận lợi hơn. Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương tổ chức 4 lần liên tiếp cuộc thi Tủ sách gia đình, thu hút nhiều tủ sách gia đình ở các tỉnh, thành khác tham gia. Tại không gian này, độc giả được nghe những ông chủ tủ sách gia đình chia sẻ tình yêu, niềm đam mê của mình dành cho sách. Tuy nhiên vì lý do kinh phí, Ban tổ chức đã không thể duy trì cuộc thi ý nghĩa và giàu tính nhân văn này trong năm 2014.

Cần đọc sách có hệ thống

Nhà thơ Thanh Quế biết làm thơ, viết văn từ thời đi học tại Trường học sinh miền Nam số 24 Hà Đông những năm 1960. Những tác phẩm của ông khi ấy phần lớn viết về chiến tranh, nóng hổi mùi bom đạn và khô khốc những cồn cát oằn mình dưới cái nắng cháy người. Dù đã đi quá nửa cuộc đời, đọc rất nhiều cuốn sách nhưng ông vẫn nhớ trong lòng lời dặn của nhà thơ Tế Hanh dành cho ông. Chuyện rằng, có lần ông may mắn đoạt giải thưởng thơ của Trường học sinh miền Nam, phần thưởng là một cuốn sách của nhà thơ Tế Hanh. Trong cuốn sách tặng thưởng, nhà thơ Tế Hanh có viết kèm mấy dòng rằng “Cháu nào nhận được sách của bác hãy viết thư cho bác”.

Ngay lập tức, Thanh Quế viết thư gửi nhà thơ Tế Hanh kèm vài bài thơ của mình nhờ Tế Hanh nhận xét. Trong thư trả lời, ngoài lời khen tặng, nhà thơ Tế Hanh dặn ông rằng, nếu muốn nâng cao năng lực viết, Thanh Quế phải siêng đọc tục ngữ, ca dao, dân ca; văn học xưa và nay của đất nước hay tìm hiểu văn học nước ngoài và những cuốn sách viết về khoa học, kỹ thuật… “Nhà thơ Tế Hanh nói, mọi cuốn sách khi ra đời đều mang sứ mệnh lịch sử của nó. Chúng ta đều có thể tìm được ở đó những giá trị mình cần khai thác”, nhà thơ Thanh Quế nhắc lại.

Theo nhiều chủ nhân của những tủ sách có giá trị tại Đà Nẵng, văn hóa đọc là khái niệm khá rộng, nó bao gồm thói quen đọc sách, sở thích đọc và kỹ năng đọc sách thế nào cho hiệu quả. Gây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày là bước đầu tiên để xây dựng văn hóa đọc, từ đó dần tạo dựng kỹ năng lựa chọn sách. Việc tổ chức ngày hội sách và lồng ghép thi tủ sách gia đình chắc chắn sẽ góp phần tạo thêm niềm say mê cho người đọc. Như ý kiến của ông Trần Phước Tuấn - chủ nhân tủ sách gần 30 ngàn cuốn gồm nhiều thể loại ở Đà Nẵng: Với người yêu sách, ngày hội sách chắc chắn sẽ rất hấp dẫn vì ở đó bạn có thể tìm được những cuốn sách hay, gặp những người cùng tình yêu với sách, gặp gỡ tác giả và quan trọng hơn là, ngày hội sách sẽ là nơi để bạn trao đổi các kỹ năng đọc sách hiệu quả, có hệ thống.

Thống kê từ Cục Xuất bản cho biết, bình quân mỗi năm người Việt Nam chỉ mua 4 cuốn sách. Trong đó 70% là sách giáo khoa, 30% là sách văn học, tham khảo, nghiên cứu. Nhận xét về điều này, ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng nói: “Nếu không tính sách giáo khoa phải mua để học trong nhà trường thì mỗi người Việt Nam hiện nay mua chưa đến 1 cuốn sách/năm. Việc tổ chức Ngày sách Việt Nam giúp NXB, những người làm công tác quảng bá, sưu tầm, lưu giữ sách có cơ hội giới thiệu sách đến bạn đọc”.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.