Chuyện kể rằng, từ khi loài người tìm ra lửa thì cuộc sống đầy ấm áp và yêu thương hơn. Bếp lửa như trái tim của một ngôi nhà và người phụ nữ chính là người giữ lửa cho trái tim gia đình ấy. Chính vì vậy, dẫu có đi đâu về đâu những đứa con cũng trở về sà vào bếp, lục chén cơm nguội, chan chút nước cá kho, hít hà trong cái nhìn đầy yêu thương của mẹ. Những người đàn ông dù lên xe xuống ngựa, tung tẩy bốn phương… cũng không thể nào quên được bữa cơm chiều thơm mùi củi lửa.
Khói bếp không chỉ bay lên trời mà còn bay cả vào buồng phổi của mỗi người. Ảnh: N.H |
Màu khói lam chiều xưa nay luôn là nỗi nhớ da diết của những đứa con tha hương, xa xứ. Giữa mùa đông lạnh lẽo Mát-xcơ-va hay bầu trời đầy tuyết trắng Pa-ri, ký ức một thời khói bếp không còn là sương khói thênh thênh mà là trĩu nặng nỗi nhớ quê nhà. Thế mới biết vì sao, những kiều bào ở trời Tây… cứ gọi điện về than thở: “Ước chi giờ này được túm tụm ngồi bên bếp lửa, nghe củi nổ lách tách, hít hà mùi khói thơm nồng… chờ cơm chín tới!”. Nghe sao mà rưng rức cả ruột gan!
Trong đời sống của người Việt, việc dùng củi lửa làm chất đốt không chỉ là thói quen từ hồi cổ xưa mà còn là nét văn hóa khó mà thay thế trong ngày một ngày hai. Chính vì vậy, cho dù ngày nay chất lượng cuộc sống ngày một nâng cao, không ít người hoài cổ vẫn chưa rũ bỏ được nếp xưa. Sự hiện diện của bếp gas, bếp điện, bếp hồng ngoại… ngay các xã miền núi của thành phố như Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Liên… cũng không còn gì xa lạ, đã làm diện mạo nông thôn mỗi ngày thêm văn minh, tiến bộ. Thế mà, vẫn có một điều lạ rằng, bên cạnh những cái bếp hiện đại đó, cái ông kiềng ba chân ám khói thời gian vẫn thi thoảng bập bùng củi lửa!
Biết làm sao được, người nông dân vốn hay tiết kiệm! Đành rằng xài bếp gas, bếp điện sạch sẽ hơn, đỡ ô nhiễm môi trường hơn. Nhưng cây cỏ quanh nhà ê hề, bỏ đi thì phí nên tận dụng nấu nước, nấu cám lợn. Đỡ đồng nào hay đồng đó. Nhưng đó chỉ là cái lẽ bên ngoài để biện hộ. Trong tận cùng thẳm sâu của mỗi người thì nỗi nhớ củi lửa khó mà quên ngay được.
Nếu có dịp về quê trong những ngày giáp Tết mới thấy tập quán sử dụng chất đốt bằng than, củi, rơm, trấu… ở nông thôn vẫn khó bỏ. Nào là tráng bánh tráng, làm bánh khô, bánh tổ đến nấu bánh chưng, bánh tét… củi được tích trữ cả năm trời nay mới có dịp đem đốt. Nhà nào nhà nấy khói vần vũ lên tận đọt tre… Trao đổi về vấn đề này, anh Trần Thanh Thuận, chủ lò bánh khô mè tại làng Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cho biết: “Bánh khô mè phải nấu bằng củi mới ngon, nhất là công đoạn nướng bánh. Phải là than củi vườn nhà như thầu đâu, mứt, bạc hà… Than vừa đượm, vừa thơm mùi cây cỏ nên bánh xốp và thơm lắm!”. Khó có thể hình dung nổi mỗi năm, mỗi lò bánh thủ công như gia đình anh Thuận đã đốt bao nhiêu tấn củi, thải vào trời xanh kia bao nhiêu bụi khói vô hình…
Được biết, theo một báo cáo mới công bố của Liên Hợp Quốc, ô nhiễm khói bếp là nguyên nhân khiến 2 triệu người chết mỗi năm ở các nước đang phát triển. Ở các quốc gia đang phát triển, gần 3 tỷ người phụ nữ phải bỏ ra hàng giờ để nấu ăn cho gia đình mỗi ngày, và chịu ảnh hưởng sức khỏe do ô nhiễm khói bếp. Khói bếp thải ra trong quá trình nấu nướng, đặc biệt là khi sử dụng các nhiên liệu bẩn để đun, đốt có khả năng làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Đây được xem là một trong bốn hiểm họa đang ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển, bao gồm: thiếu nước sạch, nhiễm HIV/AIDS, nạn đói và ô nhiễm từ nhà bếp.
Những con số khô khan trên đây đã khiến chúng ta phải giật mình. Đó là cái giá khá đắt mà con người phải trả cho chính hành vi của mình, dẫu hành vi ấy xuất phát từ những cảm quan được cho là tốt đẹp nhất. Lâu nay, khi nói về việc ô nhiễm môi trường do việc dùng chất đốt từ than, củi, lá khô, rơm rạ… hay cả trong việc đốt đồng đi nữa thì người nông dân vẫn lạc quan cho rằng: Khói bay lên trời ấy mà…
Mẹ luộc khoai bằng bếp lửa củi rều/ Củi chưa khô ngọn lửa nghèo cũng ướt/ Vung nồi đất xoay mấy vòng không khít/ Khói tạt về phía mẹ… mắt con cay. Câu thơ của Vũ An đã ít nhiều nói lên một sự thực không được nên thơ bên bếp lửa. Đó là khói bếp không chỉ bay lên trời mà còn bay cả vào buồng phổi của mỗi người và đọng lại ở đó thành những căn bệnh ung thư chết người và để lại đằng sau đó những giọt nước mắt…
NHƯ HẠNH