Đánh giá về nguồn năng lượng tái tạo (hay năng lượng tái sinh là năng lượng từ những nguồn liên tục mà theo chuẩn mực của con người là vô hạn) tại Đà Nẵng, ông Dương Hoàng Văn Bản - Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng cho rằng, năng lượng gió và mặt trời là hai nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng nhất, tuy nhiên nó lại ít được khai thác nhất cả về công suất và hiệu quả.
Đồ án bộ biến đổi năng lượng mặt trời cấp cho tải một chiều của nhóm bạn Huỳnh Văn Quân, ĐH Bách khoa Đà Nẵng góp mặt vào quá trình nghiên cứu sử dụng nguồn năng lượng tái tạo của các nhà khoa học Việt Nam. Ảnh:H.N |
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi may mắn được tiếp cận với đồ án tốt nghiệp đại học của 3 kỹ sư tương lai Huỳnh Văn Quân, Nguyễn Khắc Trường Tân và Ngô Văn Dương, lớp 09D1 và 09D3, khoa Điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng với đề tài “Thiết kế lắp ráp bộ biến đổi năng lượng mặt trời (NLMT) cấp cho tải 1 chiều”. Theo đó, các bạn thiết kế bộ nạp ắc- quy (12V) cấp cho tải một chiều công suất 40W. Khi NLMT chiếu qua những tấm pin mặt trời, được nạp liên tục cho ắc-quy (bộ sạc dùng phương pháp sạc mới pic-là chip vi xử lý, tối ưu hơn cách sạc hiện nay). Dòng điện cho tải 1 chiều này ứng dụng vào thắp đèn đường (ắc-quy dùng cho tải 40W, điện áp 12V) sẽ chiếu sáng liên tục được 5 giờ. Huỳnh Văn Quân cho biết, đồ án của các bạn mới nghiên cứu ở vấn đề dùng NLMT cấp cho tải một chiều; nếu các gia đình muốn sử dụng nguồn năng lượng vô tận này để thắp sáng và các thiết bị điện khác thì phải chuyển đổi sang dòng điện xoay chiều.
Đây không phải là lần đầu tiên ĐH Bách khoa Đà Nẵng có những đồ án tốt nghiệp về ứng dụng nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo. Tuy nhiên, vì giá thành những thiết bị để biến đổi NLMT thành nguồn năng lượng có thể sử dụng được khá đắt, nên ít doanh nghiệp cũng như hộ gia đình đầu tư.
Khoa Điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng hiện đang sở hữu một trạm phát điện năng lượng mặt trời gồm 56 tấm pin mặt trời có công suất cực đại mỗi tấm 120W và cho điện áp đầu ra 6,7kW. Nguồn năng lượng này kết hợp với một trạm phát điện năng lượng gió nhưng chỉ được sử dụng cho 5 bóng đèn cao áp chiếu sáng vào ban đêm xung quanh khu vực trạm phát điện. “Sự lãng phí nguồn năng lượng vô tận này khiến chúng tôi rất tiếc”, TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trưởng khoa Điện của trường cho biết. Sắp tới khoa Điện sẽ chuyển đổi hệ thống để Trung tâm Thí nghiệm điện của khoa dùng năng lượng điện tái tạo này trong việc thắp sáng và dùng quạt. “Nếu NLMT nối lưới điện để thắp sáng, không cần qua hệ thống ắc-quy nạp lại năng lượng thì sẽ đỡ tốn pin hơn, giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, những bộ chuyển đổi, bộ pin được sản xuất hoàn toàn trong nước thì nhiều người có cơ hội lắp đặt hệ thống thắp sáng dùng NLMT”, ông Hiếu cho biết thêm.
Hiện nay người dân chủ yếu dùng NLMT cho bình nước nóng, còn sử dụng để làm ra điện thì hầu như chưa có nên nguồn năng lượng này vẫn được xem là kho tài nguyên vô tận cần được khai thác.
Ngoài những tấm pin mặt trời thu điện năng, cánh quạt thu năng lượng gió tại ĐH Bách khoa hiện nay được đánh giá là “không hiệu quả”. TS Nguyễn Hữu Hiếu cũng như ông Dương Hoàng Văn Bản đều khẳng định như vậy. Đà Nẵng có tốc độ gió trung bình 3,3m/giây (trong khi ở Bình Thuận hiện đã sản xuất được điện từ năng lượng gió thì tốc độ gió 6m/giây) nên tiềm năng về năng lượng gió chỉ đáp ứng cho các dự án sử dụng các loại turbine công suất từ 300W đến 5kW (ứng dụng cho quy mô hộ gia đình, cung cấp điện cho các khu dân cư, chiếu sáng…). “Đà Nẵng chỉ có thể sử dụng turbine nhỏ, cơ cấu bộ hãm đơn giản (dùng cho hộ gia đình); trong điều kiện thành phố có tần suất bão rất cao, khi gặp bão lớn cánh quạt dễ bị gãy do quay vượt tốc”, ông Bản cho biết thêm.
Bên cạnh NLMT, những năm qua mô hình sản xuất chăn nuôi của bà con nông dân kết hợp làm hầm Biogas để phát điện, sấy sản phẩm hay nấu nướng… đã được áp dụng tại nhiều địa phương. Phát triển nguồn năng lượng sinh khí này hiện tập trung chủ yếu ở các địa phương của huyện Hòa Vang. Ông Đặng Công Đào, chuyên viên văn phòng UBND huyện Hòa Vang cho biết, hiện cả huyện có khoảng 120 hầm biogas, tập trung ở các xã Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Tiến. Chương trình làm hầm biogas lâu nay do tổ chức QSEAP (dự án nâng cao an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học) tài trợ cho mỗi hộ 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, các sở, ngành toàn thành phố những năm qua hỗ trợ cho các hộ dân có chăn nuôi làm hầm Biogas theo chương trình xây dựng Nông thôn mới, chủ yếu làm bằng composite.
Trước nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng, Đà Nẵng đã có Quy hoạch phát triển NLMT, tầm nhìn đến năm 2025. Qua việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo như mặt trời, biogas, thủy điện… đã tỏ ra có hiệu quả và bền vững, vấn đề còn lại là một chiến lược đúng trong việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên.
HOÀNG NHUNG