Hãy hiện thực hóa tình cảm dành cho Hoàng Sa đang nồng cháy trong tim thành những gì mà mọi người có thể tai nghe mắt thấy, chẳng hạn thành giai điệu thiết tha gợi khát khao đại dương trong các ca khúc về biển đảo quê hương, hay thành tác phẩm nghệ thuật tạo hình để có thể nhìn ngắm mỗi ngày...
Tôi yêu Hoàng Sa được khắc chìm trên hình nền thủy tinh và trên lá bồ đề. |
1. Hoàng Sa trong trái tim người Đà Nẵng là cách diễn đạt có phần cổ điển để cực tả tình cảm của người dân thành phố bên sông Hàn luôn hướng về huyện đảo thân thương đương bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm suốt bốn chục năm nay. Tuy nhiên nhan đề bài báo này chủ yếu được gợi ý từ sáng kiến của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lê Thị Mỹ Hạnh, khi chị thiết kế mẫu hàng lưu niệm Hoàng Sa với hình nền là một trái tim bằng thủy tinh trên đó khắc chìm khẩu hiệu “Tôi yêu Hoàng Sa” cùng hình bản đồ Tổ quốc, con tàu vượt trùng khơi và bia chủ quyền Hoàng Sa năm 1938.
Sáng kiến về trái tim người Đà Nẵng hướng đến Hoàng Sa của chị còn được nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ cách điệu hóa bằng một chiếc lá bồ đề mỏng tang được sử dụng làm hình nền nhằm thay cho kỹ thuật khắc chìm trên thủy tinh khi chế tác mặt hàng lưu niệm vừa có giá trị nghệ thuật vừa có ý nghĩa chính trị này, góp phần vào cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước đối với Hoàng Sa của tôi ơi / Chân mây sáng quắc như lời thanh gươm(*).
2. Sáng kiến về trái tim người Đà Nẵng hướng đến Hoàng Sa còn nhằm chuyển tải một thông điệp mang tính thời sự: hãy hiện thực hóa tình cảm dành cho Hoàng Sa đang nồng cháy trong tim thành những gì mà mọi người có thể tai nghe mắt thấy, chẳng hạn thành giai điệu thiết tha gợi khát khao đại dương trong các ca khúc về biển đảo quê hương, hay thành tác phẩm nghệ thuật tạo hình để có thể nhìn ngắm mỗi ngày, để ngày nào cũng nhớ Hoàng Sa vẫn còn nằm trong tay ngoại bang, hoặc thành những trang sách giáo khoa - như sách Khải đồng thuyết ước đời vua Tự Đức có tấm Bản quốc địa đồ thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa (ghi rõ ba chữ Hoàng Sa chử 黃沙渚) và quần đảo Trường Sa (ghi rõ hai chữ Trường Sa 長沙) như phần lãnh thổ không thể tách rời của nước Đại Nam - góp phần khẳng định quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
3. Nhân đây cũng xin nói thêm: bản đồ khổ dọc do Trung Quốc tự chế mới đây không mấy nguy hiểm trong “cuộc chiến bản đồ”, bởi theo Giáo sư Erik Franckx - người tham dự Hội thảo Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử vừa được tổ chức tại Đà Nẵng - bản đồ chỉ có giá trị về mặt pháp lý khi được đính kèm các quyết định hành chính, còn bản đồ cho dù được xuất bản chính thức và chân thực - huống chi là bản đồ tùy tiện tự chế sai sự thật như bản đồ “đường 10 đoạn” - cũng đều là tài liệu tham khảo; nhưng xét về lâu dài thì lại rất nguy hiểm bởi Trung Quốc đang đưa hàng triệu tấm bản đồ phi pháp này vào giảng dạy trong các trường phổ thông cũng như vào huấn luyện trong các đơn vị chủ lực của Quân Giải phóng Trung Quốc.
Có lẽ quá bức xúc về nguy cơ này nên tại Kỳ họp thứ X Hội đồng nhân dân thành phố mới đây, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đã giao cho Sở Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Sở Ngoại vụ khẩn trương tổ chức biên soạn giáo trình lịch sử địa phương liên quan tới quá trình Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đang thuộc quyền quản lý hành chính hợp pháp của thành phố Đà Nẵng, để kịp giảng dạy trong năm học 2014-2015.
4. Tháng 12 năm 2011, trong chương trình truyền hình Người đương thời Sức mạnh của niềm tin, khi trả lời câu hỏi của nhà báo Tạ Bích Loan rằng ước mơ lớn nhất của ông bây giờ là gì, tôi đã bày tỏ ước mơ về một ngày tôi có thể bình thản đứng ngắm hoàng hôn trên quần đảo Hoàng Sa thân thương của Đà Nẵng quê mình vào lúc Hoàng Sa đã trở về với Đất Mẹ Việt Nam. Đến tháng 4 năm 2013, khi được phân công tiếp và làm việc với đoàn đại biểu thành phố Yokohama Nhật Bản, tôi cũng nói rằng mong ước lớn nhất của tôi trước lúc chia tay với đoàn là trong quá trình kết nghĩa giao lưu giữa hai thành phố, sẽ có một ngày khi đoàn Yokohama đến thăm Đà Nẵng, chúng tôi sẽ không tiếp đón các bạn tại một quận nội thành như hôm nay, mà là sẽ tiếp đón các bạn tại một đơn vị hành chính cấp huyện nằm cách đây 180 hải lý - đó là khi chúng tôi đòi lại được Hoàng Sa đang bị quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép; và tôi rất mong Nhật Bản nói chung, Yokohama nói riêng luôn ủng hộ Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh này - nghe tôi phát biểu xong, cả đoàn Yokohama cùng mọi người tham dự buổi làm việc đều vỗ tay biểu thị sự đồng tình.
5. Tôi đoán chắc ước mơ cháy bỏng ấy của tôi càng trở nên cháy bỏng hơn trong trái tim những người Đà Nẵng có điều kiện tiếp cận Hoàng Sa từ một cự ly gần hơn ngoài biển khơi ngàn trùng sóng vỗ, chẳng hạn như những ngư dân Thanh Khê, Sơn Trà, Liên Chiểu… đang ngày đêm miệt mài lao động trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa, hoặc như những phóng viên báo in, báo hình Đà Nẵng hai tháng qua đã trực tiếp tác nghiệp trên thực địa nơi Trung Quốc bất chấp đạo lý và pháp lý hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cũng chính do xuất phát từ cảm nhận về khoảng cách địa lý thực tế này mà trong buổi làm việc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi đầu tháng 7 vừa rồi, tôi đã kiến nghị Trung ương xem xét khả năng kéo quần đảo Hoàng Sa vào với đất liền bằng cách điều chỉnh địa giới hành chính để huyện đảo Hoàng Sa bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một hai phường trong đất liền, chẳng hạn như Thọ Quang, Mân Thái của quận Sơn Trà. Được như vậy thì huyện đảo Hoàng Sa sẽ không chỉ có ý nghĩa đấu tranh chính trị và ngoại giao như hiện nay mà trở thành một thực thể hành chính có dân, có Đảng, có chính quyền, có cả hệ thống chính trị, qua đó càng nâng cao hơn lợi thế đấu tranh chính trị và ngoại giao khẳng định chủ quyền tối thượng và thiêng liêng của Tổ quốc ta đối với quần đảo Cát Vàng.
6. Trở lại với thông điệp về hiện thực hóa tình cảm dành cho Hoàng Sa đang nồng cháy trong tim thành những gì mà mọi người có thể tai nghe mắt thấy nêu trên, tôi nghĩ các nhà làm lịch Việt Nam nên ghi rõ ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa vào lịch, để cứ đến ngày 19 tháng giêng hằng năm, mỗi gia đình Việt Nam nói chung và mỗi gia đình Đà Nẵng nói riêng khi giở tờ lịch đều nhớ rằng một phần lãnh thổ thiêng liêng của đất nước ta vẫn chưa trở về với Đất Mẹ.
Tôi còn nhớ trước đây trong các bản tin dự báo thời tiết của ta, các nhà khí tượng ít chú ý dự báo thời tiết ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng mấy năm trở lại đây, cụ thể là sau thảm họa Chanchu 2006, nói chung tất cả các bản tin dự báo thời tiết trên truyền hình, trên các báo in, báo điện tử đều ghi rõ dự báo thời tiết ở quần đảo Hoàng Sa - phần lãnh thổ thuộc Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa - phần lãnh thổ thuộc Khánh Hòa. Việc làm tưởng chừng rất bình thường ấy lại có tác động rất sâu sắc đến trái tim người Việt, bởi ở đây không chỉ là chuyện giông gió bão lũ nóng lạnh nắng mưa, mà còn là chuyện đất nước chưa toàn vẹn lãnh thổ, là chuyện chủ quyền biển đảo bị xâm phạm, là chuyện nỗi đau mất mát (**) của người Việt và nhất là của người Đà Nẵng khi nghĩ đến Hoàng Sa đang ẩn hiện trong trái tim mình.
BÙI VĂN TIẾNG
(*) Thơ của tác giả bài báo
(**) Mượn tên bộ phim Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát của nhà hoạt động xã hội người Pháp André Menras mang hai quốc tịch Pháp - Việt có tên Việt là Hồ Cương Quyết mới được trình chiếu tại Hà Nội.