.

Đến Đà Nẵng mua đặc sản ba miền

.

Trong chuyến công tác đến Đà Nẵng hồi tháng 8, cô bạn tôi (làm việc ở Bộ Thông tin-Truyền thông) và tôi hẹn gặp nhau trước giờ bạn quay ra Hà Nội. Trước đó, bạn dự kiến dành 2 tiếng buổi sáng đi chợ Hàn mua quà về cho người thân, bạn bè. Tôi “tư vấn” cho bạn mua một số thứ như tôm, mực khô, ớt xanh, hạt sen… Đến 2 giờ chiều, bạn gọi điện cho tôi, bảo “Tớ mua hết chợ Hàn rồi. Chỉ còn 30 phút nữa phải ra sân bay. Hẹn gặp cậu lần khác vậy” và rối rít xin lỗi.

Hàng mắm Dì Cẩn ở chợ Hàn. Ảnh: H.N
Hàng mắm Dì Cẩn ở chợ Hàn. Ảnh: H.N

Mỗi lần muốn mua gì ở chợ Hàn, kể cả quà cho bạn bè để gửi ra Hà Nội, tôi chỉ cần nhiều lắm là 30 phút. Vậy cô bạn tôi mua sắm cái gì mà mất đến 4 tiếng ở đó? Thử làm khách du lịch mới biết chợ Hàn, chợ Cồn là “thiên đường mua sắm” cho người nhà cũng như khách ở xa đến.

Vào chợ tìm món khoái khẩu

Mấy chị con gái hàng mắm Dì Cẩn (lô 108) tại chợ Hàn thấy tôi là nhận mặt khách quen ngay. Cũng bởi mấy năm nay lui tới mua mắm thường xuyên, thứ nữa mấy chị nhớ hoài là ngày tôi làm cô dâu, sau tiệc đãi khách ở nhà hàng, trút bộ đồ cô dâu ra, bông hoa còn dính trên mái tóc, hai vợ chồng ra chợ đóng gói mấy thùng mắm cá cơm làm quà cho nhà ngoại ở Quảng Trị và nhà nội tận Thái Bình.

Gần 50 năm có mặt ở chợ Hàn, cách đây 3 tuần, mắm Dì Cẩn “lột xác”, làm mới mình bằng máy đóng màng nhôm miệng hũ mắm, không gây mùi và tiện lợi hơn trong việc làm quà biếu. Trên thân của chai mắm nêm in chữ nổi tên thương hiệu Dì Cẩn, đây là mặt hàng bán chạy nhất trong số các sản phẩm mắm tôm, mắm ruốc, mắm dưa, mắm cơm thu, tương ớt, nước mắm… của quầy hàng này. Trên nắp chai của các sản phẩm, cuộn băng dính quấn hũ mắm bây giờ cũng in tên thương hiệu.

Chị Trương Thị Thanh Minh, con gái bà Cẩn, được giao quản lý quầy hàng ở chợ Hàn gần 20 năm nay, cho biết khi quyết định đầu tư máy đóng màng nhôm là các chị nghĩ đến việc bảo vệ sản phẩm của mình đúng tiêu chuẩn chất lượng, đồng nghĩa với bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm nhái tên thương hiệu, quá trình vận chuyển cũng dễ dàng hơn mà không lo mắm bị đổ, bốc mùi…

Kế bên hàng mắm Dì Cẩn là quầy mắm Nhứt Hoàng (chị Bé) (lô 103). Hai quầy mắm ở cạnh nhau, khách đông như nhau nhưng chưa bao giờ có hiện tượng giành khách. Bởi, người thích ăn mắm với khẩu vị của dân bản địa hay mua mắm làm quà cho người xứ Bắc, sẽ chọn mắm Dì Cẩn; còn nếu làm quà cho người miền Nam sẽ chọn mắm Nhứt Hoàng. Mỗi quầy mắm theo bí quyết gia truyền sẽ có cách pha chế riêng biệt. Thực khách cứ vậy mà lựa chọn.

Hai mươi năm bán gia vị ở chợ Hàn, chị Tô Thị Tìm (lô 132) vẫn trung thành với những mặt hàng hành, tỏi, tiêu, ớt, hạt sen. Mấy năm nay khách hàng chuộng rong biển, chị bán thêm rong biển khô. Hành, tỏi xuất xứ từ Lý Sơn, vậy thì hiển nhiên bao bì khi đóng gói chị ghi nguồn hàng ở Quảng Ngãi. Sen thì lấy ở Huế và Hội An. Rong biển, ớt xanh tại Đà Nẵng. Tất cả bao bì đóng gói có đính kèm tên Hùng-Tìm, số điện thoại… Chị bảo, mấy năm nay bao bì sản phẩm đều phải có tên có tuổi, đóng gói bắt mắt khách mới mua và họ cũng biết xuất xứ nguồn hàng mới yên tâm, làm ăn lâu dài được.

Vào chợ Hàn hay chợ Cồn, dạo qua những gian hàng thực phẩm, bán các mặt hàng đặc sản khô, chỉ với cách trưng bày bắt mắt thôi đã dễ dàng thu hút khách. Các loại cá tẩm, cá khô, mực khô; những con cá ngựa, sao biển khô được người bán hàng đựng trong hũ thủy tinh lớn hay đóng gói treo tòng teng. Hàng hóa phong phú vậy, người bán hàng nào cũng nở nụ cười tươi, chào mời nhiệt tình, nếu không thích quầy hàng này, bạn đi sang quầy khác cũng không sao. Nhiều lần tôi bắt gặp cảnh người mua ở quầy này nhưng không có món hàng đúng ý, thì chủ quầy sẽ sang hàng khác lấy thứ khách cần về bán giúp.

Đặc sản ba miền đều có mặt ở nhiều chợ của Đà Nẵng là điều làm nên sự hấp dẫn và thu hút khách gần xa. Chị Trần Thị Bạch Yến, quầy hàng Thuận Yến (lô 52 chợ Hàn) không nhớ quầy của mình có bao nhiêu món hàng đặc sản. Và sẵn vùng biển Đà Nẵng cung cấp đủ mọi mặt hàng hải sản phong phú, hàng tươi sống, hàng khô đã sẵn; 2 năm trước tiểu thương nghĩ ra món mực rim me và đặt cho ngư dân các phường ven biển làm, đóng gói, xuất xứ, thành phần, hạn sử dụng đều ghi rõ trên nhãn mác, một năm trở lại đây họ lại đặt tiếp món ghẹ sữa.

Dù mua hàng về làm món ăn hay quà biếu, thì khi bước chân vào chợ Hàn và chợ Cồn, hai chợ trung tâm của Đà Nẵng, được thành phố xác định là chợ có đủ các yếu tố phục vụ khách du lịch, thì các món hàng thừa sức níu chân du khách, kể cả người khó tính nhất. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao bạn tôi bảo “mua hết chợ Hàn rồi”.

Phục vụ du khách tốt hơn nữa

Cơ sở hạ tầng sẵn sàng, những người bán hàng thân thiện, hàng trăm mặt hàng đặc sản địa phương và ba miền có mặt, khách du lịch cũng đã từng biết đến chợ Hàn và chợ Cồn, vậy làm thế nào để hoạt động đưa khách đến với chợ mạnh hơn nữa? Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, quyền Trưởng ban quản lý chợ Hàn, cho biết có khoảng 100/800 quầy hàng chủ yếu là hàng lưu niệm và thực phẩm công nghệ phục vụ khách du lịch. Bà con tiểu thương rất ý thức về việc này nên ra sức xây dựng hình ảnh của chính mình, đúng theo tiêu chí văn minh thương mại: không chèo kéo, không nói thách với mức giá “trên trời”, có thái độ phục vụ lịch sự.

Trong 10 năm, đặc biệt là 4 năm trở lại đây, đây là vấn đề “sống còn” của các chợ. Bà Thanh Vân cho rằng việc xây dựng hình ảnh đã khó, mà giữ nó còn khó hơn, do đó yêu cầu các tiểu thương phải cố gắng, để vấn đề văn minh trong phục vụ khách đi vào thực chất. Trước đây chỉ có 16 quầy tham gia chương trình Cẩm nang du lịch, và hiện nay có 28 quầy tham gia chương trình du lịch mùa thấp điểm, giảm giá 5-10% trên mỗi sản phẩm. Hiện chợ Hàn đang xây dựng trang web chohandanang.com, đẩy mạnh hơn nữa việc giới thiệu hình ảnh mình cho du khách gần xa.

Những ngày này, du khách khi đến sân bay Đà Nẵng sẽ được nhận những tờ giới thiệu quầy hàng, các mặt hàng của 10 hộ bán hàng công nghệ phẩm, đặc sản tại chợ Cồn. Ông Nguyễn Đình Sáu, Trưởng ban quản lý chợ Cồn cho biết trong điều kiện hiện nay, chỉ có 50 hộ/2.000 hộ kinh doanh tại chợ tham gia vào chương trình phục vụ du lịch, dọc tuyến đường nội bộ phía đường Hùng Vương. Chợ Cồn đã chuẩn bị sẵn mặt bằng hơn 2.000m2 làm chỗ đậu ô-tô, sắp xếp lại bãi xe thồ, chỉ từ tháng 5 đến nay, bà con tiểu thương ghi nhận lượng khách mua sắm khi đi du lịch tăng lên.

Đến chợ Hàn hay chợ Cồn bây giờ, nghe tiểu thương nói tiếng Anh với khách quốc tế là chuyện thường rồi, mấy năm nay bà con thuê hoặc tự học tiếng Trung để trò chuyện với khách Trung Quốc. Chị Nguyễn Thị Trung (lô 1 Hùng Vương, chợ Cồn) cười bảo rằng, tiếng Anh chị biết nói lâu rồi, hai năm qua khách Trung Quốc đông, chị mua hẳn một cuốn sách giao tiếp tiếng Trung về học, “đủ để nói với khách về quầy hàng của mình em ạ”.

Nhiều tiểu thương phản ánh tình trạng một số hướng dẫn viên du lịch và tài xế taxi khi dẫn khách đến các quầy ở chợ Hàn đã đòi phí hoa hồng dẫn khách, điều này khiến tiểu thương “khó xử” do các mặt hàng phải bán theo giá niêm yết, nay “đội” thêm chi phí bán hàng.

Vấn đề này ban quản lý chợ đã từng báo cáo lên Sở Công thương nhưng chưa được giải quyết. Và không chỉ Sở Công thương, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mà cả Hiệp hội Taxi phải ngồi lại với nhau, tìm tiếng nói chung, để không làm hình ảnh của thành phố du lịch như Đà Nẵng bị méo mó bởi lợi ích của cá nhân một số người.

Ở chợ Cồn, Ban quản lý chợ cấm tất cả những người lái xe xích lô du lịch vào chợ khi chở khách đến đây.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.