Chuyên đề

Con thuyền trong đời sống tín ngưỡng

07:34, 09/11/2014 (GMT+7)

Những lần tác nghiệp tại Âu thuyền Thọ Quang, tôi cảm giác có hàng trăm đôi mắt vui tươi đang chăm chú nhìn theo những giỏ cá trĩu nặng trên vai người ngư dân lần lượt nối đuôi nhau lên bờ. Những đôi mắt nhấp nhô trên sóng nước trong một buổi sáng đầy nắng tươi. Những đôi mắt nhiều màu sắc, na ná giống nhau được ngư dân nơi đây gọi tên: mắt thuyền.

Ngư dân tin rằng mắt thuyền sẽ giúp cho thuyền tìm được bến bờ an toàn, tránh bị thủy quái làm hại. Ảnh: T.Y
Ngư dân tin rằng mắt thuyền sẽ giúp cho thuyền tìm được bến bờ an toàn, tránh bị thủy quái làm hại. Ảnh: T.Y

Những con mắt chỉ đường

Trong đời sống tín ngưỡng phong phú của cư dân biển, thuyền bè ngoài chức năng là phương tiện đi lại, đánh bắt thủy hải sản, vận chuyển còn là sản phẩm văn hóa độc đáo, gắn liền với các phong tục, tập quán cùng nghi lễ thờ cúng trên sông nước.

Sách Lĩnh nam chích quái nhắc đến tục vẽ mắt thuyền bằng câu chuyện rằng: “Dân miền chân núi làm nghề chài cá, thường bị giao long làm hại, mới kêu Hùng Vương. Hùng Vương nói: Loài ở chân núi với loại thủy tộc khác nhau. Loài kia ưa đồng loại mà ghét dị loại cho nên làm hại bèn khiến người ta lấy mực mà xăm mình thành hình thủy quái, từ đó không còn nạn giao xà làm hại nữa. Tục xăm mình bắt đầu từ đó. Về loài thủy tộc lớn đánh đắm thuyền, vua Thủy Tề đã hiện lên bảo các ngư dân hãy vẽ những con mắt lên hai bên mạn thuyền thì loài thủy tộc sẽ không dám quấy phá nữa”. Câu chuyện ấy được cư dân ven biển Đà Nẵng truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một dấu mốc quan trọng trong quá trình tiến ra biển lớn của người Việt xưa.

Ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng: Những cư dân vùng sông nước xưa kia đã gửi gắm một quan niệm thuần phát, mang đậm tính huyền thoại trong tục vẽ mắt thuyền. Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, người dân được trang bị nhiều kiến thức về biển nên quan niệm về mắt thuyền trấn áp thủy quái có lẽ không còn được xem trọng như xưa. Điều ấy phần nào lý giải vì sao những con tàu có công suất lớn, hiện đại, vượt đại dương ngày nay không được tô điểm bởi những mắt thuyền một thời dọc, ngang trên sông, biển.

Ngư dân Trần Văn Đạt (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cho biết ông luôn tin mắt thuyền tượng trưng cho đôi mắt của “thuồng luồng” – một loài thủy quái có nhiều quyền năng trên sông nước, tạo thành “vỏ bọc” hoàn hảo giúp thuyền tránh được xung đột với thủy quái “đồng loại” khác. Cũng như con người, mắt thuyền ẩn chứa nhiều tâm trạng vui, buồn theo mỗi vụ cá, tôm. Do đó, việc giữ gìn, chăm chuốt mắt thuyền cũng giống như mình bảo vệ con ngươi của chính mình.

Tuy cùng mục đích, ý nghĩa nhưng ở mỗi vùng miền lại có cách vẽ mắt thuyền khác nhau. Với người gắn bó với sông nước, chỉ cần nhìn vào mắt ghe (tròn to, dài, xếch, dẹt) là có thể biết được nơi ghe xuất bến. Nếu ở các tỉnh phía Nam, mắt ghe được vẽ tròn to, trang trí sặc sỡ trên nền sơn đỏ, tạo nên sự vui nhộn, hiền hòa cho thuyền thì các tỉnh, thành miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, mắt ghe được vẽ hai màu chủ đạo là trắng và đen, xếch phần đuôi mắt trông khá dữ dằn kèm con ngươi nhìn xuống nước mang ngụ ý “nhìn thật sâu để tìm nơi có nhiều tôm cá”.

Theo ông Phan Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông, mỗi ghe, thuyền trước khi hạ thủy đều phải trải qua một nghi lễ rất quan trọng là lễ “điểm nhãn” với ý nghĩa truyền cho ghe sự sống. Nghi lễ này được thực hiện vào ngày lành tháng tốt, hợp cung mạng với chủ thuyền. Lễ vật cúng “điểm nhãn” gồm hoa, rượu, nón thúng và bộ “tam sên” gồm tôm (cua), thịt heo, trứng vịt. Sau nghi lễ này, ghe được “mở mắt”, đủ điều kiện hạ thủy. Ngoài ra, dân đi biển tin rằng mắt thuyền tượng trưng cho hình ảnh một vị thần giáng thế vào thân thuyền, giúp ngư dân vững vàng trong những chuyến ra khơi vào lộng.

Nghi lễ quanh con thuyền hạ thủy

Có nhiều điều thú vị trong văn hóa ứng xử của ngư dân xung quanh hình tượng con thuyền. Trong đó phải kể đến các tục phạt mộc, lễ giáp ghim, tống mộc đưa dăm, hành thuyền phóng thủy, lễ cúng sương mành, lễ nhúng nghề, lễ tất niên thuyền, cúng cáo Thủy và nhiều nghi lễ xung quanh công việc đánh bắt cá như lễ cầu bông cầu ba (cầu mùa), lễ cúng tạ, lễ tống cói, lễ cúng vũng cúng vịnh… của cư dân vùng biển Quảng Nam, Đà Nẵng.

Sách Nghề truyền thống Hội An do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An phát hành năm 2008 khi viết về nghề đóng ghe thuyền Kim Bồng có nói trước khi tiến hành đóng ghe, thuyền phải tiến hành lễ phạt mộc. Lễ phạt mộc đánh dấu thời điểm khởi công với nghi thức cầm rìu phạt vào khúc gỗ dùng làm bộ phận quan trọng nhất của ghe như lô hoặc long cốt. Những miếng dăm phạt từ khúc gỗ ra được mang đặt nơi bàn thờ cúng, sau đó gói thật kỹ chờ đến lễ đưa dăm tống mộc (nghi lễ cuối cùng của quy trình đóng ghe sẽ đem đặt vào bè chuối thả trôi sông) và chỉ người thợ cả mới được tiến hành nghi thức trên.

Ngoài ra, một trong những nghi lễ cần có trong quá trình đóng mới thuyền phải kể đến lễ giáp ghim. Lễ giáp ghim đánh dấu giai đoạn nối long cốt với hai lô. Đây là những bộ phận quan trọng, liên quan đến toàn bộ kết cấu bên trên của ghe. Họ tin rằng, công đoạn này còn liên quan đến sinh mạng của chủ ghe và những người đi ghe sau này. Về mặt tín ngưỡng, lễ giáp ghim có những nét giống lễ thượng lương khi dựng nhà.

Nếu lần nào đó bạn bước xuống thuyền của một ngư dân đang hành nghề đánh bắt trên sông nước, để ý, sẽ thấy chi tiết được thiết kế nơi mũi thuyền hơi nhích lên cao (thường làm nơi gác dây neo). Trong những dịp đặc biệt như mồng một, rằm hay lễ, Tết, vị trí đó - có nhiều cách gọi là ngà làn, ngà ghe, càn làn hay con cóc - sẽ được ngư dân dùng làm “ngũ tự”, đặt lễ vật thờ cúng. Với ý nghĩa thiêng liêng đó,  không một ngư dân nào được phép ngồi hay dẫm chân lên đó nhằm tránh sự ô ế, phỉ báng thần linh.

Trong cuộc đời một con thuyền, những nghi lễ trên được ngư dân thực hiện thường niên và nghiêm túc. Theo ông Phan Văn Minh, hình thức thờ cúng trên biển có nhiều điểm tương đồng với các nghi lễ của hoạt động nông nghiệp. Đích đến của những nghi lễ này là cầu nguyện bình an, gặt hái mùa vàng và đó cũng là cách giúp họ tìm đến sự bình an trong tâm, thể hiện lòng biết ơn đối với các lực lượng siêu nhiên đã che chở họ trong suốt quá trình hành nghề.

Có thể thấy rằng, những nghi lễ xung quanh con thuyền đã góp phần tạo nên đời sống tín ngưỡng phong phú cho ngư dân ven biển. Với họ, thuyền là nhà, biển là vùng đất hứa mang lại cuộc sống ấm no, dẫu trải qua nhiều bão tố.  

Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, từ những năm 2700 trước Công nguyên, trên những chiếc thuyền lớn của Ai Cập đã có vẽ một con mắt lớn của thần Osiris. Đây là một vị thần Ai Cập, ban đầu là thần ruộng đất, tượng trưng cho sức mạnh vô tận của cỏ cây, sau đó được đồng nhất hóa với mặt trời buổi đêm, tượng trưng cho tính liên tục của các chu kỳ sinh nở và tái sinh. Đối với các quốc gia khác như tại Lào, người ta cho các tàu thuyền những cặp mắt bằng cách giả vờ hiến sinh một thiếu nữ và lấy mắt cô ta gắn lên mũi thuyền.

Mũi thuyền độc mộc ở Bali (Indonesia) thì vẽ đầu Makara, một con quái vật biển trong các tranh tượng Hindu giáo, phát sinh từ con cá heo, con vật huyền thoại nửa voi nửa cá, biểu tượng của các vùng sông nước. Các thuyền rồng Bắc Âu lại trang trí bằng một chiếc đầu rồng, còn thuyền Hy Lạp và La Mã thì cúi nhìn sóng nước bằng những đôi mắt lợn rừng hoặc cá heo”.

(Trích từ cuốn Một góc nhìn về Văn hóa biển của Nguyễn Thanh Lợi, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh năm 2014)

TIỂU YẾN

.