Chuyên đề
Ghe bầu trở lái về đông...
Triết lý Á Đông có câu “dĩ nhu thắng cương”, lấy sự mềm dẻo để thắng cứng cáp. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, người Việt đã lập nhiều chiến công hiển hách bằng chiếc ghe bầu nhẹ nhàng, mềm dẻo trước sự xâm lược bạo cường của ngoại bang.
Mô hình ghe bầu tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L |
Dĩ nhu thắng cương
Dân Quảng thẳng như ruột ngựa, thấy chi nói đó. Nói về tên gọi chiếc ghe của xứ Quảng miền Trung, các nhà nghiên cứu cứ bảo “ghe bàu” (có lẽ) là cách người Việt phát âm chữ Prau hay Perahu của tiếng Mã Lai (đất nước vùng Đông Nam Á có nhiều đảo) có nghĩa là ghe, thuyền – phương tiện vận chuyển trên mặt nước. Dân Quảng thì cứ “ghe bầu” mà gọi, vì thấy ghe có cái bụng phình to như bụng bầu.
Vào khoảng thế kỷ XVII, vùng đất Quảng Nam đã hình thành làng mộc Kim Bồng, nay thuộc xã Cẩm Nam, thành phố Hội An. Nghệ nhân làng nghề nổi tiếng này không chỉ để lại dấu ấn tài hoa qua những nét chạm trổ tinh xảo trên kiến trúc cổ từ kinh đô Huế cho đến Sài Gòn – Gia Định mà còn làm nên những “tác phẩm di động” có tên là ghe bầu để phương tiện vận tải trên sông nước miền Trung này “chết tên” là ghe bầu xứ Quảng.
Người Việt Nam đầu tiên công bố những nghiên cứu sơ bộ về văn hóa thuyền Việt là Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1875, ông đã xuất bản một ghi chép 2 trang phân loại khái quát và miêu tả vắn tắt các loại thuyền Việt Nam: thuyền sông, thuyền biển, thuyền quân và thuyền quan. Tuy nhiên, người mô tả kỹ lưỡng đến cách thức đóng ghe rất tiến bộ của Việt Nam là một nhà nghiên cứu người Pháp, bà Françoise Aubaile-Sallenave, qua cuốn “Bois et Bateaux du Vietnam” (Gỗ và Tàu thuyền Việt Nam) xuất bản ở Paris năm 1987.
Theo đó, hai đặc tính hàng đầu của ghe tàu là phải nhẹ nhàng và có sức chịu đựng – điều có thể tìm thấy ở các loại thuyền Việt Nam. Bà và các nhà kỹ thuật mới đây khám phá ra rằng muốn thuyền cứng cáp thì vật liệu đóng thuyền phải nặng, do đó quán tính cũng tăng theo, dễ bị bể vỡ vì sóng gió. Ngược lại, thuyền nhẹ và mềm dẻo thì lực tác dụng của sóng nước được phân phối đều trên toàn thể thân thuyền nên sức chịu đựng gia tăng và thuyền được bền bỉ hơn.
Trong khi phương Tây cố gắng cải tiến làm sao cho sườn và vỏ tàu ngày một cứng cáp thì người Việt Nam từ hàng ngàn năm qua, vẫn tiếp tục giữ truyền thống đóng tàu cho mềm dẻo và ghe bầu thật không hổ danh khi được Pierre Paris, trong cuốn “Esquisse d’une ethnographie navale des pays annamites” (Phác thảo Dân tộc học Thuyền bè Việt Nam, đăng trên Le Bulletin des Amis du Vieux Hué số 14, tháng 11-12 năm 1942), chọn làm tiêu biểu cho kiến trúc ghe thuyền Việt Nam.
Triết lý Á Đông có câu “dĩ nhu thắng cương”, lấy sự mềm dẻo để thắng cứng cáp. Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, người Việt đã lập nhiều chiến công hiển hách bằng chiếc ghe bầu nhẹ nhàng, mềm dẻo trước sự xâm lược bạo cường của ngoại bang.
Nợ nước, tình nhà
Ghe bầu là loại thuyền mà cả mũi lẫn lái đều nhọn, độ ngấn nước sâu nên có khả năng ra tận khơi xa. Sử sách kể rằng nhờ loại ghe có tính cơ động cao này mà người dân xứ Quảng không chỉ có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt hải sản mà còn có thể đưa người ra bảo vệ, canh phòng các quần đảo của Tổ quốc cách xa đất liền hàng trăm hải lý.
Quần đảo Hoàng Sa, theo tác giả Lãng Hồ trong bài “Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ Việt Nam” đăng trong Tập san Sử Địa số 29 (từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1975), người Bồ Đào Nha gọi Parcel (Pracel), người Pháp gọi Paracels nghĩa là bãi đá ngầm, nhưng người Trung Hoa lại gọi Thạch Đường, nghĩa là bức đê, bức tường, bờ cao bằng đá. Tác giả phân tích: “Do nghĩa đó, có thể suy ra rằng thương nhân người ngoại quốc thuở xưa gồm có người Tàu, người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Pháp, v.v… đã từng có những kinh nghiệm đầy lo ngại đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”.
Tàu bè nước ngoài toàn là thuyền lớn có chốt sắt nên qua vùng Hoàng Sa, nơi tục truyền có nhiều chất thạch lại là nơi có nhiều đá ngầm mọc dưới mặt biển, không lo sợ thuyền bị vỡ mới là chuyện lạ. Tác giả, sau khi dẫn câu châm ngôn của người Tàu “Thượng phạ Thất Châu, hạ phạ Côn Lôn”, nghĩa là “trên thì sợ Thất Châu (vùng biển ở đông nam huyện Vạn Ninh, Hải Nam, Trung Quốc – NV), dưới thì sợ Côn Lôn”, đã khẳng định: “Trái lại, dân Việt Nam miền duyên hải Trung Việt thường vượt biển trên những chiếc ghe bầu nên không hề sợ hãi đối với Hoàng Sa và Trường Sa như đã chứng tỏ danh xưng lâu đời của quần đảo này mà họ chỉ coi là những bãi cát vàng và cát dài”.
Trận Bạch Đằng xưa, quan quân ta đóng cọc lòng sông rồi dùng thuyền nhẹ ra đánh quân Nguyên. Đến đời các chúa Nguyễn, ta đóng được những ghe bầu có tải trọng lớn dựa trên kỹ thuật đóng ghe của người Chăm. Thời Tây Sơn ghe bầu chở được cả voi để giành thắng lợi các trận chiến. Đời Nguyễn thì ghe bầu là phương tiện giao thông trên sông biển, giúp khách thương hồ đưa hàng hóa vào Nam ra Bắc.
Ghe bầu ngày đó không chỉ mang hàng hóa, mà còn đưa những ông thầy Quảng đi khắp miền đất nước. Hình ảnh chiếc ghe bầu đã đi vào dân gian miền Trung xứ Quảng qua câu hô bài chòi chỉ quân bài được gọi bằng 4 cái tên Sáu tiền, Sáu xưởng, Sáu miếng hay Ghe: Má ơi con má chính chuyên/ Ghe bầu đi cưới một thiên mắm mòi/ Không tin mở hộp ra coi/ Rau răm ở dưới mắm mòi ở trên. Ghe bầu còn tạo ra những “nỗi lòng” khiến biết bao cô gái vì trót yêu những anh chàng “bạn ghe” mà đành để trái tim mình nghiêng về một phía: Ghe bầu trở lái về đông/ Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi.
Trăm năm vật đổi sao dời, ghe bầu giờ không còn “trở lái về đông” để các chàng trai đáp đền nợ nước hay các cô gái bịn rịn tình nhà. Tuy chỉ còn lưu lại những hình ảnh xưa cũ, nhưng đó là thời hoàng kim của “công nghệ” tàu thuyền Việt Nam nói chung, miền Trung xứ Quảng nói riêng.
Ghe bầu: Sản phẩm vật chất đặc sắc của truyền thống văn hóa biển Việt Nam. Ghe bầu là một loại thuyền biển truyền thống của cư dân miền duyên hải Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam, rất thịnh hành từ thế kỷ XVI đến XIX. Đây là loại thuyền hai đáy, được đóng từ những loại gỗ tốt như kiền kiền, sao, chò, lim, giẻ; mình thuyền có kích thước lớn, độ chìm nước sâu, nên thuyền có khả năng vươn khơi xa. Nguồn: Bảo tàng Đà Nẵng |
VĂN THÀNH LÊ