“Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Nhưng với nông dân ngày nay, vế sau của câu nói dân gian này được hiểu theo một nghĩa khác: tháng Chạp là tháng làm ra tiền từ nông sản mà chủ yếu là các loại rau củ quả.
Vùng rau La Hường mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân. Ảnh: V.T.L |
Đường dễ đi, nông sản được giá
Đi thực tế lên thôn Ninh An, xã Hòa Nhơn, mới thấy việc phân chia sản xuất nông nghiệp ở xã này có vẻ khác với các nơi. Hội Nông dân theo dõi các hộ trồng nấm rơm, nấm sò; còn việc sản xuất các loại rau củ quả thì giao cho… Hội LHPN.
Hơn 20 hộ sản xuất nấm các loại, ngày thường xuất bán cầm chừng, ngày Rằm, mồng Một lượng bán ra đến con số tạ. Hai hộ làm nấm sò thuộc loại “tiếng tăm” ở Hòa Nhơn là Nguyễn Nhi và Võ Văn Dân, mỗi hộ có 5.000 – 7.000 bịch, mùa rộ nhất mỗi hộ xuất cả tạ nấm. Tết này là Tết đầu tiên của nghề làm nấm ở Hòa Nhơn, tuy chưa biết mức tiêu thụ ra sao nhưng các hộ vẫn tăng sản lượng. Sản xuất mang tính “phong trào” như hộ chị Bùi Thị Qua, Chủ tịch Hội Nông dân, cũng có 1.000 bịch đang chờ mùa Tết.
Như các nơi khác, ở Hòa Nhơn nông sản rộ nhất tháng Chạp là các loại rau củ quả. Chị Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết, các hộ trước đây trồng rau theo kiểu gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất ít dựa vào khoa học kỹ thuật mà chỉ làm theo kinh nghiệm dân gian. Năm 2013, xã vận động nông dân dồn điền đổi thửa, chuyển một số đất trồng mía sang trồng rau rồi thành lập tổ hợp tác (THT) Rau an toàn tại 3 thôn Ninh An, Phước Hưng Nam và Thạch Nham Tây, nhưng quy mô, hiệu quả nhất là vùng rau Ninh An.
Anh Phạm Thanh Hải, trưởng thôn Ninh An, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn Ninh An, cho biết cả thôn hiện có 11 hộ đang canh tác trên diện tích hơn 1,5ha. Cả thôn có 148 hộ thì 130 hộ có vườn rộng, quanh năm sản xuất các loại rau, màu.
Ông Phạm Văn Kiêm, hàng xóm của anh Hải, có 4 sào đất, ông vừa trồng các loại cây màu như mía, bắp, đậu… vừa trồng các loại rau củ quả. Hôm chúng tôi đến, ông đang sửa soạn mấy vồng khổ qua và dưa leo, hai loại cây ăn quả “chiến lược” ngày Tết. Ông Phạm Thanh Xuân có vườn rộng gần 1 mẫu (5.000m2), quanh năm trồng chuối cau cung cấp nhu cầu cúng tế, tháng Chạp này trồng thêm các loại rau.
Đường giao thông từ ngã ba Cây Thông lên Ninh An, Diêu Phong giờ đã thuận lợi, nông dân dễ dàng vận chuyển phân bón, cây giống về tới nhà và tư thương cũng dễ chạy xe lên thu mua nông sản. Anh Hải cho biết, so với trước, chừ chạy xe lên vừa ít tốn xăng vừa ít mất thời gian nên tư thương không cò kè bớt một thêm hai nữa, nhờ đó mà nông sản được giá hơn.
Chuyên nghiệp hóa nghề trồng rau Tết
Tháng 6-2014, THT Rau an toàn thôn Cẩm Nê xã Hòa Tiến bắt đầu sản xuất vụ đầu tiên. Rộng 13,7ha, nằm ở bãi bồi ven sông Yên, vùng rau Cẩm Nê hiện có 47 hộ sản xuất. Rau ăn lá có các loại: cải bẹ xanh, cải ngọt, dền đỏ, rau mống hạt, mồng tơi, bí lấy ngọn. Rau ăn quả gồm: khổ qua, bí đao xanh, dưa leo, đậu đũa, đậu bắp, dưa gang. Thực tế cho thấy rau ăn quả cho thu nhập cao hơn rau ăn lá.
Theo tính toán của ông Nguyễn Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, mỗi năm làm lúa chỉ được 2 vụ, nhưng trồng rau thì tùy loại, có thể “quay vòng” quỹ đất làm từ 6 - 8 vụ. Mỗi sào nếu trồng lúa một vụ 4 tháng được 3 tạ lúa thì thu chỉ được 1,5 triệu đồng; nhưng trồng rau vụ đông gặp thời tiết tốt thì trong từng ấy thời gian lại thu được bình quân những 4,5 triệu đồng. Vì thế, nói tháng Chạp là tháng nông dân làm ra tiền cũng không ngoa...”.
Có điều, giá cả thị trường không ổn định, nếu cung nhiều hơn cầu thì giá sẽ rớt. Mà cái “bản chất nông dân” lâu nay vẫn không sửa được, hễ thấy món nào bán được giá là y như làng trên xóm dưới đều đổ xô trồng loại đó. Hệ quả là cung vượt cầu và thất thu! Để tránh rơi vào “vết xe đổ” này, theo ông Ái, sau khi được Sở NN&PTNT cấp giống, xã chỉ đạo cho THT phân bổ giống cho dân hợp lý, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt hàng loạt cùng loại, dần dần đưa việc sản xuất rau an toàn lên tầm chuyên nghiệp hơn.
Ở Đà Nẵng, nói về chuyên nghiệp hóa nghề trồng rau, không thể không nhắc đến HTX Rau an toàn La Hường, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, nơi gần 5 năm trước được Sở NN&PTNT chọn một trong những địa điểm đầu tư triển khai Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp. Tuy 10 năm rồi Hòa Thọ Đông không còn là nông thôn, nhưng 7,5ha đất trồng rau bên sông Cẩm Lệ này vẫn mang dáng dấp của một làng quê.
Anh Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường, chủ nhiệm HTX Rau an toàn La Hường, cho biết các loại rau củ quả ở đây sản xuất quanh năm, nhưng đến Tết thì tập trung trồng các loại su lơ, hành, xà lách, cải, tần ô... Hai loại tần ô và cải giá lên xuống như vàng, như hôm 21 và 22-1 vừa rồi, tần ô tới kỳ thu hoạch hàng loạt, tư thương mua không hết phải chuyển bớt xuống chợ Đầu mối Hòa Cường và giá cũng rơi mỗi chục từ 80 - 90 nghìn đồng xuống 50 - 60 nghìn đồng.
Các loại xà lách, ớt, cải trắng, dền… nông dân tự lấy giống nên rất đạt. Trong khi đó su lơ phải mua giống trôi nổi trên thị trường. Đợt đầu làm cho vụ Tết này thì bị trúng ngay giống giả, đợt sau mua giống khác thì chỉ đạt 50%, vì thế ra Giêng vùng rau La Hường mới có su lơ xuất ra thị trường. Anh Hải đề xuất: Nói tới chuyên nghiệp hóa nghề trồng rau, ngoài việc bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP thì ít nhất mình phải có ngân hàng giống nông sản như nước ngoài. Có thế, nông dân mới không phải thót tim khi xuống giống.
Những vùng sản xuất rau ở Đà Nẵng đang “chạy hết công suất” để… ăn Tết. Trồng rau ở vườn nhà nhỏ lẻ, không có “không khí phong trào” nên nhiều vườn nhà đã thành “vệ tinh” của các THT rau an toàn. Tết đến, các chợ, siêu thị Đà Nẵng tràn ngập các loại rau xanh mướt. “Gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Nhưng với nông dân ngày nay, vế sau của câu nói dân gian này được hiểu theo một nghĩa khác: tháng Chạp là tháng làm ra tiền từ nông sản mà chủ yếu là các loại rau củ quả.
VĂN THÀNH LÊ