Chuyên đề
Nơi thiếu vắng người Đà Nẵng
80% du khách đến với Bảo tàng (BT) Điêu khắc Chăm là người ngoại quốc. 20% còn lại đến từ các tỉnh, thành khác, họ ghé thăm chỉ bởi các hãng lữ hành đã xếp nơi đây vào lịch trình du lịch. Người Đà Nẵng dường như thiếu vắng tại BT 100 năm tuổi này.
Ông Grant Thomas (công dân Úc) diễn giải về giá trị lịch sử của các bức tượng tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: M.T |
Hầu hết những bạn bè quốc tế đến đây đều cho rằng, xây dựng một đô thị hiện đại, phát triển về kinh tế có lẽ là điều không khó bằng việc hình thành một thế hệ biết trân trọng những di sản văn hóa dễ mai một. Khi người dân của chính đô thị đó không hiểu biết, tự hào về tinh hoa trí tuệ của tiền nhân, với chiều sâu văn hóa mình đang sống cùng thì việc tự giác gìn giữ, phát huy và ứng xử với văn hóa một cách phù hợp, làm dày hơn văn hóa đô thị là điều không tưởng.
Sự trân quý của bạn bè quốc tế
Những chiếc quạt máy được bố trí rải rác trong BT Điêu khắc Chăm không giúp xua đi không khí oi bức của mùa hè miền Trung. Mặc cho cái nóng gay gắt, ông Grant Thomas (công dân Úc) vẫn say sưa ghi chép và thậm chí diễn giải cho tôi nghe về giá trị lịch sử của các bức tượng nơi đây. Ông hào hứng bởi được ngắm nhìn tận mắt, kỹ lưỡng từng chi tiết trên những bức tượng hơn 1.000 năm tuổi của nền văn hóa Chămpa huyền thoại.
Đến với Đà Nẵng, ông Thomas không tận hưởng bãi biển từng được xếp vào danh sách những bãi biển quyến rũ nhất thế giới, không đến những tụ điểm vui chơi giải trí nổi tiếng của thành phố mà chỉ dành trọn thời gian để tham quan, tìm hiểu BT này. Với ông, Úc là quốc gia kém may mắn khi có hàng ngàn nhà BT hiện đại về âm nhạc, động thực vật, mỹ thuật… nhưng chỉ trưng bày những tác phẩm đương đại, không thể giúp công dân nơi đây chạm tay vào quá khứ, nhìn vào trầm tích quý báu của thời gian để thêm trân trọng hiện tại và tương lai.
Nhà báo người Đức Annethe Stiekele yêu thích Đà Nẵng bởi phía sau “khuôn mặt” thành phố bận rộn, trung tâm kinh tế của miền Trung, là một đời sống tinh thần đẹp đẽ và nghệ thuật gắn với di sản văn hóa Chămpa. Cô từng khẳng định BT Điêu khắc là “Kỳ quan đặc biệt của nhân loại về mặt tinh thần” và Đà Nẵng đang nắm giữ kho báu vô giá mà không đâu trên thế giới có được, không nền kinh tế nào có thể mua được.
Ngán ngẩm với những tòa cao ốc bằng kính, sạch sẽ nhưng vô cảm, bà M-Sose Badivla, công dân Đức chọn cách đi du lịch đến các nước đang phát triển và khẳng định sẽ quay lại, thăm thú lâu hơn, tìm hiểu sâu hơn những giá trị lịch sử và di sản của nền văn hóa Chămpa tại thành phố Đà Nẵng. Bà bày tỏ sự tin tưởng thế giới rồi sẽ nghiêng mình trước những quốc gia có thể chậm hơn về kinh tế nhưng xem trọng việc lưu giữ không gian văn hóa gắn với chiều sâu ký ức. Bởi, “BT không đơn thuần là câu chuyện của quá khứ. Đó là nơi giúp nguồn sáng bao đời được gìn giữ và phát huy trong mỗi con người, là gạch nối đến các giá trị của hiện tại, tương lai bằng cách làm giàu thêm đời sống tinh thần cho người dân”, bà Badivla nói.
Người Đà Nẵng chưa mặn mà
Phải làm sao để mỗi người dân Đà Nẵng trở thành khách thường xuyên, quen thuộc của BT Điêu khắc Chăm; phải làm sao để chấm dứt tình trạng BT nổi tiếng thế giới là nơi nghiên cứu, tham quan của đông đảo khách quốc tế nhưng lại thưa thớt khách nội địa, đặc biệt là người dân thành phố là điều mà nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm Nguyễn Đình An luôn trăn trở. Theo ông, lời giải cho bài toán trên nằm ở lực lượng cán bộ BT – những người phải có kiến thức chuyên sâu để có thể đánh thức tâm hồn, truyền lại sức sống của đá; phải có kỹ năng quan hệ công chúng để giúp khách tham quan hiểu được giá trị lịch sử, nghệ thuật trong từng cổ vật, để du khách có thể lắng nghe lời đá kể những câu chuyện riêng của mình và thôi thúc họ quay lại để tìm hiểu, chiêm nghiệm.
Nhà văn hóa Hồ Hải Học cho rằng, việc thu hút du khách Việt, đặc biệt là người Đà Nẵng đến với BT là điều rất khó bởi giá trị văn hóa Chăm kén chọn người xem. Những khối đá đồng màu, có tính cách điệu cao chỉ có thể được thẩm thấu bởi tâm hồn có trình độ văn hóa nhất định – điều đạt được qua cách tuyên truyền, giáo dục bền bỉ trong thời gian dài. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế rằng, nghệ thuật không phải là điều quý giá đến mức chỉ những người xuất chúng mới cảm nhận được.
Vẫn có thể thu hút du khách với cách làm đơn giản như khiến BT trở nên sinh động, gần gũi hơn bằng cách đưa khách tham quan sống thật với lịch sử Champa khi “tương tác” với các thiết bị công nghệ số, đưa kiến trúc Chăm thực địa vào không gian ảo chứ không chỉ dừng lại ở việc nhìn ngắm các hiện vật và nghe lời thuyết minh…
Không gian và cách bố trí các hiện vật tại BT cũng là điều ông Hồ Hải Học cho rằng đang hạn chế du khách. Ở các BT trên thế giới, những tác phẩm có giá trị đôi khi được trưng bày độc lập, duy nhất tại căn phòng rộng. Nơi đó, tác phẩm được bảo quản trong lồng kính, có đèn chiếu, băng ghế dài để du khách có thể ngồi hằng giờ để ngắm nhìn, tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, biết thêm về văn hóa chứ không phải bố trí theo kiểu “xếp lớp”. “Hy vọng rằng, những hạn chế về mặt cơ sở vật chất này sẽ sớm được khắc phục bởi sự đầu tư đúng mức sẽ mang lại giá trị văn hóa, tinh thần tương xứng, có khả năng tác động và điều chỉnh hành vi con người theo hướng chân-thiện-mỹ”, ông Học nói.
Cô Annethe Stiekele chia sẻ rằng, với người dân quê hương cô, một lần đến với BT đồng nghĩa với việc sống thọ thêm 10 năm nhờ những giá trị mà nó mang lại cho tâm hồn. “BT không chỉ là cẩm nang tri thức về lịch sử mà còn là nhịp cầu văn hóa chân thực, sống động. Tôi hy vọng rằng, rồi đây nhiều người Đà Nẵng sẽ thấu hiểu và trân trọng hơn kho báu độc nhất vô nhị mình đang sở hữu, từ đó có cách bảo tồn giá trị di sản phù hợp. Bởi, một dân tộc chỉ đứng vững và tiến lên trong dòng chảy thời đại nếu biết trân trọng quá khứ và hướng đến tương lai trên nền tảng giá trị quá khứ đó”.
MAI CHI MAI