Chuyên đề
"Vỉa quặng vàng" cho văn nghệ sĩ
Vùng đất Quảng Nam “địa linh nhân kiệt” được ví như một vỉa quặng vàng có trữ lượng lớn, trong đó những người con ưu tú của đất Quảng là nguồn tài nguyên phong phú, nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho văn nghệ sĩ các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau, đặc biệt là ở lĩnh vực truyền hình và điện ảnh.
Đoàn làm phim Sông núi khắc tên trong một lần tác nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long... |
Các nhà nghiên cứu định nghĩa rằng, phim tài liệu chân dung truyền hình là một dạng của phim tài liệu nhằm phản ánh con người, sự kiện có thật, được diễn đạt bằng ngôn ngữ truyền hình. Theo đạo diễn Trí Trung (công tác tại VTV Đà Nẵng), đầu những năm 90 thế kỷ trước, trên đất Quảng Nam – Đà Nẵng số người làm thể loại phim chân dung danh nhân này chỉ đếm trên đầu ngón tay với tay nghề non trẻ và phương tiện kỹ thuật quá thô sơ, lạc hậu.
Phải biết cách “sống” cùng thời với danh nhân
Người mở đầu cho mảng phim tài liệu về danh nhân đất Quảng là đạo diễn, NSƯT Đoàn Huy Giao với bộ phim “Nặng tình nước non” khắc họa chân dung hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân, được thực hiện vào khoảng đầu những năm 90 thế kỷ trước. Tiếp đó ông thực hiện phim “Thai Xuyên Trần Quý Cáp”, rồi “Từ đêm mười chín” (phản ánh cuộc đời sự nghiệp nhà thơ Khương Hữu Dụng).
Một số tác giả khác cũng khai thác đề tài này như Phan Hồng Linh với “My Sanh Phan Thúc Duyện”, “Huỳnh Thúc Kháng”; Hồ Trung Tú với “Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong”; Trương Vũ Quỳnh với “Người của thời gian” (phản ánh chân dung nhà toán học lừng danh Hoàng Tụy); Trà Xuân Phương với “Tiểu La Nguyễn Thành”… Bên cạnh các tác giả Đà Nẵng, nhà báo Thanh Nguyên ở VTV cũng tâm đắc với mảng đề tài danh nhân đất Quảng khi thực hiện các phim về Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Đỗ Đăng Tuyển, Nguyễn Thành. Nhà báo Vinh Quang ở Đài PT-TH Quảng Nam cũng thực hiện các phim về Phan Thanh, Phan Bôi, Lê Đình Thám…
Nhưng có lẽ tâm huyết nhất, thành công nhất trong lĩnh vực này là đạo diễn - NSƯT Huỳnh Hùng, Giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng, tác giả của những phim có tiếng vang như “Trang đời huyền thoại” (chân dung Mẹ Thứ), “Người giữ thành Hà Nội” (chân dung Hoàng Diệu), “Con mắt còn có đuôi” (chân dung nhà văn, nhà báo Phan Khôi), “Sông núi khắc tên” (chân dung danh thần Thoại Ngọc Hầu)…
Muốn làm phim danh nhân phải biết cách “sống” cùng thời với danh nhân đó. Điều này, theo đạo diễn Trí Trung, đó là phải đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, phải am hiểu bối cảnh lịch sử thời nhân vật sống và thúc đẩy họ hành xử như thế.
Theo NSƯT Huỳnh Hùng, khó khăn lớn nhất của người làm phim tài liệu về danh nhân, nhất là danh nhân thời cận đại, là không có hình ảnh tư liệu (vì điện ảnh – truyền hình xuất hiện muộn). Để khắc họa được chân dung danh nhân thì người làm phim cần sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp, thủ pháp khác nhau. Có thể đến thực địa, nơi mà danh nhân từng sống, làm việc để ghi lại những dấu tích, di tích liên quan đến danh nhân,
Danh nhân Việt Nam nói chung, danh nhân đất Quảng nói riêng, thường hoạt động ở một hoặc nhiều địa phương khác nhau trong cả nước, kể cả hoạt động ở nước ngoài như Phan Châu Trinh. Kinh nghiệm của NSƯT Huỳnh Hùng là phải chịu khó đến tận nơi (nếu không có điều kiện thì nhờ đồng nghiệp tại chỗ) tác nghiệp cho hình ảnh thêm đa dạng, phong phú.
... và trên kênh Vĩnh Tế, An Giang. (Ảnh do DRT cung cấp) |
Người làm phim không theo “công thức”
Nhà báo Hồ Trung Tú lúc còn công tác ở VTV Đà Nẵng có làm vài phim chân dung nhân vật, thường theo cách làm phổ biến là giới thiệu khái quát về tác giả, quay cảnh nơi tác giả sống, sau đó phỏng vấn những người đương thời có biết đến tác giả, nếu có nhận xét gì thì đó là nhận xét của giới phê bình về chuyên ngành đó, đánh giá sự đóng góp của tác giả và lĩnh vực đó.
Khi vác máy đi quay phim “Giở lại trang nhật ký Chu Cẩm Phong”, anh cũng được lãnh đạo phòng của mình định hướng theo “công thức” đó: Gặp và phỏng vấn những người sống cùng thời với Chu Cẩm Phong như Nguyên Ngọc, Bùi Minh Quốc, Hồ Duy Lệ, Thanh Quế...
Thế nhưng, anh đã “phá lệ” sau khi đọc gần 800 trang nhật ký của Chu Cẩm Phong. Bởi lẽ anh bất ngờ nhận ra khá nhiều chi tiết rất “đắt”, nhiều nhân vật được tác giả ghi trong nhật ký anh đã từng được gặp, phỏng vấn viết bài ngoài đời. “Phim chỉ có 17 phút, tôi không thể dành phỏng vấn ai khác mà phải dành tất cả thời lượng đó cho Chu Cẩm Phong. Tôi phải đi tìm lại được chừng nào hay chừng nấy những nhân vật, khung cảnh, sự kiện mà anh đã ghi trong nhật ký”, nhà báo Hồ Trung Tú nhớ lại.
Thế là Hồ Trung Tú làm một phim chân dung mà anh chưa từng thấy ai làm trước đó, tất cả thời lượng là đọc nhật ký và hình ảnh minh họa đúng sự kiện đó, nhân vật đó, chi tiết đó. Chu Cẩm Phong mất gần 4 năm để viết nên gần 800 trang sách, anh đã chắt lọc những chi tiết sinh động nhất để khắc họa chân dung tác giả chỉ trong vòng 17 phút.
Mỗi phim một thông điệp
Phim tài liệu nói chung, phim tài liệu chân dung truyền hình nói riêng, là loại hình báo chí – nghệ thuật, thể hiện góc nhìn riêng, suy nghĩ riêng, cảm xúc riêng của tác giả. Phim chân dung danh nhân có giá trị tư tưởng và nghệ thuật nhất định, không phải là loại phim mang nặng tính biên niên sử, mà là biết khai thác sâu những chi tiết độc đáo, có khả năng gây ấn tượng, gây cảm xúc cho người xem, và cuối cùng là gửi một thông điệp nào đó cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Phim tài liệu hay là phim có tính tư tưởng, tính triết lý, được thể hiện một cách sinh động, hấp dẫn.
Phim “Người giữ thành Hà Nội” gửi thông điệp rằng: Nếu người lãnh đạo thực sự quan tâm đến dân, chăm lo cho dân thì khi gặp nguy biến, dân sẽ bảo vệ, khi mất đi sẽ được dân phụng thờ. Thông điệp từ phim “Con mắt còn có đuôi”: Những con người trung thực, thẳng ngay, hết lòng vì dân tộc, cho dù sinh thời bị thất sủng, sống chết trong đơn độc, nhưng trước sau gì rồi cũng được hậu thế và lịch sử ghi nhận…
Đạo diễn Trí Trung cho rằng một phim chân dung nhân vật hay là phim vừa kể chuyện thật trong lịch sử, vừa kết nối với tính nhân văn thời hiện đại thành một thông điệp mang hơi thở cuộc sống đương đại để lớp sau hiểu được người đi trước.
Tuy đã có nhiều phim của nhiều tác giả về thể loại này, nhưng “vỉa quặng vàng” danh nhân đất Quảng vẫn còn phong phú về trữ lượng. Hơn nữa, như trên đã nói, cùng một danh nhân nhưng mỗi tác giả có thể phân tích, khai thác với góc nhìn, suy nghĩ, cảm xúc và gửi đến người xem một thông điệp khác nhau.
Tôi nghĩ, về cách làm phim chân dung, nên dành thời lượng tối đa cho nhân vật mình làm, hạn chế tối thiểu sự phỏng vấn nhận xét. Ví dụ như làm về Phan Châu Trinh chẳng hạn, hãy dành hết thời lượng cho những bài văn viết của ông hơn là nhận xét sự vĩ đại, đóng góp của ông. Người xem rất ít cơ hội để tiếp cận tác phẩm của nhân vật, hãy dành thời lượng cho chuyện đó hơn là ca ngợi ông vĩ đại. Nhà báo Hồ Trung Tú |
VĂN THÀNH LÊ