.

Từ nguyên nhân không tưởng

.

Nhiều vụ cháy trên địa bàn Đà Nẵng xuất phát từ những nguyên nhân đơn giản đến mức không tưởng trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân. Không ai ngờ rằng, một ngày nó có thể dẫn đến hậu quả bất ngờ và đau đớn.

Lực lượng chữa cháy triển khai ống dẫn nước lên tầng 6, quán karaoke The Voice để khống chế đám cháy lan sang các phòng khác. (Ảnh do Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cung cấp)
Lực lượng chữa cháy triển khai ống dẫn nước lên tầng 6, quán karaoke The Voice để khống chế đám cháy lan sang các phòng khác. (Ảnh do Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cung cấp)

“Giặc phá không bằng nhà cháy”

Xưởng chứa và chế tạo sản phẩm từ lốp ô-tô cũ của gia đình ông Lê Ngọc Dũng tại số nhà 5, kiệt 91 đường Nguyễn Tri Phương giờ đây chỉ còn là đống đổ nát, hoang tàn do sức tàn phá của “bà hỏa”. Trên mảng tường nham nhở đen còn sót lại, ai đó đã khắc lên dòng chữ: “Đêm kinh hoàng, 3-6-2015” như để đánh dấu ngày lửa cướp đi toàn bộ gia sản của cả gia đình.

Nhà xưởng có diện tích 270m2, bao quanh bởi bốn căn nhà cấp 4 là nơi sinh sống của 12 người (4 hộ gia đình, đều là anh em ruột của ông Lê Ngọc Dũng). Mảnh sân giữa các khu nhà là nơi chất từng chồng, từng chồng lốp xe cao ngút. Khoảnh sân được che mát bởi một bụi tre già cao tương đương ngôi nhà 6 tầng. Lá tre trút xuống được người nhà thay phiên nhau quét gọn vào một góc và đốt ngay trong sân. Thói quen hàng chục năm nay của gia đình đã gây họa vào chiều 3-6 khi ngọn lửa từ đống rác bùng lên dữ dội, lan sang chồng lốp cao su bên cạnh, bò lên cả cây tre và phủ toàn bộ nhà xưởng.

Vụ cháy càng thêm trầm trọng bởi bình gas trong xưởng phát nổ. Những vật liệu dễ cháy kết hợp với nhau khiến ngọn lửa lan nhanh, rừng rực cháy tạo thành cột khói cao hơn 30m bao trùm cả khu dân cư. Hơn 10 chiếc xe chữa cháy cùng 100 chiến sĩ cứu hỏa được huy động, hệ thống điện toàn khu vực bị cắt, ánh sáng phục vụ công tác cứu hỏa được người dân hỗ trợ bằng đèn pin. Sau hơn 2 giờ đám cháy mới được khống chế. Hỏa hoạn không gây thiệt hại về người nhưng tài sản, vật dụng trong nhà bị hư hại hoàn toàn. 4 hộ gia đình giờ đây rơi vào cảnh không nhà, không nghề nghiệp, tài sản mất hết phải đi tá túc ở nhà người quen hoặc thuê trọ.

Cảm giác sợ hãi vẫn còn nguyên vẹn mỗi khi bước vào đống đổ nát còn sót lại, tuy nhiên anh Lê Ngọc Huy (sinh năm 1995, cháu ông Dũng) vẫn tình nguyện ở lại “giữ nhà” bởi nơi đây gắn bó với anh suốt 20 năm qua. Trên nền than đen nhẻm, anh vừa cẩn thận dọn dẹp vừa “thuyết minh” rằng, mẩu gỗ còn sót lại này là của chiếc tủ trong bếp, tấm ván ép cháy nham nhở kia là của chiếc bàn thờ đã đổ sập, gốc tre già đã cháy sạm nhưng vẫn bền bỉ sống, phần tôn lợp vẫn còn đứng trong sân nhưng chỉ cần chạm nhẹ là mủn ra như bột…

“Đã rất nhiều lần xem ti-vi, đọc báo thấy những vụ hỏa hoạn, tuy nhiên, khi chứng kiến ngọn lửa bao trùm lên chính ngôi nhà mình thì mới hiểu hết sức mạnh và sự tàn bạo của ngọn lửa. Nếu có một điều ước duy nhất, tôi xin ước thời gian lùi lại, mọi việc khác đi. Bởi, được sống bình yên, an toàn giữa những người thân trong gia đình là hạnh phúc lớn nhất”, anh Huy nói. Vụ cháy là nỗi ám ảnh của các thành viên trong gia đình khi mọi thứ gầy dựng mấy chục năm qua đã hóa thành tro chỉ trong 2 giờ. Phần vì không có tiền sửa chữa, phần vì quá ám ảnh, 12 thành viên trong gia đình quyết định rao bán lô đất.

1.001 nguyên nhân gây cháy

Ngày 14-3-2015, tầng 6 của quán karaoke The Voice (số 246B Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) cháy trụi bởi một… chiếc quạt máy. Theo thói quen, sau khi dọn dẹp, nhân viên quán bật quạt để phòng thêm thoáng đãng, sạch sẽ. Chiếc quạt chạy liên tục trong nhiều giờ dẫn đến quá tải, cháy lớp cách điện của dây dẫn, gây chập điện, bốc cháy. Ngọn lửa men theo dây điện bò đến ghế salon và bùng phát mạnh. Anh Thân Đức Tài, nhân viên của quán karaoke là người đầu tiên ngửi thấy mùi khét nên đi tìm và phát hiện cháy.

Tuy nhiên, do quá hoảng loạn anh không nhấn chuông báo động, không ngắt cầu dao điện mà lại chạy tìm người cứu khiến đám cháy có thời gian bùng phát mạnh hơn. Khi lực lượng chữa cháy có mặt thì khói đen đã bao phủ dày đặc, mùi khét và không gian kín gây nhiều khó khăn cho việc tìm vị trí đám cháy. Các chiến sĩ phải dùng bình dưỡng khí để tiếp cận, triển khai ống dẫn nước lên tầng 6 để khống chế, không để cháy lan sang các phòng khác. Máy hút khói được sử dụng, hệ thống cửa kính của quán được phá tan để khói thoát ra ngoài.

Tương tự như 2 trường hợp trên, quán nhậu Vĩnh Phúc (lô 14, đường Phạm Văn Đồng, quận Sơn Trà) cũng bị cháy đen chỉ vì thói quen tưởng chừng vô hại hằng ngày. Theo cô Hường (chủ quán) thì hầu hết các món ăn đều do một tay cô nấu nướng. Bếp gas lại chỉ có thể đặt 2 nồi nên cô đặt thêm… 2 bếp than tổ ong bên cạnh để một lúc có thể nấu được nhiều món.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ gây ra nguy hiểm cho đến ngày 31-3-2015. Trong lúc đang nấu thì bất thần ngửi thấy mùi gas, chưa kịp phản ứng thì lửa bùng phát mạnh, bắt sang cả bếp than bên cạnh. Quá hoảng sợ, trong nhà lại không có bình chữa cháy mini, cả chủ lẫn khách chỉ còn biết chạy thật nhanh và bất lực nhìn lửa liếm rộng ra xung quanh cho đến khi lực lượng chữa cháy có mặt”, cô Hường sợ hãi khi nhắc lại vụ cháy.

Theo anh Lê Tuấn Anh, Đội phó Đội tuyên truyền hướng dẫn chỉ đạo về PCCC, Cảnh sát PCCC Đà Nẵng, thì trong thời gian qua, Đà Nẵng xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản mà nguyên nhân chính là do thiếu hiểu biết và không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng cháy, để đến khi sự việc xảy ra mới hối hận thì “sự đã rồi”. Nhiều người khi ra khỏi nhà không rút phích cắm, không tắt ti-vi, quạt, ấm đun nước, sạc pin điện thoại… mà không hiểu rằng đây là nguồn cháy nổ bởi thiết bị điện, điện tử khi tiêu thụ điện lớn hơn định mức cho phép của dây dẫn sẽ gây chập mạch. Đốm cháy nhỏ này nếu không được phát hiện kịp thời sẽ lan sang các vật dụng dễ cháy khác và bùng phát, nuốt trọn căn nhà trong thời gian rất ngắn.

Gas - nhiên liệu đun nấu phổ biến nhất ở các gia đình thành phố cũng không được sử dụng an toàn. Hầu hết các hộ gia đình đều chưa có thói quen khóa van bình sau khi đun nấu, thay ống dẫn gas sau 3 đến 5 năm sử dụng, không thường xuyên bảo trì bếp, hệ thống gas, không thay mới các thiết bị đã cũ, quá hạn sử dụng… Chính điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến rò rỉ, biến bình gas trở thành “bom nổ chậm” ngay trong nhà. “Người dân vẫn nhận thức chưa đầy đủ về công tác PCCC, dẫn đến chủ quan, thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc PCCC”, anh Tuấn Anh khẳng định.

Nạn nhân của những vụ cháy nổ trên cũng cho rằng, chính sự thiếu hiểu biết về “bà hỏa”, những lầm tưởng trong thói quen hằng ngày đã gây ra hậu quả nặng nề chỉ trong một thời gian rất ngắn. Họ ước, nếu thời gian quay lại, họ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng cháy để sáng suốt, cẩn trọng hơn trong việc sử dụng các thiết bị dễ gây cháy cũng như bình tĩnh hơn trong việc công tác chữa cháy, từ đó hạn chế những mất mát không đáng có do giặc lửa gây ra.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.