Chuyên đề
Có một thế giới khác
Bước qua cánh cổng Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, một không gian vắng lặng, yên tĩnh. Trong sân, những bệnh nhân đang đi lại trên đường dẫn vào khu nữ của bệnh viện đều mỉm cười.
Tưới cây, giặt giũ, trồng rau là những bài tập lao động trị liệu dành cho bệnh nhân nữ ở Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng. Ảnh: Q.T |
Những nụ cười ngờ nghệch, khờ dại. Thi thoảng, có những đôi mắt thoáng ánh lên nét vui tươi rồi chùng xuống. Có lẽ, họ phát hiện ra không phải người nhà của mình đến thăm.
Góc này, những chị ngồi cạnh nhau, trò chuyện trên ghế đá dưới mái hiên của sảnh bệnh viện. Góc kia, những bệnh nhân có người thân đến chăm sóc thì cứ quấn quýt không rời, như sợ người thân bỏ về. Khó cầm lòng nhất là một vài chị đang cùng nghêu ngao hát những bài ca không đầu không cuối, bỗng cùng cười, khóc khi một người bỗng dưng dừng lại thẫn thờ.
Một cô gái chừng 19 - 20 tuổi, áo quần phẳng phiu, tóc tai gọn gàng cất lên tiếng hát đầy trong trẻo: “Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to…”, cô gái vừa hát vừa âu yếm di ngón tay “đuổi bắt” những chấm đồi mồi nổi đầy trên cánh tay gầy guộc của người mẹ. Cô gái tự tin giới thiệu: “Em tên là Lê Thị Tr., 19 tuổi, quê Đại Lộc, em đang học năm thứ 2, ĐH Khoa học Huế…”. Nghe em nói rõ ràng, rành mạch, khó mà tin được, em đang là một bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị C., mẹ của Tr. ngậm ngùi: Em bị những cơn đau đầu hành hạ từ năm lớp 11 nhưng em vẫn cố gắng học hành, lúc nào lên cơn đau thì nghỉ học, bớt một chút em lại đến trường. Đợt này, vừa kết thúc năm nhất đại học, về nhà nghỉ hè em lại lên cơn đau, nên hai mẹ con khăn gói ra Đà Nẵng chữa bệnh, chỉ mong em mau khỏe để tiếp tục đến trường.
Nói về bệnh nhân nữ, điều dưỡng Lê Thị Vân chia sẻ, bệnh nhân đến từ rất nhiều vùng miền khác nhau, đủ mọi lứa tuổi. Đa phần họ phát bệnh vì phải hứng chịu những cú sốc quá lớn của cuộc sống (trầm cảm sau sinh, thất tình, mất con, bị chồng bạo hành, áp lực thi cử…). Chỉ cần không bước qua nổi một khoảnh khắc quá căng thẳng trong cuộc sống, nhiều người đã phải sống trong một thế giới khác.
Ở một nơi chốn khác, tại Trung tâm (TT) Điều dưỡng người tâm thần Đà Nẵng, tôi lại bắt gặp những hình ảnh của người phụ nữ. Chị tưới cây. Chị lau nhà. Chị giặt quần áo… Vẫn những ánh mắt đầy buồn dại, thờ thẫn và luôn ngóng về phía cổng, như thể đón đợi bước chân của người thân.
Một chị điều dưỡng ở TT cho hay, cứ chiều đến là bệnh nhân ngóng người nhà nên tâm trạng đầy buồn bã. Nhiều người dù đã mấy năm nay người nhà không đến thăm nữa nhưng vẫn cứ trông. “Nhiều lúc, thấy “bạn” có người nhà đến thăm nuôi, những chị khác tủi thân, một người khóc rồi khóc tập thể, nhìn thương lắm”, chị Hồ Thị Hợi, Điều dưỡng trưởng phụ trách khu nữ nói thêm.
Đã nhiều năm làm công tác chăm sóc người tâm thần, chị Hồ Thị Hợi nhận xét, “nữ ít điên hơn nam”. “Có lẽ, do tâm lý của nữ vững vàng, ổn định hơn nam, sức chịu đựng cũng tốt hơn, nên hầu như ở các bệnh viện hay trung tâm chăm sóc người tâm thần, khu nữ luôn ít hơn khu nam. Điển hình như TT này chỉ có 1 khu nữ, nhưng có đến 4 khu nam”. Thế nhưng, theo bác sĩ Phan Thị Phương Quỳnh (Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng), chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân bị tâm thần cũng như có số liệu thống kê nữ giới ít bị tâm thần hơn nam giới. “Theo tôi, có lẽ do xã hội còn tồn tại quan niệm “trọng nam khinh nữ” nên khi nam giới có dấu hiệu bị tâm thần, người nhà sẽ tức tốc đưa đi chữa trị nhưng với nữ giới thì phải bệnh nặng mới đưa đi bệnh viện, nhẹ thì để ở nhà. Vì vậy mà chúng ta nhìn thấy tỷ lệ nữ ở bệnh viện tâm thần ít hơn nam giới (hiện ở bệnh viện này, nữ chiếm 30% so với nam giới)”.
Từ những khác biệt về giới tính, lối sống, tính cách của bệnh nhân, nên việc chăm sóc cũng phải linh hoạt cho phù hợp. Dù là người tâm thần, họ cũng có sinh lý như người bình thường. Có lẽ, sự ân cần, dịu dàng, kiên nhẫn và chịu khó là điều mà các hộ lý, điều dưỡng phải nằm lòng khi gắn bó công việc cùng những ngày tháng mà nữ bệnh nhân tâm thần lưu lại bệnh viện hoặc TT. Trong sinh hoạt hằng ngày, có lúc bệnh nhân nữ rối loạn trong cử chỉ, hành vi, nhưng những lúc bình thường, họ lại quay về với bản chất của phái yếu: dịu dàng, cẩn thận, thích tâm sự, sẻ chia. Có nhiều nữ bệnh nhân, khi người nhà đến thăm mua sữa hay bánh trái các chị đều cẩn thận gửi điều dưỡng… cất giùm! Mỗi lần muốn sử dụng là đến xin lại. Và ngay cả khi số quà họ đã sử dụng hết từ lâu, họ vẫn cứ đến điều dưỡng để … “xin lại”.
Chưa trọn câu nói vui, chị Vân đã chùng giọng nói về chị Trương Thị Tr. đang ngồi ôm gối lặng yên một góc. Tr. quê ở huyện Hòa Vang, là bệnh nhân ra vào viện từ mười mấy năm nay, đã có một đứa con trai 3 tuổi nhưng nhà nghèo, lại bệnh tật nên phải gửi con ở làng SOS. Bệnh tật như vậy, nhưng lúc tỉnh lúc mê, chị Tr. đều thương nhớ con. Gặp ai, cũng kể mình có cậu con trai kháu khỉnh, quấn mẹ lắm. Người mẹ mang nặng đẻ đau, dù đầu óc có tổn thương cũng không bao giờ quên con của mình.
Không như bệnh viện, liệu trình điều trị cho bệnh nhân tâm thần chỉ kéo dài tối đa 45 ngày, TT Điều dưỡng người tâm thần là nơi dường như là nơi chốn vô thời hạn của bệnh nhân. Chăm sóc bệnh nhân nữ vất vả hơn nam rất nhiều. Bệnh nhân nam khi bị kích động, có khi chỉ xông vào đánh nhau, nhưng bệnh nhân nữ thì “kiện thưa” rỉ rả suốt cả ngày. Có khi họ như sống với thế giới của trẻ thơ: “Cô ơi, con này nắm tóc con”, “Chị này kéo áo con…”. Chị Hồ Thị Hợi nói rằng, điều dưỡng phải lắng nghe tâm tư của từng người rồi phân xử thật công bằng, không được thương người này hay bỏ người kia.
Rời khỏi cánh cổng TT, ngoái nhìn các chị chăm chút một khóm hoa hồng đỏ thắm, trong lòng bỗng dậy lên một niềm hy vọng về một ngày các chị sẽ được trở về cùng gia đình, tự làm việc, vui vẻ và lạc quan vui sống. Hy vọng, khái niệm gia đình sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí họ. Hy vọng một ngày, họ sẽ hòa trong bước chân người đi làm từ thiện, về thăm lại mái nhà chung thân thiết năm xưa…
QUỲNH TRANG