.

Đạm bạc bữa cơm công nhân

.

Ánh nắng cuối ngày dần tắt. Bóng dáng những công nhân vẫn tất bật rảo khắp chợ, tìm kiếm những món ăn thật rẻ, vừa túi tiền. Sau một ngày làm việc tất bật, ai cũng mong được vui vầy bên bữa cơm cạnh người thân, dù chỉ là những bữa cơm đạm bạc.

Công nhân Tổng Công ty cổ phần Dệt-may Hòa Thọ tại Đà Nẵng ăn trưa ngay tại công ty. Ảnh: P.T
Công nhân Tổng Công ty cổ phần Dệt-may Hòa Thọ tại Đà Nẵng ăn trưa ngay tại công ty. Ảnh: P.T

Từ bữa cơm tự nấu…

Dưới ngọn đèn nhỏ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lạc, 26 tuổi, công nhân công ty M, Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh cùng nhau ăn bữa tối. Trên chiếc bàn được kê tạm bằng một chiếc thùng nhôm, bữa ăn đơn giản với món trứng nấu thành canh và dĩa cá kho mặn. Chị Lạc cố gắng ăn thật chậm, vừa ăn vừa nói chuyện để nhường chồng nốt miếng cá nhỏ xíu cuối cùng. Chị Lạc thu nhập hằng tháng khoảng hơn 3 triệu đồng cộng với thu nhập của chồng tính tổng khoảng 6 triệu đồng. “Ấy mà vẫn phải co kéo chị ạ. Tiền nhà trọ, điện nước cũng đã hơn 1 triệu đồng.

Mỗi tháng, vợ chồng mình cố gắng co kéo ăn tiêu thật tiết kiệm để dành được 1 triệu đồng phòng lúc ốm đau. Bởi vậy, mỗi bữa ăn cho hai vợ chồng cố gắng chỉ tiêu tốn khoảng 15.000 đồng thôi”, chị Lạc nói. Bé Na, con gái chị trước đây cho đi trẻ nhưng giờ đã phải gửi về quê cho ông bà nội nuôi. Dẫu còn bao nỗi nhọc nhằn, vợ chồng chị Lạc vẫn chăm chỉ đến xưởng làm, vẫn mong được tăng ca nhiều hơn, vẫn chấp nhận co kéo trong chi tiêu để mong dành dụm được tiền gửi về quê cho con.

Trứng, đậu phụ, vài con cá kho mặn cùng rau, củ, quả rẻ tiền dường như là thực đơn của nhiều công nhân KCN Đà Nẵng. Trong căn phòng nhỏ, hai cô gái Nguyễn Thu Hương và Bùi Thị Hồng (quê ở Quảng Bình) đang lục tục chuẩn bị bữa tối. Hương cười, khoe chiếc răng khểnh, chỉ vào bát canh rau luộc và dĩa trứng chiên:  “Trứng chiên là món quen thuộc của tụi mình mà. Ăn hoài thành quen”, Hồng tiếp lời: “Đi chợ, chỉ có trứng và đậu khuôn là rẻ thôi. Vì “quy định” chỉ 13.000 đồng 1 bữa ăn cho 2 đứa nên mua cái gì cũng khó”. 

Là công nhân thuộc Công ty cổ phần Keyhinge Toys Việt Nam với mức thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng, Hương và Hồng mỗi tháng lo dành dụm gửi chút tiền về nhà giúp gia đình làm nông ở quê và còn tích cóp một khoản tiền kha khá để về quê buôn bán và lập gia đình. Hai cô gái bảo, có ước mơ, mọi lo toan của cuộc đời sẽ nhẹ bớt rất nhiều.

Chợ “công nhân” là cái tên mà những người buôn bán đặt cho những mẹt hàng cuối ngày ở bên hông chợ Hòa Khánh hay khu chợ tạm đằng sau KCN Hòa Khánh. Chợ “công nhân” ở đây khá đặc biệt. Đặc biệt bởi giá cả rất… công nhân khi rẻ hơn so với ở chợ bình thường từ 2-3 giá. Đặc biệt bởi ít có sự trả giá nhiều, bởi người bán cũng đã chấp nhận bán rẻ mà người mua cũng biết khó có thể mua được rẻ hơn nữa.

Chiều muộn, hai công nhân Công ty CP Quản lý và vận hành hầm đường bộ Hải Vân Hamadeco dừng trước hàng cá bên hông chợ Hòa Khánh. Lan, một trong hai công nhân, bảo, đi chợ phải co kéo sao cho không vượt quá “quy định” là 15.000 đồng cho bữa tối, có khi còn để dành qua bữa sáng! Dường như, thấu hiểu cuộc sống của công nhân, nên các chủ hàng cá, hàng rau cũng phải chọn những mặt hàng hợp với mức mua của họ.

… đến bữa ăn ở công ty

Vì phần lớn thời gian ở công ty nên nhiều công nhân coi bữa ăn ở công ty cũng là bữa chính. Thế nhưng, ở những “bữa chính” này, chất lượng là vấn đề cần bàn.

Làm cho một công ty may ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng đã 3 năm nhưng chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê ở Quảng Nam) rất ít khi ăn cơm trong công ty. “1 suất cơm trong công ty có giá 12.000 đồng nhưng cơm thường hay bị sống. Thức ăn thì chỉ có 1 con cá nhỏ hoặc lát đậu khuôn. Nếu có thịt thì toàn là mỡ, ăn rất ngán nên tụi mình không ăn mà ra ngoài mua đồ ăn”, chị Thu thổ lộ. Chị bảo, cũng có nhiều đồng nghiệp lười ra ngoài mà ăn cơm trong công ty, có lần bị đau bụng phải nghỉ làm mấy ngày.

Còn Lê Thị Hà (28 tuổi, công nhân công ty sản xuất đồ chơi trẻ em ở KCN Hòa Khánh) thì cho biết, suất ăn trưa ở công ty là 10.000 đồng gồm trứng hoặc một khúc cá nhỏ và canh rau. “Tụi mình đều dặn nhau ai bụng yếu thì đừng có ăn canh rau. Có lần mình ăn canh rau mà đau bụng mất một tuần liền”, Hà nói nhỏ. Hà bảo ăn cơm công ty ngán lắm nhưng mà ráng nuốt chứ ra ngoài ăn phải đi xa vừa mất thời gian vừa mệt, có khi bị trễ giờ vào làm.

Ông H., chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân ở quận Liên Chiểu cho biết: “Bữa ăn chỉ có 10.000 đồng/người thì dĩ nhiên chất lượng chỉ khoảng 7.000 - 8.000 đồng. Với cái giá đó trong thời buổi giá cả leo thang thế này thì chúng tôi phải chọn thực phẩm thật rẻ, rau cũng chủ yếu là hàng “dạt” (hàng tồn) từ các chợ, đó là còn chưa kể phải chi hoa hồng cho người của công ty nữa”.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng, thời gian qua, 3 đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của thành phố đã thanh tra 86 cơ sở, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở với số tiền phạt là 20 triệu đồng. Trong đó có 2 cơ sở vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, 1 cơ sở vi phạm về không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm sống và thực phẩm chín dẫn đến nguy cơ ô nhiễm chéo. Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục cho biết, đây chỉ là con số bề nổi qua đợt thanh tra. Các suất ăn tại doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo ông Ngô Văn Sang, Phó phòng Lao động, tiền lương, BHXH thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thì với giá cả như hiện nay, bữa cơm công nhân phải ở mức 15.000 đồng, nếu chỉ 10.000 -12.000 đồng/suất như ở một số doanh nghiệp hiện nay sẽ không thể nào bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động và đó cũng là ảnh hưởng tới chính doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sang, thực tế hiện nay, doanh nghiệp nào quan tâm bảo đảm đời sống cho người lao động thì luôn có số lượng công nhân ổn định, sản xuất phát triển. Ông đề nghị, cần có quy định về định lượng khẩu phần ăn tối thiểu, đồng thời có chế tài để doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện bữa ăn cho công nhân tại đơn vị.

Đã bao nhiêu năm rồi, hình ảnh  những bữa ăn giản dị, hình ảnh chắt chiu từng đồng lương của mình như vợ chồng chị Lạc, hay Hương, Hồng, Lan… luôn gắn chặt với cuộc sống của người công nhân trên mọi miền đất nước. Khó lòng để miêu tả bữa ăn của người công nhân mà không dùng đến những từ như đạm bạc, đơn sơ.

Khó lòng để gặp một người trong số họ chỉ dành dụm chắt chiu cho riêng mình, mà không nghẹn ngào nhắc đến trách nhiệm gánh vác với gia đình ở quê. Có lẽ, không một người công nhân nào lại không ước ao có được sự quan tâm chăm sóc từng bữa ăn tại công ty, như chính tại gia đình mình. Không một người công nhân nào lại không ước ao mức sống công nhân ngày được nâng cao, để vợi bớt sự nhọc nhằn, kham khổ.

PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.