Nằm dọc theo mảng tường rào, những vạt rau dền đỏ nằm xen lẫn giữa vồng rau khoai, rau mồng tơi xanh mướt, là thành quả của hàng trăm học viên đang trong giai đoạn cải tạo, học tập, làm lại cuộc đời tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06.
Học viên trung tâm hái rau sạch do chính tay họ trồng để phục vụ bữa ăn. Ảnh: T.Y |
Sự đổi thay trong từng bữa ăn
Có lẽ không học viên nào gắn bó với Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06) đủ lâu để nhận thấy sự đổi thay trong từng bữa ăn bằng những cán bộ đang công tác tại địa chỉ này. Trên đường đi xuống khu chế biến thức ăn tập trung, ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm nhắc lại, trước thời điểm tháng 2 năm 2011, tiền ăn mỗi tháng của một học viên chỉ gói gọn trong khoảng 240.000 đồng, chia đều cho những ngày trong tháng. Như thế, chỉ với 8.000 đồng cho 3 suất ăn mỗi ngày, mọi thứ bày biện trên bàn ăn dường như rất khiêm tốn với vài ba lát thịt (hoặc cá vụn) và chén canh rau tự tăng gia.
Cũng theo ông Tạo, những bữa cơm thời khốn khó thường không mang lại nụ cười. Đến giờ ăn quy định, học viên lầm lũi tới nhà ăn, im lặng ăn hết suất của mình rồi quay lại phòng, ít ai nói với ai lời nào. Trong những ngày nắng nóng, không ít người bỏ bữa vì không thể nuốt nổi cơm khô, canh nhạt. Là người cán bộ gắn bó với những học viên của mình, ông Tạo không khỏi chạnh lòng, xa xót. Bởi lẽ, những người nghiện ma túy thường có thân hình gầy yếu, sức khỏe kém, thậm chí có biểu hiện loạn thần, hoang tưởng. Chế độ ăn uống kham khổ khiến không ít học viên sức khỏe suy yếu, không chú tâm đến việc cai nghiện, điều này vô tình ảnh hưởng đến công tác giáo dục, cải tạo của Trung tâm.
Anh B. nhà ở quận Hải Châu, một học viên từng cai nghiện tập trung tại Trung tâm 05-06 giai đoạn 2008-2010 bồi hồi nhớ lại, ngày gia đình biết anh nghiện ma túy đã kiên quyết đưa anh vào trung tâm cai nghiện. Ngày đi, anh nặng 55 ký, sau 3 tháng chữa bệnh, sinh hoạt tại đây, anh chỉ còn 48 ký, trong đó một phần do chế độ ăn uống cực khổ, không bảo đảm dinh dưỡng cần thiết.
Có lần vợ anh lên thăm, nhìn thấy thân hình ngày một sút cân của anh, chị đã khóc sướt mướt và xin được đón anh về chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên vì thương vợ, anh B. quyết tâm ở lại cai nghiện đến khi dứt cơn và trở về làm lại cuộc đời. Nói đến đây, anh B. cười, bảo, với người khác thì sao không biết, chứ với anh, những bữa ăn đạm bạc ở trung tâm thời khốn khó trở thành nỗi ngậm ngùi khiến anh quyết tâm không để mình vào đó lần nữa.
Có lẽ, khi tận mắt chứng kiến điều kiện thiếu thốn tại Trung tâm trong lần lên thăm vào tháng 3-2012, ông Nguyễn Bá Thanh – bấy giờ là Bí thư Thành ủy – đã quyết định tăng mức trợ cấp tiền ăn lên 700.000 đồng/tháng. Ngày nhận được quyết định, cả trung tâm cười nói râm ran, đến khu vực nào cũng nghe cán bộ, học viên chia sẻ với nhau tin vui này. Tiền ăn tăng lên, đồng nghĩa với việc bữa ăn được cải thiện đáng kể và bữa sáng cũng ít nhiều được chăm chút hơn. Một cán bộ tại Trung tâm cho biết, trước đây bữa sáng của học viên chỉ có xôi trắng hoặc bánh mì không, thì nay có thêm ly sữa đậu nành nóng hổi, có hôm còn được ổ bánh mì thịt, hoặc bún xì dầu. Dẫu không thấm tháp vào đâu so với mức sống hiện nay nhưng cũng là một bước tiến đáng kể, mà tất cả, là nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo thành phố.
Hướng tới bữa ăn giàu dinh dưỡng
Cùng với quyết định tăng tiền ăn hằng tháng từ 240.000 đồng lên 700.000 đồng, việc di dời Trung tâm lên địa chỉ mới tại thôn Bàu Bàng, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang rộng 37ha (so với diện tích 10ha trước đây) đã góp phần giúp trung tâm có thêm quỹ đất tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho học viên. Trong đó, Trung tâm quyết định bố trí khoảng 30ha trồng cây lâu năm, rau màu như xoài, mít, cà, rau các loại, sắn, chuối, măng, đu đủ, cỏ chăn nuôi... Bên cạnh đó, để có thêm chất tươi, Trung tâm cũng gầy dựng đàn bò khoảng 50 con, đàn heo trên 100 con và đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gà, vịt. Những thực phẩm tươi sống này được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, đón mừng năm mới.
Chị H.T.H.T (30 tuổi) vào cai nghiệp tập trung tại Trung tâm 05-06 khoảng 6 tháng nay. Nhờ chịu khó và có phần khéo tay, chị T. được quản trại phân công vào đội nấu ăn gồm 12 học viên nữ. Mỗi ngày, nhóm của chị có nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn với thực đơn 3 món, gồm món mặn, món xào và món canh. Theo đó, nguồn nguyên liệu như thịt heo, thịt gà, cá tươi được cán bộ trung tâm mua từ các mối quen ở các chợ quê các xã lân cận. Măng và rau được hái từ khu vườn thâm canh. Tất cả đều bảo đảm yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Mỗi người phân công mỗi việc. Người lo nấu cơm, người lo hái rau, lặt rửa sạch sẽ, người làm cá, người nêm nếm gia vị... Các phần ăn cũng được cân, đo, đong, đếm nhằm bảo đảm sự công bằng cho từng khu vực cụ thể. Buổi trưa bắt đầu lúc 10 giờ 30. Chị T. cho biết, điều thú vị nhất khi được tham gia vào đội nấu ăn là mình được nấu cho chính mình và những người bạn cùng hoàn cảnh. Khi ở nhà với gia đình, hằng ngày chị chỉ nấu vài ba lon gạo, nay nấu một lúc 250 cân gạo, 10 xoong canh, 10 chảo đồ xào cho phần ăn của 530 học viên là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chính điều này đã dạy cho chị đức tính kiên nhẫn, cẩn thận trong từng khâu chế biến và ước mơ sau khi hòa nhập xã hội sẽ mở một quán cơm bình dân để ổn định cuộc sống.
Bữa ăn của học viên Trung tâm 05-06 ngày càng cải thiện. Ngoài khu đất tập trung dành cho việc trồng trọt, chăn nuôi, địa chỉ này còn tận dụng nhiều mảnh đất trống để trồng thêm rau xanh. Những vạt rau dền đỏ nằm xen lẫn giữa vồng rau khoai, rau mồng tơi xanh mướt, dọc theo mảng tường rào như điểm thêm sức sống cho khuôn viên Trung tâm 05-06, vừa cải thiện bữa ăn cho hàng trăm học viên đang trong giai đoạn học tập, làm lại cuộc đời.
TIỂU YẾN