.

Giản dị nghề thợ khóa

.

Cũng như bao nghề “khi sinh ra là đã thấy rồi”, nghề sửa khóa đã xuất hiện từ rất lâu trong xã hội. Không ai là chưa từng một lần đến gặp người thợ khóa để sửa khóa, đánh chìa. Người thợ khóa không có “danh phận” nào, họ cứ cần mẫn, lẳng lặng với những búa, kềm, dũa để không bất lực trước loại khóa nào, và luôn giữ cái tâm trong sáng.

Thông thường, chỉ mất vài phút, ông Thông đã nhanh nhẹn, hoàn tất một chiếc chìa khóa.Ảnh: Q.T
Thông thường, chỉ mất vài phút, ông Thông đã nhanh nhẹn, hoàn tất một chiếc chìa khóa. Ảnh: Q.T

Chân dung người thợ khóa

Gần 40 năm nay, ở khu vực Tượng đài Mẹ Nhu (đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê), ông Thông “khóa” với thùng đồ nghề cũ kỹ và dăm ba xâu chìa treo lủng lẳng khiêm tốn ngồi ở một góc nhỏ vỉa hè. Với ông Thông, chiếc kềm, cái búa, ê-tô, chỗ ngồi này... đã quá quen thuộc, gắn bó nửa cuộc đời. Tại đây, ông đã bao lần chứng kiến con đường Điện Biên Phủ thay da đổi thịt, căn nhà ông đang ngồi phía trước nhiều lần thay chủ, nhưng ông vẫn “cắm rễ” với nghề. “Nghề sửa khóa này dù giỏi đến đâu cũng chẳng có chút tiếng tăm nào, cũng chẳng thể mơ đến chuyện làm giàu, chẳng ai nhớ đến mình trừ khi… mất chìa khóa”, ông tâm sự.

Lời mở đầu của ông Thông “khóa” đã mở ra biết bao câu chuyện vui buồn xoay quanh cuộc đời người thợ khóa. Ông theo nghề mà không “tầm sư” nào, tự mày mò, nghiên cứu là chính. Không biết bao nhiêu ổ khóa đã được ông mua về rồi đập ra nghiên cứu. Đến giờ, sau 40 năm làm nghề, ông vẫn… nghiên cứu. “Người thợ sửa khóa không phải chỉ dừng lại ở những ổ khóa thông thường mà phải không ngừng học hỏi, tự nâng cao tay nghề vì thị trường càng ngày ra nhiều loại ổ khóa khác nhau. Tất cả các loại khóa đều có nguyên lý cơ bản để mở nên mở được một loại là phải nhớ cấu tạo để lần sau mở các loại khóa cùng dạng, cùng nhãn hiệu, dòng sản xuất”, ông Thông cho biết.

Những tưởng cái nghề “im lặng” này chỉ dành cho những người trung niên, lớn tuổi, không ngờ, chủ tiệm sửa khóa số 41 Yên Bái, nổi tiếng với việc làm chìa xe Vespa, ô-tô, mở két sắt lại là anh thanh niên trẻ măng mới sinh năm 1985. Trong cuộc mưu sinh có rất nhiều nghề để chọn nhưng anh Khôi lại chọn cái nghề thui thủi một mình, chỉ vì “từ nhỏ tôi đã là đứa trẻ có tính hiếu kỳ, tò mò, thấy cái gì đóng kín là thích mở ra, đập ra khám phá cho bằng được. Sau này chọn nghề thợ khóa, dù đã mở hàng trăm, hàng nghìn ổ khóa nhưng tiếng “tắc” của ổ khi được mở ra vẫn là âm thanh hấp dẫn tôi nhất”.

Anh Khôi cho biết, bây giờ thợ làm chìa khóa đỡ nhọc hơn so với thế hệ trước vì có máy móc hỗ trợ. Một chìa làm chỉ khoảng 2-5 phút. Trước đây, đồ nghề của dân sửa khóa đơn giản chỉ là chiếc ê-tô và cái cưa sắt và người thợ phải cưa chìa bằng tay theo mẫu. Còn bây giờ, bộ đồ nghề của thợ sửa khóa chuyên nghiệp có khi phải đầu tư đến ngoài 50 triệu đồng. Thế nhưng, thu nhập của thợ khóa lại chẳng bao nhiêu. Anh Khôi tiết lộ, nếu khách gọi đến nhà thì có thêm tiền công chút đỉnh, còn làm khóa tại chỗ kiếm được vài ngàn đồng mỗi cái, tùy chìa. Một ngày có khách thì kiếm được 70.000-80.000 đồng. Hôm nào trúng cũng được hơn một trăm, hôm nào ế thì chỉ vài ba chục đủ ăn thôi.

Thành phố này tuy nhỏ nhưng cũng không ai thống kê được có bao nhiêu thợ sửa khóa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hữu (sửa khóa gần 30 năm trước Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận Sơn Trà) cho biết, dân sửa khóa, ai giỏi nghề, ai yếu nghề đều biết nhau hết, vì hầu như thợ khóa mua vật tư ở cùng một chỗ (trên đường Lý Thái Tổ). “Hơn nữa, nghề sửa khóa không ai dám nhận đã lành nghề, cứ phải tìm tòi, học hỏi. Ổ khóa nào mình bó tay thì tìm người giỏi hơn để nhờ chỉ dạy, thành ra, quen nhau cả”, ông Hữu nói.

Vui buồn với nghề

Nhiều người nói, thợ khóa không muốn thì thôi, muốn là lấy đồ của thiên hạ dễ như trở bàn tay vì có ổ khóa nào mà không mở được. Những người thợ khóa đều nói rằng, nghề này, ai có lòng tham dễ sa ngã lắm. Vì làm nghề “vừng ơi, mở ra” này mà các thợ khóa đều “tủ bài” riêng cho mình để tránh rơi vào trường hợp oan sai cũng như tiếp tay cho kẻ xấu.

Làm nghề 40 năm nên ông Thông rất có kinh nghiệm nhìn người. Ông kể, cả cuộc đời làm nghề, ông từng gặp qua không ít kẻ gian. Cách đây mấy năm có một thanh niên dắt chiếc xe SH đến nhờ ông mở khóa vì để lạc chìa. Nhìn dáng vẻ lấm lét, mất bình tĩnh của cậu thanh niên, cộng với cậu ta nói giọng Quảng Bình nhưng biển số xe lại của Đà Nẵng nên ông rất nghi ngờ. Ông không mở khóa ngay mà hỏi xem cà-vẹt xe, thấy cậu ta lúng túng nên ông giả vờ đi uống miếng nước nhưng thực chất là đi gọi cho công an. Khi công an đến nơi dùng nghiệp vụ hỏi vài câu, cậu ta trả lời quanh co nên bị mời về đồn. Thì ra, đó là xe cậu ta trộm được ở cách đó mấy con đường. “May là tôi cảnh giác, không thôi đã tiếp tay cho kẻ gian”, ông cho biết.

Với những người làm nghề thâm niên như ông Thông thì ít rơi vào trường hợp oan sai. Nhưng với anh Khôi, một thanh niên mới ra nghề 4 năm, anh tự nhận mình còn khá non tay trong việc đoán người ngay kẻ gian. Hồi mới ra nghề, một lần, có người đàn ông trung niên nhờ anh Khôi đến mở két sắt vì hai vợ chồng đều quên mã số. “Khi tôi đến nơi thì anh ta bảo sáng nay đi làm vội quá nên đánh rơi cả chùm chìa khóa nhà, nhờ tôi mở khóa cổng, khóa cửa. Anh ta nói rất thuyết phục, nên tôi không mảy may nghi ngờ. Mở hai ổ khóa xong lên mở két sắt. Hì hục cả tiếng đồng hồ mở ra thì trong két sắt không có tiền, chỉ có giấy tờ nhà, giấy tờ xe.

Khi xong việc, đòi tiền công thì anh ta nói để quên ví tiền trên cơ quan, biểu tôi đi cùng anh ta ra tiệm cầm đồ, cầm giấy tờ xong sẽ trả tiền công. Lúc đó tôi mới nghi ngờ phải chăng anh ta là kẻ gian? Vậy là anh im lặng đi theo anh ta đến cầu Phú Lộc, rồi hô hoán lên, người dân vây lại bắt anh ta về đồn công an. Sau lần đó tôi cũng hú hồn vì thực ra đúng anh ta chủ nhà đó, nhưng hai vợ chồng đang làm thủ tục ly hôn. Nhân lúc vợ không có nhà nên anh ta gọi thợ sửa khóa đến hòng lấy tiền trong két”.

Những trường hợp như vậy, được giới thợ khóa nhanh chóng truyền miệng, nên họ thường bảo ban nhau tự bảo vệ mình trước kẻ gian. Để tránh rơi vào trường hợp “tình ngay lý gian”, người thợ khóa phải hết sức cẩn thận. Hai đối tượng phải dè chừng nhất là thanh niên và nhà không có người. Anh Khôi rút kinh nghiệm, bây giờ, hễ ai gọi tới nhà mở két sắt là tôi đến hỏi quanh hàng xóm có đúng đó là nhà “chính chủ” không, và nhà phải có đông người tôi mới mở, chứ có một người tôi cũng không dám làm. Thà từ chối còn hơn phải “dính” vào những chuyện sai trái.

Không chỉ đối mặt với ranh giới thiện-ác, hiểm nguy, cuộc đời người thợ khóa cũng gắn với những niềm vui và nỗi buồn rất giản dị. Ông Hữu nói rằng, làm thợ sửa khóa vui nhất là khi mình đến nhà sửa khóa được chủ nhà trân trọng, họ bật quạt, rót nước mời. Và, dù chỉ là anh thợ khóa quèn nhưng với ông Hữu, ông luôn làm nghề với một cái tâm trong sáng và nhiệt tình nhất. Không ít lần nửa đêm nửa hôm điện thoại đổ chuông, khách nhờ đến mở ổ khóa ông cũng bật dậy đi làm. “Người ta đã tin tưởng mình, cần đến mình thì mình làm thôi”, ông từ tốn nói.

Cái nghề sửa khóa này không khoa trương, ồn ã, những người thợ khóa cứ lẳng lặng làm nghề, ung dung tự tại nhìn đời, nhìn người. Tuy giản dị tồn tại mà ý nghĩa lắm thay.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.