Uống cà-phê trong một quán trên đường Ngô Gia Tự, nghe một thanh niên vừa tậu chiếc SH mới cứng hỏi chủ quán dán xe máy ở đâu cho đẹp. Nghe ông này bảo xuống chỗ Quý trên đường Hoàng Diệu, tôi vọt theo ngay.
Dán xe máy cũng phải nghệ thuật: Chăm chút từng đường lượn lưỡi lam để làm hài lòng khách. Ảnh: V.T.L |
Chạy một đoạn, thấy biển hiệu Quý ở 76 Hoàng Diệu chuyên dán đề-can, giấy dán tường. Trước hiên, người thợ trẻ khoảng 35 tuổi đang lượn những đường cong mềm mại bằng giấy đề-can trên hông chiếc Sirius mới toanh. Anh chủ xe SH vừa rời quán cà-phê đang ngồi chờ tới phiên mình. Lát sau có một người đàn ông chạy chiếc Vespa tới, bắt chuyện vài câu mới hay ông này là Nguyễn Mạnh Cường, chủ tiệm cà-phê Hoài Cổ trước Ga Đà Nẵng, ngày trước ở nhà đối diện tiệm Quý – tên của ông chủ Trần Đình Quý.
Ông Quý mở tiệm dán xe máy từ năm 1994, đó là khoảng thời gian xe Trung Quốc giá rẻ nhập ồ ạt vào Việt Nam và người mua xe ai cũng muốn dán một lớp giấy đề-can lên các phụ kiện bên ngoài để xe đẹp, bền và trông... có giá hơn. Theo hiểu biết của ông Cường thì ông Quý là người đầu tiên cất công vô tận Sài Gòn học nghề về Đà Nẵng mở tiệm. Anh thợ trẻ này tên là Trần Ngọc Long, “đệ tử” đời thứ hai của ông Quý. Bỏ sách vở là lăn ra làm nghề, thâm niên 15 năm đủ để Long trở thành một trong những “bàn tay vàng” của giới dán xe máy Đà Nẵng.
Tiệm Quý ban đầu chỉ 5-6 thợ, Long kể, sau đến hơn chục. Nhiều người làm vài năm là bỏ ngang, phần không có “hoa tay”, phần không đủ kiên nhẫn ngồi chờ. Bởi làm nghề này có lúc vắng như chùa Bà Đanh, có lúc nườm nượp xe có mười tay cũng làm không xuể.
Nghề ngó bộ “cà tàng” như thế, nhưng coi bộ rất nghệ thuật, tay mơ không làm được. Thợ lâu năm biết nhau hết, biết cả cái “nước dán”, cái “e” của nhau. Một cậu trai trẻ chạy chiếc CBR của hãng Honda đến, nhờ dán lại cái bình xăng. Long xem lướt qua, hỏi có phải em dán chỗ anh L. trên đường Trần Cao Vân không? Cậu trẻ gật đầu với vẻ ngạc nhiên, bái phục. Đúng là cái vụ “nhìn tác phẩm biết tác giả” này chỉ dân trong nghề mới rành chứ dân “ngoại đạo” là bó tay.
Long vừa thoăn thoắt đôi tay dán, cắt, đẩy..., vừa kể chuyện nghề. Xe đời cũ đơn giản, ít góc cạnh, tay ngang mới tập tò vào nghề cũng có thể dán được, tất nhiên là không “mượt” bằng thợ lâu năm. Xe đời càng mới vè xe có độ eo, độ nhấn nhiều hơn, có chiếc giá ngót nghét trăm triệu, đòi hỏi thợ phải chắc tay mới dám đụng vào. Vè xe có độ eo, độ cong nhiều, thợ phải cầm lưỡi lam lượn một đường thế nào cho không thấy mí dán, không chạm vào nước sơn. Nếu không để lộ mí, lỡ tay làm vẹt vè xe hay xước nước sơn là phải bỏ tiền ra đền. Dán điện thoại, máy tính xách tay cũng thế, có nhiều loại trên dưới hai chục triệu là phải tỉ mỉ từng li từng tí…
Long kể, tuần trước có hai vợ chồng nọ đến tiệm cầm chiếc Iphone 4 đến hỏi dán cái này hết bao nhiêu tiền. 70.000 đồng, Long trả lời. Vậy sao con tui tới đây dán lấy tới 250.000 đồng? Nói xong, họ làm rùm beng lên. Rằng dán cái điện thoại mà bằng dán cả cái xe máy. Rằng đừng thấy con nít mà phỉnh phờ… Long kiểm tra lại thì thấy chiếc Iphone này có dán mặt kính cường lực cảm ứng, nhưng giá cũng không thể cao ngất trời như thế. “Xin anh chị bình tĩnh, Long phân trần, hãy đưa con tới đây nói chuyện đàng hoàng. Thời buổi chừ làm chi cũng có mặt bằng chung hết, không ai mặc áo quá đầu”. Đến khi ba mặt một lời thì mới hay “thủ phạm” là một thanh niên ngồi vỉa hè gần tiệm Quý, giờ đã dời “trụ sở” đi đâu mất tiêu!
Ông Cường nghe chuyện, thêm rằng đây là nghề làm chơi ăn thiệt. Dán một xe máy khoảng 250.000 – 300.000 đồng, trong đó tiền vật liệu chưa tới 50.000 đồng. Thợ giỏi, có uy tín, thu nhập ngày 1-2 triệu là chuyện thường. Vì nghề dễ hái ra tiền nên nhiều thanh niên, sinh viên cũng sắm đồ nghề (gồm vài chiếc ghế nhựa, mấy cuộn giấy đề-can, bật gas, lưỡi lam…) ra ngồi vỉa hè, trưng bảng và ung dung đón khách. Tay nghề “cứng” thì không sao, chứ a-ma-tơ thì chỉ làm “méo mó” cái nghề này thôi. Có khách thấy thợ lượn đôi tay trên xe máy trăm triệu của mình dẻo chẳng khác nào diễn viên múa, hứng chí “boa” thêm cho thợ.
Nói vậy chứ nghề nào cũng có đủ hạng người. Người viết có lần đến dán điện thoại di động ở một thanh niên trên đường Lê Duẩn, tiện thể, nhờ thay luôn miếng dán mặt máy tính bảng. Cậu này xem qua, bảo không cần thay mới chú ơi, chỉ lau sơ qua là như mới. Nói rồi, cậu ta gỡ miếng dán ra rồi nhẹ nhàng dán lại, thao tác như thế nào đó (“bí quyết” chăng?) mà cuối cùng mặt máy tính bảng không còn rỗ giọt nước nữa, phẳng và đẹp như mới! Lạ hơn nữa, cậu chỉ tính tiền dán điện thoại thôi.
Đà Nẵng giờ có quá nhiều chỗ dán xe máy, dán máy tính xách tay, điện thoại (chủ yếu tập trung các tuyến đường Hoàng Diệu, Lê Duẩn) nhưng tìm một chỗ “chọn mặt gửi vàng” đâu phải dễ. Riêng đường Hoàng Diệu đã trên chục tiệm lớn nhỏ, trong đó có 3 tiệm có “thương hiệu” là Quý, Dũng, An. Ngày thường thì lai rai khách, đến mùa Tết làm không hết việc. Khi đó người có tiền mua xe mới chạy chơi xuân. Người có xe rồi thì bóc lớp cũ ra dán lại để chạy cho nó… mới. Bởi lớp đề-can dán xe chỉ có “tuổi thọ” chỉ trên dưới 2 năm.
Nghề nào cũng thế, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, trăm hay không bằng tay quen. Cũng nên có cuộc thi “bàn tay vàng” dành cho những người làm nghề dán xe máy, điện thoại, máy tính xách tay để tôn vinh thợ giỏi. Nghề nào cũng có thời hoàng kim, nhưng có lẽ nghề còn quá trẻ này chỉ “thoái trào” khi người dân không còn dùng đến mấy thứ hàng tiêu dùng cao cấp này. Xem ra chuyện này còn lâu mới xảy ra, bởi đây là ba thứ hàng mà các nhà sản xuất luôn đổi mới công nghệ, mẫu mã và người tiêu dùng Việt Nam thì cứ luôn muốn khoác cho chúng một “lớp áo” để đồ dùng của mình được “ăn chắc mặc bền”!
VĂN THÀNH LÊ