Những đôi giày được làm ra từ bàn tay người thợ tâm huyết không còn là sản phẩm thông thường, mà là một tác phẩm nghệ thuật, gói ghém tất cả tình yêu, sự sáng tạo, khéo léo và luôn giữ vững nguyên tắc “xấu che, tốt khoe” của đôi bàn chân.
Ông Đỗ Văn Chiến cần mẫn với công việc của mình suốt nhiều năm nay.Ảnh: T.Y |
1. Ba năm nay, đến hẹn lại lên, trước năm học mới chừng nửa tháng, anh Nguyễn Văn Nam, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn tranh thủ ngày cuối tuần chở con trai đến tiệm đóng giày nằm trên đường Ngũ Hành Sơn đặt cho con đôi dép có quai hậu (sandal). Mọi chuyện bắt đầu từ khi con trai anh lên lớp 8. Anh bảo lần đó, anh chở con đến cửa hàng giày dép gần nhà chọn mua cho con đôi dép đi học. Tưởng dễ, nhưng loay hoay gần tiếng đồng hồ, lựa hết đôi này đến đôi khác, cu cậu vẫn không vừa ý. Đôi có mẫu mã đẹp mang vào chật chân, đôi cỡ lớn hơn cu cậu lại ỏng eo chê xấu.
Khá bực mình, anh định chở con trai về nhà nhưng trên đường đi, nhìn thấy tiệm đóng giày nho nhỏ bên đường, anh quyết định tấp xe vào, nói con chọn mẫu rồi đặt thợ đóng một đôi. Anh bảo, so với bạn bè cùng trang lứa, chân con trai anh khá to nên rất khó chọn giày dép phù hợp. Những đôi ngoại cỡ thường có kiểu dáng thô, mẫu mã người lớn, không phù hợp với lứa tuổi thanh-thiếu niên.
Những đôi nhỏ hơn mang vào bức bí, đi đứng không được thoải mái. Từ khi chuyển sang mang sandal đặt làm, cu cậu tự tin hẳn lên. Quan trọng hơn, những đôi sandal đóng thường có chất lượng tốt, đi đứng, chạy nhảy cả năm học vẫn giữ được đường kim mũi chỉ, không sợ bị bung như sandal thị trường.
Ông Đỗ Văn Chiến (56 tuổi), chủ tiệm giày Avina, địa chỉ 64 Ngũ Hành Sơn chia sẻ, cách đây chừng 50 năm, cùng với nghề kim hoàn, thợ đóng giày được xã hội rất coi trọng. Bởi đây là nghề hái ra tiền dựa trên sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mẩn của đôi bàn tay. Thời ấy, người dân ít mang giày nên giày không được sản xuất đại trà, ai muốn mang phải đến thợ giày đặt đóng. Do đó, công việc của thợ giày chủ yếu phục vụ cho tầng lớn thị dân, người có của nả trong nhà, hoặc công chức. Bây giờ, mọi người thích đến chợ mua giày dép đóng sẵn. Tuy nhiên vẫn có không ít người muốn đến tiệm đóng giày theo mẫu mình thích, hoặc đến thợ đóng tìm mua đôi mới vì giày ở đây thường bền và đẹp.
Trước đây, công việc của một thợ giày khá vất vả, hầu hết mọi công đoạn được làm bằng tay từ ra da, tạo mẫu, bào mướt đế bằng chai thủy tinh bể, lạng (vạt) bớt da mỏng để xếp mí mũi giày, đục lỗ, may các kiểu. Keo được nấu từ gạo, dán cố định phía trong mũi giày... Do trải qua nhiều công đoạn, nên có khi cả ngày người thợ mới làm xong một đôi giày. Cũng theo ông Chiến, người thợ giày giỏi là người vừa có thể che đi khiếm khuyết của đôi bàn chân, vừa đạt tính thẩm mỹ. Mặt khác, làm ra một đôi giày bền thôi chưa đủ, người thợ giỏi cần nhanh nhạy nắm bắt xu hướng thời trang để cho ra đời những đôi giày được thị trường ưa chuộng về mẫu mã, màu sắc, loại da.
2. Để có một đôi giày thành phẩm đạt chất lượng, kiểu dáng đẹp thường cần đến đôi bàn tay khéo léo của hai người thợ: thợ may mũi giày và thợ đế. Trong khi, người thợ may mũi cần khéo tay, có gu thẩm mỹ tốt để tạo nên kiểu dáng đẹp thì người thợ đế cần làm ra những chiếc khuôn chắc chắn, vừa chân để người mang dễ di chuyển trên mọi địa hình, trung bình mỗi khuôn có 7 cỡ giày, từ 37 đến 42.
Trong khi tiệm giày Avina chuyên nhận đóng giày nam thì cửa hàng Handmade Danang nằm trên đường Nguyễn Phước Nguyên (quận Thanh Khê) chuyên nhận gia công giày dép nữ. Chị Lê Thị Thu Trâm, chủ cửa hàng cho biết tất cả giày dép nữ tại địa chỉ này đều được gia công các khâu tại Việt Nam. Vì vậy, mọi người có thể đưa ra những yêu cầu về mẫu mã, cỡ cũng như chất liệu da, vải để người thợ làm theo. Thông thường những đôi giày này không có mức giá cụ thể, tùy theo chất liệu, độ phức tạp khi làm mà định giá, có thể nhỉnh hơn giá thị trường chút xíu nhưng chất lượng được bảo đảm. Thế mạnh của địa chỉ này là các loại giày vải, sandal nữ và nhận đóng gót cao nhất 12 phân, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.
Khách hàng của những tiệm đóng giày thường là người có đôi chân kích cỡ lớn hoặc quá nhỏ. Chị Hồ Thị Thu Trang, nhà trên đường Hà Huy Tập cho biết chân chị khá nhỏ, thường đi cỡ giày 33. Tuy nhiên, hiện các cửa hàng giày dép trên thị trường Đà Nẵng rất ít bày bán cỡ giày này vì sức mua thấp. Vì thế, để tìm được đôi giày vừa chân, vừa đẹp rất khó. Từ khi biết đến địa chỉ Handmade Danang, đây trở thành nơi chị tìm đến mỗi khi có nhu cầu. “Trước khi quyết định đóng một đôi giày, tôi thường lên mạng tìm hiểu mẫu mã, xu hướng thời trang, chọn chất liệu, họa thêm vài nét phù hợp với sở thích cá nhân. Và như thế, tôi có được một đôi giày không những bền, đẹp mà còn rất ưng ý cho bản thân mình”, chị Trang chia sẻ.
3. Đã qua thời hoàng kim của thợ đóng giày thủ công nên ngoài một số cơ sở trụ được với nghề, hầu hết các thợ giày chuyển từ đóng sang sửa chữa giày dép. Anh Đức, người có thâm niên hơn 10 năm sửa giày dép tại chợ Cồn cho biết, hiện nay, nghề sửa giày dép có mức thu nhập tốt hơn một thợ giày thực thụ bởi hầu hết chị em mua sắm giày mới thường muốn lót thêm dưới đế một lớp cao su để chân bước êm hơn. Sau một vài tháng, lớp su cũ mòn đi, họ lại tiếp tục thay thế lớp mới. Chưa kể việc chị em phụ nữ đi lại nhiều, giày hở mũi, hở gót là chuyện bình thường. Trung bình mỗi đôi, người thợ sửa giày có thể kiếm được từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng.
Theo anh Đức, cỡ giày, guốc thường chênh lệch 3 ly chiều rộng, 5 ly chiều dài. Do đó, nếu chân bạn cỡ 37,5 thì mua giày số 37 sẽ chật, 38 thì rộng, khi đi bộ sẽ dễ tuột gót. Cách duy nhất để khắc phục nhược điểm này là người thợ đệm thêm một lớp mút bằng cao su dày 5mm. Hay như, người có đôi chân mập bề ngang, người sửa giày sẽ linh động thoa nước vào phía trong bề mặt da để da tăng thêm độ đàn hồi. Sau đó, có thể dùng chân giả bằng nhựa có kích cỡ lớn hơn giày một chút để “nống” cho da giãn ra. Thời gian “nống” giày kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ để da chết. Như vậy, khách hàng sẽ có được đôi giày vừa vặn, sít sao.
Có thể nói hiện nay, không phải ai cũng có thời gian tìm đến tiệm đóng giày bởi họ có thêm nhiều sự lựa chọn do giày dép đang được sản xuất hàng loạt với nhiều mẫu mã, kiểu dáng phong phú, đẹp mắt, giá thành rẻ. Tuy nhiên, theo ông Chiến, giày đóng vẫn giữ chân được những khách hàng khó tính bởi chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp và được thiết kế theo sở thích, vừa ôm khít theo chân mỗi người.
TIỂU YẾN