.

Việc làm cho người sau cai

.

Với một người bình thường, tìm việc làm phù hợp với sở thích, năng lực chưa hẳn là điều dễ dàng. Với người sau cai, việc đó còn khó hơn gấp nhiều lần. Tuy vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho đối tượng này lại có ý nghĩa với toàn xã hội. Nó không chỉ giúp người sau cai giảm nguy cơ tái nghiện, ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế địa phương.

Việc làm không chỉ để mưu sinh

Sau những chần chừ, do dự, anh D.N.T, công nhân hàn gò khu công nghiệp Hòa Khánh (trú 45 Bình An 3, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) cũng dành cho tôi những phút giây ngắn ngủi sau giờ tan ca. Đã 6 năm kể từ ngày giã từ “nàng tiên nâu”, anh đã “thu xếp” quá khứ gọn gàng và vùi đầu vào công việc để quên đi những tháng ngày đen tối. Bằng giọng trầm buồn pha chút hối hận, anh T nói, tôi ý thức rằng chỉ có đi làm mới cắt đứt được quan hệ với đám bạn cũ nên khi cai nghiện trở về là tôi bươn chải đi kiếm việc ngay.

Dù lương tháng chỉ 3 triệu đồng nhưng công việc bận rộn khiến tôi chẳng còn thời gian la cà lêu lổng. Những người bạn của tôi ở xóm bờ hồ (đường Hàm Nghi) vẫn tái nghiện tới lui mà không dứt ra được cũng bởi thất nghiệp. Không có việc làm cứ đi lông bông cà-phê cà pháo, dây dưa với nhau thì sớm muộn “tình cũ không rủ cũng tới”.

Cũng như anh T, anh L.T.H (tổ 24, phường Tân Chính, quận Thanh Khê) đoạn tuyệt con đường cũ nhờ có công ăn việc làm ổn định. Nhắc đến quá khứ, anh có phần e dè, ngại ngùng nhưng khi được hỏi về công việc hiện tại, giọng nói anh đầy tự tin: “Tôi hiện đang làm thợ nhôm. Nghe kinh nghiệm từ những anh đi trước, ai “về” (Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 về-PV) mà có việc làm liền là dễ dứt bỏ ma túy lắm, còn về mà rảnh rang là rất dễ quay lại con đường cũ. Do vậy, từ trung tâm trở về, nhờ người quen giới thiệu, tôi học được nghề nhôm này. Đi làm tối ngày bận rộn mà vui. Bươn chải làm việc cho đầu óc khuây khỏa, không nhớ tới chuyện cũ nữa”.

Quả thực, công việc là giải pháp tối ưu cho những người sau cai hồi gia từ bỏ ma túy. Họ đi làm không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà để “giết” bớt thời gian rảnh rỗi. Có nhiều thông tin cho rằng, những người nghiện ma túy đa phần rơi vào những gia đình khá giả, được gia đình bảo bọc nên việc tìm việc làm sau cai là không cần thiết. Tuy nhiên, khi người viết gặp những đối tượng cai nghiện thành công đang có công việc ổn định, họ đều nhất trí rằng, dù giàu hay nghèo thì mỗi con người trong độ tuổi lao động đều nên kiếm cho mình một việc làm. Khi “vùi đầu” vào công việc sẽ không còn “nhàn cư” để mà “bất thiện” nữa.

Trao niềm tin cho người sau cai

“Sở dĩ, người cai nghiện quay lại con đường cũ một phần do họ không có việc làm”, ông Văn Công Hùng, cán bộ chuyên trách tệ nạn xã hội phường Nam Dương (quận Hải Châu), nhấn mạnh.

Trở về với gia đình, cộng đồng, người cai nghiện không cần gì khác hơn nhận được sự tôn trọng, tin tưởng của người thân, bà con lối xóm hay rộng hơn là của xã hội. Muốn được như vậy, không gì khác ngoài “mình phải lao động như người ta”, có một công việc ổn định. Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề việc làm đối với người sau cai, năm 2009, mô hình CLB Thanh niên lập nghiệp của UBND phường Nam Dương, liên kết với Công ty TNHH Huỳnh Anh Khoa ra đời.

CLB dạy nghề sắt, gia công các đồ vật lưu niệm, quảng cáo… cho đối tượng là thanh thiếu niên hư và người sau cai, mỗi khóa đào tạo từ 3-5 tháng. Trong thời gian học nghề, học viên được trả lương từ 2-3 triệu đồng. Nói về lý do thành lập CLB này, ông Huỳnh Ngọc Hải (Chủ nhiệm CLB) chia sẻ, tôi từng là Phó Chủ tịch phụ trách văn-xã của UBND phường Nam Dương nên rất thấu hiểu “nỗi gập ghềnh” của người sau cai khi hồi gia. Tôi muốn tạo điều kiện để các em cảm nhận rằng, mình không phải là đồ bỏ đi, mình vẫn còn giá trị đối với cuộc đời này.

Từ CLB của ông Hải, hàng chục thanh niên sau cai được dạy nghề miễn phí, một số ở lại làm với ông đến tận bây giờ, một số vững vàng tay nghề xin ra làm riêng. Dù không ít lần khốn đốn vì một số thanh niên đã cai nghiện nhưng không toàn tâm toàn ý với công việc, thậm chí rủ bạn bè đến xưởng làm quậy phá, trộm dụng cụ, vật tư nhưng ông luôn đối đãi lại họ bằng tình cảm vị tha. Tính đến nay, CLB đã đào tạo nghề cho 10 đối tượng sau cai. Một số em ra nghề có công ăn việc làm ổn định như em Đ.P.H, B.M.Q, H.M.T. Nhiều em ra nghề đi làm nơi khác nhưng khi công ty cần hỗ trợ đều sẵn sàng quay về giúp đỡ như N.D.H, N.Đ.N.

“Đối với người sau cai, đôi khi chính cha mẹ họ cũng còn không tin tưởng huống hồ người ngoài. Tuy nhiên, không bao giờ được chặn đường lùi của họ. Mỗi thanh niên khi cai nghiện về, tôi đều quản lý từ 1-2 năm, nếu thấy tiến bộ, tôi sẽ giới thiệu đến chỗ anh Hải học nghề. Thật may khi phường chúng tôi có một cơ sở sẵn sàng nhận những người sau cai, để họ tiếp tục đóng góp cho xã hội”, ông Văn Công Hùng tâm sự.

Bất cập định hướng việc làm cho người sau cai

Thực tế, không nhiều mô hình như phường Nam Dương trên địa thành phố. Khi chúng tôi đến tìm hiểu ở một số địa phương khác, mặc dù cán bộ chuyên trách rất quan tâm đến vấn đề việc làm cho người sau cai nhưng ai cũng thừa nhận, việc dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc của cả xã hội.

Có những trường hợp, người sau cai được giới thiệu những công việc chưa phù hợp với khả năng của mình. Như trường hợp anh T.V.Q (tổ 8, phường Hải Châu 2), khi cai nghiện trở về, cán bộ chuyên trách phòng chống  tệ nạn xã hội phường giới thiệu một số công việc nhưng anh cảm thấy không phù hợp nên từ chối. Anh tự mình bươn chải kiếm việc mà không nhờ vào sự giúp đỡ của chính quyền.

Hơn nữa, những công việc được giới thiệu để học nghề đa phần lại ít có cơ hội việc làm khi ra nghề. Ông Nguyễn Nam Thắng (cán bộ chuyên trách phòng chống  tệ nạn xã hội phường Tam Thuận, quận Thanh Khê), cho biết, các lớp dạy nghề cho người sau cai (do Nhà nước tổ chức) hiện nay không phát huy được tác dụng. Bởi mỗi lớp học chỉ kéo dài từ 3-6 tháng, thời gian quá ngắn để học một nghề cho chín, nhiều thanh niên học gò hàn cũng chưa ra gò hàn, sửa xe không ra sửa xe nên dù học xong cũng không kiếm được việc làm. Hiện nay, phường Tam Thuận có 8 đối tượng sau cai, nhưng chỉ mới 50% có việc làm.

Ông Phan Xuân Đông (cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội quận Thanh Khê) cho biết, việc giới thiệu việc làm cho người sau cai rất khó khăn vì phải biết bản thân họ có năng lực gì mới giới thiệu được. Muốn vậy, trước hết phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đối tượng. Sau đó, mới liên hệ các nơi để nhờ vả, gửi gắm đối tượng vào làm việc. Hầu như trên địa bàn chưa có doanh nghiệp nào sẵn sàng nhận đào tạo nghề cho người sau cai. Các cán bộ cơ sở đều bị động, mỗi khi có người sau cai về địa phương mới đi kiếm việc làm.

Theo báo cáo thống kê của Sở LĐ-TB&XH thành phố, 9 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố có 211 đối tượng đang quản lý sau cai tại nơi cư trú, trong đó 188 người có việc làm, 23 người chưa tìm được việc.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.