Giờ thì sau mấy lần trùng tu nghĩa trủng Hòa Vang, cỏ Ngọn Nến không còn nữa, chỉ còn những ngọn nến của các em học sinh thắp trên nghìn nấm mộ nghĩa sĩ mỗi khi đến lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng.
Mù u thì có lạ gì đối với những cậu bé từ chân ruộng ra phố. Quê tôi nằm ven sông Cổ Cò, cách Cửa Đại chừng 10km đường chim bay, có hàng mù u soi bóng nước.
Thời đó làm chi có được những viên bi thủy tinh đầy mê hoặc, bọn trẻ chúng tôi chọn những trái mù u già, bóc vỏ đem mài sơ qua những viên đá lăn lóc bên mé sông thành những viên bi dân dã, chơi với nhau có thua gì bi thiệt.
Ký ức về mù u chỉ đơn giản là vậy, nên khi nghe các vị cao niên nói rằng mù u còn có thể đi... đánh giặc thì tôi không khỏi ngạc nhiên pha lẫn thích thú.
Ông Nguyễn Văn Hiển và 2 cây mù u cổ thụ ở đình Hòa Mỹ được cho là “hậu duệ” của cây mù u tham gia trận đánh Pháp năm 1858. Ảnh: V.T.L |
17 năm trước, có lần tôi về thăm nghĩa trủng Hòa Vang trên đất phường Khuê Trung, bấy giờ trực thuộc quận Hải Châu, được hầu chuyện với cụ Năm Đải, một lão làng lớn lên cùng với gốc mù u bên Miếu Bà bên hông nghĩa trủng.
Ông lão ngoại bát tuần kể rằng, ngày trước, dọc đường từ Lỗ Sài, Hóa Sơn (nay thuộc phường Hòa Cường Nam) lên Khuê Trung đến Phong Lệ có nhiều cây mù u lắm. Kịp đến khi Thống chế Lê Đình Lý, rồi danh tướng Ông Ích Khiêm đồng cam cộng khổ với nhân dân Đà Nẵng trong việc bảo vệ các phòng tuyến chống Pháp năm 1858 thì cây mù u cùng con người tham gia trận mạc.
Mù u là cây của dân nghèo. Trái ép dầu, thắp đèn; nhựa cây trị vết đao thương, ghẻ, tê thấp; gỗ làm tay cong, cán, bánh lái thuyền… Nếu chỉ thế thì chả có gì nổi tiếng. Ở đây, mù u đã đi vào lịch sử, chí ít cũng vào truyền khẩu dân gian, như là một vũ khí lợi hại trong trận chiến vô tiền khoáng hậu giữa quan quân Đà Nẵng với giặc Pháp hồi 1858.
Vốn người làng Phong Lệ, danh tướng họ Ông hẳn biết rõ từng ngọn đồi, từng bến sông khắp cả vùng Liên Trì - Cẩm Lệ để có thể tổ chức đánh giặc bằng vũ khí thô sơ một cách hữu hiệu nhất. Ngày đó, ngoài tàu đồng đạn sắt, Pháp còn trang bị cho quân lính mang giày đinh ống cao, đi đến đâu cũng rầm rầm dương oai diễu võ. Năm đó, khi trái mù u bắt đầu chín rộ khắp nơi, họ Ông ngầm sức cho bà con quanh vùng hái trái thật nhiều để chuẩn bị cho một trận đánh lớn.
Cơ hội đã đến, khi một tốp lính Pháp theo đường 14 tiến lên Phong Lệ, quân ta chặn đánh rồi vờ tháo chạy. Địch đuổi theo, bị trái mù u làm trượt ngã. Phục binh của ta bất ngờ đổ ra đánh, quân địch một phen phiêu hồn bạt vía...
Cụ Năm Đải quy tiên 4 năm sau đó nhưng câu chuyện trận mù u nhuốm màu huyền thoại vẫn lảng vảng đâu đó trong tôi. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đó chỉ là huyền thoại chứ nếu có xảy ra trong thực tế thì sử ta, sử Tây đã ghi chép rồi.
Tôi thì tin vào lời “biện bạch” của cụ Năm Đải năm nào: “Mới đây, có một anh trẻ tới tìm tui hỏi chuyện, chính ảnh đọc cho tui nghe câu ni, nói là sưu tầm được ở mô đó: “Đà Nẵng, Sơn Trà, Miếu Bông, Cẩm Lệ/ Chuyện trăm năm còn kể trận mù u”. Đó, chú thấy chưa, không có lửa thì làm răng có khói hở chú?”.
Đọc cuốn Người Quảng Nam, NXB Đà Nẵng 2007, của Lê Minh Quốc, thấy tác giả dân Quảng này có vẻ nghiêng về thực hơn là hư khi viết: “Thật ra, sử dụng trái mù u trong tác chiến không phải “đặc quyền” của riêng người Quảng.
Đến nay, đồng bào Nam Bộ còn nhắc đến ông Lãnh binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng). Khoảng thời gian từ 1859 đến năm 1861 khi ông nhận trọng trách trấn thủ đồn Cây Mai ở đất Gia Định cũng nghĩ ra cách cho dân quân rải trái mù u dày đặc trên mặt đường. Lúc xung trận, giặc Pháp do mang giày nên đã bị trượt té nháo nhào vì... chạy đạp trái mù u!”.
Vậy là người Pháp hoặc không chịu rút kinh nghiệm, hoặc coi thường sự sáng tạo lợi hại của dân Việt, thua trận mù u ở Đà Nẵng năm 1858 thì năm sau họ lại tiếp tục thua ở Nam Bộ vì chính loại vũ khí không nằm trong danh mục sản phẩm bất cứ hãng sản xuất vũ khí nào trên thế giới này.
Cuộc chiến chống quân xâm lược phương Tây 160 năm trước của quân dân Đà Nẵng đã để lại 2 ngôi mộ xây cao (nghĩa của từ nghĩa trủng): Nghĩa trủng Phước Ninh và Nghĩa trủng Hòa Vang. Điều ngẫu nhiên là Nghĩa trủng Hòa Vang sau 2 lần thiên di, từ năm 1962 đến nay đã “an vị” ở khu vực Bình Hòa 1, phường Khuê Trung, nơi có cây mù u cổ thụ được cho là “hậu duệ” của những “cụ” mù u có trái tham gia trận đánh Pháp năm xưa.
Trong khuôn viên đình Hòa Mỹ ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu hiện còn 2 cây mù u cổ thụ “hậu duệ” như thế, một to một nhỏ. Ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng hội đồng gia tộc làng Hòa Mỹ, cho rằng cây có gốc 2 người dang tay ôm không hết có tuổi ít nhất cũng trên trăm.
Cha ông Hiển năm nay 95 tuổi, lúc nhỏ hái trái mù u chơi trò bắn bi thì cây đã to sầm rồi. Đến đời ông Hiển thì những nhánh mù u xòe ra theo thế quỳ như con lân trở thành cái giá thiên nhiên để treo lên đó các loại nồi niêu bằng gốm trong trò chơi dân gian Đập niêu.
12 năm trước, tôi về dự Hội làng Hòa Mỹ. Năm đó cây mù u bên đình Hòa Mỹ bỗng dưng ra hoa nhiều hơn, điểm xuyết những chùm sao trắng năm cánh trên nền lá xanh thẫm. Năm đó, tạp chí Non Nước phát động cuộc thi viết ký chào mừng kỷ niệm 10 năm Ngày thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Hương hoa mù u cùng với tiếng trống khai hội trầm hùng hôm ấy gợi nhớ cây mù u cổ thụ trước Miếu Bà Khuê Trung và tiếng trống rền vang trong lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng hằng năm ở nghĩa trủng Hòa Vang làm nên chất liệu ban đầu để tôi viết thiên bút ký Khúc tráng ca mù u ghi dấu trận đầu đánh Pháp năm 1858.
Khi tác phẩm đoạt giải, tôi quay lại thắp nén nhang tạ ơn ở Đài Chiến sĩ trận vong trong khuôn viên nghĩa trủng. Lần đầu tôi đến đây, dưới bóng mù u là những ngôi mộ đất sơ sài, nhiều ngôi bị che khuất bởi những bụi cỏ không rõ tên.
Nhìn những bông hoa màu đỏ hồng hướng thẳng lên trời mà đặt tên là cỏ Ngọn Nến. Giờ thì sau mấy lần trùng tu nghĩa trủng Hòa Vang, cỏ Ngọn Nến không còn nữa, chỉ còn những ngọn nến của các em học sinh thắp trên nghìn nấm mộ nghĩa sĩ mỗi khi đến lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng.
Trong tim mỗi con dân Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, vẫn mãi cháy sáng một ngọn nến như thế, ngọn nến của lòng tự hào dân tộc, luôn bất khuất trước mọi âm mưu xâm lấm của ngoại bang...
VĂN THÀNH LÊ