Chuyến tham dự Liên hoan Thơ quốc tế tại Ấn Độ của Đoàn Nhà văn Việt Nam đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ mãi chuyến hành hương về đất Phật với những điều mà mình chưa kịp ghi lại. Trên chuyến xe lửa chạy suốt đêm, từ Kolkata chúng tôi về Bồ Đề Đạo Tràng (Boud dha gaya). Đón chúng tôi ở cửa sân ga là người của nhà chùa Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Thích Huyền Diệu, một vị tiến sĩ người Việt tu nghiệp tại Pháp đã có công xây dựng.
Hành hương về đất Phật. |
Chúng tôi như lạc vào một ngôi chùa ở làng quê nào đó ở Việt Nam. Bước qua cánh cổng đã bắt gặp những lũy tre xanh, những hàng chuối và rất nhiều cây ăn quả ở Việt Nam như đu đủ, bưởi, hồng. Tiếng chim cu gáy thong thả điểm nhịp.
Ngôi chùa xây có nét kiến trúc như chùa ở Bắc Bộ nhưng có một cái tháp rất cao. Thầy Thích Huyền Diệu giải thích: Chùa Việt Nam tuy nhỏ nhưng phải có tháp cao để từ xa người ta đã nhận ra. Đặc biệt nổi bật trên các tấm cửa đều đắp nổi hình ảnh chữ S của đất nước Việt Nam để cho những người khiếm thị khi đến đây họ lấy tay sờ thì vẫn nhận ra đó là ngôi chùa Việt Nam.
Ở Bồ Đề Đạo Tràng chúng tôi được thầy Nhuận Đạt đang làm tiến sĩ Phật giáo ở Ấn Độ đưa đi thăm nơi đất Phật khai minh dưới gốc cây Bồ Đề. Hoàng Đế Ashok cho xây một ngôi chùa lớn hình chóp vươn cao 60 mét lên nền trời như một ngọn bút, ở bốn góc lại có bốn tháp nhỏ trông hình dáng giống hệt như thế tạo nên sự hài hòa cân xứng cho cả ngôi chùa. Trong điện thờ chính có một pho tượng Đức Phật khá lớn ngồi trong tư thế nhập định hướng về phía đông đúng tư thế của Đức Phật đã ngồi tựa bên cây bồ đề và thành đạo. Men theo bên trái ngôi chùa đến đằng sau là cây bồ đề của Đức Phật 2.600 năm tuổi. Ngay dưới gốc cây có một phiến đá lớn được gọi là tòa kim cương nơi Đức Phật tọa thiền. Còn ngay trước lối vào là hai phiến đá đen hình tròn chạm khắc đôi bàn chân của Đức Phật. Cây Bồ Đề trong tiếng Anh và tiếng Hin-đi người ta gọi đó là cây bo, chắc hẳn xuất phát từ chữ Boldha của từ Srankrat có nghĩa là tỉnh thức và giác ngộ.
Lá Bồ Đề to bằng bàn tay hình trái tim. Cây tỏa bóng sum suê mát rượi. Trong rất nhiều đoàn khách các nước hành hương về đây, nhiều đoàn đều có một câu niệm thần chú rất bí ẩn trong tiếng nhạc trầm hùng và bàn tay lần 108 viên tràng hạt, câu thần chú ấy được thầy Nhuận Đạt dịch ra tiếng Việt Là: “úm mai ni bát di hồng” nghe âm điệu lên bổng xuống trầm thật da diết lôi cuốn lạ thường đằng sau những ngữ nghĩa ấy chỉ biết đó như một gam điệu nhạc gắn kết mọi người thành một chuỗi tràng hạt xung quanh gốc cây bồ đề mà Đức Phật đã giác ngộ.
Trong bốn vùng đất quan trọng nhất liên quan đến cuộc đời của Đức Phật chỉ có Lumbini là thuộc nước Nêpal còn 3 miền đất khác đều nằm trên lãnh thổ Ấn Độ. Lumbini là nơi Hoàng tử Si ddhara tha (Tất Đạt Đa) cất tiếng chào đời. Kushinagar là nơi Đức Phật lui về nghỉ những ngày cuối cùng và nhập Niết Bàn ở tuổi 80. Hai nơi này là chứng nhân để nói lại cho nhân loại biết rằng Đức Phật cũng là một con người như một người trần cũng có sinh có tử. Hai nơi khác đặc biệt quan trọng hơn là Bồ Đề Đạo Tràng nơi Hoàng tử Tất Đạt Đa sau bao thăng trầm trong cuộc tìm kiếm chân lý đã ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Đề để được khai minh. Sau đó người vượt 250 cây số để tới Saranath giảng bài kinh đầu tiên cho 5 tín đồ của Phật Giáo. Đoàn nhà văn Việt Nam chúng tôi đã được đến cả 4 nơi này.
Ấn tượng đặc biệt với tôi là khi qua biên giới hai nước Ấn Độ, Nêpal để đến với ngôi chùa Việt Nam cũng do thầy Thích Huyền Diệu xây ở Lâm Ti Ni. Thủ tục làm visa rất đơn giản. Mỗi người trong đoàn chỉ nộp 25 đô-la là có thể ở lại trên đất Nêpal 15 ngày. Cửa khẩu như một chiếc cổng chào, người đi lại nhộn nhịp, ít thấy sắc phục cảnh sát. Nhưng đi sâu vào khoảng 300m gặp một toán cảnh binh Nêpal mặc áo rằn ri chặn lại. Vì chúng tôi đi ban đêm nên họ chỉ soi đèn pin lướt qua xem hộ chiếu và đặc biệt trò chuyện líu lo thật thân mật với chú lái xe và cười bắt tay chúng tôi với hai tiếng Việt Nam, rồi cho đi không một biểu hiện gì khác, tất cả đều cởi mở.
Ngôi chùa Việt ở đất nước Nêpal rất lạ. Ở đây có một cái hồ nhỏ, ở giữa hồ xây ngôi chùa một cột. Sáng ngủ dậy tôi bỗng nghe thấy tiếng chim kêu lạ ở khu vườn chùa. Thì ra đó là một loài chim Hồng Hạc (loài chim quý hiếm trong sách đỏ) được thầy Huyền Diệu đưa về chăm sóc. Tiếng kêu thật da diết của những chú chim mỏ đỏ to, lừng lững đi lại trong vườn chùa, vừa vươn cổ, vừa thoát ra những âm thanh mềm mại trông thật dễ thương như những chú cò của đồng quê Việt Nam, được cách điệu, được trang điểm, được thăng hoa hơn, có gì đó thật đĩnh đạc và kiêu hãnh, một thế sống, tư thế nhập cuộc.
Chúng tôi cũng đã đến vườn Lộc Uyển, nơi sau khi đắc đạo, Đức Phật gặp 5 anh em A Nhã Kiều Trần Như từng tu khổ hạnh ở đây, đã chứng ngộ được chân lý và thuyết giảng bài kinh đầu tiên ở đây mang tên “Chuyển pháp luân”. Thật lạ, ở đây, người Ấn Độ cho khắc hàng chục bia đá bài kinh này của hàng chục thứ tiếng các nước nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi là tấm bia đá khắc chữ Việt Nam là lớn nhất.
Đến Ấn Độ chúng tôi được leo lên đỉnh núi Linh Thứu Sơn. Đỉnh núi linh thiêng này đánh dấu nơi Đức Phật thuyết giảng bộ kinh đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa. Thầy Huyền Trang thế kỷ thứ VII ngày xưa cũng từng đến chiêm bái. Nơi đây còn lưu giữ cả nền tháp xây bằng gạch đỏ và các tảng đá mà Đức Phật ngồi thiền. Đoàn chúng tôi dừng lại chụp ảnh trong tư thế nhập thiền. Giữa đỉnh cao núi non thật trong trẻo tôi ngỡ như có một từ trường kỳ lạ nâng bổng mình lên nhẹ nhõm.
Mười ngày đi Ấn Độ không xem ti-vi, không nghe điện thoại, không Internet, ăn chay… mà con người vẫn được kết nối với cộng đồng bằng một sợi dây vô hình là tâm linh. Leo núi không mỏi mệt, đi đường bộ mà cứ như bay, thật thanh thản lạ lùng. Ngôn ngữ chính vẫn là những nụ cười, ánh mắt, cái bắt tay thân thiện. Người Ấn Độ ăn bằng bốc tay, họ cho rằng như thế là tôn trọng các sản vật thiêng liêng của lúa gạo. Những tấm bánh mì không trộn bất cứ hoạt chất gì khác, được nướng trực tiếp trên những tấm vỉ sắt nóng chấm với một thứ nước sền sệt đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng lúc nào cũng có pha một thứ hương liệu đặc biệt không thể thiếu đó là bột cà-ri. Chúng tôi cùng đứng uống trà với họ. Những chén trà sữa nóng bốc khói đựng trong những chiếc cốc nhỏ nhựa hoặc nặn bằng đất nung chỉ dùng một lần. Trời lạnh, uống trà sữa xuýt soa, cổ quàng những chiếc khăn to xù, có khi quấn cả nửa người đó là nét đặc trưng ẩm thực và ăn mặc của người Ấn Độ bình dân. Các công sở, cửa hàng bắt đầu mở cửa làm việc từ 10 giờ sáng (tức là 11giờ 30 Việt Nam). Họ dành toàn bộ thời gian yên tĩnh nhất của buổi sáng cho công việc tâm linh như cầu nguyện hay là những việc làm trong sạch nhất của cá nhân với gia đình của họ. Người Ấn Độ sống chậm, nhẩn nha và gắn kết cộng đồng bằng một sợi dây vô hình trong đó có cả âm nhạc và ca hát, ít tức giận và ganh ghét đố kỵ.
Ấn tượng cuối cùng của tôi khi rời Ấn Độ là con sông Hằng. Chúng tôi đi dọc sông Hằng có nhiều bậc thang lót bằng những khối đá, tiếng Ấn gọi là ghat nơi mà tín đồ Ấn giáo ngày ngày tập trung đến để cầu nguyện, thiền định, tắm rửa, thả hoa đèn và thiêu xác. Tôi cũng gặp đám cưới đi dọc sông Hằng như một ngày hội. Chú rể trong sắc phục hoàng tử, còn cô dâu thì đeo rất nhiều trang sức bằng vàng. Người Ấn Độ rất quý vàng. Người nghèo nhất thì cũng có vàng đeo trong ngày hội này. Con gái đi đám cưới thường choàng một tấm khăn màu đỏ như một dấu hiệu riêng, đi dự đám cưới họ không những được ăn uống ca hát vui chơi mà còn được nhà chủ thưởng tiền tạo ra một không khí lễ hội thật tưng bừng như đi hái lộc xuân vậy.
Tạm biệt Ấn Độ, dưới cánh máy bay bây giờ là những cánh đồng mây. Một Ấn Độ vừa huyền bí vừa sôi động để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Đặc biệt là ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự cứ neo mãi trong tôi hình bóng nước Việt luôn ở trong tâm hồn của những người con Việt xa xứ.
Bút ký NGUYỄN NGỌC PHÚ