.
Tản văn

Quà quê

Ở cơ quan tôi chỉ có mấy người và không có ai là dân Quảng Nam-Đà Nẵng gốc, bởi thế, thường khi có việc ở quê là ai cũng thu xếp tranh thủ về. Về mấy ngày thôi nhưng khi trở lại, không nói nhưng gần như thông lệ đều mang quà vào. Không nhiều lắm nhưng vì ít người nên ai cũng được một nhúm, quà quê kiểng nên núm ním tình cảm, thoang thoảng hương vị đường xa, chân rạ thơm nồng. Ai cũng biết cái thời buổi này cho dù ở bất kỳ đâu trên đất nước, những cái gì thuộc về đặc sản đều bày bán ở các siêu thị lớn nhỏ trong thành phố.

Nhưng mọi thứ đều không phải thế.

Anh bạn ở Bình Định ở quê về, này là rượu Bầu Đá, nem chợ Huyện, tré Bình Định… nhưng rượu Bầu Đá không phải là thứ rượu được vô chai bày bán ngoài quốc lộ đã bị thương mại hóa sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghệ mất rồi mà là thứ được tinh chế thủ công trong dân gian. Anh bạn kể, anh phải về tận làng Bầu Đá (thuộc Nhơn Lộc, An Nhơn) chỉ còn mấy chục hộ gia đình. Người ta nấu rượu chỉ cốt để lấy hèm nuôi heo. Anh ta vào ngay nhà ông già Tám Cọng mấy đời nấu rượu để tận mắt chứng kiến quy trình chưng cất thủ công rất kỳ khu, mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ cho ra lò 5, 7 lít. Ông Tám Cọng còn biểu diễn cách rót rượu độc đáo có một không hai: Rượu đựng trong một cái ve, tiếng địa phương gọi là dê vòi. Ông già rót rượu bằng cách đưa cái dê vòi lên cao rồi xuống thấp vừa lúc chén rượu đầy mắp phồng lên như bọt bia trắng xốp, không rơi một giọt, đã đời nhất là âm thanh lóc bóc kéo dài mà trong trẻo, ngọt xớt rất ư là điêu luyện. Rồi với nem chợ Huyện chính gốc, tré Bình Định bó rơm bên ngoài… là một buổi nhậu đầy hào sảng nồng đượm ngất ngây cái không gian tâm cảm của một vùng quê xa.

Anh bạn quê Nghệ An cũng vậy, món cam Xã Đoài nức tiếng từ bao đời chẳng hề giống với loại cam bán nhan nhản ở đường phố. Trái cam nhỏ hơn, tươi xanh roi rói còn cả mấy nhánh lá, mùi thơm còn vương vấn đất đai cây cỏ, vị ngọt thanh đến nao lòng. Con mực khô vùng biển Quỳnh Côi cũng khác, ngọt tê đầu lưỡi hương vị còn thấm đẫm nồng nàn biển khơi. Người bạn gái là những chồng bánh cu-đơ giòn tan, mấy lít rượu Can Lộc sóng sánh, nồng đậm âm ấm cái chất gạo thơm một vùng châu thổ. Những sản vật không phải là những thời trân sang trọng mà lồng trong đó cái chất quê kiểng dào dạt tình cảm xen lẫn chút tự hào nơi nhau rốn của mình, nhất là cái công của người phải đến tận nơi, phải lùng sục gom góp những sản vật chính gốc, chính hiệu mang đầy cái ý nghĩa đồng nội cố hương.

Mỗi người mỗi thứ, những chút tình nho nhỏ như thể níu lòng lận đận những chuyến đi về thơm thảo nỗi niềm lắc lơ cố quận.

Chỉ tội cho tôi, người Quảng Trị cát trắng gió Lào. Cũng nhiều thứ đặc sản “có một không hai” nức tiếng một vùng như Nem chợ Sãi, bánh ướt Phương Lang, Xà lách xoong Gio Linh, chắt chắt Thạch Hãn, khoai lang Trà Đóa, cá trằm Trà Lộc, Cháo vạc giường Diên Sanh… Nhiều lắm, nhưng đó thường là những món ăn tại chỗ không thể mang đi xa sẽ mất hết hương vị. Nhưng món ăn ấy lại thuộc về những ai lang thang nhẩn nha bên những phiên chợ nghèo, ngồi thưởng thức món quê trên chõng tre, nghe gió bấc lùa qua liếp quán để khó lòng quên được lúc rời xa.

Nhưng vẫn còn may cho tôi, còn một thứ rượu danh bất hư truyền, đó là rượu Kim Long. Rượu Kim Long từng đánh bạn với bao tửu đồ xuôi ngược giang hồ, từng được ghi tên mình vào danh tửu nước ta, đúng như sách Đại Nam nhất thống chí ca tụng: “Rượu Kim Long, Hải Lăng, ngon hơn, có thuế…”. Nội cái thương hiệu của quà quê như thế, cũng đủ an ủi cho mình, mỗi khi có dịp mời anh em nhấm nháp rượu Kim Long cũng “lên gân, cao đàm khoát luận” tụng ca rượu quê mình để che bớt cái thiếu hụt danh sách món quà quê.  

Có dịp vào Sài Gòn thăm nhà, thì thôi khỏi nói, tôi hoàn toàn yên tâm cái khoản quà cáp này. Quà quê của mình quá phong phú thơm ngon, nào tré bà Đệ, chả bò bà Chín, bà Lộc, ruốc Xuân Hà, ớt sừng trâu… Những khi ấy mình là người Đà Nẵng mất rồi, quê hương mình cũng ở đây rồi.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.