Ngày ấy chị đẹp lắm, đẹp đến nỗi con trai làng đêm đêm dập dìu trước ngõ. Cái xóm nhà chị, chó sủa suốt đêm. Chị phải lòng anh Huân làm nghề chèo đò ở bến Đình. Huân mồ côi cha, hai mẹ con chèo đò cho hợp tác. Anh với chị là người cùng xóm.
Đêm đêm họ gặp nhau, lũ trẻ choai choai nấp trong đống rơm, nghe trộm. Sáng hôm sau, chúng kể lại vanh vách những gì mà hai anh chị nói lời yêu. Thấy mặt anh, chúng hò: Trăng lên đến đọt cau còi. Anh vô làm rể chó đòi trở ra. Anh giơ cao nắm đấm, dọa lũ trẻ rồi ngoảnh mặt đi mỉm cười một mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chiến tranh đến với làng quê bé nhỏ. Anh Huân lên đường, chị thay anh chèo đò ngang cho hợp tác. Bộ đội hành quân vào Nam thường kháo nhau: “Chưa thấy mặt Hoài Nam, chưa đáng mặt vào tuyến lửa”. Ngày ấy, người chèo đò được tính bằng công điểm. Hằng ngày chị đưa bà con qua sông vào rừng hái củi hay chặt nạng hầm, đêm về nằm còng queo trong căn hầm nhỏ. Ban đêm xóm Cầu trở thành xóm vắng. Làng bị giặc đốt cháy bao lần, nhưng lạ thay bến Đình vẫn không hề hấn gì. Người ta nói cái bến đó có miếu đức thành hoàng linh thiêng nên thằng giặc sợ. Có người còn nói thêm, có cô Nam thường chèo đò ra giữa sông thả mình cho trôi theo dòng nước, thằng phi công thấy ngực trần đẹp quá nên không nỡ bắn.
Hồi trước có một thằng bé thường rúc bờ rào sang chơi với chị. Hai nhà cùng chung một hàng chè tàu. Tóc chị dài lắm. Dài đến nỗi mỗi khi chải đầu chị phải đứng trên một chiếc đòn để chải. Thằng bé đứng trên một cái ghế đẩu chải tóc cho chị vừa xuýt xoa khen. Nó đưa mũi hít hà mùi thơm hoa bưởi. Nó vuốt ve mái tóc, nó ngắm nghía không biết chán cái cổ trắng ngần. Ngày chị đi lấy chồng, nó cứ ngẩn ngơ như kẻ mất hồn. Nó ra cây bần ngoài bờ sông ngồi khóc một mình. Một thằng bé mười hai tuổi dám yêu say đắm người đàn bà hơn mình chục tuổi. Nó yêu đến mức dám đánh đổi cuộc đời mình.
Một đêm nó không ra ngủ hầm ngoài đồng. Nó nghe người ta nói lúc vắng người, chị thường ra bến tắm. Thằng bé ngồi vắt vẻo trên cành bần chìa ra giữa dòng sông. Con thuyền nhỏ được chị neo vào gốc bần bằng một sợi mây song. Ánh trăng lạnh lẽo xuyên qua tán lá in trên lòng thuyền lấp loáng. Nó nghe thơm nức mùi bần chín. Hồi chưa có chiến tranh, lũ trẻ thường trèo lên hái bần chín rồi nhảy ùm xuống sông. Gió nam lồng lộng thổi. Phía bến phà Gianh máy bay địch vẫn ầm ì. Thỉnh thoảng những chùm đạn pháo phòng không bắn lên rực trời, tiếng bom nổ ầm ầm từ xa vọng lại. Thằng bé kiên nhẫn chờ đợi. Chị bước trong nhà ra, tay cầm một bọc áo quần. Nước bặp bãi. Chị leo lên thuyền rồi đặt bọc áo quần xuống đằng lái, cầm sào chống lái ra phía ngoài sông. Nhìn quanh quất không thấy ai, chị từ từ cởi bộ áo quần vứt xuống lòng thuyền. Thằng bé rung lên. Chị đẹp như thiên thần. Trăng xõa xượi ve vuốt trên tấm thân trần trắng muốt. Ánh trăng nuột nà mềm mại rờ rỡ như ban ngày. Thằng bé hoa mắt ngồi chao vao trên cành cây không vững, nó buông tay rơi xuống cái ầm. Nó chỉ kịp ơ lên một tiếng rồi chìm nghỉm. Toàn thân nó đập thẳng xuống mặt nước bất ngờ làm nó ngất xỉu. Là dân bơi lội nhưng sự việc diễn ra trong tích tắc, nó chẳng kịp định thần. Cành bần chao đảo rung lên như gió bão. Chị lạnh toát người. Bến này có ma. Người ta đồn rằng hồi trước có ma ràng nhận người chết đuối.
Từ ngày về đây chèo đò với chồng, rồi anh ra đi, chị thức dậy trong đêm hôm khuya khoắt, nghe tiếng gọi đò nhưng có việc gì đâu. Rõ ràng là tiếng của thằng Danh. Ngày rằm thằng Danh ra đây làm gì. Chị bơi vào bến, lặn dọc theo bờ sông xung quanh gốc bần. Nước đang lên, lặn mãi chị mới mò được thằng Danh trôi tất lên cách bến hơn một con sào. Chị bế Danh lên bờ, hô hấp nhân tạo nhưng thằng Danh không tỉnh lại. Lại có tiếng bom tọa độ nổ rền trên rú Ba U. Chị bế Danh vào hầm đặt lên trên manh chiếu, châm đèn. Mặt Danh tái nhợt, cặp môi đã tím lại. Chị dùng tay móc nước dãi trong miệng nó ra, hà hơi thổi ngạt. Mấy miếng nghề chị học được ở ông lão thuyền chài. Thằng Danh mấp máy môi, miệng thở khò khè, khó nhọc. Chị mừng quýnh lên, bây giờ mới sực nhớ mình vẫn trần truồng. Chị mặc vội quần áo nằm xuống bên thằng bé. Chị truyền nhiệt ủ ấm cho nó. Gần sáng thằng bé mới lờ mờ hiểu ra sự việc. Nó nằm lặng yên trong lòng chị, chẳng dám thở mạnh.
Năm năm sau, thằng Danh lên đường khi đang học dở lớp chín. Nó đến chào chị trong nỗi thẹn thò. Nó xấu hổ khi nhớ lại tuổi mười hai.
Mặt trận rộng lắm nhưng những người lính thường gặp nhau ở tâm điểm của chiến trường. Danh được bổ sung vào đại đội của anh Huân. Anh em mừng vui hết nói. Danh hăng hái kể chuyện làng quê trong những ngày anh đi xa vắng. Danh kể về những mùa trăng chị Hoài Nam mòn mỏi mong chờ nhưng cố giấu nhẹm chuyện mình rơi xuống sông.
Cuối năm 1972, ta và địch giằng co nhau từng thước đất, giành thế chủ động ở chiến trường để nói chuyện với nhau trên bàn đàm phán. Đại đội Danh chốt ở một quả đồi độc lập hình chóp nón. Quả đồi bị cô lập với bên ngoài nhưng ở vị trí vô cùng lợi hại. Nó khống chế đường chuyển quân tới căn cứ Đák Chiêng của địch, là cửa ngõ phía tây rừng Sắc Rông. Địch kéo đến một tiểu đoàn lính ngụy vây ở vòng trong, có một đại đội thủy quân lục chiến của Mỹ vòng ngoài, tấn công cao điểm. Chúng huy động cả không quân, pháo binh yểm trợ đánh ròng rã hai ngày hai đêm, quyết chiếm cho bằng được quả đồi. Ta tử thủ chờ quân tiếp viện. Đã mấy lần địch dùng trực thăng đổ quân xuống nhưng bị ta đánh bật đi. Pháo binh địch từ căn cứ Đák Chiêng bắn suốt ngày đêm hòng san phẳng quả đồi. Đại đội Danh thương vong gần hết. Hình như phán đoán được tình thế, địch cho trực thăng kêu gọi ta đầu hàng. Một chiếc trực thăng sà xuống đỉnh đồi. Chiếc máy bay bay chầm chậm quạt cỏ cây quằn quại. Mấy thằng Mỹ đầu đội mũ sắt, mặt đỏ gay, hằm hè quét súng máy về bốn phía. Từ trong đám cỏ gianh anh Huân nhảy bật lên bám càng máy bay. Từ công sự bên này Danh trông rõ hết. Thì ra trong lúc khốn cùng con người ta cũng có phút đớn hèn. Ranh giới giữa sự sống và cái chết làm con người bé lại. Chỉ cách đây mấy tiếng đồng hồ thôi, Huân đã bò đến từng trận địa nhắc nhở anh em chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng. Anh Huân mà phản bội, chiêu hồi thì chắc chắn điểm cao này sẽ rơi vào tay địch. Anh biết rất rõ chỉ có vài tay súng còn chiến đấu được, còn đa số là thương binh nặng. Chỉ cần chúng tràn lên vài đợt nữa chắc các chiến sĩ không còn gì để đánh. Những con người dưới quyền anh, đầu quấn đầy băng vẫn không rời vị trí.
Những nòng súng đỏ lòm, họ bắn dè sẻn từng viên đạn cuối cùng, quyết tâm giữ chốt. Danh đưa khẩu AK lên vai đứng thẳng dậy ngắm vào buồng lái siết cò làm chiếc trực thăng bốc lên cao. Anh Huân buông càng máy bay rơi phịch xuống đất. Mấy thằng Mỹ chỉ trỏ rồi lượn một vòng tròn bắn đạn 20 ly về phía Danh. Đạn nổ choang choác trúng mấy tảng đá trên đồi. Mùi đất đá, mùi khói súng bốc lên khét lẹt. Danh chạy theo giao thông hào di chuyển trận địa về phía anh Huân. Khi Danh bò đến, trên tay anh đang nắm một quả lựu đạn còn chưa rút chốt. Anh nhăn mặt cố chịu cơn đau, nhìn thẳng vào mắt Danh thều thào: “Anh bắn đã hết đạn. Loại này, AK không trị nổi chúng đâu. Phải tung lựu đạn vào buồng lái, cho nó nổ tung trên bầu trời”. Anh nắm lấy bàn tay của Danh, nói lời trăng trối. Anh nhờ Danh thay anh chăm sóc bà cụ để chị Nam đi lấy chồng. Thế mà Danh đã nghĩ sai về anh. Một thoáng Danh nghĩ ngay đến chị. “Chị Nam ơi, em có lỗi với chị nhiều lắm, nhưng mà em không cố ý”. Danh nhận lời ủy thác của anh, vuốt mắt cho anh và khóc thương cho cả người chị ở hậu phương.
Rạng sáng hôm sau, quân ta kịp thời vượt sông Kông Xa tiếp viện. Đơn vị chôn anh Huân dưới chân đồi Mặt Trời.
Chiến tranh kết thúc, Danh về làng nhưng nhà anh không còn ai cả. Một hố bom sâu hoắm đào giữa nền nhà. Hàng chè tàu không ai xén tỉa, cây con mọc tùm lum không hàng lối. Ông chủ nhiệm nói anh ra nhà kho ở tạm chờ hợp tác chặt bạch đàn dựng cho ngôi nhà mới.
Việc đầu tiên là đến bến Đình thăm mẹ anh Huân. Hai mẹ con sống trong ngôi nhà tranh vách đất hai gian xiêu vẹo, dột nát. Bức ảnh anh Huân treo giữa bàn thờ buồn rười rượi nhìn Danh. Danh lấy bao diêm Thống Nhất xòe một que, khum khum bàn tay che gió rồi châm đèn trên bàn thờ. Anh chắp hai tay trước ngực. Qua làn khói hương anh Huân như đang mấp máy môi nhắc lại lời trao gửi cuối cùng. Hai ngày sau, Danh cùng chị vào rừng cắt cỏ tranh lợp lại mái nhà. Bao năm chiến tranh, không có bàn tay đàn ông, mẹ con chị sống trong cảnh neo đơn góa bụa. Danh xin làm con nuôi của mẹ. Danh kể cho mẹ nghe anh Huân ngã xuống trong vòng tay Danh phút chót cuộc đời. Bà cụ không bao giờ biết anh Huân đã hứng trọn một loạt đạn AK của Danh. Danh tặc lưỡi trước sau thì anh Huân cũng chết. Thôi thì con người ta cũng có số cả, bom đạn tránh người chứ con người có tránh được bom đạn đâu. Suốt bao năm trời anh day dứt “tại sao lúc đó mình lại có một ý nghĩ len lỏi vào đầu là anh Huân đầu hàng cơ chứ”. Anh không dám nói với ai, chỉ sợ bà cụ buồn không sống nổi.
Đã mấy mùa trăng Danh giục giã chị Nam đi lấy chồng nhưng chị bảo: “Cậu cứ lấy vợ đi, ba mươi bảy tuổi rồi ai còn ngó ngàng gì đến chị nữa”. Chị nói thế chứ chị vẫn còn đẹp lắm. Người làm mùa mà gót chân đỏ như son, làn da trắng nõn nà như dân thành phố. Mái tóc dài đen mượt ôm lấy tấm lưng tròn lẳn. Đã có lúc Danh muốn chải tóc cho chị như ngày nào. Tuổi già bất lực trước sắc đẹp của chị. Đã có nhiều chàng trai đến trồng cây si. Chị vẫn đẹp ngời ngời rạng rỡ như hồi mới hai mươi. Chị giới thiệu cho Danh đứa em trong họ hàng nhà chị nhưng Danh không đồng ý. Danh không muốn rời khỏi ngôi nhà này, trong thâm tâm Danh không muốn phải xa chị.
Năm 1982, mẹ anh Huân mắc căn bệnh hiểm nghèo. Mẹ phải chạy thận nhân tạo suốt mấy tháng liền. Sự sống treo đầu sợi tóc. Mẹ băn khoăn trước lúc chết chưa đưa được xác con trai về làng. Danh đến bệnh viện làm thủ tục xin hiến cho bà cụ một quả thận. Hai người cùng nhóm máu AB. Ghép thận xong, anh về trại an dưỡng Quân khu hai tháng nữa. Ngày xe của trại đưa hai mẹ con về làng, cả xã ra đón chật đường. Đêm đã khuya, mọi người về hết anh mới dám thú thực với chị về cái chết đau thương của anh Huân trên đồi Mặt Trời. Anh quỳ xuống mong chị tha thứ. Chị Nam ôm lấy anh mà khóc. Chị ôm lấy cái đầu cháy nắng vàng hoe của thằng bé ngày xưa nằm trong lòng chị mà ngủ như chó con. Chị hôn lên trán, lên mái tóc anh, nước mắt giàn giụa, đầm đìa. Chị hôn lên vết thương trên cổ anh bây giờ đã liền da, lành sẹo nhưng vết thương lòng trong trái tim anh, cồn cào nhức nhối. Hai trái tim yêu, một già một trẻ, một trai tơ, một gái đã có chồng vẫn nguyên sơ, rạo rực nồng nàn. Cái mùi lửa đạn của chiến trường, của Tây Nguyên, của gió Lào cát trắng.
Thằng cu Dư, con của hai người, hằng ngày vẫn thắp hương lên bàn thờ cho bố Hoàng Huân. Danh đã lặn lội hàng tháng trời vào tận đồi Mặt Trời mang hài cốt anh Huân về cho mẹ.
Và tôi - thằng bé chăn trâu đen nhẻm ngày xưa, cùng Danh đi rình anh chị hẹn hò, từng nấp trong cây rơm nghe trộm câu chuyện tình của họ. Tôi xin chép lại câu chuyện trên như một lời tạ tội. Xin thắp nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của người đã khuất.
HOÀNG MÌNH ĐỨC