.
TRUYỆN NGẮN

Bóng chữ

.

1. Thì ra tôi vẫn luôn nhớ đến anh. Nhớ một con người có nhịp sống hằng thường cõng chữ, vật chữ vào lúc không giờ.

Tôi nghe ở cơ quan, người ta bàn về cách làm việc của anh. Kể tốt cũng nhiều mà xấu cũng không ít. Tôi mặc, hễ ở bên anh là được bình yên, được vỗ về che chở bởi đôi tay săn chắc của anh là tôi cảm như hạnh phúc.  

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi là một cô gái dễ xúc cảm, nhưng thường nhìn đời bằng con mắt của một người luôn tỉnh táo trước mọi biến động của vật giá thị trường. Còn anh, ngoài văn - thơ ra thì chẳng việc gì làm ra trò cả. Có lẽ, tôi yêu anh cũng bởi tấm lòng chân thành, dứt khoát của anh. Anh là người của mọi người, tôi không có quyền khen hay chê, mà chỉ có thể làm cái thiên chức nơi người phụ nữ là sưởi ấm trái tim anh và khơi thêm mạch nguồn sáng tạo bất tận của những lúc bóng chữ chập chờn theo anh chấp chới. Bạn đã từng có người yêu là nhà thơ chưa? Sướng ư? Có đấy! Khổ ư? Gặm nhấm suốt một thời hò hẹn.

2. Dịp nọ, trường tôi có tổ chức buổi gặp gỡ giữa sinh viên với các nhà văn, nhà thơ. Thật thú vị! Tại đây, tôi đã gặp anh, một người có mái tóc bồng bềnh như mây, đôi mắt xa vợi, khó hiểu, luôn đi vội vã như sợ không bắt kịp bước thời gian. Anh là người của công việc. Khi nói về thơ thì dường như lúc bấy giờ trong anh đọng lại đặc sệt chỉ một mùi thơ. Hội trường im phăng phắc nghe anh nói thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ngâm Kiều rồi đến thế hệ viết trẻ bây giờ, cứ như là đang được xem một thước phim thơ hiếm khi được quay lại bởi một tay thợ nào đó. Còn nhớ, hôm đó nhỏ Cúc ngồi cạnh tôi đã không cầm được những giọt nước mắt khi nghe anh nói đoạn đời của người thơ họ Hàn, rồi nó đăm chiêu trước những dòng thơ văn xuôi, thơ hậu hiện đại mà anh đọc và nói cái hay, cái đẹp của những giọt mật thơ. Nó đắm mình trong lớp sương bàng bạc ấy, và tôi mơ.

Anh thường đọc thơ cho tôi nghe, có khi hai đứa cùng cười ngặt nghẽo vì bắt gặp được một chữ thơ xuất thần độc đáo của anh. Tôi đã tìm được nửa kia của mình, dường như khó gặp điều đó ở một cô sinh viên chuyên ngành kinh tế. Tôi đã hơi biết để ý đến trăng và cảm nhận được mùa lá rụng. Bâng khuâng trước sự thay đổi đột ngột như hờn mát của mưa nắng Sài Gòn. Nhưng ích gì. Chưa đầy một năm, tôi dần nghe cái dư vị thơ nó nhàn nhạt. Anh thường trễ hẹn. Những buổi tối đi chơi chỉ mình tôi bắt chuyện và khoảng lặng chụp lấy ngôn từ tôi. Còn anh, dường như chỉ nghe và nhìn một cách mơ hồ, để rồi bất chợt lại đọc thơ. Tôi hụt hẫng và khóc thầm trong bóng đêm nhòa nhạt.

Những lần đi chơi thưa dần và vắng hẳn. Trao đổi với nhau qua điện thoại và gửi mail, bởi anh đi suốt khi thì Thanh Hóa, Nghệ An, lúc ra Phú Yên, Hà Nội lại về Điện Biên, có khi ra Côn Đảo hàng tháng trời, sau đó về quê nhà coi mấy đứa nhóc chơi nhảy lò cò. Mà nghĩ cũng lạ, tiền đâu mà đi nhiều vậy, anh lại là người trọng sĩ diện. Sau này tôi mới biết có những khi anh không có một đồng mua vé xe, vậy mà vẫn “du lịch thơ” đường hoàng. Nhuận bút có là đi. Lại nữa, bạn thơ anh khắp nơi, họ mến và triệt đãi anh lắm, song anh sống rất tự trọng. Tôi bắt đầu mòn mỏi và quen dần với sự vắng mặt của anh. Tôi lại một mình bên xấp giáo trình quản trị, kinh tế vĩ mô.

3. Tình yêu luôn là một chuỗi dài thắc thỏm trong anh và cả tôi. Anh sợ mất tôi, nhưng vì tình yêu văn chương cao lộng quá và có những lúc trong mắt tôi và mọi người thì anh chỉ là một hạt bụi; hạt bụi dễ làm xốn mắt mọi người, hạt bụi quá bé nhỏ khiến người ta khó có thể tìm hiểu nguyên vẹn về nó, hạt bụi vẫn chai lì sống, vẫn mơ mộng bên sự toan lo tính đếm đồng một, đồng hai của những người chung quanh. Tôi hỏi anh:

- Anh Nhân có yêu em không?

- Có chứ! Tất cả là vì em, vì tình yêu của chúng ta.

- Nhưng em chỉ thấy anh yêu thơ thôi.

- Ca ngợi em qua thơ, để em thấy được chân tình anh dành cho em, dành cho con người. Con người nhỏ bé quá…

- Anh sống thực tế một chút có được không?

- Vậy bấy lâu anh mơ à?

- Không, anh vẫn thành công nhiều trên con đường nghệ thuật. Em luôn ủng hộ anh, em biết một số người luôn ganh tị với tài năng anh. Họ kiêng nể kho chữ của anh. Nhưng anh đã sang hàng băm rồi… cứ đàn đúm, long nhong hoài không mỏi chân sao anh…

- Cái gì là long nhong, đàn đúm chứ? Em nói sao nghe lạ kìa…

- Sao anh cố chấp vậy?

- Thì đã sao…

- Hổng lẽ anh cứ tàng tàng với chiếc xe đạp và áo màu xanh da trời hoài hay sao. Anh coi kìa, bạn anh đó, bọn ông Tú, ông Nhàn có tài cán gì đâu, vậy mà mỗi năm người ta lại có thơ in đều tay, họ lại biết cách tiếp thị cho thơ họ trên trang web, quán café nghệ sĩ… Họ in sách mà lời chán. Nhìn họ cứ như luôn có nụ cười sắp trào ra sau cái vẻ đạo mạo, từ tốn.

- Em nín đi. Em chỉ thấy được cái vinh quang ảo thôi. Em khinh tôi nghèo chứ gì? Những thị hiếu tầm thường đó không phải là chỗ để tôi mưu cầu. Thơ tôi phải có nỗi đau của người nông dân một nắng hai sương, của những người công nhân, của những người mà chúng ta chưa thấy được vẻ đẹp và sự gánh chịu của họ trong cuộc đời. Đừng bao giờ nghĩ cái gì cũng là số phận. Ở đời này làm gì có số phận.

- Anh à! Nên nhìn thẳng vào sự thật đi mà. Em nghĩ rằng mình nên dành dụm chút ít. Có phương tiện đi lại, ngại gì việc đi đây đó của chúng mình không thoải mái.

- Trời, rồi đây chiếc xe đạp chỉ còn là một bóng hờ cổ tích cho những cặp tình nhân. Chính cái bon chen đã đưa tuổi trẻ mất dần sự nóng hổi lãng mạn của tình yêu, sự tươi trẻ thay bằng tiếng ù ù của gió và nặng mùi xăng dầu. Tiền, tiền và tiền.

- Anh đừng có lý sự nữa. Không tiền sao sống. Thật sự thì em đã chán lắm rồi. Anh chưa bao giờ hiểu và nghĩ cho hạnh phúc tương lai của chúng mình. Dù anh rất yêu em, nhưng đó chỉ là tấm lòng, cũng cần phải có tương lai chứ tấm lòng thôi thì chỉ có nước “để gió cuốn trôi”.

- …
Cuộc thoại diễn ra rất sến và trần tình, kết thúc là những giọt nước mắt đau buồn trầm đục, rạn vỡ trong tôi và trong anh ngày thêm sâu. Tôi còn trẻ, chỉ mới hai mươi, có khối kẻ theo đuôi, tôi bất cần. Và còn lâu thì họ mới theo kịp anh. Tình yêu với anh không đơn thuần là tình yêu trai gái, mà nó đã kết sâu, già lắm rồi, cái tình chỉ còn ở ranh giới sự tri ân nhau, cả hai nghĩ về nhau như bổn phận. Một định mệnh thiệt nghiệt ngã. Nó day dưa không dứt.

Chúng bạn trong lớp khuyên tôi nên chia tay với anh, cố nhiên là những đứa bạn thân mới tâm tình những điều riêng tư khó nói cho nhau nghe. Tụi con Phan với Xoan cứ rỉ tai tôi đại thể như, chấm dứt sẽ hay hơn là rả rích cái tâm gượng gạo phụng thờ tình yêu trên mảnh đất trắng bạc màu như hai đường thẳng song song không có cùng điểm chung.

Bỗng  chốc gia đình nhắn tôi về gấp. Mới hay rằng bà cô họ làm mối mai cho tôi với anh Việt Kiều Úc làm chủ một công ty lớn và có liên doanh ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi về và đáp gọn với cả nhà rằng tôi đã có anh. Ba tôi hỏi: “Nó làm nghề gì?”. “Sáng tạo chữ”, tôi đáp. Ba trợn mắt nhìn tôi, dò hỏi:

- Thảo, con nói nó làm cái nghề tạo chữ gì… hả?

- Ảnh là nhà thơ.

- Xời, thơ với thẩn có mà đói meo mốc ra mất. Văn chương gì thời này. Vô mạng là đọc nhóc rồi, ai đâu mà mua mấy trang thơ đó. Viết truyện hay làm báo thì họa hoằn chứ thơ thì… còn xa lắm con ạ.

- Con không thích nghe ba nói những lời như vậy, đó không là cái tội, cũng không là rào cản của tình yêu chúng con, mà thơ là nghệ thuật ngôn từ phụng sự cho cuộc đời này. Con người bắt đầu từ ngôn từ, thì những ngôn từ đẹp nhất, đau nhất vẫn là thơ đó thôi ba ơi!...

- Vậy bây đọc thơ, yêu thơ khỏi ăn cơm nghen. Đi học kinh tế nhiều rồi đâm ra ngớ ngẩn hả. Bây về nhà lên lớp tao phải không. Tao cấm tiệt. Không yêu iếc gì hết. Bây có chịu Huân mà cô Sáu đã giới thiệu không? Nè, ảnh của nó đó… khéo chọn mà nên phận con ơi! Ở đó cứ viển vông kiểu tình yêu trong ngăn cặp hay chat chit gì đó. Con cái bây giờ…

- Con hổng thèm. Con ở dzậy.

Tôi bỏ chạy về phòng. Hôm sau lại lên trường và học. Cả nhà nhìn tôi ngán ngẩm. Mẹ theo tôi từ nhà ra đến quốc lộ nhưng người không nói một lời, sự im lặng nặng trịch.

Về phòng trọ tôi chẳng muốn gặp và nghe điện thoại một ai cả. Nằm sõng sượt nghe bụi lượn lờ trên phố và căn phòng nóng hầm hập sôi thêm lòng mình. Giọt nước mắt lăn dài trên má như hằn thêm một vết tình khô cạn. Buồn quá tôi lại lầm lũi ra tiệm net quen thuộc để coi có tin tức gì mới và xem coi có thư gì không. Anh gửi thư qua mail, những lời lẽ nghe quen thuộc quá đỗi: “Sài Gòn nhớ! Ngọc Thảo yêu! Anh đang ở tận Cao Bằng, khoảng một tuần nữa thì về em ạ! Anh sắp hoàn thành xong tiểu thuyết “Lời nguyền của bóng đêm”, mà có lần anh đã nói với em ý tưởng đó. Gửi đến em vạn lời mong nhớ. Hôn em. Chúc em bình an.

Nhân của em

(Trại sáng tác Cao Bằng)”

4. Sài Gòn mưa. Đêm dài nhợt nhạt ánh đèn khỏa trên bức tường vôi loang lổ của phòng trọ dành cho sinh viên nghèo, ăn cơm bụi. Tôi nghĩ về câu nói của ba lúc trước, tôi nghĩ về anh và cũng chẳng biết ai đúng, chỉ thấy lòng mình se thắt và nhớ khôn nguôi. Nhân vẫn say mê sáng tạo. Anh lo cho tôi tiền học phí bằng sự cắc củm vài đồng lương của nghề công chức thơ và công việc viết sách, viết theo đặt hàng đã giúp anh có tiền xoay xở. Anh không buồn, không vui, mà lặng lẽ sống, lặng lẽ viết và lặng lẽ yêu. Có lần, tôi thấy anh lặng nhìn tôi từ xa, có lẽ do tôi không để ý nên không thấy, anh nhìn tôi bằng cả tấm lòng. Vậy mà anh lại giấu đi những tình cảm tốt đẹp đó trước tôi, cố tạo vỏ lạnh lùng, tôi đã nghĩ sai về anh.

Dạo này anh tham gia với ban nhạc “Tùy hứng” xoay tua các nhà hàng, quán café phòng trà. Anh chơi guitar bass, khuất mình sau những nhạc cụ réo rắt, anh chỉ tùm… tum… tùm… tum… trầm trầm đục đục. Chơi đủ kiểu, từ nhạc vàng, nhạc đỏ rồi đến những bản tình ca quê hương bây giờ. Anh đam mê lạ. Vẽ tranh, thổi sáo, đàn rồi cả viết thư pháp, chơi hết mình cho sự cháy bỏng niềm đam mê nghệ thuật. Nhưng sở trường anh vẫn là thơ và truyện ngắn. Anh chỉ vẽ tranh tặng những bạn thân, nhưng ít khi vẽ. Tôi kính trọng và nể anh nhiều hơn là tình yêu đôi lứa.

Anh ngày càng gầy xộp đi trông rõ nét. Anh đi và viết, đó là lối sống của anh. Anh bỏ quên tôi nơi xó phòng nhạt nhẽo. Tôi cần anh và tôi cũng chán anh. Tôi mâu thuẫn, thường cáu gắt với chính mình. Tệ thật.

5. Cái tin anh đã chết vọng về từ Quy Nhơn đã làm mọi người xôn xao. Thành phố nhớ anh, đồng bằng nhớ anh, bạn bè khóc anh. Nắng Sài Gòn như nóng hơn bao giờ hết, mưa Sài Gòn như buồn hơn bao giờ hết. Tôi điếng người dù không tin nổi, vì chỉ cách có ba ngày không điện thoại, gửi mail cho nhau thôi mà.

Người ta có buổi tổ chức luận bàn về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của anh. Họ tìm di cảo để in sách cho anh bìa cứng, giấy thơm, chữ nhũ vàng.

Tôi như một con điên.

Rồi tôi đã lục tìm lại những gì anh viết, mới hay điều bình dị của con chữ tan ra trong ngày nắng vỡ. Cái rương của anh, vỏn vẹn có thế, chỉ toàn là sách và tác phẩm của anh, gọn gàng và chứa đầy bao dự định. Khi đó, kẻ khen khen hết lời, người lại bảo anh ham hố chữ nghĩa để rồi lao lực, lép phổi, đột quỵ, bỏ đi thời trai trẻ vội vàng. Tôi không nghĩ vậy và hơn bao giờ hết, bây giờ tôi đã khóc và cần có anh, không thể thiếu anh.

Chị ba của anh lặng lẽ đưa di chúc thư anh gửi lại cho tôi, tôi ngỡ ngàng trước một con người luôn có sự tính toán cẩn thận trong mọi trường hợp thì anh vẫn là người chủ động. Đó là chúc thư anh viết trước khi mất đúng ba mươi ngày. Một dự định hay nghiệp lực, chẳng biết, tôi run giọng đọc những dòng anh viết: “… Hãy thiêu thân này và gom hài cốt của Nhân gửi vào chùa Pháp Hoa nghe kinh, tro thân này xin được tắm lại nơi dòng sông quê lần sau rốt ráo.

Ngọc Thảo ơi! Anh yêu em luôn như buổi đầu yêu! Toàn bộ tác phẩm của anh đều thuộc quyền sở hữu của em hết. Em hãy bình tâm mà tìm người bạn đời trăm năm tốt hơn anh, đừng vì anh mà phí hoài tuổi thanh xuân, em nhé!”. Đó là đoạn văn anh dành cho tôi. Anh còn nhiều đoạn dành cho thân nhân và bằng hữu chứa chan tình người. Khóe mắt tôi ráo hoảnh hay là lệ đã khô đi tự lúc nào.

Người ta đổ xô tìm đọc và bình về tác phẩm anh như là một hiện tượng. Trang blog của anh chật ních người xem.

Đêm nay, tôi lần đọc những gì anh viết, bởi anh có thói quen viết ra vở sau đó mới đánh máy, hầu như tác phẩm nào cũng đều có đề tặng Ngọc Thảo; và kìa, một bức tranh đã khá cũ anh tặng tôi lúc trước mà có lần giận anh, tôi đã ném trả. Đó là bức tranh vẽ một con nai đang ngắm chiếc lá một nửa vàng, một nửa xanh đang rung trong gió thu. Tôi gặp những bóng thơ mà có đôi lần anh đọc trong những lúc hai đứa đi chơi, tôi thường gắt, để ngoài tai. Những con chữ tung tăng nhảy múa, nó bay khỏi trang vở. Tôi nghe đôi lần anh có nói: “Có thể vài ba năm sau anh sẽ tổng hợp, chọn lọc khoảng ba, bốn chục bài thơ để in thành cuốn tặng bè bạn… nó sẽ được mang tên là “Khoảng trời xanh” nhưng mà vẫn cứ thấy mình còn non tay, vụng chữ quá… hẹn vậy!”.

Những bước chân vội vã đi qua trên đường. Ngày cong lại một vòng sóng nhẫn nại, xanh rì…

Sóc Trăng, ngày 18-2-2004

Sài Gòn tháng 7-2011

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.