.
TRUYỆN NGẮN

Cho một ngày hòa bình

.

 - A lô! Cho tôi hỏi, đây có phải là số máy nhà anh Phạm Quang Lực đã từng đi K8 ngoài Thanh Hóa không ạ? Mới bảnh mắt ra tôi đã nhận được một cú điện thoại bất ngờ không biết từ đâu gọi đến.

- Vâng tôi đây! Nhưng anh là ai ạ? Tôi thận trọng hỏi lại.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

- Mẫn Thanh Hóa đây mà. Cậu lại quên mất Thiệu Thịnh rồi. Ái chà chà. Cái cậu này tệ thật. Dám quên đi một thời oanh liệt như thế.

Qua mấy dòng ngắn ngủi tôi biết được Mẫn đã đi kinh tế mới trong Sông Bé từ năm 1980. Anh đang về thăm động Phong Nha. Cả làng Phùng đã di dân hết. Một số lên Thạch Thành, số còn lại dời vào trong đê. Hèn gì mà mấy lá thư tôi gửi ra đều chẳng thấy hồi âm. Nhà tôi ở, ngoài ấy chẳng còn ai.

- Bây giờ cho cậu gặp một người quen nhé. Mẫn chuyển giọng đột ngột, cố làm ra vẻ quan trọng.

Bên kia đầu dây, một giọng nói ồm ồm lạ hoắc, tiếng Việt nghe lơ lớ. Ai thế nhỉ. Billy là thằng cha nào. Tôi có quen người nào tên là Billy đâu. Thì ra người cựu binh Mỹ được Ngọc tha chết đang về thăm lại chiến trường xưa...

Năm 1968, chúng tôi đi K8. Tôi và Ngọc là hai học sinh lớn tuổi nhất trong đoàn. Chúng tôi học lớp tám, trường cấp ba Thiệu Hóa. Hằng ngày đi học về, lùa trâu bò ra bãi bồi, chúng tôi thường ra sông Mã tắm. Mấy đứa cưỡi trâu qua sông, ném nhau với lũ trẻ con làng Gia. Hết nhào lặn, lại lên bờ nghịch cát, chúng tôi nhổ mía Nga ngồi ăn. Mía Nga là loài mía dại chỉ nhỏ bằng ngón tay, thân cây mía dài ngoằng nằm trong cát, bóc lớp vỏ nang ngoài làm xuất hiện những lóng mía màu trắng ngà. Giống mía Nga hoang dại nhưng ngọt lừ. Ngọc nói: “Xứ sở của các giống mía Việt Nam mày ạ. Sau này hết chiến tranh tao sẽ ở lại đây. Thầy Hoàng Gió Lộng bảo chúng mình ra đây học một lèo cho hết đại học. Thằng nào giỏi thì được đi nghiên cứu sinh bên Liên Xô. Lúc ấy tao sẽ là tiến sĩ nông lâm. Tao sẽ lai giống mía Nga này với giống mía lau của làng mình thành giống mía cao sản. Một giống mía chịu hạn trên đồi, một giống mía chịu úng dưới nước. Tao sẽ biến bãi ngô này thành cánh đồng mía xanh tốt”. Thằng Ngọc rất say sưa với bộ môn sinh vật. Nó dùng dao bóc chồi cam ghép lên cây bưởi. Nó ghép cây khế ngọt lên gốc khế chua. Cây ổi Tàu ghép lên cây ổi voi. Mầm mít ráo ghép với cây mít ướt. Nó biến đám đất nhỏ phía trên chuồng trâu nhà bác Ngát trở thành vườn thí nghiệm riêng của nó.     

Làng Phùng có cánh đồng bãi bồi nằm giữa hai con sông Chu và sông Mã. Bãi bồi như một cái lưỡi mác nhọn hoắt giữa Ngã Ba Giàng chĩa xuống cửa Hới. Đất bãi bồi phù sa màu mỡ, người ta trồng ngô xen với đậu tương. Một đặc điểm của làng này là nằm phía ngoài đê nên năm nào cũng bị lụt lội. Sợ lụt, người ta đắp nền sân nhà cao hơn hai, ba mét so với mặt vườn. Vườn nhà nào cũng trồng cây lưu niên. Để tránh máy bay giặc Mỹ, chợ Phùng nhóm họp trong vườn ổi của ba nhà nối liền nhau.

Tôi còn nhớ vào một ngày mùa hè năm 1968, trời đang nắng chang chang thì nước thượng nguồn ào ạt đổ về. Thanh niên trai tráng trong làng vác nơm ra bãi ngô nơm cá. Sáng hôm sau nước đã ngấp nghé sát nền sân, lũ cá đi từng bầy. Cá tranh nhau đớp mồi. Chúng rượt đuổi nhau rẽ sóng, phơi cả cái bụng trắng hếu trên mặt nước. Có một con cá thiều nghe tiếng động nước nhảy lên sân gạch nhà tôi giãy đành đạch. Một bầy cá thiều bâu lấy cây sung ăn trái chín. Ngọc chống bè sang. Nó lấy chiếc màn ngủ buộc bốn góc vào hai cành tre làm cọng vó rồi thả xuống dưới gốc sung. Nó ngồi trên cây sung chờ, cứ thấy xuất hiện đụn nước xoáy là kéo vó. Bằng cách như thế Ngọc đã bắt được hai bao tải cá. Có con cá thiều nặng gần ba ký.

Làng Phùng có rất nhiều chim sẻ. Chim sẻ tập trung ở vườn cây chúng tôi để ăn thóc gạo đổ ra giữa chợ. Ngọc chặt cây trúc, tỉ mẩn làm một cái ống xì đồng. Ban đêm nó rủ tôi và thằng Mẫn, con bác Ngát, đi thổi chim. Chim sẻ đậu trên cây táo nhiều vô kể. Thằng Mẫn chiếu đèn pin vào, chúng nằm im không nhúc nhích. Ngọc rê ống xì đồng gí sát từng con chim rồi mới thổi. Ngọc sai tôi và Mẫn vặt lông chim, mổ bụng nhồi hành, sã vào rồi dùng lá bưởi tươi bọc lại, trát bùn, đốt cây ngô để nướng. Chúng tôi bóc hết lớp lá bưởi bên ngoài, con chim sẻ cháy vàng béo ngậy, chảy sên ra một lớp mỡ láng bóng thơm phưng phức. Chúng tôi đặt chim lên tàu lá chuối dưới gốc táo, ngồi giữa “bãi chiến trường”, chấm muối ớt xanh thưởng thức món ăn đặc sản có một không hai.   

Năm học lớp 9. Một hôm chị Ngát bảo: “Từ nay thằng Mẫn đi chăn trâu để Ngọc ôn thi học sinh giỏi”. Mẫn nói: “Nhưng mà em cũng được chọn đi thi học sinh giỏi môn Văn”. Chị Ngát kéo Mẫn xuống bếp nói nhỏ: “Mẹ thằng Ngọc vừa mới bị bom. Nhà nó chỉ còn một mình cái Đính sống sót. Quả bom rơi trúng căn hầm, mẹ nó bị bay ra giữa ao rau muống. Bố nó và hai đứa em bị vùi trong đất hai ngày sau mới đào bới được”. Ngọc lẻn theo nghe lỏm, nó nhào đến túm lấy chị Ngát: “Chị nói sao. Ai nói với chị là mẹ em bị chết bom. Trời ơi!”. Thằng Ngọc nằm lăn giữa nhà. Mặt nó trở nên dữ tợn. Nó nghiến răng trèo trẹo như muốn đánh đập ai. Bỗng nó vùng dậy, giật phắt lấy cái xắc quần áo treo bên vách chạy một mạch ra bờ sông Chu. Nó đón đò ngược Ngã Ba Chè, đến thị xã để tìm đường về Quảng Bình.

Chị Ngát hốt lắm. Chị sang tìm tôi, vừa chạy vừa khóc. Bác Ngát nghe tin, chạy về nhà. Mặt bác hầm hầm tức giận. Bác quát chị tại sao lại nói cho nó biết.

Thầy Lộng, giáo viên phụ trách K8 và lũ học trò trong xóm chạy theo. Đến bờ sông, thằng Ngọc ngồi dưới gốc cây đa, mặt úp xuống hai đầu gối. Nó đến nơi hôm đầu tiên chúng tôi đặt chân lên mảnh đất Thiệu Thịnh - quê hương thứ hai của chúng tôi. Thầy Lộng ngồi xuống bên nó. Không ai nói một lời nào. Tôi biết Ngọc đang hồi tưởng lại những tháng ngày sống trên đất mẹ thân yêu. Cạnh nhà nó cũng có một cây đa trồng trong khu lăng mộ họ Trương. Cây đa đã già lắm, lớp vỏ mốc thếch xù xì. Hồi mới ra đây, tôi thấy cây đa này sao mà giống với cây đa ở lăng họ Trương đến thế. Trong đó - người dân làng tôi đang ngày đêm quần nhau với máy bay, tàu chiến Mỹ. Ngọc ngồi thẫn thờ, chốc chốc lại ngước nhìn ra mặt sông lấp loáng nắng. Con sông Chu hiền lành vẫn vô tư chảy. Những con sóng hồn nhiên nối đuôi nhau về xuôi. Chúng hòa vào dòng sông Mã chảy về với biển. Trời mùa thu trong xanh vời vợi. Những đám mây trắng xốp, nhẹ như bông đang lang thang trôi giữa nền trời. Quê tôi cũng có bầu trời cao xanh như thế nhưng đạn bom đã xé nát những khoảng lặng bình yên. Thầy Lộng ôm lấy bờ vai nó: “Về đi em. Về học cho thật giỏi. Có giỏi mới đánh thắng được thằng Mỹ chứ”. Các chị hái dâu gần đó cũng kéo lại khuyên nhủ nó. Nó ngồi tần ngần bất động một hồi lâu: “Thầy và các bạn cứ về trước đi. Em không sao đâu. Em muốn được ngồi lại đây một mình” - Nó ngước nhìn thầy Lộng, đôi mắt ầng ậng nước. Tôi dìu Ngọc trở về làng. Khốn khổ cho cái thân nó. Nó bước đi xiêu vẹo theo bước chân tôi. Cái Đính, em gái nó giờ đây biết sống với ai. Sao mà tôi thấy thương thằng Ngọc đến thế.   

Nói mãi, Ngọc mới chịu theo tôi lên Ngã Ba Chè chụp ảnh. Sắp tới nơi thì có tiếng máy bay. Từ ngày ra đây tôi chưa bao giờ thấy một chiếc máy bay nào của địch. Chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng bom giặc nổ rền và tiếng pháo phòng không từ cầu Hàm Rồng vọng lại. Phía Nam xuất hiện một chiếc máy bay giặc Mỹ bay tít trên cao kéo theo một vệt khói trắng giữa nền trời trong veo. Chiếc máy bay láo liên như thằng ăn trộm. Nó định đi cắn trộm nơi nào đây. Từ sân bay Sao Vàng, một chiếc MiG của ta lao lên vun vút. Thằng Mỹ cụp đuôi bỏ chạy ra phía biển. Chiếc MiG đuổi theo, phóng một quả tên lửa. Chiếc máy bay bị trúng đạn bốc cháy, rụng xuống phía làng tôi. Ngọc nhảy cẫng lên. Nó không đi chụp ảnh nữa. Nó vớ ngay một cái cọc tre bên đường, chạy bổ về làng. Ngọc chạy băng băng trên mặt đê làm tôi đuổi theo không kịp. Nó nói nó sẽ đánh chết thằng giặc lái khi hắn vừa chạm đất. Không thấy thằng phi công nhảy dù. Chúng tôi về đến đầu làng thì mới biết chiếc máy bay không người lái. Thằng Ngọc đứng giậm chân tiếc rẻ. Nó phang mạnh cọc tre vào cái xác máy bay đang âm ỉ cháy như thể đang đánh vào đầu thằng Mỹ đã ném bom giết cha mẹ nó.  

Ngọc căm thù thằng Mỹ đến tận xương tủy. Nó vẽ hình thằng Mỹ lên một tờ giấy buộc vào thân cây chuối. Ngày nào nó cũng tập đâm lê. Nó nhắm mắt phi dao vào ngực thằng Mỹ, một trăm lần vẫn trúng cả trăm. Đã mấy lần Ngọc viết đơn bằng máu để xin đi bộ đội nhưng Huyện đội Thiệu Hóa không chấp nhận. Năm đó nó mới vừa tròn 17 tuổi.

Tháng 4 năm 1969, chúng tôi trốn về cùng mấy đứa K8 bên xã Thiệu Quang. Sáng mồng 3 tháng 9 năm 1969, Đài tiếng nói Việt Nam thông báo tin Bác mất. Người cha già kính yêu không còn nữa. Ngày làm lễ truy điệu Bác Hồ, cả rừng người đứng im phăng phắc giữa sân phơi hợp tác, lắng nghe bác Bí thư Đảng ủy đọc điếu văn. Bác bí thư đọc di chúc của Bác Hồ, lời dặn dò trước lúc đi xa. Bác thay mặt cả làng tôi xin hứa với Người: “Quyết tâm biến đau thương thành hành động cách mạng, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Ngọc mặc bộ quần áo bộ đội vải Tô Châu rộng thình, đôi mắt rưng rưng, khuôn mặt đanh lại. Bác bí thư hô to: “Vĩnh biệt Người chúng ta xin thề...”. Cả khối người rùng rùng chuyển động. Mặt đất rung lên: “Xin thề...”. Một rừng cánh tay tua tủa giơ lên theo bác. Ngọc cũng nắm chặt tay rắn rỏi giơ cao. Tôi chưa bao giờ thấy Ngọc nghiêm trang đến thế. Nó xin đi bộ đội cho bằng được.

Tháng 4 năm 1970, tôi cùng Ngọc, Mẫn được biên chế vào trung đội đặc công thuộc trung đoàn 9, mặt trận Trị Thiên. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ lùng. Trung đoàn 9 được thành lập từ năm 1947 ở Nông Cống, trên quê hương Thanh Hóa. Trung đoàn đã sản sinh ra anh hùng Cù Chính Lan nổi tiếng trên đường số 6, chiến dịch Hòa Bình.

Ngày 8 tháng 2 năm 1971, Mỹ, ngụy Sài Gòn chính thức mở chiến dịch Lam Sơn 719, phản kích vào hành lang chiến lược 559. Tổ đặc công ba người chúng tôi có nhiệm vụ phải đưa được một “cái lưỡi” của địch về trung đoàn. Ngọc phân công tôi đi trước. Ngoài AK tôi còn mang theo một khẩu B40 với 2 trái đạn. Khi có động tôi nổ súng tiến công, Ngọc và Mẫn sẽ đánh tập hậu phía sau mở đường cho tôi rút lui.

Đến trưa, tôi nghe mùi thuốc lá thơm bay ngược chiều gió. Một toán biệt kích Mỹ đang ăn trưa dưới con suối cạn. Tôi quay lại vẫy tay báo hiệu cho Ngọc và Mẫn thì một tràng tiểu liên cực nhanh AR15 rẹt ngang. Tôi lia một loạt AK hướng về nơi có tiếng súng rồi lăn mấy vòng, trườn về tảng đá. Súng địch rộ lên. Bọn Mỹ dưới suối ào lên bắn như mưa. Một thằng mang máy 15 oát đang nói vào bộ đàm. Tôi tung một quả lựu đạn rồi luồn rừng di chuyển giữa các gốc cây săng lẻ. Phát hiện ra chỉ một mình tôi, bọn Mỹ hò nhau đuổi theo bắt sống. Chờ cho toán biệt kích lố nhố, vón cục lại, hai người ở phía sau bắt đầu khai hỏa. Chúng tôi chặn đầu khóa đuôi, tập trung hỏa lực bắn chéo cánh sẻ vào giữa đội hình của địch. Từng loạt AK vang lên dồn dập. Ngọc điềm tĩnh điểm xạ chính xác từng phát một. Tôi phóng một quả B 40 vào toán biệt kích. Cả quầng lửa màu da cam trùm lên đội hình lính Mỹ đang hoảng loạn. Chúng tôi xung phong lật ngược thế cờ. Thằng Mỹ mang máy bộ đàm bị thương, chạy không kịp đồng bọn giơ hai tay lên trời. Ngọc nâng khẩu AK ngắm bắn. Tôi nắm lấy nòng súng dốc ngược. Viên đạn bay vèo xé không khí. “Đừng bắn! Cái lưỡi... Bắt hắn gọi B52 tới ném bom vào bãi đổ quân của địch”. Tôi nói với Ngọc.

“Không! Thằng Mỹ đã ném bom giết chết cả nhà tôi. Tôi phải giết hắn”. Ngọc không bắn. Anh bật lưỡi lê, nghiến chặt răng, tiến lại chĩa thẳng vào giữa hai con mắt xanh lè, thô lố của thằng Mỹ đang trắng bạc dần vì khiếp sợ. Ngọc vẫn không nguôi ngoai nỗi căm giận. Thằng Mỹ vái như tế sao. Hắn gập đầu xuống đất khóc to như bò rống. Ngọc ném xuống hắn một cái nhìn khinh bỉ. Anh nhíu đôi lông mày, khuôn mặt sắt lại, dữ dằn, dứt khoát. Thằng Mỹ không lạy nữa. Hắn đưa tay lên trán và ngực làm dấu rồi lầm rầm đọc kinh. Hắn nhắm nghiền hai con mắt chờ một tiếng nổ khô khốc hay một nhát lê xuyên thẳng qua tim. Cả không gian đông đặc lại. Chúng tôi nín thở. Ngọc chùng chân trái xuống phía trước làm trụ, dồn hết sức vào đôi tay cuồn cuộn cơ bắp, lấy đà. Anh gầm lên: “Giết... !”. Tôi thoáng rùng mình. Ngọc đang cho thằng Mỹ về chầu trời.

Thằng Mỹ la to: “Permit me to kiss my mothers image, please!... Please!... Please!”. Ngọc ngạc nhiên vội chùn tay lại. Lưỡi lê đâm chệch cách đầu hắn trong gang tấc, cắm xuống hòn đá, tóe lửa. Thằng Mỹ lôi trong ngực áo ra một tấm ảnh của người phụ nữ đang khoác vai một chàng trai. Nhìn qua tôi cũng biết đó là ảnh hắn. Hắn đứng bên cạnh một người đàn bà chừng năm mươi tuổi. Bà ta có mái tóc nâu, cặp mắt thoáng đượm buồn. Có lẽ hai mẹ con chụp trước lúc hắn đi sang cái xứ người để “chiến đấu bảo vệ đất nước Mỹ”. Hắn ngắm nhìn người mẹ tội nghiệp một hồi lâu rồi hôn lấy hôn để. Nước mắt hắn trào ra giàn giụa. Ngọc nuốt nước bọt khan. Thằng Mỹ cất tấm ảnh vào túi ngực rồi nhìn Ngọc chờ đợi. Hắn đã toại nguyện nhận được đặc ân cuối cùng trước khi trở về với chúa.

“Thôi! Đứng lên”. Tôi biết khó khăn lắm Ngọc mới quyết định được việc tha cho thằng Mỹ. Nó đã bước qua lời nguyền sẽ giết hết bất kỳ thằng Mỹ nào nằm trong vòng tay của nó.

Tôi dắt Mẫn và Billy đến thăm ngôi mộ Ngọc. Ngọc đã được đưa về trong nghĩa trang liệt sĩ của làng tôi. Billy đề nghị chúng tôi ra thăm Thanh Hóa, nơi Ngọc nuôi ước mơ làm một nhà khoa học.

Chiếc taxi đưa chúng tôi từ ga Thanh Hóa về cầu phao Vòm. Phía bờ Nam sông Chu, một người gác cầu đang kéo hai sợi dây sắt mở mảng bè cho một chiếc ca nô chở cát xuôi dòng. Dòng sông Chu cuồn cuộn đục ngầu. Dòng sông Mã cũng không còn trong xanh như ngày xưa. Hai bên bờ sông không còn một bóng cây cổ thụ nào. Tôi đi dọc sông Mã tìm lại những ký ức thời K8. Bãi bồi của làng Phùng không còn nhà nào ở. Cả bãi bồi vàng rực những đàn bò. Cái bến tắm của chúng tôi bây giờ bị sạt lở hết chẳng để lại một dấu vết gì. Mẫn nói hơn bốn chục năm nay sông Mã đã nuốt chững đất bãi bồi làng Phùng gần ba chục héc-ta.

Tôi chỉ cho Billy vị trí “xóm vườn ổi” ngày xưa làm chợ Phùng. Tôi chỉ chỗ ngôi nhà bác Ngát. Sát bụi tre còn sót lại là nơi làm vườn cây thí nghiệm của Ngọc. Nếu không có chiến tranh biết đâu giờ đây Ngọc đã trở thành một nhà khoa học. Billy nói ngày ấy anh đã biết cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam là phi nghĩa. Anh đã mong ngày, mong đêm để được trở về với mẹ. Cũng như chúng tôi anh cũng khao khát có ngày hòa bình.

Anh nắm lấy tay tôi và Mẫn: “Hết chiến tranh rồi, Người Mỹ còn nợ đất nước này nhiều lắm. Nhất định năm sau tôi sẽ trở lại Việt Nam với tư cách là một nhà doanh nghiệp”.

HOÀNG MINH ĐỨC
 

;
.
.
.
.
.