.
Tản văn

Bong bóng xà phòng

Vừa bước ra khỏi cổng công ty thì chiếc điện thoại réo inh ỏi. “Chị đây, hôm nay chị lại phải tăng ca. Em đón cháu giùm chị nhé”. Cụp. Ngắn gọn và súc tích. Tiếc thật, tối nay tôi định kể cho chị một chuyện rất ngộ. “Chị, cô giáo mới của thằng Đại Bàng nhà mình vui lắm. Mỗi lần gặp em cứ một hai chào mẹ Bảo An, chào mẹ Bảo An. Hôm trước mẹ Bảo An bận nên nhờ dì của Bảo An đến đón đấy à? Mà Bảo An nhìn không giống mẹ mà giống y hệt dì nhỉ? Dì với cháu cười đều có lúm đồng tiền xinh quá… Chị nghe có tức cười không?”. Nhưng xét theo tốc độ cúp máy gọn ghẽ của chị tôi sau khi thông báo nội dung quen thuộc, có lẽ câu chuyện buồn cười kia sẽ còn rất lâu mới được kể.

Đường Hoàng Diệu giờ tan tầm xe cộ như mắc cửi. Đã hơn 5 giờ chiều mà cái nắng oi bức vẫn còn xói vào gáy. Tôi lùng bùng trong đống áo khoác, khẩu trang, bực bội cho xe chạy rề rề theo dòng người đông đúc. Nhích được đến gần cuối đường, bỗng từ đâu bên phải ùa ra vô số bong bóng xà phòng. Tôi nhướn mày nhìn sang. Cạnh vệ đường, một cụ già râu tóc bạc phơ đứng bên chiếc xe đạp cũ kỹ, xung quanh buộc lủng lẳng những món đồ chơi bằng nhựa rẻ tiền. Trên yên xe có một chiếc thùng gỗ màu xanh, nắp thùng nhô lên một ống nhựa kỳ lạ. Và bong bóng xà phòng từ miệng ống túa ra. Hàng trăm quả bong bóng trong suốt phủ lấp không gian đầy tiếng xe và khói bụi.

Thằng cháu ngồi đằng sau hớn hở reo lên: “A đẹp quá dì ơi. Đẹp quá, đẹp quá dì ơi. Mua cho Đại Bàng đi dì”. Tôi nhìn mớ xe cộ hỗn độn trước và sau lưng mình. Cả ngày làm việc trong hơi máy lạnh của văn phòng ngột ngạt, dưới cái nắng chiều nóng bức, cơ thể tôi giống như một miếng bọt biển te tua vắt kiệt nước. Tôi cáu kỉnh: “Mua, mua cái gì. Ba cái thứ nhảm nhí đó đem về thổi chỉ tổ bẩn nhà”. Thế là sau lưng tôi tắt ngay những tiếng trầm trồ “đẹp quá, đẹp quá”. Trong suốt quãng đường về chỉ còn lại âm thanh còi xe châm vào tai nhức nhối.

Ngày hôm sau đi ngang qua đường Hoàng Diệu tôi vẫn thấy cụ già và chiếc xe đạp ấy. Hôm sau nữa cũng vậy. Và suốt một tuần liên tục như thế. Một buổi chiều chủ nhật, tôi dừng xe đứng chờ đèn xanh tại ngã tư. Cụ già bán đồ chơi đứng cách tôi một đoạn. Gió chiều thổi nhẹ. Chiếc ống nhựa liên tục phun ra những quả bong bóng. Trong cái nắng nhàn nhạt, bong bóng xà phòng phản chiếu lấp lánh bảy sắc cầu vồng. Đèn giao thông thay nhau chuyển hai màu xanh - đỏ. Và tôi cứ đứng ngơ ngẩn nhìn hàng nghìn quả bong bóng xà phòng phủ lấp nhân gian.

Lúc nhỏ tôi rất thích thổi bong bóng xà phòng. Còn nhớ mỗi lần tan trường là hí hửng chạy ra đầu cổng mua cho được bình bong bóng rồi mới chịu về. Tôi rất thích nhìn những quả bong bóng trong suốt đủ sắc ấy lơ lửng trong không gian. Nhúng cái que vào bình, chu miệng thổi, những quả cầu rực rỡ nhẹ nhàng thoát ra. Giống như chính mình đang tạo ra phép màu.

Có một lần khi tôi đang mải mê thổi bong bóng, một vài người bạn cùng lớp nhìn thấy, liền xúm lại. Bong bóng thoát ra, chúng đưa tay bắt lấy, đập mạnh. Tôi ngừng thổi, hai cánh tay buông thõng xuống, sững sờ nhìn bong bóng xà phòng ngay lập tức vỡ tan trong nắng chiều. Những quả bong bóng mỏng manh dưới sức ép thô bạo của đôi bàn tay liền biến mất. Kể từ đó, tôi không bao giờ thổi thêm một quả bong bóng xà phòng nào nữa.

Năm 5 tuổi, tôi muốn trở thành bà tiên. Bố tôi bảo, không phải, là cô giáo mới đúng. Năm 9 tuổi, lần đầu tiên tôi viết thư cho ông già Noel. Mẹ đẩy cửa bước vào phòng: Này con, ông già Noel không có thật, lớp 3 rồi mà còn ngô nghê như vậy sao con? Năm 11 tuổi, đề văn trên trường hỏi: “Ước mơ của em là gì?”. Tôi viết em muốn được leo lên đỉnh Everest ngắm bình minh uống trà. Cô giáo gạch đỏ bài thi, trong ô lời phê đề dòng chữ: “Ý tứ không phù hợp. Lạc đề”. Năm 15 tuổi, bố tôi hỏi sau này con muốn làm nghề gì? Tôi hào hứng trả lời con muốn làm nhà sản xuất phim hoạt hình. Bố mẹ tôi chau mày lắc đầu. Không được. Hãy thôi mơ mộng và tập trung vào học đại số, vật lý, hóa học, sinh học... cho tử tế đi. Quả bong bóng xà phòng bên trong tôi ngay khi vừa xuất hiện liền bị đôi bàn tay thô bạo đập mạnh. Hệt như ngày ấy.

Mở cửa bước vào nhà, tôi nhìn thấy thằng cháu nhỏ đang hí hoáy cầm cây bút sáp vẽ những nét nghệch ngoạc trên giấy. Tôi lại gần hỏi Đại Bàng của dì đang làm gì thế? Nó quay lại cười toe toét bảo cháu đang vẽ tranh. Nhìn vào thì thấy toàn hình ảnh máy bay, tàu vũ trụ và những hành tinh méo xẹo rải đầy. Nó bảo, dì ơi dì, sau này cháu muốn trở thành phi hành gia của NASA. Tôi bảo như vậy cháu phải ăn nhiều vào. Phi hành gia mà ốm nhom ra vũ trụ sẽ bị thổi bay đấy.

Hai hôm sau, thằng cháu tôi hí hửng chạy lại bảo, dì ơi dì, cháu muốn trở thành người bán kem. Tôi hỏi vậy phi hành gia đi đâu mất rồi? Nó cười tít mắt, làm ông bán kem sướng hơn dì ạ, như vậy ngày nào cũng được ăn kem. Tôi cười ngất, nói, ông bán kem nghe cũng được đấy, nhưng cháu phải đánh răng chăm chỉ vào. Sún răng người ta không cho bán kem đâu. Thằng cháu tôi dạ thật to, quay người chạy đến chơi với lũ bạn sau lưng. Tôi nhìn theo cái bóng nhỏ bé của nó. Trong một khoảnh khắc, cháu tôi và những đứa trẻ đằng xa kia bỗng nhiên hóa thành những quả bong bóng xà phòng trong suốt. Những quả bong bóng rực rỡ nhưng vô cùng mỏng manh, chỉ cần một cú chạm mạnh là lập tức vỡ tan trong không khí.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi, tôi mua tặng thằng nhóc một cuốn sách hình minh họa về những hành tinh, một que kem và một bình bong bóng xà phòng. Nó hí hửng mang bình bong bóng xà phòng ra lan-can, chu miệng thổi. Những quả bong bóng đủ sắc đẹp đẽ tràn ra lơ lửng trong ráng chiều. Tôi dựa vào cửa đứng ngắm, chợt nhớ lại nụ cười của ông già bán đồ chơi với thùng gỗ phun bong bóng khi nãy. Nụ cười dài ra theo ánh mắt ấm áp và chòm râu trắng xóa, rất hiền. Hệt như ông già Noel tôi từng cặm cụi viết thư thuở trước.

Tối đó tôi nằm mơ thấy mình nhỏ xíu như hồi năm tuổi, hì hục mang ba-lô leo lên ngọn núi phủ tuyết trắng xóa. Khi lên đến đỉnh núi, bỗng từ đâu bong bóng xà phòng đủ sắc ào ra, tràn ngập quanh tôi…

NHI TRẦN

;
.
.
.
.
.