.
Tản văn

Chột dột về đâu

.

Tôi tìm dáo dát khắp nơi, suốt buổi trưa hè. Không thấy chúng đâu. Trên mấy cây bạc hà, trên những bụi tre ngoài làng, sau núi. Vẫn tịnh không thấy bóng chúng, và tiếng hót của chúng, những chú chim chột dột tài hoa gắn bó suốt tuổi thơ tôi. Sao chúng mày bỏ nơi này, giờ chúng mày ở đâu?

Chim chột dột (hay giồng giộc). Ảnh: vnphoto.net
Chim chột dột (hay giồng giộc). Ảnh: vnphoto.net

Ngày bé, cũng khi các thửa ruộng vừa gặt xong trơ rạ như thế này, chim giồng giộc, mà bọn trẻ quê tôi vẫn quen gọi là chim chột dột, đã treo lúc lỉu những chiếc tổ tuyệt đẹp của chúng trên khắp các ngọn cây. Có cây chi chít tổ, trông xa như đang mùa sai quả, thứ quả ngồ ngộ ngọt ngon mời gọi lũ chim về tranh nhau thưởng thức. Nhưng không, chúng đang cần mẫn tha từng sợi cỏ về, đi những đường đan điệu nghệ để hoàn thành chiếc tổ của mình. Những chiếc tổ trắng phau, thuôn tròn, có một cửa thông xuống dưới và một cửa sang bên, chắc chắn và đẹp thanh thoát, không chê vào đâu được. Nhiều buổi đi chăn bò phía sau núi, tôi cứ ngồi say sưa nhìn lũ chim chột dột đan tổ. Loài chim bé nhỏ nhưng cần mẫn, nhanh nhẹn, giỏi giang lạ kỳ.

Buổi chiều, chúng tôi đá bóng trên những thửa ruộng khô, tiếng hò hét tranh bóng lẫn cùng tiếng kêu huyên náo của bầy chột dột. Nhiều đứa lấy tổ chột dột làm giày, vừa chắc chắn vừa êm chân. Đó là những tổ cũ, bọn chim non đã ra ràng và bỏ đi. Cũng có đứa giơ ná bắn đại xuống lấy tổ dùng và bắt chim non về nuôi. Một lần tôi cũng mang chiếc tổ chột dột với hai chú chim còn chưa đủ lông về nhà. Má không bằng lòng. “Con không thấy chúng phải khổ nhọc lắm mới làm được chiếc tổ và nuôi lũ con chúng lớn lên hay sao. Chim mẹ đang đau lòng lắm, cũng như khi ai đó bắt con khỏi ba má rứa đó!”. Tôi cứ nuôi. Cho đến khi một buổi sáng hai con chim non chết cứng đơ, queo quắt đưa hai chân lên trời. Má rơm rớm nước mắt. Tôi chôn chúng cùng nhau trong một nấm mồ nhỏ. Từ đó không bao giờ tôi muốn nuôi chim nữa. Cũng không còn thích nghe tiếng hót của những con chim bị giam hãm trong lồng. Má nói chim cũng như người, có tiếng hót trong trẻo tự do, có tiếng hót cam chịu buồn bã, có tiếng hót nịnh nọt chỉ vì ba miếng mồi ngon…

Cứ thế, chúng tôi lớn lên theo mỗi mùa vui đón những bầy chim chột dột kéo về làm tổ. Vậy mà giờ chúng không về nữa. Tôi hỏi, nhưng không ai nhớ lần cuối cùng còn thấy bóng chim chột dột là khi nào. Chúng về ít dần, ít dần, rồi vắng hẳn.

Mà đâu chỉ có chột dột bỏ nơi này đi biệt. Cu gáy, cu xanh, chìa vôi… cũng đi đâu hết. Đồng quê vắng ngắt. Cá tôm cũng chẳng còn. Không như ngày ấy, mỗi vụ làm đồng, chúng tôi chỉ việc chạy theo sau đường bừa là thấy cá nhảy tanh tách, tha hồ bắt bỏ giỏ. Suốt mùa nắng cháy khô khốc nức nẻ, lũ cá, ếch ở đâu mà cứ mưa xuống là bơi nhảy đầy đồng? Chúng có một nơi bí mật nào đó? Hay chúng ngủ vùi trong hang đợi đến khi nước về mới thức dậy? Những câu hỏi đi theo suốt tuổi thơ tôi.

Bọn trẻ con ở quê bây giờ không còn được băn khoăn với những câu hỏi đó. Chúng cũng không biết chim chột dột, không được thấy những chú chim bé nhỏ tài hoa đan những chiếc tổ tuyệt diệu cho bầy chim non.

Chiều, ngồi nhìn ra cánh đồng sau mùa gặt, tôi thèm quay quắt được nghe tiếng chim chột dột ríu ran trên mấy ngọn tre. Thèm được say sưa nhìn chúng đan tổ. Thèm thấy lũ chim non đỏ hỏn mừng rỡ rướn cổ, há mỏ, lắc lia lịa cái đầu khi mẹ chúng đem mồi về. Nhưng giờ biết tìm đâu nữa. Chúng mày đi đâu về đâu rồi chột dột ơi.

DUY NGỌC

;
.
.
.
.
.