.
Tản văn

Bếp

.

Có được một nếp nhà xây lợp ngói 5 gian, cột kèo bằng lõi xoan ngâm... chỉ mới hiện thực hóa một giấc mơ của một gia đình nông dân chứ chưa thể có một “cơ ngơi” hoàn chỉnh. Hãy còn thiếu nhiều thứ, trong đó bếp là thứ quan trọng bậc nhất. Nếu không sinh ra rồi gắn cuộc sống ở ngay nhà quê, thật khó mà hình dung nổi cái bếp quan thiết với họ như thế nào? Nó là kho giữ lửa tâm linh gắn liền với truyền thuyết về một trong những tình yêu thương đẹp nhất của tâm hồn người Việt.

Nhưng điều đó có vẻ cao xa quá. Thiết thực và tiện lợi hơn, nó là nơi cất giấu những gì kiêng mang vào nhà. Đi làm đồng về, cuốc thuổng, cày bừa... đều mang vào bếp. Thúng, mủng giần sàng... xong mùa để lên bếp; chổi cùn, rế rách đưa vào bếp. Chum tương, lọ mắm, vại dưa... tất cả đều cất trong bếp. Củi, than thì khỏi phải nói. Ngoại trừ những khi có khách sang, khách thành phố, còn lại bữa cơm luôn luôn đơn giản của người dân quê đều dọn ngay ở dưới bếp. Vào mùa đông thường có thêm chiếc ổ rơm, bên đống than ủ trấu. Với  một ấm nụ vối nóng hổi thì ngay cả khách cũng không muốn lên nhà. Nhiều khi cơm no, rượu say, cuộn tròn trong ổ đánh luôn một giấc, thây mặc gió rét giật đùng đùng bên ngoài.

Vì thế ba gian bếp chắc chắn, an toàn... luôn luôn là mục tiêu lớn của người dân quê sau nếp nhà. Ngày cất nóc cũng linh đình lắm. Nhất thiết phải chọn ngày giờ đại an bởi không còn gì kinh hoàng hơn việc bếp bị cháy. Từ đây trở đi bếp thực sự là trung tâm của cái vũ trụ sinh tồn của người dân quê. Giàu ba bữa, nghèo đỏ lửa ba lần! Không được để bếp lạnh. Bếp lạnh là dấu hiệu tồi tệ nhất của nỗi cơ hàn, của tuyệt vọng, tuyệt sinh.

Hồi bé tôi hiểu văn hóa, tự nuôi khát vọng bắt đầu từ xó bếp. Thật hứng khởi và an lòng khi nghe tiếng lúa lép bám lại ở những sợi rơm nổ lách tách. Giờ đây dù có đánh chết tôi cũng cứ cho rằng chỉ ở nông thôn mới có và còn lại bếp. Bếp và nơi dùng để nấu ăn (ốp gạch men kính với những đồ đồng, inox sáng bóng) là hai không gian hoàn toàn khác nhau. Một bên có thần tính, có thể lưu giữ ký ức... còn một bên chỉ là vật thể lạnh lùng, vô cảm, hoàn toàn chỉ có giá trị tiện nghi.

TẠ DUY ANH

;
.
.
.
.
.