Lâu lắm rồi, hay nói đúng hơn là từ ngày cưới nhau đến hôm nay tôi mới đưa Ngọc tới tiệm nữ trang. Tôi muốn mua chiếc nhẫn mười hai hột xinh đẹp nằm trong tủ kính kia để tặng em nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày cưới.
Dạo này thành phố có quá nhiều cửa hàng bán đồ nữ trang, người đi mua sắm cũng nhiều. Có thể bởi cuộc sống hôm nay con người ta không còn tất bật với áo cơm, cho nên cần thiết phải mua sắm cho mình những thứ trang sức. Chẳng như ngày xưa, thuở tôi và Ngọc lấy nhau, cơm áo nặng nợ quá nên chẳng ai quan tâm đến việc làm đẹp cho mình và chẳng có tiền để mua tặng cho nhau những món trang sức đắt tiền. Mười mấy năm trời, trên ngón tay đeo nhẫn của tôi vẫn trống trơn. Nhưng dẫu rằng trên tay của tôi và Ngọc không còn chiếc nhẫn đính ước, nhưng nó vẫn hiện hữu trong cuộc sống của chúng tôi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi nói với cô bán hàng:
- Cô lấy giùm tôi chiếc nhẫn 12 hột.
Cô bán hàng mở tủ kính lấy chiếc nhẫn để trên mặt kính. Những tia nắng chiều chiếu nghiêng chạm vào mặt đá trên chiếc nhẫn phản xạ lại những tia sáng khiến chiếc nhẫn thật đẹp. Cô bán hàng cười:
- Tay chị trắng, đeo chiếc nhẫn này vào đẹp lắm.
Ngọc không trả lời người bán hàng. Em cầm theo chiếc nhẫn ướm vào ngón tay, chiếc nhẫn lồng vào vừa khít như thể nó được làm ra để dành cho em, rồi em lại tháo ra, đưa trả người bán hàng:
- Cô cất lại giùm. Hôm khác chúng tôi ghé.
Ra khỏi hàng, chở em vòng ra biển, tôi thắc mắc:
- Anh mua tặng em kỷ niệm 15 năm ngày cưới mà. Chiếc nhẫn cưới ngày xưa giờ đây phải được thay thế bằng chiếc nhẫn được hơn.
Ngọc ngã đầu vào vai tôi:
- Không thể mua lại được đâu. Nhưng chiếc nhẫn cũ vẫn còn trên tay em mà. Anh nhìn thử xem, mười lăm năm nay nó vẫn còn ở đó.
Đó là cách nói ví von của Ngọc. Tôi biết chẳng phải em ngại tôi phí tiền, bởi em biết rằng giờ đây tôi có thể lo cho em được tất cả những gì mà em thích. Nhớ thời trai trẻ, tôi đã đứng trước bàn thờ tổ tiên mà thề với em:
“Anh hứa sẽ lo cho em tất cả”. Khi đó tôi chẳng có tiền để mua một đôi nhẫn cưới, dẫu là một chiếc nhẫn thật nhỏ chỉ vừa đủ ôm ngón tay Ngọc để chứng tỏ rằng tôi và Ngọc đã có một lời đính ước. Bởi thuở đó tôi nghèo quá.
Cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, giờ đây mỗi khi đính ước, các chàng trai và các cô gái tìm đủ mọi cách để có một tiệc cưới lộng lẫy với vài trăm thực khách. Chiếc nhẫn cưới không đủ để chứng tỏ một đám cưới lớn, mà còn kèm theo những nữ trang khác trong ngày cưới cho cô dâu. Tôi cũng có thể làm một đám cưới to như thế này ngay bây giờ, sau 15 năm Ngọc về ở với tôi, cùng có với nhau hai đứa con ngoan. Nhưng Ngọc lắc đầu: “Em chỉ thích anh mời em đến một quán ít ồn ào, anh gắp thức ăn cho em và uống chung với em một ly bia”. Ngọc của tôi luôn là như thế, em đứng ở ngoài đám đông như dòng xe cuốn quýt không ngơi nghỉ trên phố kia. Em chẳng quan tâm rằng mọi người phải cần có một chiếc xe gắn máy đẹp để khoe khoang với người khác, em chẳng bao giờ đòi tôi phải mua cho em một món quà đắt tiền trong những ngày lễ kỷ niệm. Em chấp nhận đứng sau lưng tôi như thể không thể nào làm khác hơn được. Bởi em đã từng nói với tôi: “Bờ vai anh rộng lắm, em thích được dựa vào bờ vai đến suốt cả cuộc đời này”.
Ngày đó, vừa mới tốt nghiệp đại học, tôi chẳng tìm ra việc làm. Khi đó thì Ngọc học sư phạm, lại chẳng chê dạy ở miền sâu miền xa nên em nhanh chóng được nhận dạy ở một trường cách thành phố 60 cây số. Trường xa, nên có khi cả tháng trời Ngọc mới về một lần. Thuở còn đi học, tôi và Ngọc là bạn cùng lớp cấp 3, chơi với nhau rất thân. Chúng tôi vẫn còn hồn nhiên không nghĩ đến chuyện tình yêu, nhưng dường như ngõ ngách của hai con tim cũng đã xôn xao như thể là đã hiểu hết ý nhau, dẫu rằng chúng tôi rất ít gặp nhau.
Rồi tôi về làm việc cho ba Ngọc qua lời giới thiệu của Ngọc. Ông có một cửa hàng bán vật liệu xây dựng khá lớn trong thành phố. Tôi thay mặt ông trong công việc, được ông tin dùng. Tôi được ông bố trí cho một căn phòng nhỏ trong khu bãi vật liệu để ở. Thế rồi những khi đi dạy về, Ngọc ghé chơi cùng tôi. Sự ghé thăm như lửa cháy, cứ thế mà bùng to sự thương nhớ. Nhưng vật cản lớn không ai khác lại chính là ba Ngọc.
Một hôm ông kêu tôi vào phòng làm việc của ông, ông nói:
- Nếu cậu nghĩ rằng sau khi lấy được con gái tôi cậu sẽ được tôi cho một số gia tài cậu sẽ nhầm to. Cậu chỉ có thân mình lấy gì mà làm đám cưới?
Ngọc cắt đôi chiếc nhẫn em làm từ thời con gái trên ngón tay trỏ của mình thành hai chiếc nhẫn cưới cho ngày hôn lễ của hai vợ chồng tôi. Tay trắng sau khi lấy nhau, tôi dắt vợ đi tìm chỗ ở, khi đó nhà thuê hiếm hoi chứ chẳng như bây giờ. Thế rồi do điều kiện cuộc sống quá thiếu thốn, khi mang thai đứa con đầu lòng em phải nghỉ dạy, ở nhà mở một tủ thuốc nhỏ cùng ít bánh kẹo bán cho trẻ con hàng xóm. Căn nhà thuê giống như một chiếc ổ rơm nằm trong vũng trũng, mỗi cơn gió lớn hai vợ chồng nằm trong nhà mà nghe tiếng mái nhà vỗ vào nhau như thể chúng sẵn sàng bay đi nơi khác. Đôi nhẫn cưới đeo vào tay hai người chưa phai màu đã được bán lo cho Ngọc sinh con. Hôm đó Ngọc vội vã rời khỏi hiệu vàng, như em sợ rằng mình sẽ không đành lòng lìa chia vật kỷ niệm lứa đôi. Bởi lúc đó tôi cũng chẳng biết đã có bao người phải bán nhẫn cưới như chúng tôi?
Tôi không đành lòng nhìn Ngọc khóc khi nhìn ngón tay đeo nhẫn trống trơn, tôi cũng chẳng dám nói với em rằng một ngày nào đó tôi sẽ sắm cho em một chiếc nhẫn cưới khác đẹp và trang trọng hơn. Nhưng chiếc nhẫn chia đôi dù chẳng còn ở trên hai bàn tay của hai người, nó vẫn hiện hữu đến nỗi mỗi khi phật lòng một điều gì, khi nghĩ đến dòng nước mắt lau lén của Ngọc khi bước chân ra khỏi cửa hàng vàng là lòng tôi bình an kỳ lạ.
Người ta vẫn thường nói cuộc đời như một dòng sông. Sông có trôi qua nhiều ghềnh đá thì dòng nước càng trở nên mạnh mẽ hơn. Dòng sông đời của tôi và Ngọc đã trôi qua quá nhiều ghềnh đá. Cất tấm bằng sư phạm vào ngăn kéo, Ngọc chấp nhận trở thành một cái bóng bên tôi để tôi có thể thực hiện ý nguyện của mình. Tôi học nghề xây dựng, sẵn kiến thức học ở trường kinh tế, chẳng mấy chốc tôi trở thành một nhà thầu xây dựng có uy tín, mau chóng có những hợp đồng tốt. Sau bốn năm ròng rã ở căn nhà thuê, nửa đêm phải tỉnh giấc bởi những cuộc cãi vã của những gia đình bên cạnh, hoặc có lúc bữa cơm chỉ có dĩa rau luộc và trong dĩa lèo tèo vài con cá nhỏ, chúng tôi bước về căn nhà do chính mồ hôi của hai vợ chồng tạo ra. Tôi đã lo hoàn tất mọi chuyện, từ việc chuyển nhà đến chuyện mua một lọ hoa hồng vàng, loại hoa em rất ưa thích trong phòng khách, loại hoa em mơ ước được cầm nó trong ngày cưới, nhưng thuở đó tôi không đủ tiền mua cho em. Ngọc bước chân vào trong căn nhà mà tôi đã hứa trong ngày hai đứa trở thành chồng vợ, lời hứa ấy tưởng chừng như có lúc chẳng thể nào thực hiện được.
Hôm đó, chiếc nhẫn cưới 12 hột vẫn còn ở lại trong chiếc tủ kính bóng lộn của tiệm nữ trang. Chắc chắn rằng sẽ có một đôi yêu thương nào đó tới mua, sẽ có một người phụ nữ được thương yêu đeo nó để nhớ đến ngày mình về với người đàn ông mình thương yêu.
Còn chiếc nhẫn xẻ đôi của tôi và Ngọc dù không nhìn được bằng mắt trên tay em nữa, nhưng nó sẽ không được thay thế bằng bất cứ một chiếc nhẫn nào. Bởi chính từ chiếc nhẫn chia đôi ấy mà cuộc sống của chúng tôi giống như một bản nhạc: tôi tạo ra nốt nhạc còn Ngọc là tác giả của lời ca.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG