.
TRUYỆN NGẮN

A Bạch

.

Bạch dắt chiếc xe đạp lững thững rời khỏi trường tiểu học. Xuôi theo con đường trải nhựa duy nhất của thị trấn hướng về bản. Ngang qua con dốc, Bạch dừng lại trước ngôi nhà có cái gác gỗ chìa ra ngoài với giàn hoa vàng ngợp trước sân.

Ngước nhìn lên cái ban-công với những mảng tường rêu bám, Bạch thấy nhói lòng. Vẫn những hình ảnh Cúc cứ ẩn hiện theo những dòng suy tư của Bạch, cái ban-công ấy kết nối mối tình thơ mộng của Bạch và Cúc. Lại một mùa đông nữa sắp đi qua, cô gái đã đi mất hút, chỉ còn Bạch đứng lại nơi này với những hoài niệm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bạch men theo con đường mòn vào sâu trong bản Mọi, trở về nhà. Dựng cái xe góc sân, Bạch đẩy liếp cửa bước vào. Người cha gầy gò, ốm yếu ho khan những tiếng khụ khụ.

- A Bạch về đấy hở? Giọng người cha thều thào.

- Dạ, hôm nay thầy thấy trong người thế nào? Con có mua thêm thuốc cho thầy đây.

- Mua làm gì cho tốn tiền, ta hái cây rừng uống được rồi, mày để dành tiền mà cưới vợ.

Bạch im lặng để túi thuốc xuống cái chõng tre, lặng lẽ vào bếp. Dưới bếp hun lên ngùn ngụt mùi khói của lá rừng chưa khô. Bạch ho sặc sụa, vừa thổi lửa. Bao nhiêu năm rồi hai người đàn ông cứ sống lầm lũi với nhau. Nghe đâu Bạch là một đứa trẻ mồ côi. Trong một lần xuôi từ thị trấn về bản, cha Bạch đã nhặt được anh cạnh bờ suối, nhìn Bạch trắng trẻo, bụ bẫm nên ông đặt tên Bạch và mang về nuôi. Ông cũng không có vợ con gì nên chỉ hai cha con nương tựa vào nhau mà sống. Rồi Bạch học giỏi, được cho xuống thị trấn học, rồi ra thành phố học cái chữ để làm thầy về dạy lại cho con dân bản.

Học xong sư phạm Bạch trở về làng, về lại ngôi trường ngày xưa anh học để truyền cái chữ cho những em bé người Kor này, trong khi bạn bè đã chọn những vùng đất mới để đi hoặc ra thành phố để tìm cơ hội đổi đời. Cúc cũng ra đi từ đó, bỏ lại tình yêu bao năm, bỏ lại Bạch với những chuỗi ngày thương nhớ. Cô muốn thoát khỏi cái thị trấn nghèo nàn này, muốn rời khỏi cái phố huyện bé xíu chưa đầy lòng bàn tay.

Rồi cái tin Cúc lấy chồng Đài Loan làm Bạch đau như ai bóp nát trái tim mình. Đám cưới rầm rộ khắp phố huyện. Con gái ông phó chủ tịch thị trấn lấy chồng nước ngoài làm bao cô gái trong thị trấn nô nức và hy vọng được đổi đời. Đoàn xe cưới đi rồi Bạch lầm lũi một mình men theo triền dốc tìm đến con suối ngày xưa, nơi cha nhặt Bạch về nuôi, nơi in dấu bao nhiêu kỷ niệm đẹp giữa Bạch và Cúc. Vứt bỏ lại tất cả, giẫm đôi chân trần trên đám cỏ đầy gai góc và đá nhọn nhấp nhô quanh suối quên cả nỗi đau, Bạch lặng một hơi dài dưới lòng suối giữa tiết trời lạnh giá của mùa đông miền sơn cước. Cuối cùng thì bản Mọi này không giữ nổi Cúc. Bạch sống trên đời này làm gì nữa, không có Cúc cuộc đời Bạch chẳng còn ý nghĩa gì. Bạch cũng muốn giải thoát khỏi căn bếp u ám với những mảng tường ám khói đen bóng theo thời gian, muốn đi đến một vùng đất nào đó không ai biết Bạch, muốn đi tìm cha mẹ Bạch ở một thế giới nào đó. Chợt Bạch thấy hình ảnh người cha bao năm lặn lội đôi chân trần đi mót từng hạt lúa ngày mùa về nấu cho Bạch bữa cơm chiều qua cơn đói, tiếng ho khan của cha trên nương rẫy giữa trưa nắng cháy “A Bạch à… chết thì dễ sống mới khó, mày đi như thế là hèn lắm. Khụ khụ…”. Lạnh cóng, Bạch trồi lên, có lẽ phải trở về với người cha già ốm yếu đang mong chờ Bạch, với những đứa trẻ ngây thơ, mặt lấm lem bùn đất, lúc nào cũng ngước những cặp mắt trong veo ê a đọc từng con chữ. Nhìn những đôi mắt ấy Bạch không nỡ ra đi.

Sáng nay vào lớp thầy hiệu trưởng dắt xuống một cô trò nhỏ rất lạ. Cô bé nói tiếng Việt bập bẹ. Đôi mắt ướt đen láy, cặp mi dài cong vút, khuôn mặt mang nét đượm buồn. Bạch nhìn thấy nét quen thuộc mà suốt mười năm qua chưa từng thôi ám ảnh anh.

Bạch thoáng ngạc nhiên, cô bé có cái tên rất lạ Chiêu Hoài Nghi, cái họ rất lạ và cô bé cũng rất lạ. Lạ vì cô bé khác với tất cả những đứa trẻ đang ngồi ở đây. Sạch sẽ, tươm tất. Rõ ràng không phải người dân bản, không phải người của phố huyện này. Cô bé như từ một thành phố xa hoa nào đến, rõ ràng trông cô bé như một công chúa nhỏ. Bạch không thôi thắc mắc suốt buổi dạy hôm ấy nhưng không tiện hỏi.

Chiều xuống. Hết giờ. Lũ trẻ chạy ào ra như ong vỡ tổ. Đứa cầm vài quyển vở, đứa mang cái cặp bao năm đã bạc màu, đôi dép đứt quai, hay cái cúc áo bứt cũng chẳng thèm để ý, ở đây ai cũng nghèo như nhau. Đứa nào cũng háo hức chạy ào về nhà mà không hề biết rằng mình thiệt thòi biết bao nhiêu so với những đứa trẻ ngoài kia. Những gương mặt trẻ thơ, vô tư và trong sáng quá. Bạch ước gì mình có thể trở lại cái tuổi ấy, để hằng đêm khỏi phải trằn trọc với những tiếng ho khan, với những bộn bề quanh quẩn. Ngoài kia cái lạnh đã bắt đầu buông xuống, báo hiệu một mùa đông lạnh giá và cô đơn. Bạch lại đi ngang ngôi nhà có giàn hoa vàng trước ngõ, đã mười năm rồi anh không bước qua cánh cổng ấy, đứng hồi lâu bên kia đường khẽ nhìn lên căn gác gỗ. Bất chợt, một đôi mắt nấp sau ô cửa sổ rụt lại, tấm rèm cửa được buông xuống, khẽ lay động theo cơn gió. Đôi mắt đã ám ảnh Bạch suốt bao năm. Cúc đã trở về ư? Tại sao lại lẩn trốn anh? Cơn mưa đổ ập xuống xối xả, cái lạnh thấm qua da, Bạch cong người leo lên xe, xuôi theo con đường nhựa rời thị trấn với cõi lòng trống rỗng. Có lẽ mình nằm mơ.

Ngày nghĩ hiếm hoi trùng với ngày chợ phiên. Bạch thức dậy từ sáng sớm, sương còn phủ dày mặt đất. Hít một hơi căng tràn lồng ngực, so vai, Bạch trùm lại áo khoát xuôi con dốc xuống chợ. Cái lạnh cóng của mùa đông miền sơn cước làm Bạch rùng mình mấy lần, mặc đến hai lớp áo vẫn còn thấy hơi lạnh len lỏi vào từng thớ thịt. Hôm nay Bạch muốn ghé chợ sớm mua cao ngựa, mật gấu cho cha, sẵn tiện mua thêm món thắng cố mà từ rất lâu rồi ông chưa được ăn. Cái món ăn mà cha rất thích từ ngày Bạch còn bé tí mỗi lần được cha cho đi theo ra chợ thể nào cũng được cha đãi một bát đầy, nóng hổi, húp sùm sụp, mở dính đầy miệng, môi, no căng cả bụng mà vẫn còn thèm thuồng, nhất là ăn vào những ngày đông giá rét thế này. Cũng từ rất lâu rồi Bạch không đi chợ phiên, cái cảm giác háo hức như ngày còn bé làm Bạch vui. Dừng trước sạp hàng thổ cẩm đầy màu sắc, định mua thêm cho cha chiếc khăn quàng cổ. Bạch chợt sững sờ khi bắt gặp ánh mắt của Cúc và bé Nghi tại quầy hàng. Cô bé tròn xoe mắt lay tay Cúc.

- Mẹ ơi thầy giáo con đấy.

Cúc giật mình đánh rơi chiếc khăn len trên tay, vội vã nắm tay đứa bé lôi đi như chạy. Sau giây phút bàng hoàng Bạch đuổi theo.

- Sao em lẩn tránh anh?

- Em không muốn gặp lại anh trong hoàn cảnh này.

- Thế hoàn cảnh như thế nào thì mới được phép gặp nhau? - Bạch gắt gỏng.

- Em thất bại rồi, em trắng tay rồi. Ngày đó em bỏ rơi anh để chạy theo những phù phiếm xa hoa, giờ em thê thảm thế này này - Cúc nói trong tiếng nghẹn ngào, quay đi lẩn tránh cái nhìn xoáy sâu của Bạch - Anh đừng thương hại em, đây là con gái em, khó khăn lắm em mới trốn được về bên này. Vì vậy xin anh hãy thương lấy con bé, dạy dỗ nó nên người giúp em, để sau này đừng trượt theo vết hằn của em. Cúc nói một hơi dài rồi nắm tay con bé lôi đi, không kịp để Bạch phản ứng gì. Tội nghiệp con bé, mắt tròn mắt dẹt hết nhìn thấy giáo rồi nhìn mẹ, bị lôi đi mà vẫn ngoái đầu nhìn lại theo Bạch như muốn biết chuyện gì xảy ra.

Bạch đứng im nhìn theo bóng Cúc xa dần. Bao nhiêu háo hức ban đầu trôi tuột xuống chân, Bạch quỵ xuống. Suốt mười năm qua, Bạch không thôi ý nghĩ muốn gặp lại Cúc nhưng không hề nghĩ rằng sẽ có lúc gặp nhau trong hoàn cảnh này và phải nghe câu chuyện về Cúc như thế này. Cúc giờ tiều tụy, xơ xác nhưng đôi mắt vẫn ánh lên một cái nhìn sắc sảo. Bạch quên mất những thứ cần mua, quay về như người mộng du. Cái tên con bé chắc cũng từ những gì Cúc phải trải qua. Thật xót lòng.

Hôm nay bé Nghi không đến lớp. Ngày mai là bắt đầu giáng sinh, nhiệt độ bỗng như hạ xuống thêm mấy độ, ai cũng khó nhọc đi trong cái rét căm căm. Thật ra thì ở cái thị trấn miền núi này giáng sinh là một điều gì đó thật xa lạ, xa xỉ và với những người dân ở bản Mọi thì giáng sinh là dành cho người giàu, cũng chẳng ai quan tâm, những đứa trẻ cứ thế hồn nhiên lớn lên chẳng hề để ý đến sự thiệt thòi của mình. Tự nhiên Bạch thấy hụt hẫng, ít nhất là có một điều gì đó vừa gieo vào lòng Bạch. Bao nhiêu mùa giáng sinh đi qua Bạch đã mơ về sự sum vầy, được dắt tay Cúc vào nhà thờ, vào lễ đường như bao lần hai đứa ước mơ. Để rồi khi choàng tỉnh cơn mơ Bạch lại đối diện với thực tế trần trụi. Một cơn gió lùa qua cửa sổ, Bạch rùng mình. Nhói buốt. Lại một mùa đông nữa sắp trôi qua, lại một giáng sinh nữa Bạch sắp để tuột mất một thứ hẳn vô cùng quý giá nếu không biết giữ từ lúc này, và lại một năm nữa sắp hết. Ngoảnh nhìn lại Bạch thấy mình già nua lúc nào. Lòng như lửa đốt, Bạch cho học trò nghỉ sớm, phóng xe như bay đến nhà Cúc. Bạch chạy ào vào nhà, vội vàng đến nỗi không kịp gạt cái chống xe, làm cái xe lăn kềnh ra đất ngã chỏng chơ. Đụng phải mẹ Cúc bước từ dưới nhà lên, mắt bà đỏ hoe, chưa kịp hỏi bà đã lên tiếng.

- Nó lại đi nữa rồi thầy à, tui can mãi mà nó vẫn không chịu nghe…

Chưa nghe hết câu, Bạch đã vội vã xốc cái xe quay phắt ngược chiều con dốc. Xa xa trông hai cái bóng của hai con người thật nhỏ bé tội nghiệp lầm lũi đi trong sương chiều. Bạch vứt chiếc xe bên vệ đường thêm lần nữa chạy tới trước mặt Cúc, nói trong hơi thở dốc.

- Cúc, em đừng đi. Em đừng đi nữa được không? Lần này tôi sẽ không để tuột mất em nữa đâu. Bạch nắm lấy bàn tay gầy gò, đầy vết chai sạn của Cúc. Xin em đừng đi.

Cúc quay mặt đi, giấu giọt nước mắt vừa rơi nóng hổi.

- Đừng giữ em, đừng thương hại em.

Bất ngờ Bạch ôm chầm lấy Cúc, siết chặt.

- Anh đã để mất em mười năm rồi và giờ anh không muốn mất thêm lần nữa. Hãy về cùng anh, chúng mình cùng nuôi bé Nghi khôn lớn.

Cúc dụi đầu vào vai Bạch khóc nức nở, Cúc không ngờ tình yêu anh dành cho cô lớn đến thế, sâu sắc đến thế, sẵn sàng chấp nhận cô dù cô đã phụ bạc anh. Con bé nãy giờ đứng cạnh ngơ ngác không biết chuyện gì, thấy mẹ khóc cũng khóc thét theo. Bạch cúi xuống bế thốc con bé lên vừa lau nước mắt cho Cúc.

Đâu đó tiếng chuông chiều vừa điểm.

KIU SA

;
.
.
.
.
.