Nhà anh Chao nghèo xơ xác, lại đông con cái, thường ngày đến cả cơm độn ngô cũng bữa đủ bữa thiếu, ấy thế mà hôm nay anh lại quẩy gạo ngô ra ngoài đầu bản đổi một tảng thịt ngựa với mấy lít rượu xách về khiến từ người lớn đến trẻ con trong bản ai nhìn thấy cũng mắt tròn mắt dẹt, xúm đen xúm đỏ bàn tán xôn xao chuyện nhà anh Chao đột nhiên ăn sang.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Anh Chao tính đến năm nay cũng đã ngót nghét năm mươi thế nhưng đời anh chưa cất nổi cái nhà ở cho đàng hoàng. Chuyện cũng tại mụ vợ anh từ ngày lấy về chỉ biết ăn với đẻ, anh Chao cũng đã định bụng làm nhà từ lâu lắm, dễ cũng vài ba chục năm về trước, ấy thế mà đàn con của anh cứ lũ lượt ra đời, đầu năm nay nhà đã thêm đứa thứ mười một. Trong đầu anh chúng như lũ sâu kiến bám vào ăn mòn từng miếng thịt trên bó xương khô héo của anh từng ngày, từng giờ. Thế nhưng lần này anh quyết tâm phải cất cho bằng được cái nhà ba gian ở cho tử tế.
Vậy là anh Chao vác rìu vào rừng, những năm trước gỗ trong rừng nhiều, cây chen cây mọc san sát, vừa to vừa thẳng tắp, tha hồ chọn, lấy đủ bộ cột nhà dễ như bỡn, vậy mà giờ cần đến thì tuyệt nhiên không còn tìm đâu ra một cây gỗ cho ra dáng cái cột nhà nữa.
Đi cả ngày đã thấm mệt, anh Chao ngồi xuống ven đường, tay vân điếu thuốc, mắt lấm lét nhìn sang khu rừng phía bên kia con suối, nơi đó những gốc cây to, vỏ sần sùi, thân thẳng tắp thi nhau vươn lên ngút tầm mắt. Không chỉ có anh Chao mà người bản ai ai cũng thèm khát được đặt chân vào cánh rừng đó, được tự do thoải mái hạ một vài cây gỗ đẹp về dùng. Nhưng khu rừng đó đã bị đóng cửa từ lâu, chỉ có nhân viên chăm sóc, bảo vệ và những người liên quan mới được vào.
Sau vài ngày suy đi nghĩ lại, hôm ấy khi trời xẩm tối, người ai về nhà nấy, anh Chao lấy hết can đảm bước sang bên kia bờ suối, đi vào khu rừng cấm, khi biết chắc không còn ai nghe được tiếng động trong rừng lúc này, anh Chao chọn một cây gỗ thật tròn, dỏng cao và là một trong những cây gỗ quý nhất trong khu rừng, anh ngắm thật kỹ gốc cây lùi xùi vỏ rồi vung rìu, từng nhát từng nhát một bổ xuống.
Khi cây cột đầu tiên đã được kéo xuống và ngâm dưới lòng vực sâu nhất của đoạn suối, anh Chao ung dung vác rìu về nhà, định bụng sẽ giành cả một ngày để ngủ cho đã con mắt sau cả đêm hì hục vần kéo cây gỗ xuống núi. Nhưng mụ vợ với đám con lít nhít không để cho anh được yên thân, chúng thấy cha đi cả đêm mới về nên tưởng có thứ gì đó cho chúng có thể nhét vào những cái bụng lép kẹp đang réo rắt hành hạ chúng. Anh Chao điên tiết xua cả vợ với đám con đi chơi. Không ăn uống gì anh lên giường trùm chăn toan đánh một giấc hết ngày, chưa kịp đặt lưng xuống thì tiếng chó bên nhà hàng xóm sủa váng lên. Anh Chao bị quấy giấc lầu bầu chửi trong miệng. Đám chó vẫn thi nhau cắn dồn dập, lại đuổi sát đến vách nhà anh. Anh Chao chỉ muốn vùng dậy, tuồn cả khúc gỗ vào những cái mõm đầy răng trắng ởn của chúng cho bõ tức. Anh chưa kịp đứng dậy làm cái việc đó thì bước chân người đã rình rịch vào trong sân nhà.
Anh Chao run bần bật khi rõ tiếng quát từ ngoài vọng vào.
- Ông Chao có nhà không?
- Có, tôi đây! - Anh Chao vừa bò ra khỏi giường vừa run run trả lời.
Ba, bốn người đàn ông sầm sầm đi vào nhà, anh Chao chỉ nhận ra Tạo, người canh rừng cấm đã mấy năm nay. Tạo tuổi ngoài ba mươi, là người dưới thị trấn, tính keo kiệt, bủn xỉn lại hay rượu chè, từ ngày hắn về làm bảo vệ ở đây người bản ai muốn vào nhặt cành củi khô rơi rụng trong khu rừng cấm thì phải hối lộ cho hắn ít thì chai rượu, có khi hắn đòi cả con gà.
Anh Chao liếc qua Tạo rồi chợt nghĩ ngay đến cây cột đang ngâm dưới suối. “Chắc nó đã phát hiện ra mình trộm gỗ trong rừng cấm rồi nên mới kéo đến bắt đây mà”. Đúng như suy nghĩ của anh, Tạo đi một vòng ngó nghiêng túp lều xiêu vẹo rồi chỉ thẳng vào mặt anh Chao.
- Cất kỹ nhỉ!
Anh Chao mặt mày tím tái, “như thế là nó biết mình chặt trộm gỗ rồi còn đâu”, bụng anh nghĩ như vậy nhưng vẫn cố xua tay.
- Nhà tôi có cái gì mà cất!
Đàn chó nhà hàng xóm sủa óc ách một hồi rồi cũng lủi đi mất. Tạo ngơ ngáo tìm xung quanh không thấy có con gì chạy lăng xăng bèn gãi gãi vào cổ ngáp vặt vài cái. Anh Chao là người tinh ý, bấy giờ anh mới nhìn kỹ mấy người đi cùng Tạo, rặt một bọn chuyên đi rình bữa ăn của nhà người khác, bọn chúng mang tiếng là người trông coi, chăm sóc rừng cấm nhưng thỉnh thoảng vẫn chặt cây mang đi bán lấy tiền rượu chè. Anh Chao nói với bọn chúng:
- Các chú định đi mua gà về thịt à? Nhà tôi không nuôi được con nào cả!
- Đêm qua ở rừng cấm mất một cây gỗ, có người báo là ông chặt đấy!
- Đứa nào mà độc mồm thế. Nhà tôi làm gì có cây gỗ nào ở đây.
- Ông ngâm nó ở suối, bọn tôi tìm thấy rồi.
Anh Chao cứng lưỡi không nói thêm được câu nào, nhưng bọn họ đâu có nhìn thấy anh chặt gỗ và kéo gỗ xuống. Chắc chắn anh sẽ chối tội đến tận cùng. Tạo nheo cặp mắt gian gian mở lời trước giúp anh Chao.
- Bọn này chỉ cần một bữa rượu no say rồi anh muốn mang gỗ về làm gì thì mang.
Anh Chao bán tín bán nghi, “nhỡ nó lừa mình nhận tội rồi bắt thì sao? Chặt cây trong rừng cấm không phải là tội nhẹ. Nhưng nó đã tìm đến tận nhà, chắc chắn nó đã tường việc mình là trộm”. Nghĩ bụng như vậy nhưng anh Chao đâu có dại, anh quay sang nói với Tạo.
- Mời các chú một bữa rượu cũng được thôi, nhưng anh cam đoan không chặt cây trong rừng cấm.
Tạo và đám đi cùng mặt hớn hở như bắt được vàng.
- Không ai bảo anh chặt, nhưng cây gỗ ngâm dưới suối rồi nếu anh cần cứ lấy về mà dùng.
Anh Chao mừng thầm trong bụng, nhưng lại gãi đầu gãi tai một hồi, trong nhà ngoài mấy tấm liếp mục nát lấy gì mà đãi “khách” đây. Tạo thấy anh Chao lúng ta lúng túng nên lờ mờ đoán ra sự tình, hắn hồ hởi chỉ đường, mách nước.
- Ngoài nhà ông Cao hôm nay ngả con ngựa non ngon gớm, thịt cứ gọi là đỏ au au.
Vậy là anh Chao quén vét tất tật lúa ngô trong nhà tống vào bao tải vác ra đầu bản. Hôm nay không phải chợ phiên nên quán thịt ngựa ế ẩm, anh Chao đổi cả bao ngô lúa, được một tảng thịt với vài lít rượu lẽo đẽo xách về nhà.
Đám Tạo đã chuẩn bị dao thớt, nồi niêu, bếp cũng nhóm lửa sẵn sàng chờ đun nấu. Thấy anh Chao xách tảng thịt ngựa tươi roi rói về đám chúng ai nấy đều liếm mép, nhỏ rãi thèm thuồng, như có thể xâu xé ăn tươi nuốt sống miếng thịt ngay tức khắc nhưng tay nào cũng cố kiềm chế, ra vẻ thạo việc chế biến món thịt ngựa. Chỉ trong ít phút, tảng thịt nhanh chóng được pha nhỏ, ướp muối gừng rồi tống cả vào trong nồi bắc lên kiềng, chẳng phải chờ lâu, mùi thịt ngựa thơm nức đã bay khắp nhà. Anh Chao lúi húi cầm chổi quét thật sạch tấm phản kê ở giữa để đặt mâm.
Mâm đã bày ra, mồi nhắm bốc khói nghi ngút, đám “khách” đang xếp bằng chân trên phản chờ chủ nhà rót rượu. Ba bốn cái chén chạm vào nhau leng keng. Đúng lúc ấy tiếng trẻ con líu ríu từ đầu ngõ đi vào. Mẹ của bọn chúng tay bồng, tay dắt, đứa chạy trước, đứa chạy sau ùa cả vào nhà.
Bọn Tạo đang dở chén rượu thấy lũ trẻ đông như đàn gà chạy vào thì mắt há hốc, sợ bị tranh mất phần, chúng tợp vội rượu và tranh thủ mời nhau gắp đồ nhắm.
Mụ vợ thấy đám Tạo đang ngồi xếp bằng trên bàn với chồng thì rất đỗi ngạc nhiên, nhưng thoáng nhìn đôi mắt đầy vẻ trách móc và xua đuổi của chồng mụ liền kéo cả đám con lít nhít quay ra cửa. Bọn trẻ bị mùi thơm nức của thịt làm cái đói trong bụng càng thêm nôn nao, chúng không đi đâu chơi xa mà chỉ quanh quẩn trong sân, thỉnh thoảng kéo nhau ra trước cửa ngó vào mâm rượu rồi lại chạy ra ngoài để khỏi phải bị quát nạt.
Đám Tạo vẫn nhao nhao mời rượu, nhắm mồi. Anh Chao sốt ruột nhìn mâm thịt đã vơi dần đi mà đám “khách” vẫn lia lịa gắp. Liếc thấy đám con lít nhít mặt mũi tèm lem lăng xăng chạy ngoài sân, anh Chao thấy xót như vừa bị đổ cả vại muối vào mắt. Cơm ngô cả tuần của chúng đã nằm gọn dưới mâm và sắp bị đám “giời ơi đất hỡi” chén sạch. Anh Chao bỗng căm ghét mấy cái mặt trơ trơ, tráo tráo đang ngồi cùng mâm với mình đến thế, và không ngần ngừ, anh bưng cả can rượu rót đầy những chiếc bát trước mặt chúng.
- Nào, nào anh mời các chú! Ta uống bằng bát cho đỡ lần rót.
Sáng kiến mời rượu bằng bát của gia chủ khiến đám khách tròn mắt kinh hãi, nhưng anh Chao đã mời, chúng chỉ còn biết nâng bát mà uống theo, hết bát này đến bát khác, vơi lại đầy, chẳng có cơ hội động đến mồi nhắm. Khi can rượu đã cạn đáy cũng là lúc đám “khách” ai nấy lảo đảo đứng dậy, kéo nhau tìm chỗ ngủ vùi sau cơn say.
Anh Chao loạng choạng đi ra cửa, đưa tay vẫy vẫy đám con của mình vào nhà. Đám trẻ thấy cha gọi thì mừng rơn, léo nhéo gọi nhau chạy về, thoáng chốc đã quây quần đầy đủ. Anh Chao mặt đỏ như than, ngồi dựa lưng vào cánh cửa, vừa gật gù đầu vừa nhìn đám con hớn hở vây quanh mâm thịt đã nguội nhưng vẫn còn đầy ắp.
LÝ A KIỀU