Chị quen con sông ấy như một người già quen những kỷ niệm của mình. Chị lại càng không hình dung nỗi là có một ngày nào đó cuộc đời của chị sẽ phải bứt lìa ra khỏi dòng sông này. Với chị, dòng sông không chỉ là những con nước từ thượng nguồn cứ mải miết nhập vào từ tỉ tỉ hạt nước nhỏ nhoi, nó còn là quá khứ, là một mối tình đầm đẫm nỗi buồn và cũng đã cho chị biết bao nhiêu niềm vui.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Chị sinh ra và lớn lên ở con sông này. Nhà của chị nối dài ra dòng sông bằng một chiếc cầu nối ra bến nước. Chiếc cầu gỗ ấy mòn hẳn những tay vịn, mòn cả những thớ gỗ bởi chân người mỗi ngày dẫm lên và ở nơi ấy còn là một nụ hôn đầu xa khơi, khiến cho trái tim chị đã một lần chao đảo.
Bây giờ đã là ngày 25 Tết. Chị lại làm công việc bao nhiêu năm chị vẫn làm là chở hoa trên chiếc thuyền đi dọc theo bến sông, ra chợ bán. Hình ảnh những con thuyền chở đầy hoa vào những ngày giáp Tết là hình ảnh đẹp giống như các nhà họa sĩ đã vung những mảng màu tạo nên một bức tranh sinh động.
Đã bao nhiêu mùa xuân chị chở hoa bán Tết. Và đã bao nhiêu mùa xuân trôi qua khi chiếc thuyền hoa lướt trên sông, làm dạt trôi những dề lục bình đã vội vàng nở những chùm hoa tím biếc, báo hiệu xuân về, là bấy nhiêu mùa xuân lòng chị cứ mãi thênh thang về một bóng hình đã biệt xa. Đã rất biệt xa. Xa lắc.
Người đàn ông ấy đến cuộc đời chị nhẹ nhàng và ra đi cũng nhẹ nhàng giống như những cơn mưa mùa tự đến rồi cũng lẳng lặng cuốn trôi về phương xa những nồng ấm. Xa lắc rồi những kỷ niệm, nhưng sao con thuyền chở hoa xuân đang đi trong ánh nắng cuối năm như đang làm cho đất trời trở nên lộng lẫy hơn lên vẫn làm cho chị không nguôi quên về người đàn ông của mùa hoa xuân năm ấy.
Miền quê chị sinh sống nằm bên sông Tiền, chỉ có một nghề duy nhất là trồng hoa và bán hoa. Có tới cả ngàn loại hoa kiểng khác nhau được trồng ở nơi này, và cách trồng hoa cũng độc đáo theo cách… chống lũ. Đó là các vườn hoa đều được đặt trên những bệ đỡ bằng cây rừng, cao hơn mặt nước chừng một mét. Khoảng cách đó đủ để hoa khỏi bị ngập trong nước khi nước triều dâng lên hay những con lũ từ thượng nguồn đổ về bất chợt. Đó cũng là khoảng cách để đủ tầm tay người chăm sóc hoa. Những cái tên hoa cũng rất hay: móc câu hồng, khế xanh, khía ba màu, kim hổ, nanh heo, anh thảo, dạ yến thảo, thu hải đường, quỳnh hoa đăng, cát tường, hướng dương hình tháp… Nói chung khi chị sinh ra là đã thấy hoa nở. Ông nội chị là một nghệ nhân lừng danh về trồng hoa và tạo dáng hoa. Giờ thì ông đã rất già, gần như ông không còn bước ra khỏi khu vườn hoa của mình, ngoài việc hằng ngày ông dậy thật sớm, khi sương mù còn giăng lãng đãng như khói trên mặt sông, dạo quanh cả không gian đủ loại hoa ấy mà ngắm nhìn. Còn chị, lớn lên, trở thành một cô gái chở hoa trên sông nối tiếp đời mẹ.
Miền lớn lên cũng giống như những cô gái ven dòng sông Tiền gắn liền đời mình với những mùa hoa trôi qua ấy. Tết, cả con sông như trầm lắng xuống, mặt nước dịu dàng trôi với màu nồng nàn của phù sa, những tia nắng dịu dàng bung rơi trên từng mái chèo khua nước, là những chiếc thuyền hoa chở ngược dòng đến chợ hoa. Người bán hoa không cần đem hoa lên bờ, chỉ neo đậu ở bến sông, một tấm ván gỗ được gác lên bờ để cho những bước chân lên xuống thuyền. Những thuyền hoa chất đầy khi đi, phút chốc được người mua chuyển đi, chỉ còn lại lòng thuyền trống nhẹ như nỗi buồn của cô gái để tuổi xuân mình trôi qua những mùa hoa Tết.
Tuấn xuất hiện vào một ngày cuối đông. Hôm ấy khi chị sắp sửa dỡ thuyền để trở về. Tiếng gọi của anh như làm lay động cả một vạt cỏ dại đang lao xao:
- Cô ấy ơi, cô cho tôi đi một đoạn sông.
Miền không ngạc nhiên lắm. Vì có nhiều du khách vẫn thích leo lên những con thuyền trôi theo dòng sông Tiền này để khám phá những điều mà họ chưa từng bắt gặp. Nhưng bình thường thì họ sẽ thuê một chiếc tàu du lịch để dạo chơi, chẳng ai gọi một chiếc thuyền chở hoa cả.
Tôi lắc đầu từ chối:
- Anh có thể tới công ty du lịch thuê tàu. Đây là chiếc thuyền chở hoa không có chở khách.
Nhưng anh đã nhảy từ trên bờ, xuống chiếc thuyền của chị:
- Tôi không phải khách du lịch. Tôi muốn tìm nhà ông Bảy Mẹo.
Nhà ông Bảy Mẹo tức là nhà ông nội chị, nhà chị đang ở. Tự dưng có một chàng trai đi kiếm nhà ông nội khiến chị thật bất ngờ:
- Ủa, anh kiếm nhà ông Bảy Mẹo làm chi?
- Tôi biết cô tên Miền phải không? Là cháu nội của ông Bảy Mẹo. Mấy người bán hoa chỉ chiếc thuyền của cô đó. Họ bảo cứ lên thuyền của cô là tới nhà ông nội cô ngay.
Thật là một tình huống ngộ nghĩnh, vì chị không thể từ chối chở Tuấn tới nhà mình. Bởi anh sẽ tới nhà chị.
Con sông ngày hôm đó rất lạ, như hai bên có rất nhiều loài hoa nở, những loài hoa dại chao trong gió. Còn anh thì nói chuyện giòn tan giống như lâu ngày anh được nói chuyện:
- Miền nè. Mỗi ngày cứ chèo thuyền như thế này có thấy mệt không? Hay là đưa cho tôi chèo thử?
Anh giành lấy mái chèo. Và chị hơi bất ngờ vì anh đã điều khiển mái chèo giống như một người đã từng ở miền sông nước. Anh giải thích:
- Có gì đâu. Tại vì thuở nhỏ tôi đã học chèo thuyền. Giờ đây vẫn nhớ cách đẩy mái chèo đó mà…
Ông nội chị, tức là ông Bảy Mẹo có tay nghề ghép hoa độc đáo nức tiếng cả vùng Tân Quý. Còn Tuấn là anh chàng nhảy lên chiếc thuyền của chị chẳng liên quan tới nghề trồng hoa. Anh tình cờ đọc một bài báo viết về ông nội tôi đăng trên mạng khi anh đang là du học sinh bên Pháp. Nghề học của anh cũng có liên quan đôi chút tới cây cỏ hoa lá, đó là cái môn rất ít người ra nước ngoài học: nông nghiệp. Bởi phần lớn mọi người khi đi du học thường học mấy môn học mà khi về nước sẽ bảo đảm cho tương lai của mình như kinh tế, ngân hàng, tin học… Chuyện anh đi du học tận bên Pháp về cây cỏ chỉ vài ngày sau anh mới biết.
Ông nội chị vốn là người hiếu khách, càng hiếu khách hơn khi có một anh sinh viên, về nước ăn Tết chừng nửa tháng, đã bỏ công lặn lội từ thành phố tới Sa Đéc tìm ông chỉ vì tò mò chuyện làm cho cây ra hoa theo ý mình.
Anh đã ở lại nhà chị cho đến 29 Tết. Ông nội chị bảo với anh rằng phải ở lại mới theo dõi được công đoạn ghép cây ghép cành, ông sẵn sàng chỉ những bí quyết của ông. Ông còn rung đùi, bắt chị pha trà cho ông và anh uống trong vườn hoa thơm ngát ngày cuối xuân, nói với anh như đùa:
- Hay là học xong bên Pháp cậu quay lại đây. Nghề trồng hoa không giàu nhưng cũng không nghèo. Con Miền, nó đẹp người đẹp nết, thấy được thì về làm cháu nội ông luôn… Gia tài của nó là cả vườn hoa này đó.
Ông nội chị cười sảng khoái khiến chị đỏ cả mặt.
Hai ngày cuối cùng, anh bảo với chị là cho anh đi bán hoa cùng. Thế là chiếc thuyền chở đầy hoa ngày cuối năm có thêm tiếng cười, có thêm niềm vui. Và ở trong tiếng cười và niềm vui của chợ hoa rộn rịp đó, anh đã để lại một lời hứa trước khi về thành phố, và sau đó lạc vào trong đám đông:
- Anh sẽ trở lại, Miền nhé. Chắc chắn anh sẽ trở lại.
Bến sông mỗi năm vào ngày Tết vẫn rộn rịp chợ hoa. Những chiếc thuyền chở hoa từ Tân Quý vẫn dập dìu đổ về bến, và những chậu hoa được đưa về trong những ngôi nhà để mùa xuân trở nên ấm áp hơn.
Cứ thế, năm đầu tiên là trông ngóng từ ngày 25 Tết cho đến khi chiều 30 chợ hoa đã tan. Chiếc thuyền nhẹ tênh trở về trên con sông Tiền khi thủy triều đang réo nước, là nỗi nhớ cồn cào. Ngày cuối năm năm thứ hai cũng là trông ngóng lời hẹn cũ, vẫn là nỗi nhớ cồn cào. Lạ kỳ cho trái tim con gái, có gì đâu một vòng ôm sát bõng cả người, một nụ hôn môi mới chạm môi và lời hứa vu vơ của một chàng trai chợt đến, chỉ mới gặp thoáng qua chưa trọn đủ bảy ngày trong một tuần mà lòng cứ dằng dặt nhớ thương.
Năm thứ năm rồi, ngày đã cạn rồi, và mùa xuân cũng sắp tới. Chị vẫn xuôi chiếc thuyền dừng ở bến sông cũ, chị không còn tin lời hẹn cũ của chàng trai xa lắc: “Cô ơi, chở giùm tôi tới nhà ông Bảy Mẹo”. Nỗi nhớ cồn cào xưa giờ đã trở thành nỗi buồn.
Dòng sông chiều ba mươi Tết sao bỗng dưng có nhiều khói tỏa. Vẫn là dòng sông của cả tuổi thơ. Của tuổi 20 chạm tình yêu đầu thoáng chớm cho đến nay đã 25 tuổi rồi. Chiều ba mươi năm nay hoa hết sớm. Chị gác thuyền trên bến, thong dong vào chợ, lựa mua ít đồ Tết. Bỗng lựa một thỏi son môi như dành cho đôi môi tươi tắn của mình. Chị chưa bao giờ dùng son môi, chị cũng từng ước ao có một chàng trai nào đó sẽ tặng mình một thỏi son. Nhưng đâu có ai tặng đâu. Chị bỗng lấy thỏi son môi, tự tô môi mình trên thuyền với chiếc gương soi nhỏ mang theo. Và chị cười với chính mình.
Thuyền đang trôi ngày cuối xuân cho nỗi nhớ xuân cũ ấy bỗng bị khuấy động bởi tiếng của một chiếc thuyền máy đang phóng nhanh. Chiếc thuyền máy làm tung tóe nước chạy qua mặt thuyền chị. Rồi bỗng dưng chiếc thuyền quay lại.
Tiếng gọi rất to, loang cả dòng sông: “Miền ơi, Miền phải không?”.
Chị không tin vào mắt mình khi nhìn thấy trên chiếc thuyền một bóng dáng quen: Tuấn đó. Trời ơi, Tuấn đó.
Từ trên chiếc thuyền máy, anh nhảy xuống nước, anh bơi về phía chị. Những vòng bơi của anh như sợ không kịp cho ngày chờ đợi. Chị bỗng lấy vạt áo mình chùi vệt son lem trên đôi môi. Nhìn anh đang bơi tới, chị vui đến trào nước mắt.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG