Tôi tình cờ gặp lại anh trai của Duy trong siêu thị, tại gian hàng đồ đông lạnh. Lúc đầu nhìn anh, tôi cứ ngỡ là Duy. Cuộc chạm trán bất ngờ khiến tôi và cả anh ngừng cảm nhận thế giới xung quanh trong vài giây. Có lẽ anh thấy tôi quen nhưng không nhớ rõ là ai, tên gì. Hoặc có thể, anh e rằng mình ngộ nhận. Còn với tôi, ngạc nhiên vì một lẽ: nhìn vẻ ngoài, hai anh em họ giống nhau quá. Từ ánh nhìn sắc, cánh mũi căng phồng lên khi hít thở cho đến xoáy tóc ngay trên đỉnh đầu. Có gì lạ đâu, bởi họ là anh em song sinh. Chỉ duy, anh của Duy không có đốm bớt đỏ nhợt nơi thái dương. Đó là dấu hiệu giúp tôi nhận biết anh em họ. May nhờ nó, tôi không lầm anh giữa chốn đông người thế này.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi đang liên tưởng đến Duy ở một nơi nào đó khác với khung cảnh nơi đây nhưng cũng trong bộ áo quần này, đôi dép xỏ ngón ấy với dây đeo mảnh ở cổ tay. Ký ức rời rạc và nhòe nhoẹt như một cơn mưa cuối tuần. Mọi điều tôi thắc mắc bây giờ: “Duy! Giờ này anh ở đâu?”.
Tôi và anh không nói gì, chỉ nhìn nhau thận trọng. Một lát sau, tôi mở lời để khuấy bầu không khí đang rơi vào im lặng.
- Chào anh. Em là May, bạn Duy ạ.
Đôi lông mày rậm của anh hơi chau lại rồi dãn ra thư thái. Có lẽ như anh đang nhớ ra điều gì đấy. Cuối cùng, anh cũng nặn ra một câu hoàn chỉnh:
- Không ngờ lại gặp em ở một nơi thế này?
- Duy! Anh ấy…
Tôi cố rút gọn lời nói và hạn chế nghe những điều ngoài điều mong muốn nhất giờ này là xác định thông tin về Duy. Anh không nhìn tôi, điềm tĩnh thở từng luồng hơi một. Và cảm xúc bỗng vỡ òa khi được biết tin Duy đã trở về nhà cách đây hơn một tuần đúng vào đêm mưa tầm tả.
Duy bỏ nhà đi cũng vào một ngày mưa như thế. Dạo đó, tôi bận bù đầu với luận văn tốt nghiệp về vấn đề tranh chấp Biển Đông và kỳ thi tiếng Anh chuẩn đầu ra bằng C1. Duy không nói với bất kỳ ai, gia đình hay bạn bè. Tôi thì càng không. Cứ như một cuộc vượt ngục đầy căm phẫn sau cơn khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Bởi vậy mà một tuần sau đó tôi mới hay tin. Bất ngờ. Chênh vênh. Cảm giác như ai đó rút đi từng viên gạch từ chân một bức tường cũ.
Chúng tôi học chung lớp với nhau cả cấp hai, cùng trường cấp ba, lên đại học mỗi người đỗ mỗi trường khác nhau. Tôi học cử nhân tiếng Anh thương mại, Duy học quản trị kinh doanh. Vào lúc ấy, đó là những ngành rất hút thí sinh và tỷ lệ chọi thì cao ngất ngưởng. Và cơ hội để nghề nghiệp của chúng tôi giao nhau là rất ít, tôi từng nghĩ. Mặc dù rẽ ngang nhau từ đó nhưng tôi và Duy vẫn rất hay gặp mặt. Hai đứa rất hợp ý nhau: từ chiếc laptop giống hệt cấu hình, ý tưởng đề tài nghiên cứu khoa học đụng nhau cho đến những cuốn sách của Haruki Murakami… Nhưng giữa chúng tôi, đơn thuần chỉ là bạn, không hơn.
Thật lòng mình, tôi có lo cho Duy. Một đằng thấy có lỗi, một đằng trách Duy sao quá đỗi ngông cuồng. Bản tính trầm lặng và nghiêm khắc làm cho cậu ít có bạn bè hoặc một nơi để dựa dẫm. Tôi không lo cho Duy chỗ ăn, chỗ ở nhưng tôi lo cho vết thương đang dần hé miệng từ sâu trong lòng. Theo một cách nào đó, tôi giành phần lỗi về mình nhiều hơn. Ngẫm lại, tôi không nên thẳng thừng từ chối tình yêu của Duy đột ngột như thế. Chuyện gì cũng phải từ từ để chúng có thời gian thích nghi. Nhanh quá sẽ dễ làm vỡ đi trật tự và dòng chảy tự nhiên của sự vật.
Là anh em sinh đôi, nhưng Duy khác anh trai một trời một vực, về tính cách. Anh trai Duy là người điềm đạm và chừng mực trong lời ăn tiếng nói, quan tâm đến người khác, có tinh thần trách nhiệm với công việc và người thân. Ngược lại, Duy - bản tính bốc đồng làm nhiều người nghĩ cậu bất cần mọi thứ xung quanh. Duy tốt bụng nhưng thiếu nhạy bén với thời cuộc, thiếu kinh nghiệm sống. Duy không tinh tế theo hình mẫu của những người đàn ông hiện đại mà thích bộc lộ, thẳng thắn trong suy nghĩ lẫn cách sống. Không phải tôi từ chối Duy bởi những đức tính ấy. Tôi cũng chẳng tố cáo hay đả kích vì tính cách thì không có đúng hoặc sai, chỉ có thích hoặc không thích; thích ít hoặc thích nhiều. Tôi trọng Duy bởi những điều cậu ấy làm vì bạn bè nhưng không biết từ khi nào, tình cảm đặc biệt ấy lại nảy sinh giữa chúng tôi, lấn át và thay thế đi tất cả. Để rồi từ đó, sự tự do của tình bạn vụt khỏi lòng bàn tay và còn lưu lại những nỗi mơ hồ không định hình được. Chuyện đến bất ngờ làm tôi ái ngại, không sẵn sàng thể hiện cảm xúc của chính mình với mọi người xung quanh, nhất là Duy.
Tôi đến nhà tìm gặp Duy, còn khá ngần ngại với bố mẹ và anh trai Duy. Sợ họ sẽ nổi đóa, mà trách mắng tôi cho vừa cơn giận. Nhưng tôi có lý do chính đáng để biết tình hình hiện tại. Chút nghĩa chút tình bao năm là bạn bè thôi thúc tôi tìm Duy ngay khi có thể. Có thể điều ấy sẽ khiến Duy buồn hơn, tức tối hơn nhưng tôi không thể rắp tâm đứng nhìn chính con người mình dần trở nên vô cảm.
Nhìn thấy tôi, Duy tỏ vẻ bình thường, không có gì là ủ dột của một người bị tình yêu từ chối. Không có gì làm mỏi mệt sau chuyến dạt vòm không mong đợi. Chỉ đôi mắt, tôi thấy nó căng mọng như muốn vỡ ra những mạch nước. Thật ra, Duy đang nén nỗi đau xuống những tầng đáy xa thẳm và ngụy trang tài tình bằng một nụ cười nhạt thếch.
- Chắc Duy chịu khổ nhiều lắm. Có mua nem rán cho Duy.
- …
- Chắc Duy buồn?
- Có gì đâu nào. Ngày mai tớ đi học lại rồi. Nhớ lũ bạn xóm nhà lá quá.
Duy vừa nói vừa cười, trông ngờ nghệch và giả tạo.
- Thế hả?
Biết là Duy buồn, tôi không dám nói gì kẻo lại khiến nỗi buồn ấy dâng cao. Tôi đáp lại một câu ba phải hợp với mọi hoàn cảnh và tình huống. Tôi chào Duy, nhắn với cậu một lời động viên trơn tru và sạch sẽ nhưng thiếu cảm xúc. Cửa phòng Duy đóng lại nhẹ tênh, lòng lại hụt hẫng như cái ngày cậu ấy rời bỏ thành phố. Định hỏi thật nhiều về cái quãng thời gian phiêu du ấy nhưng chẳng có sự logic nào để đánh một câu hỏi. Thành thử, mọi chuyện cứ thế trôi qua trong sự lặng im đến đau lòng. Tôi ra về, mường tượng đằng sau cánh cửa ấy, Duy đang vùi đầu vào cơn nức nở mà tôi vừa mang đến và gửi lại.
Một tháng trôi qua…
Chúng tôi lại chạm mặt nhau trong một lớp học về nghiệp vụ bán hàng, chủ yếu là những kỹ năng thực tiễn. Tôi vẫn thấy mắt Duy buồn, ẩn ức nhưng cười nhiều hơn trước. Vì chúng tôi tình cờ gặp được Mai theo sự phân nhóm của giáo viên để tiện làm bài tập hoặc tiểu luận. Duy trở lại bản tính lém lỉnh và sôi nổi như ngày nào. Duy hay làm chúng tôi cười, pha trò thật hài hước, nói chuyện thật có duyên. Nhưng trong sâu thẳm, tôi cảm giác cậu ta đang gồng mình lên để diễn cho trọn một vai quá sức. Có sự rạn nứt, có khoảng cách nào đó giữa hai chúng tôi. Không thấy rõ nhưng chắc cú vậy.
Tôi và Duy đi dạo dọc bờ sông, rồi băng qua cây cầu đẹp nhất của thành phố vừa khánh thành. Chưa bao giờ tôi thấy không khí trở nên trịnh trọng và căng thẳng như lúc này, giống với một cuộc hành xử và phán xét sau ngày tận thế.
- Tớ hy vọng lần nào trở về cũng được chào đón như người ta chào đón cây cầu mới được khánh thành cách đây hơn một tháng.
- Ý cậu là gì? Mình không hiểu.
Duy không nói gì. Tôi đồ đó là một chuyến đi xa. Có một chút lo sợ xông lên từ lồng ngực, tim nhồi lên một cơn nghẹn. Hay nói đúng hơn, tôi sợ biến cố dữ lại xảy đến với Duy một lần nữa.
- Duy à!
- Cậu muốn nói gì? Tớ nghe đây.
- Con Mai đấy… Nó thích cậu.
- …
Tôi không nhìn mặt Duy nhưng tôi đoán cậu nhếch miệng, không phải vì cười.
- Cậu thấy đấy, cho dù thành phố này trong tương lai có đến hàng trăm cây cầu nhưng người ta không dại mà lấp đầy khoảng cách hai bờ sông. Khi cậu trở về, ắt sẽ có nơi chào đón. Nhưng tự cậu, hãy tự chọn cho mình một chốn để trở về. Một chốn đáng để trở về trong vô vàn chốn có thể trở về…
Nghe như một ý niệm gì xa xôi nhưng tôi đoan là Duy hiểu. Chúng tôi đứng ở chính giữa cầu, nhìn miên man theo những con sóng lăn tăn, nối đuôi chạy mãi. Lũ sẻ nâu bay vòng vo trên nền trời một chiều xám như muốn nói điều gì mà thốt mãi không nên tiếng. Như chính tôi, nợ Duy một lời xin lỗi, mà chẳng biết khi nào mới trả cho xong.
NGUYỄN QUỐC VIỆT