Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Ký ức sông

15:11, 15/05/2015 (GMT+7)

“Sông kia giờ đã nên đồng…”  Chú Hoàng dừng nửa chừng bài thơ, chuyển qua phân bua. – Tôi chưa từng chứng kiến dòng sông nào “đã nên đồng” như trong câu thơ cụ Tú Xương.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nhưng “sông nên bãi” thì đã có. Mà có nên đồng hay nên bãi gì đi nữa thì cũng đều là sông bồi – sông lấp – sông quên cả. Những dòng sông theo mùa màng dịch chuyển lở - bồi làm đổi thay những số phận con người. Sông trong địa lý dễ chừng ngàn năm mới trải qua một cuộc bể dâu, nhưng những dòng sông đời người, đố ai biết được chuyện lở - bồi xảy ra bên trong một khối thịt xương kia.

Ừ, chú đang nói với các cháu về một dòng sông đã không còn là sông nữa, mà đã thành cồn, thành bãi. Bãi Bàu Rây này đây. Cái bờ bãi đã bầu bạn cùng chú suốt con đường mòn tuổi thơ xa xưa ngày hai buổi đến trường làng. Chú Hoàng đưa tay chỉ về một rừng tre mọc xanh um dọc theo con lạch cát vòng cung, giáp bên bờ sông Vu Gia rồi nói tiếp:

- Hình như các cụ của ta từ thuở xa xưa đã chuyền nhau lần lượt từng thế hệ nói về dòng sông Bàu Rây này. Cụ nào mở đầu câu nói cho lớp người sau nghe cũng đều một bổn cũ soạn lại: “Cách đây độ nghìn năm, đã có một dòng sông bắt nguồn từ bờ Nam sông Vu Gia chảy qua làng Phường Đông, qua làng Quảng Huế rồi qua Phú Thuận đổ ra bờ Bắc sông Thu Bồn…”.

Không biết đã bao lần câu nói ấy lặp đi lặp lại, cho đến thời ông cụ nhà chú lại tiếp tục kể cho chú nghe về dòng sông đó: “Cách đây đã nghìn năm…” – Nghìn năm nào mà cứ nghìn năm mãi thế. Ừ, thì ra nghìn năm cho tất cả mọi cuộc đời. Nghìn năm của vàng phai, nghìn năm của đá tạc. Nghìn năm như một lời nguyền vĩnh cửu của dòng sông, khảm khắc vào đất đai sông núi này một dòng chảy màu mỡ lớp lớp phù sa văn hóa lịch sử của đất và người. Chính dòng sông đó nếu không may mà lấp đi, xóa đi, bi kịch sẽ xuất hiện trên từng số phận của mỗi con người…

Chú Hoàng chính là người mà chúng tôi thường gọi với cái tên thân mật là “thi sĩ làng”. Cứ mỗi lần vì những công việc gì đó, chú phải đi xa bốn, năm hôm mới về là chúng tôi có cảm giác như cái làng của mình rộng thêm ra, ngày đêm trống thông thốc và xa vắng. Một con người từng có tác động đến cả nỗi buồn niềm vui của cả làng, ấy thế mà giản đơn, chú chỉ là một người lính về hưu non, cách nay đã khá lâu. Trên người chú Hoàng có hơn hàng chục vết thẹo, lỗ chỗ khắp mặt mũi mình mẩy chân tay. Đó là tất cả những vết thương mà chú đã một thời trận mạc đi qua những cuộc chiến tranh. Đạn Pháp cũng có mà đạn Mỹ cũng có.

Cũng có khi vì chuyện không đâu, đã cắc cớ để lại trên người chú vài dấu vết nhớ đời. Chú thường nói đùa với bọn trẻ chúng tôi “Chiến trường là cả một thân thể của chú đấy”. Một người lính từng vào sinh ra tử như chú mà cũng lạ, chưa hề có một tấm huy chương nào hết. May mà chú còn có cái thẻ thương binh hạng “út”. Số tiền còm cõi hằng tháng, đâu vài trăm ngàn, cộng với cái suất lương hưu non, dường như chú chẳng bận lòng nhớ đến, tất cả chú khoán trắng cho thím Hương, vợ chú nhận lãnh. Hầu như bạc vàng tiền nong chẳng có liên quan gì trong ý nghĩ hằng ngày của chú.

Chỉ có những vết thương trên người chú là chú nhớ hết, nhớ từ thời chống Pháp qua cả thời chống Mỹ. Nhớ từ đỉnh núi đến vực thẳm, nhớ đến từng củ sắn củ khoai, nhớ cả hoa hoang cỏ dại những vùng đất chú đã từng đi qua… Nhớ vanh vách, thuộc vanh vách. Nhưng quái lạ, chú lại chẳng nhớ gì về mình, cụ thể hơn chú chẳng thích kể gì về mình.

Sở dĩ chúng tôi gọi chú là “thi sĩ làng”, bởi vì trong cái cõi nhớ mênh mông của chú, thường xuất hiện những bài thơ chú hay đọc lên nửa chừng đan xen vào những câu chuyện lúc chú đang kể. Ví dụ như giờ đây, khi thuyền chúng tôi vừa đến đoạn ngã ba, nơi có nhánh rẽ vào dòng sông Bàu Rây, bất ngờ nhìn sông, chú Hoàng lại véo von lên bài thơ “Sông Lấp” của cụ Tú Xương.

Đọc chưa xong bài thơ chú đã lý giải, rồi cả bình thơ. Nhiều khi trông chú Hoàng đạo mạo như một vị thầy đang giảng văn học cho lũ chúng tôi nghe. Cũng có lúc chú Hoàng đọc những bài thơ do chính chú làm ra. Những bài thơ không hề xuất hiện trên mặt bất cứ một tờ báo nào. Hình như chú làm thơ là để lấp vào cái khoảng trống vắng nào đó xuất hiện. Cũng có lúc, tự dưng chú cần chúng tôi, và chạy táo tác đi tìm. Phải gặp, phải nói chuyện, phải kể lể một điều gì đó mà chú vừa khám phá ra một cách bất ngờ. Có thể đó là một nỗi đau của người mẹ mất con, cô đơn cơ nhỡ mà chú gặp, cũng có thể là một câu chuyện nào đấy bất công xảy ra giữa đời thường chạm vào lòng trắc ẩn của chú…

Những lúc như thế, lỡ chúng tôi vì một công việc phải đi vắng, chú Hoàng buồn bã ra mặt. Chú đi lang thang dọc bờ sông hay trên những quả đồi ven làng, nói thầm thì một mình như gởi vào sông nước cỏ cây cho vơi bớt nỗi buồn.

- Hình như có một lần chú đã cõng một cô gái, ai thế nhỉ? – Thôi cứ ví như là Hương, bà xã của chú cũng được. Chú Hoàng lại chợt nhớ một chuyện xảy ra trên dòng “sông Lấp Bàu Rây” và kể cho chúng tôi nghe - Chú cõng cô gái ấy chạy băng qua rừng tre này, đạn địch veo véo bên tai. Máu nóng chảy ròng trên lưng, không biết từ vết thương của chú hay là của Hương. Mặc cho tiếng cô gái léo nhéo bên tai: “Anh bỏ em xuống đây, chạy đi, chết một mình em thôi”. “Chết thế quái nào được”. Chú nói với Hương như đùa, đôi chân tưởng như bay trên gai góc.

Cứ như thế, vừa chạy chú vừa đùa với súng nổ vây quanh - Thế giới mà những kẻ yêu nhau chết hết, họa chỉ còn lại quỷ ma thôi à”. Vậy mà chú và cô gái tình cờ gặp nhau trên đường công tác, rồi bị thương giữa vòng vây giặc vẫn vượt được qua lửa đạn. Cái vết thẹo từ vết thương ấy đã thành một kỷ niệm. Chú Hoàng kéo áo cho chúng tôi xem vết thẹo trên vai. Đó là vết thẹo mà chú đặt tên khá khôi hài là vết: “Dại gái”. Đây là tên gọi mà sau này thím Hương – bà xã của chú thường gọi đùa, lâu rồi thành quen luôn.

- Thế còn vết này? Quân, bạn tôi chỉ tay vào cái vệt đỏ hỏn không mọc một sợi tóc nào nằm bên hộp sọ của chú.

- Đây là vết “Niềm tin”. Lần ấy, sau đêm tấn công vào một đồn giặc, cả đơn vị rút ra qua bên kia sông thì trời sáng, chỉ còn chú bị kẹt lại nằm trên bờ sông với một vết thương trên đầu. Cái chết cầm chắc trong tay vì địch tràn tới chung quanh. Đang lúc đó, có một bàn tay từ dưới bờ sông nắm bàn chân chú giật giật ra hiệu. Nhìn xuống, chú thấy một chiếc bóng thoáng nhanh chui vào đường cống nước chảy ra sông. Thế là chú lăn ùm xuống nước rồi lần vào miệng cống theo bóng người dẫn đường. Bò và bò suốt. Cho đến khi chú lịm đi mê man vào lúc nào không hay biết.

Khi tỉnh dậy, chú thấy mình nằm trong một cái trại chứa đầy rác rưởi. Bên cạnh chú, một bà già ốm o, chỉ có gương mặt phúc hậu và đầu tóc bạc trắng như một bà tiên trong chuyện cổ tích. Chú cầm tay bà run run gọi mẹ, nhưng bà ra dấu lặng thinh. Thì ra, đó là một người mẹ già câm điếc neo đơn, mẹ sống bằng nghề nhặt rác.

Chú cũng chẳng biết bằng cách “nhiệm mầu” gì mà bà mẹ ấy đã đưa được chú về nơi đây che giấu - Hình như, khi con người thực lòng yêu thương một con người, thì sức mạnh của phép mầu sẽ xuất hiện. Sau một thời gian chữa thương nhờ vào thuốc thang của bà mẹ ấy mua đem về, chú dần dần khôi phục sức khỏe. Rồi một đêm, chú từ biệt người mẹ câm vĩ đại ấy trở ra vùng giải phóng. Đêm chia tay, hai mẹ con chú khóc như ngày xưa ở quê nhà mẹ chú khóc tiễn chú ra đi.

Sau ngày hòa bình, chú có vào thành phố tìm lại chỗ bãi rác ngày xưa, nhưng tất cả không còn dấu vết. Hồi đó đã có lần chú ra dấu, hỏi tên mẹ để ngày sau còn mong gặp lại. Có thể mẹ đã hiểu ý chú, nhưng mẹ cứ chỉ trời chỉ đất, chỉ vào sông nước. Dường như bà nói rằng: “Trời đất núi sông sẽ ghi nhớ việc này, đừng bận lòng làm gì con trai của mẹ”. Dấu vết “Niềm tin” còn ấn sâu trên đầu chú đây là bằng chứng cho một giá trị tình yêu thiêng liêng nhất, để đêm đêm sờ tay lên đầu, chú tự xưng tội bởi những lỗi lầm nào đó lỡ dại xảy ra hằng ngày.

Cứ mỗi vết thương, chú Hoàng đặt một tên gọi. Trên khắp người chú, dấu vết thẹo ngang thẹo dọc lớn nhỏ đủ cỡ, đủ các tên gọi, như một tấm bản đồ thịt xương ghi rõ từng địa danh. Tôi chỉ tay vào cái miệng hơi méo của chú, hỏi dấu vết một vết thẹo như được khâu lại giống như dấu một vết dao cắt. Dù rằng đã có lần nghe chú kể, vẫn cứ thấy thích một cách kỳ lạ. Nó như một khoái cảm được tạo ra bởi những dòng hồi ký lạ lẫm được ghi chép lại trên da thịt của cả những vinh quang và cay đắng của một đời người. Hơn nữa, đang lúc ngồi trên thuyền, hành trình trên sông nước này mà nghe chú Hoàng kể chuyện xưa, có khi được nghe chú ngâm thơ mỗi lần ngẫu hứng xuất thần thì không còn gì thích bằng. Sờ tay vào khóe miệng của mình, chú Hoàng xuýt xoa kể lại:

- Chuyện này hơi kỳ cục, chẳng ăn nhằm gì tới kháng chiến. Dấu vết này tên gọi của nó là “Lưu đày”. Lần ấy chú bị bắt. Trong chiến tranh sống chết hoặc bị giặc bắt cũng là chuyện thường, có điều không bình thường là từ vết thẹo chó chết này đây. Các cháu biết không, chú là người rất mê thơ, nhất là thơ tình. Ôi chao là cái ông thi sĩ Hàn Mặc Tử, không biết hôm đó, ông nhập vào chú như thế nào mà giọng ngâm của chú thê thiết, mùi mẫn đến độ chú cũng không ngờ: “Mơ khách đường xa, khách đường xa”.

Chú “mơ” thì mặc xác chú, mắc mớ gì con vợ của thằng cai ngục có việc đi ngang qua lại đứng dán mắt vào hàng rào kẽm gai nghe ngóng. Nghe một lần chưa đã, nó lại nhiều lần đến gọi đích danh chú ngâm thơ cho nghe. Cái nghề thơ nó hay ngứa mồm kỳ lạ. Cứ nghe người ta khen, mà nhất là người đẹp khen thì hậu quả có khi xiêu thành đổ vách như chơi. Mà chú nào có biết nó là vợ thằng cai ngục. Đang lúc “buồn ngủ gặp chiếu manh”, nên chú “mơ” tiếp bao lần “khách đường xa”. Thế là trận đòn thù đánh ghen khốn nạn cũng nguy hiểm không kém gì những trận tra khảo của kẻ thù. Một vết thương như thế mà không gọi tên là vết “Lưu đày” thì gọi là vết gì đây hử các cháu?

Gió nồm thổi phần phật, cánh buồm no gió đẩy con thuyền lướt trên mặt sông nhắm hướng thượng nguồn mà tới. Chuyến đi này, Quân bảo với tôi phải nói bằng được chú Hoàng đi theo mới hy vọng tìm được mộ mẹ mình. Cũng đã có người can: “Ông Hoàng lùng khùng đó thì nhớ gì trên núi non mà đi tìm mộ”. Nhưng Quân thì nhất quyết: “Trên da thịt chú ấy là cả một tấm bản đồ đầy bí ẩn”, hỏi đến đâu chú nhớ đến đấy, nhất là từ cái vết thương mang tên gọi “Lời nguyền” trên ngực chú.

Lần ấy, chú Hoàng bị thương trong một trận đánh, tất cả mọi thương binh được đưa về ngang qua sông Bung, nơi mẹ của Quân và đơn vị vận tải đang làm nhiệm vụ chuyển thương binh qua sông. Nằm trên thuyền, chú Hoàng nhận ra người quen - mẹ của Quân. Người cùng quê gặp nhau trên đường xuôi ngược ra mặt trận không có gì hạnh phúc bằng. Còn bao nhiêu thức ăn uống bồi dưỡng đường, sữa, mẹ của Quân đã dành hết cho chú Hoàng. Nhưng thuyền vừa cập bờ Tây sông Bung thì từng đàn F.5 bay tới gầm rú trút bom kín cả đoạn sông. Nhiệm vụ cứu thương binh, những người lính vận tải đã hoàn thành, nhưng chính họ lại ngã xuống trên dòng sông đó. Chú Hoàng bảo:

- Hy vọng cái vết “Lời nguyền” này sẽ dẫn đường tìm lại bến sông Bung, và sẽ có cơ may tìm ra những mộ liệt sĩ ấy.

Ráng chiều đỏ ửng dọi xuống dòng sông, Đồng Chàm xanh um hiện ra trước mắt. Đây là ngã ba, nơi sông Cái và sông Bung gặp nhau. Thuyền chúng tôi rẽ tay phải hướng về phía sông Bung. Tôi vội hạ buồm xuống vì nơi này đoạn sông có nhiều thác. Cả ba chúng tôi cật lực chèo chống vượt thác Vòng Xoáy. Chú Hoàng bảo:

- Phải vượt luôn cả thác Đuôi Chồn trước lúc trời tối. Sẽ qua đêm tại đó và ngày mai tiến hành công việc tìm kiếm mộ, không những là mẹ của Quân mà còn bao nhiêu đồng đội khác nữa.

Qua khỏi thác Đuôi Chồn, dưới sự hướng dẫn của chú Hoàng, chúng tôi cho thuyền cập vào một cồn cát ven sông, kéo thuyền lên bờ, dựng trại và lo nấu cơm nước buổi tối.

Lần đầu tiên trong đời tôi ở lại với đêm Trường Sơn, lần đầu tiên nếm mùi tiếng chim “bắt cô trói cột” buồn bã từ vách núi vọng lại. Gió đại ngàn ào ạt thổi qua lao xao vô vàn những thanh âm của rừng thiêng. Tôi có cái cảm giác vừa run sợ vừa bồi hồi rạo rực háo hức. Ăn cơm tối xong, chúng tôi chất củi đốt và ngồi quanh đống lửa, ba khuôn mặt nhuộm màu lửa hồng như thấm phải một thứ men say của núi rừng. Bỗng chú Hoàng đột ngột vang lên: “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi…” nhưng Quân vội cắt ngang:

- Xin chú tạm ngừng “Tây tiến” một chút, lật “cái bản đồ” trên ngực chú ra cho cháu xem lại thêm lần nữa.

Chú Hoàng hơi sững người. Chợt chú vội vàng mở hết nút cởi phăng chiếc áo ra. Ngón tay chú chỉ vào vết thẹo dài trên ngực trái, đôi mắt chú buồn buồn vừa nhìn tôi và nhìn Quân vừa nói như trò chuyện với một giấc mơ:

- Từ vết “Lời nguyền” này đây, nhất quyết không thể đi sai đường đâu các cháu. Đừng lo gì cả, sông có ký ức đấy. Ký ức mọi dòng sông luôn luôn dẫn đường cho con người một cách chính xác. Ai nhớ sẽ được thấy, ai tin sẽ được gặp… “Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi…” !

NGUYỄN NHÃ TIÊN

.