Sáng tác
Mẹ kế
Bố tôi sắp lấy vợ. Chuyện này cũng bình thường. Đàn ông ở Dìn Sán này, hễ vợ chết là lấy vợ mới luôn. Không có vợ thì lấy ai đi nương, ai xay ngô, ai đồ mèn mén, ai thức đêm nấu rượu cho mà uống. Đàn ông nào cũng chẹp miệng một cái, phả một hơi thuốc lào mù mịt, nói thế.
Bố tôi thì khác. Mẹ tôi mất đã ba mùa gieo ngô, thu ngô, những bắp ngô mùa thứ ba đã bắt đầu bị mọt ăn, ông mới nói tới chuyện lấy vợ.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vợ mới người thôn Pao Mã Phìn, là y tá ở trạm xá xã. Y tá ở trạm xá xã chữa bệnh cho người thì ít, chữa cho trâu bò thì nhiều. Người ít ốm, trâu bò mùa đông thường hay lăn đùng ra giữa đêm. Hễ trâu bò lăn đùng ra người ta lại chạy đến trạm y tế, gọi y tá. Ban đầu y tá nói không biết chữa cho bò, chỉ biết chữa cho người thôi. Liền bị mắng: Người với bò thì khác gì nhau, đều ăn rau ăn cỏ. Ầy, nói thế biết thế. Không cãi.
Y tá xuống huyện, ôm về một đống sách. Trên sách toàn thấy tranh vẽ bò. Đọc hết đống sách vẽ bò, lại xuống huyện, vác về một thùng sắt bên trong đầy thuốc. Cả những ống tiêm to đùng.
Chữa được một con bò thì có con thứ hai, con thứ ba. Lâu lâu, người làng quen miệng gọi là y tá bò.
Bố tôi quen y tá cũng do một lần con bò mẹ nhà tôi đẻ. Chân con bê thò ra rồi nhưng cái thân vẫn mắc trong bụng, không sao ra được. Bố sai tôi chạy lên trạm xá xã gọi y tá. Y tá vừa chạy vừa lẩm bẩm: Đã đỡ đẻ cho bò bao giờ đâu cơ chứ. Biết làm thế nào đây? Làm thế nào đây hả?
Y tá chạy nhanh lắm. Tôi hổn hển chạy sau nhìn thấy hai cái chân nhỏ của y tá đi trong giày vải đạp trên cỏ ướt thoăn thoắt như chân thỏ.
Con bò mẹ đang kêu ò ò trong chuồng, bố tôi thì đứng nghệt bên cạnh, vỗ vỗ vào cái mông bò như thể bảo mày hãy cố lên bò. Tôi đứng nấp sau cánh cửa bếp, không dám nhìn ra chuồng bò. Chỉ nghe thấy tiếng cô y tá sai bố: lấy cái chậu, lấy cái dây thừng, lấy con dao, lấy cái đèn dầu... chả biết lấy những thứ đấy làm gì. Một hồi lâu thì tiếng bố tôi reo lên: Ra rồi. Uây, ra rồi. Xong rồi.
Y tá còn qua lại vài lần để xem con bò mẹ, con bê con thế nào. Lần nào cũng mang cho con bò mẹ vài bắp ngô tươi. Bố tôi cũng lên lên, xuống xuống trạm xá xã vài lần để lấy thuốc về tự tiêm phòng tụ huyết trùng cho bò.
Một tối, ăn cơm xong, đi một vòng kiểm tra chuồng bò, chuồng dê xong, bố bảo:
- Xây à, bố lấy vợ nhé!
Tôi đánh rơi con dao đang bóc sắn vào giữa đống vỏ sắn, cúi tìm mãi không thấy. Tôi đã đợi bố nói ra câu này từ ba năm trước, khi mẹ vừa bỏ tôi mà đi. Đợi mãi không thấy bố nói, tôi nghĩ chắc bố không cần lấy vợ nữa. Không có vợ trong nhà vẫn có mèn mén, vẫn có rượu uống, vẫn có cám cho lợn, thậm chí con bò cũng vẫn đẻ như thường. Những việc của đàn bà, bố làm được hết. Những việc bố không làm thì tôi làm.
- Đừng tìm dao nữa. Nó ở trong ấy thôi. Lấy con khác mà làm.
Tôi quên mất là mình vẫn đang vục tay trong đống vỏ sắn dưới chân, mặt vẫn cắm giữa hai đầu gối. Quên mất là bố vừa nói gì.
- Bố lấy vợ được không?
Bố hỏi, giọng buồn như cái lá rớt xuống từ lưng chừng trời không biết bay về đâu. Tôi đứng dậy, lấy đèn pin, bước ra ngoài.
Tôi sang nhà bà ngoại. Bà ngoại đang vá chài bắt cá bên bếp. Ánh lửa lấp lánh nhảy trong hai con mắt già nua.
- Không có việc gì làm hay sao mà đi chơi giờ này hử?
- Bảo có thì có, bảo không có thì không có thôi mà bà. Tôi cố cười, cầm cái cặp khều khều ngọn lửa đang cháy bùng bùng, bên trên là nồi cám lục bục sôi.
- Có chuyện gì thế?
- Không có gì đâu bà.
Bất giác tôi nhìn về phía căn buồng bên trái. Khi xưa, lúc chưa lấy bố, mẹ tôi ở trong căn buồng ấy. Cửa buồng che bằng mảnh vải hoa cúc nền đỏ, bên trên có tua bằng len. Khi mẹ tôi mất, ngày nào tôi cũng chạy về bà ngoại. Nhìn bà ngoại như nhìn thấy mẹ, chỉ là mẹ già hơn mà thôi. Bà ngoại thì nói, nhìn thấy tôi như nhìn thấy con gái, chỉ là con gái non hơn mà thôi.
Đêm, tôi ngủ với bà. Muộn lắm, đã tắt hết đèn thì bố tôi tới. Tôi nằm trong buồng với bà, nghe tiếng chân con chó chạy lách cách trên sân lát đá, biết là nó đang quẫy đuôi vì nhận ra người quen. Bố đứng ngoài cửa, nói với vào:
- Ngủ với bà, nhớ sáng mai dậy sớm đi học nhá!
Nói xong, bố quay lưng đi. Tiếng hai cánh cổng khép lại ken két. Ánh đèn pin loang loáng xa dần.
Bà ngoại vòng tay ôm lưng, sờ sờ mấy cái đốt xương gồ lên dưới áo. Bà ngoại vuốt tóc, ngửi tóc tôi. Nửa đêm về sáng, bà khóc, tôi khóc. Bà nhớ con gái bà, tôi nhớ mẹ tôi. Khi bà cho mẹ tôi đi lấy chồng, mẹ tôi cao hơn tôi bây giờ nửa cái đầu. Chỉ cao hơn thôi, chứ giống như hai cái lưỡi quà(*) cùng đúc một khuôn. Bà bảo thế.
Trước khi tôi ngủ thiếp đi còn nghe thấy bà nói: Ầy, bò đực thì phải có bò cái, không có bò cái thì hỏng bò đực mất. Nói xong, bà thở dài.
Rồi y tá về nhà tôi thật. Ngày y tá về, tôi không ở nhà. Cũng không ở nhà bà ngoại. Tôi sợ nhìn thấy bà ngoại lưng còng ngồi nhặt hạt đỗ ở góc sân, con chó nằm khoanh bên cạnh, mắt chó buồn, tiếng người hát cũng buồn: “Người không mẹ như tôi, mùa đông đến ăn cơm như ăn miếng cám, mặc quần mặc áo thì mặc miếng rách. Còn người có mẹ như cô em, ăn cơm thì ăn miếng trắng, mặc quần mặc áo thì mặc cái đẹp”.
Bà đang hát cho tôi, hát cho bà. Bà thương tôi, bà sợ mẹ kế đẩy tôi ra đường, bà thì già, rồi bà chết, lấy ai lo cho tôi.
Tôi cũng nghĩ thế. Bà già, bà chết thì lấy ai cho tôi chạy về ngủ một đêm, ngủ hai đêm, ngủ ba đêm?
Tôi ngồi ở đỉnh dốc. Nơi ngày xưa tôi hay ngồi chờ mẹ đi chợ về. Tôi nhận ra cái ô của mẹ ở rất xa. Mẹ mặc váy áo đẹp, buổi sáng dắt hai con dê đi, buổi chiều về đầy một lưng ngựa thồ. Trời tối dần, đến lúc gần không nhận ra mặt người thì mẹ và ngựa lên tới đỉnh dốc, ngựa đầy mồ hôi, người cũng đầy mồ hôi.
Cũng một phiên chợ như vậy, tôi ngồi chờ ở đỉnh dốc tới tối mịt, tới lúc chỉ còn nhìn thấy những viên đá xếp bên đường nhờ nhờ trắng, vẫn không thấy mẹ về. Và mẹ chỉ về khi không còn nói được nữa, mẹ mang theo cả đứa em trai sắp chào đời. Con ngựa thồ bị trượt chân trên mép vực, mẹ đã nắm cái đuôi nó, cố giữ nó lại. Làm sao mẹ có thể giữ được một con ngựa với một cái lưng đầy hàng đang trượt xuống vực sâu chứ? Con ngựa kéo cả mẹ rơi xuống, mẹ mắc vào một cái cây chìa ra bên mép vực...
Tôi không ăn cơm với mẹ kế. Đợi bố với mẹ kế ăn xong tôi mới ăn. Một bữa, hai bữa, mẹ kế cũng không ăn cơm. Cơm nấu xong, cứ để nguyên đấy. Bố tôi cũng không ăn nốt. Bà ngoại sang, nhìn ba người ngồi ba góc, nồi cơm đầy nguyên, bà khóc:
- Nếu biết mình chết đi mà làm người sống khổ thế này thì chắc nó không muốn chết đâu.
Mẹ kế chạy đến ôm lưng bà ngoại, vùi mặt vào lưng bà ngoại, vai rung lên.
Đêm, tôi không ngủ, tôi ngồi canh bếp. Tôi thổi cho lửa trong lò cháy thật to. Tôi gõ cái đũa đảo cám vào miệng chảo cành cạch. Tôi băm ngọn bí suốt đêm. Dao bập phầm phập xuống thớt. Băm đi băm lại, ngọn bí, lá bí nát nhừ. Lợn đang ngủ tôi khua dậy, tôi bắt phải ăn cám. Ăn hết để tôi còn lấy chảo nấu tiếp. Vừa băm dây bí tôi vừa lắng nghe tiếng thở dài của bố trên căn gác dành cho khách. Trong buồng của bố mẹ có tiếng khóc, tiếng khóc rất nhỏ, như nước chảy, như tiếng con chó con nhớ mẹ. Chó con nhớ mẹ thì cũng mặc kệ. Tôi cứ ngồi cạnh bếp. Ai muốn đi từ gác xuống, đi vào buồng, đều phải đi qua trước mặt tôi, đi qua cái thớt mà tôi đang băm dây bí phầm phập.
Sáng sớm, đến con chó còn đang ngủ vùi trong đống ngô khô, cả bố tôi, cả mẹ kế đều đã dậy. Họ có nhìn mặt tôi hay không tôi không biết, nhưng tôi thì không nhìn mặt họ. Họ mất ngủ, họ mệt, tôi cũng mất ngủ, tôi còn mệt hơn, vì tôi phải băm bí suốt đêm, nấu cám suốt đêm.
Tôi đeo túi vải đi học. Con chó lũn cũn chạy theo. Tôi đuổi:
- Về đi chó. Mày phải ở nhà trông cho tao chứ.
Nhưng con chó vẫn lũn cũn chạy theo. Ngày nào tôi đi học mà nó chả chạy theo. Tôi cúi xuống nhặt một hòn đá, ném con chó, vừa ném vừa đuổi. Nó chạy ngược một đoạn, lát sau, khi tôi vừa qua khúc ngoặt đã lại thấy nó thập thò ngay phía sau. Tôi thương con chó lắm. Nó giống tôi, nó sợ mẹ kế lấy mất chỗ của mẹ tôi trong nhà.
Ngồi trong lớp tôi không học được, chữ chạy hết bên ngoài tai. Tôi nghĩ, tôi không thể đêm nào cũng ngồi băm bí. Mà tôi băm bí được ban đêm chứ không băm được ban ngày. Ban ngày tôi đi học, cái cánh cửa buồng lại mở ra đóng vào thì làm sao? Tôi đứng vụt dậy, đi ra khỏi lớp. Cô giáo gọi cũng không buồn trả lời. Tôi chạy về nhà, con chó chạy sau, cả người cả chó đều thở hồng hộc. Tôi xô cánh cổng, xô cửa, đứng ở gian giữa, hai đầu gối đập vào nhau bần bật. Tôi nhìn chằm chằm vào cái cánh cửa buồng đang đóng. Tôi ẩy lưng con chó. Ý tôi muốn bảo nó đẩy cánh cửa ra. Nhưng con chó lại không hiểu ý, chạy vọt ra ngoài. Tôi đứng trước cánh cửa, nửa muốn đẩy ra thật mạnh, nửa sợ hãi phải chứng kiến cái thứ mà mình đang nghĩ tới. Cánh cửa vẫn đóng im ỉm, trong nhà ngoài nhà đều im thin thít, trừ tiếng gà đang cục tác ngoài sân.
Tôi đứng đó rất lâu. Cánh cửa gỗ nặng nề vẫn khép chặt.
Tôi nghĩ, nếu tôi có một đứa em thì sao? Nếu nó là em trai, chắc chắn bố tôi vui lắm. Ông nội tôi chỉ có hai con trai, bác tôi đã mất, để lại toàn con gái. Bố mẹ tôi mới chỉ có mình tôi thì mẹ tôi mất.
Nếu nó là em gái. Một đứa em gái da trắng như da mẹ kế. Má hồng như má mẹ kế. Răng trắng như răng mẹ kế. Eo nhỏ xíu như eo mẹ kế... Tiếng hát buồn bã của bà ngoại lại văng vẳng bên tai: “Người không mẹ như tôi, mùa đông đến ăn cơm như ăn miếng cám, mặc quần mặc áo thì mặc miếng rách. Còn người có mẹ như cô em, ăn cơm thì ăn miếng trắng, mặc quần mặc áo thì mặc cái đẹp”.
Tôi ngủ gục bên cánh cửa lúc nào không biết. Tôi đã băm bí suốt đêm, tôi buồn ngủ lắm, chỉ có tôi là không biết điều ấy.
Tôi tỉnh dậy vì có tiếng chân người chạy tới, tiếng chó sủa.
- Y tá ơi! Y tá đâu rồi? Con lợn nhà tao tự dưng lăn đùng ra, sùi bọt mép. Nó sắp chết rồi. Y tá đâu hả?
Người vừa gọi là một bà già, bà chạy xộc vào nhà. Tôi đưa tay chỉ vào cánh cửa. Bà già chạy tới, đẩy toang cánh cửa ra:
- Giờ này mà còn ngủ hả y tá kia?
Bà già dụi mắt, nhìn quanh căn buồng tối om. Làm gì có ai. Hả? Làm gì có ai! Vừa nói bà vừa nhảy qua bậu cửa ra sân.
Tôi đi ra sân. Trời hửng nắng. Giữa đông mà trời hửng nắng. Những bông lê trắng muốt vừa bật ra trên cành đang hứng lấy nắng. Cả con chó cũng nằm phơi bụng trên sân, thấy tôi, nó chỉ phe phẩy cái đuôi.
Tôi thấy như vừa trút được một gánh đá trên vai. Tôi đã ngủ gật ở cửa buồng. Thực ra không cần phải ngủ ở đấy.
Tôi ra chỗ những cây ngô khô chất thành một đống ở góc sân, dúi đầu vào đấy, ngủ tiếp.
Đêm, tôi lại thức băm bí. Hai đêm, ba đêm, năm đêm, tôi vẫn thức băm bí. Ban ngày ngủ gục trong đống cây ngô khô. Ngày mười mấy, hai mấy, không nhớ nữa, tôi bị con chó cắn gấu áo lôi dậy lúc trời đã tối mịt. Bố tôi đi ra sông đánh cá từ đêm hôm trước vẫn chưa về. Trong nhà, tiếng dao băm vào thớt ký cách vọng ra. Tôi đi vào nhà. Trước bếp lò, mẹ kế tôi đang băm bí. Bí đã hết, mẹ kế vẫn băm ký cách vào thớt. Những ngón tay hằng ngày tiêm cho bò, đỡ đẻ cho bò, gầy gò, đầy gân xanh, dính đầy vụn lá bí. Tôi muốn nói: Dù bây giờ mẹ kế có băm bí tối tôi vẫn băm tiếp. Tôi mặc kệ tiếng khóc như tiếng chó con nhớ mẹ, tôi mặc kệ tiếng thở dài như một chiếc lá lau. Tôi sẽ vẫn tiếp tục băm bí.
Có tiếng chân người huỳnh huỵch chạy tới.
- Xây ơi, Xây à! Ra sông mà xem bố mày...
Không kịp nghe hết, tôi chạy bổ ra cổng. Hai cánh cổng ken két đập vào nhau sau lưng. Tôi chạy, con chó chạy, mẹ kế chạy, theo hướng người làng đang rầm rập như đuổi thú dữ ra phía sông. Ánh đèn pin loang loáng.
Bố tôi quăng chài, chài mắc vào đá ngầm, ông lặn xuống gỡ, mãi không thấy lên. Người làng nói thế. Tôi chưa kịp nhìn rõ mặt nước dưới ánh đèn pin thì đã nghe bùm một tiếng. Ai đó gọi: Y tá! Y tá! Không tìm được đâu. Đừng xuống. Nước chảy xiết lắm, lạnh lắm!
Hai ba người nữa nhảy xuống theo, vừa để tìm bố tôi vừa để vớt y tá, tức mẹ kế tôi.
Sau một hồi vùng vẫy, họ lôi nhau lên. Tôi chạy đến, len qua đám đông, tôi thấy mẹ kế tôi áo váy ướt sũng, đầu tóc ướt sũng, mặt trắng bệch. Mẹ kế run run nói:
- Không thấy bố ở đấy. Bố không ở đấy, Xây à.
Tôi gục đầu vào ngực mẹ kế. Nghe tiếng khóc như vọng về từ đâu đó rất xa, nơi đầu con dốc có mấy viên đá trắng người ta đục đá làm đường lăn xuống.
ĐỖ BÍCH THÚY
(*) Lưỡi quà: Còn gọi là cái cuốc bướm – một loại nông cụ to bản giống như cánh bướm, dùng để làm cỏ, vạc bờ.