Sáng tác

Thơ

14:00, 28/08/2015 (GMT+7)

Trường ca “Con đường thức” viết về đoàn tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú vừa được trao giải nhì tại Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải tổ chức trong 2 năm 2014-2015.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Giao thông (28-8-1945 – 28-8-2015), ĐNCT giới thiệu trích đoạn trường ca đến bạn đọc.

Con đường thức

Bạn ơi!
Sau bốn mươi năm thống nhất
Sau bốn mươi năm nước nhà không còn chia cắt
Không còn chia cắt đất đai
Không còn chia cắt lòng người
Không còn cầu Hiền Lương gãy nhịp
Không còn gãy nhịp câu hò...
 
Bạn ơi!
Đà Nẵng pháo hoa
Sài Gòn duyệt binh
Từng khối đội hình
Trên đại lộ 30-4
Nhịp quân hành
Rập bước...
 
Xin bạn hãy nhớ về một con đường thức
Một con đường không dấu vết.
Không cột  mốc
Không đo chiều ngang bằng thước
Không đo chiều dài bằng kilômet bê-tông
Không dự án cộp dày bao con dấu
Không khảo sát bằng đo đạc
Không giải phóng mặt bằng.
 
Ở đây
Đường được đo bằng máu bằng xương
Bằng vô danh không còn hài cốt
Không tượng đài...
Biển vẫn thẳm như ngàn đời vẫn thẳm
Sóng bạc đầu như ngàn đời vẫn trắng
Muối vẫn mặn như ngàn đời vẫn mặn
 
Các anh
Những thủy thủ trên đoàn tàu không số
Gọi tên nhau bằng số
Những anh Hai, anh Ba, anh Năm Nam Bộ
Khăn rằn vắt vai
Rượu ly trong vắt...
Đó là con đường thức
Xuất phát từ đêm
Từ đêm mùa bão
Bão là tấm bình phong
Bão là tấm áo
Choàng các anh vào lòng...
Bất ngờ cơn mưa xích đạo
Thêm nước ngọt
Thêm màu mây, màu đất
Chiếc la bàn chỉ hướng Nam từ Bắc
Chỉ Nam của trái tim
Chỉ một con đường.
Tôi sinh năm 1959
Năm đó khai sinh con đường mòn trên biển
Khai sinh bến Nghiêng
Khai sinh tiểu đoàn sông Gianh
Khai sinh đoàn tàu không số
Không số khắc vào vỏ tàu
Không số trên hải trình
Nhưng số con tàu ra đi
Số con tàu không trở lại
Số đồng đội nằm dưới đáy biển xanh mãi mãi
Thì có thể làm sao quên!
 
Nước biển xót xa màu mực
Nước biển xót xa máu tươi
Nước biển xót xa mồ hôi
(Mồ hôi muối không mặn thêm được nữa)
Tôi sinh ra biển đã có rồi
Biển đã có trong bào thai nước ối
Tôi đã tập bơi từ trong bóng tối
Đến một ngày vỡ sóng khóc: Oa... oa...
Oa oa oa tiếng vỏ ốc tù và
Biển xoắn vào lòng
Lòng xoắn vào với ruột
Hạt muối nuôi tôi cũng trèo lên chạn bếp
Bồ hóng đêm thơm đậm vị trầu
Tát cạn lòng thuyền cũng chiếc mo cau
Sóng không ngã tay chèo
Sóng ngã vào lòng đất
Sóng chỉ ngã nơi mình mềm yếu nhất
Đến bạc đầu vẫn chưa tỏ nông, sâu...
Buồm nhận về mình thân phận nhuộm nâu
Người đốt lá hui thuyền cho chồng chềnh bớt lật
Tuổi thơ tôi bơi vào bao điệu hát
Buồm ngã xuống bình yên
Gấp nắng trả lại trời...
 
Tôi có biết đâu đêm 1959 mình sinh ra
Đêm trắng!
Đại tướng
Đứng trước bản đồ
Trắng đêm...
Những con đường rừng vắt qua Trường Sơn.
Những trọng điểm: Truông Bồn
Những hang Tám Cô
Ngã ba Đồng Lộc
Tiếng chuông thiêng còn vọng sóng đến giờ
Tuổi con gái thanh xuân hóa thân vào đất nước
 
Xin bạn hãy nhẹ tay khi vốc lên nắm đất
Vạt sim tím đồi kia như mảnh vải dù mới gấp
Hòn sỏi nhỏ kia như cúc áo vừa rơi...
Đại tướng bỗng bồi hồi
Nhớ trận Điện Biên năm xưa
Đường chênh vênh dốc núi
Hoa ban nở ngẩn ngơ
Trên mũ nan chùng lưới
Kéo pháo ra
Quyết định khó khăn nhất trong đời
Tiếng dương cầm rải nốt nhạc không lời
Người tính đến hy sinh từng người lính.
Giờ hạ thủy những con tàu
Chở vũ khí vào nam bằng con đường ngắn nhất
 
Ngắn nhất bởi con đường không cần mở bằng xe ben, bộc phá
Không mở bằng cuốc, choòng... những ta-luy độ âm,
độ dương
Không xẻ núi san đèo
Không bắc cầu qua bao miệng vực
 Không con gái thon mềm cả dốc
 Không áo ngụy trang cuối cùng là đất...
Ngắn nhất
Bởi mũi tàu xé sóng mà đi
Hành trang có gì đâu
Ngoài trái tim trong ngực
Bộc phá chờ nổ ém giữa khoang tàu
Cũng rộn nhịp trái tim
Ngắn nhất nụ xòe
Chạm vào kíp cháy...
Chiếc compa vạch một đường cong ngắn nhất
Kim la bàn hút vào Miền-Nam-Châm
Miền Nam dừa xanh.
Uống cạn trời mùa hạ
Cái màu xanh miên man cuối trời
Có thể là rừng đước Cà Mau
Có thể là rừng U Minh Tràm
Ong rủ rỉ rót mật vào giỏ nắng
Có thể là Vũng Rô
Núi choài ra biển
Có thể là Hòn Hèo
Lúc bấy giờ chưa  có đảo Phan Vinh...

Nguyễn Ngọc Phú

.